Hương chính chỉ nam Bộ tài liệu “tập huấn cơ sở” ở Nghệ An 100 năm trước

Thứ năm - 18/07/2024 03:57 0
“Hương chính chỉ nam” được Nhà in Mạc Đình Tân xuất bản năm 1926, tại Hà Nội. Với những thông tin mà tôi được biết, đây có lẽ là cuốn tài liệu để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ “tổng, lý, hào mục” đầu tiên ở nước ta. Nhận thấy tài liệu chứa đựng những nội dung phong phú, sinh động về chính trị, kinh tế, xã hội ở Nghệ An 100 năm trước, đồng thời là một mẫu hình biên soạn tài liệu “tập huấn cán bộ cơ sở”, mà cho đến nay vẫn cần thiết và có thể nghiên cứu học hỏi, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách này để bạn đọc tham khảo.
1. Về nguồn gốc cuốn sách
Trong những phần mở đầu cuốn sách đã cho biết, “Hương chính chỉ nam” được biên soạn trên cơ sở những bài giảng (thời bấy giờ gọi là “diễn thuyết”) của các hội viên Hội Quảng Tri Vinh, cho các đối tượng là chánh, phó tổng, chánh, phó lý trưởng và hào mục tỉnh Nghệ An “Các bài trong sách nầy là ước lược những bài diễn thuyết của các Ngài có tên sau nầy soạn ra mà giảng thuyết cho tổng lý, hào mục tỉnh Nghệ An tại Hội quán Hội Quảng Tri Vinh”.


Bìa sách Hương chính chỉ nam

Cho đến nay, chúng tôi chưa biết Hội Quảng Tri Vinh được thành lập từ bao giờ, chỉ biết đây là tổ chức dân lập, có chức năng quảng bá, phổ biến tri thức, tương tự như tổ chức Hội Trí Tri ở Hà Nội (thành lập năm 1892), hoặc hội Quảng Tri ở Huế (thành lập năm 1905). Vào thời điểm năm 1926, 1927 Hội Quảng Tri Vinh là tổ chức tập hợp các trí thức hàng đầu ở đô thị Vinh và tỉnh Nghệ An, do nhà giáo Lê Thước, Đốc học trường Tiểu học Pháp Việt - Vinh làm hội trưởng. Ngoài các hoạt động quảng bá tri thức, cổ vũ giáo dục, Hội cũng đã có nhiều hoạt động yêu nước, như chủ trì đón tiếp cụ Phan Bội Châu về thăm quê (1926), đón cụ Huỳnh Thúc Kháng thăm Vinh (1927); tổ chức tang lễ cụ Phan Chu Trinh (1926)…
Qua phần giới thiệu sơ bộ trên đây cho thấy, trước sau năm 1926, Hội Quảng Tri Vinh đã tổ chức các lớp học để đào tạo kiến thức, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ chánh tổng, phó chánh tổng, lý trưởng, phó lý trưởng và thân hào tỉnh Nghệ An. Có thể đây là sáng kiến của Hội Quảng Tri, hoặc là yêu cầu của chính quyền, đề nghị Hội Quảng Tri đứng ra tổ chức các lớp học này. Những năm 1920 - 1930 Nghệ An có 70 tổng, và 918 làng - xã(1), tính ra đối tượng của chương trình đào tạo, bồi dưỡng này phải đến hàng nghìn người. Nếu không đào tạo, bồi dưỡng cho tất cả hàng nghìn người đó, thì chắc chắn Hội Quảng Tri cũng đã phải tổ chức nhiều lớp học khác nhau. Chương trình các khóa đào tạo, bồi dưỡng này có 30 “bài”, từ đó cũng có thể hình dung thời gian cho mỗi khóa chí ít cũng phải vài ba tuần.
Danh sách 30 người tham gia giảng dạy và biên soạn cuốn sách cho thấy, đó là những trí thức hàng đầu ở Vinh và Nghệ An, trong đó:
- Quan đầu tỉnh: có Bố chánh Nghệ An Nguyễn Đình Tiến và Án sát Nghệ An Nguyễn Khắc Niêm; 4 người là giáo học ở các trường Tiểu học Pháp - Việt và Quốc học Vinh, (như các nhà giáo nổi tiếng: Lê Thước, Nguyễn Hiệt Chi…); 4 người là viên chức của Tòa Công sứ Vinh (như Tham tá Lê Thiện Thuật, Phán sự Cung Quang Địch…); 1 bác sỹ ở Bệnh viện Vinh (bác sỹ Đặng Dư); 1 kỹ sư chuyên về tằm (Kỹ sư Louit Mazei); 3 quan chức là tri phủ, tri huyện (như Hà Thúc Tuân, nguyên Tri phủ Hưng Nguyên; Nguyễn Khoa Nghi, Tri phủ Diễn Châu…). Còn lại là các quan chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, như thương tá, canh nông, thú y, binh chánh, dây thép (bưu điện), kho bạc, công chánh, kiểm lâm…


Danh sách tác giả có bài giảng in trong sách

Các quan chức, viên chức này được mời giảng dạy những nội dung phù hợp với chuyên môn và công việc mà họ đang làm. Cho nên, tuy từng bài cụ thể không nêu tên ai biên soạn và trình bày, nhưng cũng có thể suy đoán chính xác tác giả. Căn cứ vào “Lời dặn” đầu sách “Công việc mới phôi thai, chắc khuyết điểm hãy còn nhiều, mong rằng độc giả xem ra có gì nên thêm bớt, xin làm ơn viết thư cho ông Lê Thước biết, để khi tái xuất bản, tùy nghi sửa đổi cho quyển sách này thêm hoàn bị, thêm bổ ích”, có thể xác định nhà giáo Lê Thước là chủ biên, hoặc là người tổ chức nội dung cuốn sách này. Vị trí đó cũng phù hợp với chức danh Hội trưởng Hội Quảng Tri Vinh, đơn vị đứng ra tổ chức các khóa học này. Ngoài ra còn có hai người khác được ghi danh là “biên tập” của cuốn sách, đó là Thái Cửu và Hà Huy Chương, đều là trợ giáo của trường Tiểu học Pháp - Việt.
Cuốn sách đã được Công sứ Nghệ An là Yves Châtel và Tổng đốc Nghệ An Tôn Thất Đàn đồng ký lời tựa bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch ra tiếng Việt. Lời tựa cũng nói rõ nguồn gốc và mục đích của Hương chính chỉ nam: “Trước là cảm ơn các ông đã giúp chúng tôi bày ra cuộc diễn thuyết cho hào mục, khiến cho những người được dự nghe đều hoan     nghinh và ước ao những bài diễn thuyết đó sẽ tập thành một quyển sách để ban bố cho công chúng; sau là cảm ơn các công đã chịu khó mà ước lược những bài diễn thuyết ấy thành quyển sách nầy”.
2. Về nội dung cuốn sách
Là cuốn tài liệu “tập huấn cán bộ cơ sở”, nên Hương chính chỉ nam đề cập hầu khắp các lĩnh vực quan thiết từ chính trị, văn hóa, kinh tế đến an ninh trật tự, y tế, môi trường…, mà đội ngũ lý hào ở làng - xã phải thường xuyên đối mặt và xử lý. Bao gồm những nội dung chính sau đây:
a. Những vấn đề của làng xã và công việc của hương chức ở làng xã
Nội dung này có 13 bài:
- Thể lệ thiết lập xã thôn: Bài này sau khi nêu định nghĩa ngắn gọn về làng đã đề cập đến hai cách thiết lập xã thôn là “Lập ấp” và “Biệt triện”.
- Chức trách lý hào: Bài này nêu về cách tuyển cử lý trưởng và các hương chức; chức năng nhiệm vụ của lý trưởng, phó lý. Đồng thời, cũng nêu rõ chức trách nhiệm vụ của ngũ hương, bao gồm: Hương bộ (giữ sổ sách đinh, điền, sinh, tử, hôn thú, khoán ước…); Hương bản (giữ tiền công quỹ của làng); Hương kiểm (coi việc cảnh sát, an ninh trật tự trong làng); Hương mục (coi sóc các công trình cầu cống, đường sá… trong làng); Hương dịch (là người làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong làng).



- Phong tục trong làng: Nêu những vấn đề căn cốt về văn hóa trong làng, như việc tang, hôn thú, khao vọng, tôn ti trật tự trong làng; khoán ước của làng; những tệ nạn cần tránh…
- Sổ sinh, tử, hôn thú: Nội dung và cách ghi các quản lý sổ ghi chép về sinh, tử, hôn thú trong làng.
- Việc lĩnh giấy căn cước: Ích lợi và cách thức làm giấy căn cước.
- Vệ sinh ở chốn hương thôn: Về vệ sinh môi trường ở hương thôn, như đường sá, nước uống, mồ mả, nhà vệ sinh, ghét rác…
- Xã thương: Lợi ích và cách lập kho lúa, hoặc quỹ tiền chung của làng đề phòng rủi ro, hoạn nạn.
- Thu chi bộ: Nội dung và cách lập, cách ghi chép, quản lý sổ thu chi quỹ công của làng.
- Công điền thổ: Cách quản lý đất và ruộng công của làng.
- Địa bộ và công việc đạc điền: Cách đo đạc và lập sổ ruộng đất, cũng như quản lý đất đai ở làng xã. Ở đây đã đề cập cách khảo sát, lập bản đồ ruộng đất bằng máy bay “gần đây, nhà nước mới đặt ra sở đạc điền bằng tàu bay và lập địa bộ mới, để thay địa bộ cũ của các xã thôn”.
- Đinh, điền, sưu, thuế và công ích, tư ích: Nói về thuế đinh, thuế điền, nghĩa vụ công ích, tư ích của tráng đinh trong làng.
- Phép đo, cân, lường, Tây, Nam: Nói về các đơn vị đo lường theo phép đo của Tây và Nam. Khuyến cáo nên dùng phép đo của Tây vì chính xác hơn.
- Việc cảnh sát và việc hình án: Nói về công tác giữ gìn an ninh trật tự trong làng như chọn người làm hương kiểm và tuần đinh; cách lập điếm canh; cách tuần tra trong làng, ngoài đồng; cách xử lý các trường hợp vi phạm an ninh trật tự trong làng…
b. Những vấn đề về chế độ chính trị và hệ thống chính trị
Đây là những vấn đề về chính trị rất cơ bản, Hương chính chỉ nam chỉ trình bày vắn tắt một số nội dung thiết yếu, như:
- Tòa án Tây đối với Nam dân: Nói về cách xử án ở Trung kỳ, trường hợp nào thì Tòa án Tây xử án đối với người Nam. Chức năng, quyền hạn của Tòa án Vinh.
- Tổng, huyện, phủ, tỉnh - tòa: Nêu hệ thống chính quyền các cấp trên của làng xã, bao gồm tổng, huyện, phủ, tỉnh. Đồng thời lưu ý tòa, là Tòa Công sứ của nhà nước Bảo hộ Pháp đặt ở mỗi tỉnh.
- Hội đồng tỉnh hạt và Hội đồng tư vấn: Nói về các tổ chức đại diện cho dân ở Trung kỳ, bao gồm Hội đồng tỉnh hạt (ở cấp tỉnh) và Hội đồng tư vấn Trung kỳ (sau này là Viện Dân biểu Trung kỳ). Trong đó nói rõ chức năng, thẩm quyền, các thành phần đại biểu và cách thức bầu cử ở các cơ quan đại diện tỉnh và Trung kỳ.
c. Những vấn đề về kinh tế, dân sinh
Hương chính chỉ nam có một số bài giảng về kinh tế, dân sinh theo hướng thiết thực, gia dụng. Trong đó đáng lưu ý:
- Lệ lập chợ: Viết về chợ và cách lập chợ, cách xây dựng chợ, cách quản lý chợ ở làng xã.
- Hội chợ Hà Nội và đấu xảo canh nông: Giới thiệu về hội chợ và Hội chợ Hà Nội là hội chợ lớn nhất Đông Dương. Chính sách của nhà nước khuyến khích đưa hàng đi hội chợ hoặc tham gia đấu xảo canh nông.
- Thuế hoa lợi và vay bạc ngân hàng: Giải thích thế nào là ngân hàng. Cách cho vay tiền của ngân hàng và cách khách hàng vay tiền.
- Nông chánh: Đây là nội dung bài giảng về nông nghiệp, bắt đầu từ đất trồng cây, đến nông cụ (nông khí), phân bón, cách trồng thay đổi, cách chọn giống…
- Nghề nuôi tằm: Nói về lợi ích của nghề nuôi tằm, đặc tính của con tằm và cách thức nuôi tằm, từ làm nhà tằm, đến cách chọn giống tằm, cách cho tằm ăn, cách rải tằm và hớt tằm, cách ươm tơ, bệnh của tằm và cách chữa bệnh cho tằm…
- Kho bạc: Bài này nêu bản chất và cách hoạt động thu vào, phát ra của kho bạc nhà nước. Cách thu một số loại thuế như môn bài, thuế xe tại kho bạc. Cách phát hành giấy bạc, quốc trái, cách dùng tem và giấy tín chỉ…
- Thương chánh: Viết về chức năng và hoạt động của cơ quan và viên chức thương chánh, một cơ quan tương tự như quản lý thị trường và thuế hiện nay. Bổn phận của tổng lý đối với hoạt động của thương chánh. Nêu các khoản thuế thương chánh, như thuế xuất nhập cảng, thuế thuyền, thuế ngoại ngạch (tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với thuốc lá, thuốc lào, muối, rượu, diêm, thuốc phiện, dầu hỏa, dầu mỏ, pháo, bài lá)…
- Bưu chánh: Hướng dẫn những kỹ năng cơ bản về bưu điện, như gửi thư, danh thiếp, măng đa (phiếu gửi tiền), gửi hàng, điện tín, cách gọi điện thoại và giá cả…
- Lâm chánh: Nói về lâm nghiệp và chức trách của kiểm lâm, trách nhiệm của lý hào trong việc phối hợp với cơ quan lâm chánh để bảo vệ rừng. Bài giảng cũng đề cập về quản lý các loại rừng; quy định pháp luật về khai thác gỗ và lâm sản; quyền và nghĩa vụ của dân ở vùng có rừng…
- Công chánh và hỏa xa: “Công chánh là tòa trông coi những công tác như kiến trúc dinh thự, chỉnh đốn đạo lộ kiều lương, mở mang thị tỉnh kinh thành, thu xếp dưới thuyền trên bến, cùng là dẫn thủy nhập điền hay là tu đê trị thủy…”. Bài giảng này chủ yếu tập trung về giao thông bộ và thủy. Phân loại và điểm qua hiện trạng các đường giao thông thủy, bộ trong tỉnh. Hướng dẫn cách đi, chi phí khi đi đường thủy, đường bộ, đường sắt giữa các địa phương... Bài giảng cũng nêu những công việc phải làm để bảo vệ hệ thống giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.
- Công cuộc y tế: Đây là bài giảng về hệ thống và chế độ hoạt động của y tế công, do nhà nước đầu tư. Theo đó, tại thời điểm năm 1926, toàn tỉnh Nghệ An có 1 nhà thương lớn ở Vinh và 4 nhà thương nhỏ ở Phủ Diễn, Phủ Anh Sơn, Phủ Quỳ và huyện Nghĩa Đàn. Bài phân tích các chế độ chữa bệnh, cách thức khám và chữa bệnh tại bệnh viện công, các bệnh phổ biến ở địa phương và cách phòng tránh. Bài cũng nói về cách hộ sinh, đỡ đẻ, việc nhà nước đào tạo miễn phí và trợ cấp cho các bà mụ đỡ đẻ.
- Thú y - cách nuôi súc vật - lò mổ: Bài giảng về công tác phòng, chữa bệnh cho các vật nuôi. Đặc biệt nói khá chi tiết về các dịch bệnh phổ biến, nguy hiểm ở gia súc, gia cầm. Cách phòng chống và quản lý dịch bệnh. Phần cuối nói về cách nuôi động vật. Bài giảng cũng có nội dung về lò mổ và cách quản lý giết mổ với những quy định rất chặt chẽ.
- Việc học chánh: Đây là bài giảng về giáo dục theo tân học. Trong đó nói về hệ thống giáo dục các cấp, cách tổ chức trường lớp. Theo đó, tại thời điểm năm 1926, toàn tỉnh có 40 trường, trong đó có 23 trường công và 17 trường dân lập. Đặc biệt, bài giảng nhấn mạnh nghĩa vụ của tổng lý, hào mục đối với sự nghiệp giáo dục ở làng xã, trong đó biểu dương một ba vị hào lý đã bỏ tiền riêng lập trường công cho con em trong làng xã theo học.
3. Về cách thức biên soạn cuốn sách
Là một bộ tài liệu để huấn luyện cho đội ngũ tổng lý, hào mục ở làng xã, ngoài ra cũng để phổ biến những kiến thức cơ bản cho dân chúng, cho nên Hương chính chỉ nam được biên soạn theo hướng gia dụng, thiết thực, “cầm tay chỉ việc”.
Trước hết, về nội dung cuốn sách lựa chọn những vấn đề cốt yếu, là những nội dung quan thiết đến đời sống làng xã và công việc hàng ngày của hương chức. Tất cả các bài giảng đều không đi sâu vào lý luận, những khái niệm khó về chính trị, văn hóa, pháp luật cũng được giải nghĩa một cách đơn giản, dễ hiểu, rồi đi thẳng vào các vấn đề thường gặp và cách xử lý trên thực tế. Ngoài giảng giải ngắn gọn về lý luận, hoặc các vấn đề về chính trị, văn hóa, pháp luật, chuyên môn…, các bài giảng thường tập trung vào những hướng dẫn về kỹ năng, theo kiểu “cầm tay chỉ việc” là chủ yếu. Trong đó, có những kỹ năng rất cụ thể, như cách viết phong bì thư, cách mua vé tàu hỏa, cách khám bệnh ở bệnh viện công, thủ tục để xin lập chợ…
Về văn phong và cách trình bày. Ngay “Lời dặn” đầu sách đã viết rõ: “Chủ ý quyển sách này là cốt để tóm tắt những điều thường thức thuộc về nghĩa vụ và quyền lợi của dân đối với làng nước. Vì muốn cho ai nấy cũng hiểu được, nên lời văn cần phải bình dị, giản ước, phàm các lối cao kỳ, các điều khó hiểu, nhất thiết không nói, không bàn đến”.
Rõ ràng, với trình độ của tầng lớp tổng lý, hào mục ở địa phương lúc bấy giờ đa phần chỉ là biết đọc, biết viết, cao lắm cũng mới chỉ học ở cấp tiểu học, thì cách lựa chọn nội dung và cách diễn đạt của bộ tài liệu này là rất phù hợp. Chưa kể, khi xuất bản, cuốn sách được biên soạn theo kiểu này cũng thuận lợi hơn khi tiếp cận dân chúng, vốn nếu biết chữ thì cũng đang ở trình độ rất thấp.
Sau 100 năm, Hương chính chỉ nam không chỉ cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng, sinh động, đáng tin cậy, giúp hình dung mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đương thời, mà loại trừ những khác biệt về chính trị, còn là một mẫu hình về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ “cán bộ cơ sở” đáng được tham khảo.
Chú thích
1. Theo Địa dư tỉnh Nghệ An của Đào Đăng Hy, 1938.

 

Phạm Xuân Cần

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây