Tuân thủ các quy trình xây dựng, phân tích, thông qua chính sách góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Thứ tư - 17/07/2024 04:29 0

c) Quy trình, thủ tục lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (tiếp)

Bước 2: Đánh giá tác động của chính sách.

Đánh giá tác động của chính sách là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách đang được xây dựng đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách (khoản 2 Điều 2 Nghị định 34/2016/NĐ-CP).

– Tác động của chính sách được đánh giá gồm:

(1) Tác động về kinh tế được đánh giá trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích đối với một hoặc một số nội dung về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, môi trường đầu tư và kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, cơ cấu phát triển kinh tế của quốc gia hoặc địa phương, chi tiêu công, đầu tư công và các vấn đề khác có liên quan đến kinh tế;

(2) Tác động về xã hội của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội;

(3) Tác động về giới của chính sách (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo các tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, Điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới;

(4) Tác động của thủ tục hành chính (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách;

(5) Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo khả năng về thi hành và tuân thủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động đối với tổ chức bộ máy nhà nước, khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các Điều ước quốc tế.

– Phương pháp đánh giá tác động của chính sách

Tác động của chính sách được đánh giá theo phương pháp định lượng, phương pháp định tính. Trong trường hợp không thể áp dụng phương pháp định lượng thì trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách phải nêu rõ lý do.

– Trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách

Bộ, cơ quan ngang bộ lập đề nghị xây dựng xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm:

+ Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách theo Mẫu số 01 Phụ lục V kèm theo Nghị định 34/2016/NĐ-CP;

+ Lấy ý kiến góp ý, phản biện dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo báo cáo.

– Nội dung, bố cục của báo cáo đánh giá tác động của chính sách

Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có) (khoản 2 Điều 35 của Luật).

– Sử dụng thông tin khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách

Thông tin được sử dụng khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách phải chính xác, trung thực và ghi rõ nguồn thông tin.

– Sản phẩm của việc đánh giá tác động của chính sách

Sản phẩm của việc đánh giá tác động của chính sách là Báo cáo đánh giá tác động của chính sách (theo mẫu số 01 Phụ lục 5 kèm theo Nghị định 34/2016/NĐ-CP).

Bước 3: Xây dựng dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Sau khi tổ chức đánh giá tác động của chính sách, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cần căn cứ vào các kết quả thực hiện tại bước 1 và bước 2.

Bước 4: Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trong quá trình lập đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan lập đề nghị có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản theo quy định tại Điều 36 của Luật, Điều 10 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.

Bước 5: Thẩm định đề nghị xây dựng xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình, thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 13 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.

– Hồ sơ thẩm định (khoản 1 Điều 37 của Luật) gồm:

(1) Tờ trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

(2) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

(3) Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

(4) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác; bản chụp ý kiến góp ý;

(5) Đề cương dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

– Thời gian thẩm định:

Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định phải được thẩm định trong thời hạn 20 kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

– Báo cáo thẩm định:

Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý của Bộ Tư pháp về các nội dung thẩm định; đồng thời có kết luận cụ thể về việc đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có đủ điều kiện hoặc chưa/không đủ điều kiện trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua. Báo cáo thẩm định được gửi đến cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chậm nhất 10 ngày kể từ ngày kết thúc thẩm định.

Bước 6: Trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

– Trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ.

– Thông qua đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ vào phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Trường hợp có nhiều đề nghị hoặc căn cứ vào chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật.

Trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ thông qua đề nghị, cơ quan lập đề nghị chủ động tiến hành việc soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.

* Trình tự xem xét thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định Chính phủ tổ chức phiên họp để xem xét, thông qua các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh như sau:

+ Đại diện cơ quan chủ trì lập đề nghị trình bày Tờ trình;

+ Đại diện Bộ Tư pháp trình bày báo cáo thẩm định;

+ Đại diện cơ quan tổ chức tham gia ý kiến;

+ Chính phủ thảo luận và biểu quyết thông qua;

Chính phủ ra nghị quyết về các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với các chính sách đã được thông qua.

2. Quy trình, thủ tục lập đề nghị xây dựng nghị định

a) Căn cứ để lập đề nghị xây dựng nghị định

– Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước;

– Chương trình hành động của Chính phủ; yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ cần phải điều chỉnh bằng nghị định;

– Kết quả nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn;

– Cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b) Các nghị định phải lập đề nghị xây dựng

Việc lập đề nghị xây dựng nghị định được áp dụng đối với Nghị định quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

c) Chủ thể lập đề nghị

Bộ, cơ quan ngang bộ tự mình hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân chuẩn bị đề nghị xây dựng nghị định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

d) Quy trình, thủ tục lập đề nghị xây dựng nghị định

Bước 1: Xây dựng nội dung chính sách của nghị định.

Bước 2: Đánh giá tác động của chính sách.

Bước 3: Xây dựng dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị định.

Bước 4: Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng nghị định.

Bước 5: Thẩm định đề nghị xây dựng nghị định.

Bước 6: Trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây nghị định.

Về cơ bản các bước tiến hành lập đề nghị xây dựng nghị định cũng được thực hiện tương tự như lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo TBT

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập477
  • Hôm nay46,996
  • Tháng hiện tại1,041,144
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây