Ứng dụng công nghệ invitro xây dựng mô hình nhân giống lan Thạch hộc tía nhằm khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ hai - 31/01/2022 21:45 0
Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp dược phẩm, gắn với đó là trồng, sản xuất nguồn nguyên liệu dược. Tuy nhiên thời gian qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn cây thuốc ở Nghệ An đã và đang bị suy giảm mạnh do sự khai thác thiếu chú ý bảo vệ tái sinh, nạn phá rừng làm rẫy…
Chi Dendrobium là một chi đông đảo bậc nhất trong họ lan(Orchidaceae) với khoảng hơn 1.400 loài trên toàn thế giới (Nguyễn Thị Hải Yến và cs, 2020). Trong số đó, lan thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et. Migo) là một cây thuốc quý được ghi trong Dược điển Việt Nam. Lan thạch hộc tía phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng rừng có độ cao 900 - 1.500 m so với mực nước biển, thường phụ sinh vào cây gỗ hoặc vách đá có mọc rêu dưới tán rừng; trong điều kiện môi trường tự nhiên độ ẩm 70%, nhiệt độ không khí bình quân năm 12 – 18oC, (Nguyễn Thanh Thuận, 2015).
Các nghiên cứu về thành phần hóa học cho thấy thạch hộc tía có chứa 7 nhóm chất đó là alcaloid, flavonoid, axít hữu cơ, carotenoid, axít amin, đường khử và chất béo (Nguyễn Thị Duyên và Vũ Thị Ánh, 2017). Các nghiên cứu về dược lý học hiện đại đã khẳng định rằng Dendrobium ofifcinale và phần polysaccharide của nó có tác dụng ức chế tế bào ung thư, bảo vệ gan, giảm lipid huyết, chống mệt mỏi, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống táo bón, hạ đường huyết, tác dụng bảo vệ loét dạ dày và hạ huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch, ổn định hệ vi sinh đường ruột... (Lu et al., 2013; Luo et al, 2016; He et al., 2016).

Thời gian gần đây, công nghệ trồng nhân tạo Dendrobium officinale Kimura et. Migo đã tạo ra một bước đột phá đáng kể (Cheng et al., 2019). Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên trồng trọt hiện có của lan thạch hộc tía là hỗn hợp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều và hệ thống đánh giá không ổn định, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển và sử dụng thực tế của lan thạch hộc tía. Do vậy, để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên Dược liệu của Nghệ An, đặc biệt là nguồn gen lan thạch hộc tía, thì các nghiên cứu phải khắc phục các hạn chế trước đó. Ngoài ra, cần phải chủ động sản xuất được nguồn cây giống lan thạch hộc tía có chất lượng cao, sạch bệnh bằng công nghệ invitro phục vụ nhu cầu ngày càng cấp thiết trong sản xuất
Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên dự án: Ứng dụng công nghệ invitro xây dựng mô hình nhân giống lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) nhằm khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được thực hiện. Dự án do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công Nghệ Nghệ An thực hiện
Dự án được triển khai nhằm khai thác và phát triển thành công nguồn gen cây lan Thạch hộc tía phục vụ nhu cầu sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể, sau khi hoàn thành dự án sẽ hoàn thiện được Quy trình trồng thử nghiệm Lan thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) từ nguồn giống nuôi cấy mô tế bào phù hợp với điều kiện tỉnh Nghệ An. Xây dựng được mô hình nhân giống invitro lan thạch hộc tía với quy mô 10.000 cây giống. Xây dựng được 02 mô hình sản xuất quy mô 1.000 m2  trong nhà lưới tại Công ty CP Nông dược Nghệ An – huyện Kỳ Sơn và huyện Quỳ Hợp, đạt năng suất 01 tấn/ha/năm. Đào tạo được 5 cán bộ kỹ thuật và 50 người người dân nắm vững công nghệ nuôi cấy mô tế bào nhân giống Lan thạch hộc tía và Quy trình trồng thử nghiệm Lan thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) từ nguồn giống nuôi cấy mô tế bào.

Sau 41 tháng triển khai thực hiện, dự án đã tổ chức học tập kinh nghiệm cho 5 người trong 4 ngày tại một số đơn vị sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng, chuyến đi đã thực sự làm thay đổi quan điểm về sản xuất dược liệu của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty. Đã đào tạo được 25 người (05 cán bộ kỹ thuật và 20 lượt người là công nhân các công ty phối hợp thực hiện dự án), đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng góp phần phát triển nghề trồng dược liệu trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp. Kết quả đào tạo tập huấn đã giúp cán bộ kỹ thuật làm chủ được quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng lan thạch hộc.
Đặc biệt đã hoàn thiện hai quy trình công nghệ gồm: Quy trình công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhân giống lan thạch hộc tía từ nhân giống invitro cho đến ra ngôi cây giống đạt tiêu chuẩn: Số rễ mới từ 3 - 5 rễ, dài 2 - 4 cm, chiều cao cây từ 5 - 7 cm, số đốt thân: 6 - 8 đốt, số lá: 7 - 9 lá. Quy trình trồng thử nghiệm Lan thạch hộc tía từ nguồn giống nuôi cấy mô tế bào phù hợp với điều kiện Nghệ An: Trong điều kiện vùng trồng phải đảm bảo độ ẩm độ không khí từ 70 – 80%, nhiệt độ không khí tối cao là 320c, ẩm độ giá thể từ 60 - 65% với quy trình tưới: Khi có ánh nắng mặt trời vẫn duy trì tưới nước (ngày 4 lần, mỗi lần 30s). Phun supertive định kỳ 2 tuần/lần, khi rễ ổn định định kỳ 2 lần/tháng phun b1, sữa thái và dịch chuối.
Hiện nay, dự án đã sản xuất được 12.540 cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn: số rễ: 3 - 5 rễ, dài 2 cm; chiều cao cây: 5 - 7 cm; số lá: 2 - 3 lá; số đốt thân: 2 - 3 đốt bằng công nghệ nuôi cấy mô. Xây dựng được mô hình trồng thử nghiệm Lan thạch hộc tía trên địa bàn huyện Quỳ Hợp quy mô 1.000 m2 bằng phương pháp trồng trên dàn trong nhà lưới; số lượng 8.740 cây. Kết quả phân tích hàm lượng các chất trong mẫu lan thạch hộc tía trồng tại tại Nghệ An có hàm lượng Polysaccharide, Alkialoids, Acid amin (tương ứng 985,87 mg/100g ; 0,03 g/100g ; 1,09g/100g).
Dự án “Ứng dụng công nghệ invitro xây dựng mô hình nhân giống lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) nhằm khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An” đã có tác động lớn đến hiệu quả xã hội. Dự án đã hoàn thiện quy trình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và quy trình trồng, chăm sóc lan thạch hộc tía trong điều kiện Nghệ An góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh.
Dự án được thực hiện sẽ góp phần sản xuất được nguồn giống lan thạch hộc đúng giống, đồng đều và sạch bệnh. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để người dân sản xuất được nguồn nguyên liệu đảm bảo yêu cầu. Giúp bà con nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Vì sản phẩm mô hình trồng thử nghiệm mới bắt đầu cho thu hoạch nên dự án chưa khẳng định được hiệu quả kinh tế do sản lượng cây trồng nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố ngoại cảnh. Do đó, dự án chỉ xin phép dừng lại ở đánh giá hiệu quả xã hội./.
Nguyễn Hoa

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập741
  • Hôm nay26,921
  • Tháng hiện tại204,103
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây