Những điều cha mẹ cần biết về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Thứ ba - 09/11/2021 20:33 0

Sau khi Ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo về việc tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, PGS. TS. Allison Bartlett, bác sĩ nhi tại Bệnh viện Nhi Comer thuộc trường Đại học Chicago đã trả lời các câu hỏi phổ biến liên quan đến việc tiêm vắcxin COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này và đưa ra những lời khuyên để các bậc phụ huynh hỗ trợ con chuẩn bị tâm lý trước khi tiêm chủng.

Số mũi tiêm và khoảng cách giữa hai lần tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi có khác với người lớn không?

Số mũi tiêm và khoảng cách giữa hai lần tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi cũng giống như ở thanh thiếu niên và người lớn. Giống như người lớn, nhóm trẻ này sẽ cần tiêm hai mũi, cách nhau khoảng ba tuần. Trẻ sẽ phải đợi hai tuần sau khi tiêm mũi thứ hai, mới được coi là được bảo vệ đầy đủ.

Sự khác biệt lớn nhất là trẻ từ 5 đến 11 tuổi, sẽ được tiêm vắc xin với liều lượng nhỏ hơn. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy liều lượng tiêm bằng 1/3 người lớn (10 mg cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong khi với người từ 12 tuổi trở lên là 30 mg) dẫn đến sự cân bằng tốt nhất của đáp ứng miễn dịch tối đa và giảm thiểu tác dụng phụ.

Các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin ở nhóm trẻ này có tương tự ở người từ 12 tuổi trở lên không?

Có, nhiều tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin đã được chứng minh là tương tự như ở người lớn: đau nhức tại chỗ tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt và đau đầu. Mặc dù các tác dụng phụ này thể hiện rõ nét sau khi tiêm mũi thứ hai, nhưng được chứng minh là chỉ kéo dài một hoặc hai ngày.

Liệu trẻ có bị nhiễm COVID-19 sau khi chủng ngừa hay không?

Không vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%, vì vậy, trẻ em vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 sau khi được tiêm chủng. Giống như người lớn đã chích ngừa, nếu trẻ em bị nhiễm COVID-19, sẽ ít nguy cơ mắc bệnh nặng. Điểm quan trọng cần lưu ý là, mặc dù trẻ nhiễm COVID-19 ở cấp độ nặng là rất hiếm, nhưng cần có thêm dữ liệu để xác định tác động lâu dài đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của những trẻ bị nhiễm bệnh khi còn nhỏ.

Tại sao trẻ em dưới 5 tuổi không thể chủng ngừa COVID-19?

Các loại vắc-xin hiện nay vẫn chưa được phép sử dụng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Các nghiên cứu đang được tiến hành để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả khi tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Giống như phải mất một thời gian để vắc xin được phê duyệt cho trẻ em ở cấp tiểu học, các nhà sản xuất vắc xin vẫn đang tiến hành nghiên cứu lâm sàng để xác định liều lượng tối ưu cho nhóm trẻ nhỏ này. Điều này rất quan trọng để các nhà khoa học có thể cân bằng chính xác hiệu quả và các tác dụng phụ của vắc xin. Hãng Pfizer hy vọng sẽ có kết quả từ những nghiên cứu này vào cuối năm nay để được phép sử dụng vắc xin cho trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 4 tuổi vào đầu năm 2022.

Có gì khác biệt về phương pháp nghiên cứu khi thử nghiệm vắc xin cho trẻ em?

Vì trẻ em đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, nên một số yếu tố được xem xét khi kiểm tra tính an toàn và hiệu quả, như cân nặng và khả năng dung nạp liều lượng của trẻ. Các nhà sản xuất phải tìm ra liều lượng cung cấp đủ khả năng bảo vệ, mà không có quá nhiều tác dụng phụ.

Trẻ em có thể tiêm phòng vắc xin cúm cùng lúc với vắc xin COVID-19 không?

Cả trẻ em và người lớn đều hoàn toàn có thể tiêm vắc xin COVID-19 cùng thời điểm với mũi tiêm phòng cúm hàng năm. Vắc xin cúm giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh cúm theo mùa và cũng giúp giảm thiểu tình trạng bệnh, nếu không may bị nhiễm.

Làm cách nào để cha mẹ giúp con giảm bớt lo lắng khi chuẩn bị tiêm vắc-xin COVID-19?

Nhóm Child Life tại Bệnh viện Nhi Comer có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ trẻ chuẩn bị cho các phương pháp điều trị y tế, trong đó có cả việc tiêm chủng. Nhóm đã đưa ra một số mẹo hay dưới đây:

- Bình tĩnh giải thích điều gì sắp xảy ra với con bạn và tại sao điều đó lại quan trọng. Lập kế hoạch trước giúp trẻ chuẩn bị tinh thần và biết rằng chúng sẽ không đơn độc.

- Mang theo thứ gì đó giúp trẻ vui vẻ và thoải mái như máy tính bảng hoặc đồ chơi để trẻ phân tâm và giảm bớt lo lắng. Việc để trẻ chọn món đồ nào trẻ muốn mang theo cũng rất hữu ích vì điều đó mang lại cho trẻ cảm giác được tự chủ.

- Đừng thể hiện nỗi sợ hãi hoặc lo lắng của bạn. Trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc từ cha mẹ. Nếu cha mẹ bình tĩnh, điều đó cũng sẽ giúp trẻ bình tĩnh.

- Khen ngợi trẻ sau khi trẻ làm tốt công việc của mình.

N.P.D (NASATI), theo https://scitechdaily.com/what-parents-should-know-about-the-covid-19-vaccine-and-kids-timing-side-effects-and-testing/, 31/10/2021

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1920
  • Hôm nay53,662
  • Tháng hiện tại1,415,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây