Kết quả hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 và giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022

Thứ hai - 31/01/2022 21:49 0
Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi quốc gia trên thế giới. Trong nước, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước tình hình đó, với sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Trong tỉnh được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động hiệu quả các nguồn lực, tận dụng kịp thời và tối đa cơ hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó, kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An trong năm 2021 tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Nhất là hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 3,42 tỷ USD, tăng 52,41% so với cùng kỳ. Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.657 tỷ đồng, tăng thêm 55 tỷ đồng so với ước thực hiện đã báo cáo HĐND tỉnh, bằng 132,4% dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh và bằng 140,5% so với cùng kỳ năm 2020.
1. Kết quả hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021
1.1. Hoạt động Xuất khẩu
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,43 tỷ USD, tăng 60,77% so với năm 2020, đạt và vượt 102,5% so với chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó: xuất khẩu hàng hóa đạt 2,11 tỷ USD, tăng 76,04%, vượt 132,2% kế hoạch năm. Thu ngoại tệ từ du lịch và xuất khẩu lao động đạt 315 triệu USD, tăng 1,6% so với năm trước.
Về mặt hàng xuất khẩu: Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, như: Tôn, thép các loại đạt 514 triệu USD, tăng 157% so với cùng kỳ năm trước; Xi măng đạt 195,8 triệu USD, tăng 17,8%; Hàng dệt may đạt 410,7 triệu USD, tăng 38,1%; Linh kiện điện tử đạt 335,8 triệu USD, tăng gấp hơn 17 lần so với năm 2020; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 184,8 triệu USD, tăng 30,3%; Hàng thủy sản đạt 75 triệu USD, tăng 66,7%; Sắn và sản phẩm sắn các loại đạt 46,2 triệu USD, tăng 42% so với năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến ngày càng tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như chè khô, nước hoa quả chế biến.

Về thị trường xuất khẩu: Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó kim ngạch một số thị trường chủ yếu gồm: Trung Quốc đạt 504,7 triệu USD, Hồng Kông đạt 261 triệu USD, Hàn Quốc đạt 246 triệu USD, Hoa Kỳ đạt 196,9 triệu USD, Thụy Sỹ đạt 170,7 triệu USD, Đài Loan đạt 129,5 triệu USD, Nhật Bản đạt 79,5 triệu USD,.... Một số thị trường xuất khẩu mới trong năm như: Đông Timor, Sierra Leone, Burundi, Marshall Islands, Luxembourg.
Về doanh nghiệp xuất khẩu: năm 2021 đã có 270 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm 188 doanh nghiệp nội tỉnh và 82 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An. Số lượng doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 63% (khoảng 170 doanh nghiệp), chiếm khoảng trên 80% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Số còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đơn thuần, phụ thuộc nguồn hàng trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê, có 12 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 30 triệu USD, 19 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD; 32 doanh nghiệp đạt mức kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên. Một số doanh nghiệp tiêu biểu có tham gia hoạt động xuất khẩu thường xuyên và đạt kim ngạch khá (trên 30 triệu USD): Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Hoa Sen, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Merry&Luxshare Việt Nam và LUXSHARE - ICT (Nghệ An), Công ty CP May Minh Anh Đô Lương, May Minh Anh - Kim Liên, Công ty TNHH Kido Vinh, Công ty TNHH Em Tech Việt Nam Vinh, Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm thủy sản Xuri Việt Trung, Công ty CP Nafoods Group.

1.2. Hoạt động nhập khẩu
Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 994,2 triệu USD, tăng 35,26% so với năm 2020. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, da giày, Linh kiện điện tử, Xăng dầu, Máy móc, thiết bị, Thép các loại, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khác,.... Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng nhờ sự mở rộng của các lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất.
Về thị trường nhập khẩu: Năm 2021, các doanh nghiệp Nghệ An đã nhập khẩu từ hơn 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó các thị trường chủ yếu gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản,…
Về doanh nghiệp nhập khẩu: Trong năm 2021 có trên 130 doanh nghiệp tham gia hoạt động nhập khẩu, chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, xăng dầu, thép các loại, hạt nhựa,.… phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu. Trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp nhập khẩu đạt kim ngạch trên 10 triệu USD.
1.3 Công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu:
Thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và PTNT các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật về thị trường, chính sách, rào cản thương mại, các chính sách hỗ trợ,... cho các doanh nghiệp đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid 19 bùng phát, giúp cho doanh nghiệp có kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp; Phối hợp tổ chức các Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến, Hội chợ trực tuyến,...; tổ chức tuyên truyền bằng hình thức hội nghị, hội thảo, chuyên đề truyền hình... về các hiệp định EVFTA, CPTPP, quy tắc xuất xứ hàng hóa, kỹ năng tìm kiếm thị trường... cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị người dân; xây dựng Chuyên trang Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Nghệ An (https://ngheanhoinhap.com) nhằm cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về chính sách, thị trường, doanh nghiệp ... phục vụ cho công tác quản lý, doanh nghiệp và người dân.
 Phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan và các doanh nghiệp để có số liệu sát thực nhất về tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, xây dựng được hệ thống báo cáo số liệu sử dụng một cách có logic, thuận lợi trong việc tra cứu, đặc biệt khi có yêu cầu thông tin đột xuất trong công tác chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương.
 Thông báo kịp thời và hướng dẫn đầy đủ đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền về những nội dung mới, các hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh, các kế hoạch, chương trình về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ, các Hiệp định mà Việt Nam mới ký kết, có hiệu lực.
           Thực hiện tốt nhiệm vụ được uỷ quyền cấp Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu cho các doanh nghiệp khu vực Nghệ An. Mặc dù kiêm nhiệm, nhưng cán bộ phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, hướng dẫn tận tình cho doanh nghiệp trong mọi vấn đề về thủ tục, tiến hành công việc nhanh chóng, phần lớn số hồ sơ được giải quyết hết trong buổi hoặc trong ngày, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
2. Giải  pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu năm 2022
Năm 2022 là năm thứ hai tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trước tình hình kiểm soát dịch bệnh và thích ứng linh hoạt sản xuất tại các địa phương trên cả nước như hiện nay cùng với với những thuận lợi từ các FTA mang lại, sức mua và tổng cầu trong nước tăng, tăng trưởng của đầu tư cũng như sự bứt phá của khu vực FDI sẽ là những động lực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2022 tiếp tục tăng trưởng khả quan, ước đạt 544,8 triệu USD, tăng 28,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2021 gồm: Hàng dệt may tăng 49,5%; Thiết bị, linh kiện điện tử tăng 123%, hạt phụ gia nhựa tăng 32,5%; Dăm gỗ tăng 51,5%; Xơ sợi dệt các loại tăng 38,2%; Nhóm nhựa thông, tùng hương tăng 112,4%; Chè tăng 164%.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: Việc bội chi ngân sách cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn,… Ý thức trách nhiệm và năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ công chức còn nhiều bất cập. Thường xuyên phải ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đối phó với những âm mưu thủ đoạn nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 2,35 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,0 tỷ USD; thu ngoại tệ từ du lịch và xuất khẩu lao động đạt 350 triệu USD.


2. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2022; phấn đấu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá bình quân 27,2%/năm giai đoạn 2021-2025 và đạt 4,0 tỷ USD vào năm 2025 như mục tiêu Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động động kết nối cung cầu xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, tổ chức các đoàn kết nối giao thương... nhằm tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, tránh phụ thuộc vào một thị trường để hạn chế rủi ro. Phấn đấu đưa thêm một số sản phẩm của Nghệ An xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường trên thế giới.
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 496/KH- UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Phối hợp Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để kịp thời thông tin để các đơn vị liên quan và doanh nghiệp của tỉnh có giải pháp ứng phó kịp thời. Thực hiện thu thập, cung cấp thông tin định kỳ về thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản, cơ chế, chính sách thương mại của các thị trường nhập khẩu tiềm năng… phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh.
Phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết và có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức thời kỳ hội nhập.
Xây dựng phần mềm quản lý, thu thập thông tin, thị trường xuất khẩu, đồng thời tăng cường sự phối hợp của địa phương và các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc trao đổi thông tin cung cấp các dữ liệu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị từ các doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh xử lý, giải quyết kịp thời./.
Hồng Anh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập258
  • Hôm nay19,896
  • Tháng hiện tại613,990
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây