Vai trò của các cơ sở du lịch trong phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống Nghệ An

Thứ ba - 23/04/2019 21:37 0

Du lịch là nghành kinh tế tổng hợp, là ngành sản xuất các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu tại chỗ. Du lịch phát triển đồng nghĩa với sự tác động tích cực cho sự phát triển của nhiều ngành, tạo nhiều việc làm cho xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều đối tượng trong xã hội, góp phần bảo vệ và khai thác một cách tích cực bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

Trong những năm qua, Du lịch Nghệ An đang phát triển mạnh, năm 2018 lượng khách du lịch tại Nghệ An đạt hơn 5 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch lưu trú nội địa là 2 triệu lượt khách, khách quốc tế lưu trú đạt 150 ngàn lượt khách. Để đáp ứng được nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng đi lại của lượng khách du lịch lớn như vậy, vai trò của các cơ sở du lịch là vô cùng lớn và quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và mua sắm, tiêu thụ các đặc sản, sản phẩm địa phương của du khách trong và ngoài nước.

Các cơ sở du lịch bao gồm các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm mỹ nghệ, cửa hàng bán đặc sản, sản phẩm, các công ty du lịch lữ hành nội địa và quốc tế đưa đón khách tham quan, nghỉ mát, mua sắm. Các cơ sở du lịch này là nơi sản xuất cung cấp đến du khách các đặc sản và sản phẩm tại Nghệ An.

Dệt thổ cẩm dân tộc Thái là nét văn hóa đặc sắc cần được khai thác trong các dịch vụ du lịch

Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm truyền thống đã trở thành các mặt hàng được khách du lịch ưa thích như: Sản phẩm lưu niệm mỹ nghệ: Mây tre đan (Nghi Phong), thổ cẩm dân tộc Thái (miền tây xứ Nghệ), đồ lưu niệm mỹ nghệ biển, các sản phẩm của các làng nghề như đúc đồng (Diễn Tháp) đất nung, nồi đất (Trù Sơn)…; Đặc sản Nghệ An như: Lươn Xứ Nghệ, (Miến lươn, cháo lươn, xúp lương…), Tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương, Cam Vinh, Dê Cầu Đòn, Bê Nam Nghĩa, kẹo Cu Đơ, Bánh đa Diễn Châu. Hải sản biển Nghệ An (Tôm, cá, mực Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu…), nước mắm Vạn Phần. Trong đó món đặc sản Lươn Xứ Nghệ được xếp vào 12 món ăn đặc sản của Việt Nam thượng hiệu Châu Á, Cam Vinh và hải sản Nghệ An nổi tiếng trong và ngoài nước bởi vị thơm ngon, hợp khẩu vị. Hoặc các sản phẩm văn hóa phi vật thể: Dân ca ví giặm, ca trù, văn hóa cộng đồng, các điệu múa xòe dân tộc Thái, múa Lăm Vông,…

Sản phẩm văn hóa phi vật thể Dân ca ví giặm nếu được khai thác sẽ đem lại sự đa dạng phong phú cho các tour du lịch ở Nghệ An

Có thể thấy, các sản phẩm đặc sản Nghệ An rất đa dạng và phong phú, bước đầu đã có giá trị thương hiệu mang tầm quốc gia và khu vực như món đặc sản lươn Xứ Nghệ, cam Vinh, Tương Nam Đàn, hải sản biển… những đặc sản, sản phẩm này thực sự có chất lượng giá trị dinh dưỡng cao, được du khách ưa thích, một số đã được xuất khẩu sang Châu Âu và các nước phát triển khác.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và đặc sản mang tính đặc trưng văn hóa Nghệ An hiện nay chưa đạt yêu cầu so với tiềm năng. Chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế. Các sản phẩm đặc sản Nghệ An còn nằm trong tình trạng: quá trình xây dựng thương hiệu sản xuất, quy trình sản xuất đóng gói… và các giải pháp phát triển sản phẩm chưa đạt đến cấp độ thương hiệu vùng và khu vực. Vai trò của các cấp, các nghành chưa thực sự rõ nét và hiệu quả, vai trò của các tổ chức, cơ sở du lịch còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn, chưa thực sự thổi "hồn" vào sản phẩm, đặc sản để kết nối và làm "đại sứ"cho những sản phẩm đặc sản của Nghệ An đến du khách trong và ngoài nước. Vì vậy để những sản phẩm, đặc sản Nghệ An thực sự mang tính thương hiệu mạnh, đảm bảo mức tiêu thụ mạnh và hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, có các giải pháp tầm vĩ mô, có quy hoạch và kế hoạch mang tầm chiến lược. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi sáng tạo sản phẩm, hội chợ thương mại và giới thiệu ở các hội chợ triễn lãm tầm Quốc gia và khu vực, cũng như công tác quảng bá, xúc tiến cho các đặc sản, sản phẩm đó.

Nghệ An có rất nhiều sản phẩm truyền thống có thể khai thác để phát triển du lịch

Ở Nghệ An, hiện nay có hàng trăm khách sạn từ 1 sao đến 5 sao, hàng ngàn nhà hàng, cửa hàng, trung tâm mua sắm, là nơi các du khách trực tiếp sử dụng dịch vụ và trực tiếp mua sắm các sản phẩm đặc sản Xứ Nghệ. Ngoài ra còn có hơn 100 doanh nghiệp là lữ hành Quốc tế và nội địa, chưa kể có rất nhiều công ty lữ hành trong nước trực tiếp đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Nghệ An nên có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình là cầu nối giới thiệu và thực sự là "sứ giả" của các đặc sản, sản phẩm và nhu cầu mua sắm tiêu thụ của du khách.

Trên thực tế, hiện tại ở Nghệ An, các cơ sở làng nghề có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thiết bị lạc hậu, thu nhập từ nghề còn thấp, thiếu thợ giỏi, thị trường thiếu ổn định. Xuất khẩu thấp, sản phẩm chưa có thương hiệu mạnh. Sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch còn quá nghèo, thiếu tính đặc thù, tính độc đáo và thiếu tính cạnh tranh kể cả quy mô và chất lượng, chưa tạo được sự hấp dẫn thực sự cho du khách. Vì vậy, các cơ sở phải phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, các đơn vị lữ hành các chuyên gia, nhà khoa học để tiến hành rà soát thống kê, đánh giá một các khoa học và đảm bảo tính thực tế, đánh giá đúng bản chất cấp độ nổi trội, tính đặc sản, khác biệt và độc đáo. Đánh giá giá trị thực của thương hiệu sản phẩm, đặc sản không khuếch trương giá trị thực của nó. Đối tượng tham gia, đánh giá là các chuyên gia, các nhà quản lý, những nghệ nhân, các hãng lữ hành và một số báo và nhà báo có uy tín. Từ đó, liệt kê sản phẩm, đặc sản có tính nổi trội, đặc sắc nhất đưa vào danh mục cần tập trung đầu tư phát triển theo quy mô phù hợp với nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Các cơ sở sản xuất cần được sự hướng dẫn giúp đỡ của các cấp, các ngành liên quan chọn lựa sản phẩm, đặc sản để đăng kí bản quyền và sở hữu thương hiệu. Các sản phẩm, đặc sản cần được rà soát lại chất lượng, mẫu mã, thiết kế sản phẩm (lưu niệm mỹ nghệ) phù hợp với nhu cầu sử dụng và vận chuyển mang theo của du khách như: gọn nhẹ, tránh thiết kế sản phẩm cồng kềnh, dễ vỡ, dễ gãy, dễ hư hỏng. Đặc biệt khâu bao bì, hộp đựng phải bắt mắt túi đựng đóng gói phải chuyên nghiệp, tiện lợi, dễ gấp có thể mang đi xa được (kể cả bằng đường bộ và đường hàng không)….

Bên cạnh đó, đối với các cơ sở du lịch, các cửa hàng, quầy hàng lưu niệm mỹ nghệ, quầy bán đặc sản nên tập trung quy hoạch ở các Trung tâm Du lịch, các điểm du lịch và tại các làng nghề. Người bán hàng phải có kỹ năng bán hàng, am hiểu sản phẩm, đặc sản để có thể thuyết trình, giới thiệu một cách ngắn gọn, thành thục về tác dụng, chất lượng, điểm ưu việt nổi trội của đặc sản, sản phẩm cho du khách bằng Tiếng Việt và cao hơn là bằng tiếng Anh (đối với khách nước ngoài).  Các Khách sạn, nhà hàng là nơi du khách lưu lại sử dụng dịch vụ nên du khách thường kết hợp tranh thủ mua sắm, vì vậy các cơ sở này cần liên kết chặt chẽ làm đại lý sản phẩm, đặc sản cho các cơ sở sản xuất, dành những nơi có vị trí thuận tiện, dễ thấy, trang trí trưng bày bắt mắt để du khách nghỉ tại khách sạn có thể nhìn thấy ngay. Các nhân viên khách sạn như: lễ tân, nhân viên bán hàng sản phẩm, đặc sản phải được tập huấn để có kiến thức am hiểu, có kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, giới thiệu lưu loát, hấp dẫn, thuyết phục khách hàng…

Ban lãnh đạo, phòng Marketing khách sạn phải liên kết với các cơ sở sản xuất để có các chương trình trao thưởng cho du khách thông qua phát hành các voucher đối với từng sản phẩm, đặc sản. Đối với các khách hàng sử dụng dịch vụ lưu trú, ẩm thực tại khách sạn, đặc biệt nghỉ dài ngày hoặc các chương trình hội nghị khách hàng lớn thì khách sạn làm việc với chủ trì hoặc Ban tổ chức, hội nghị để có chính sách ưu đãi khuyến mãi cho hội nghị mua làm quà cho các đại biểu dự hội nghị hoặc tặng cho Ban tổ chức, trưởng đoàn khi kết thúc hội nghị, nhất là các hội nghị du lịch MICE (tham quan kết hợp trao thưởng chocán bộ công nhân viên)

Các Khách sạn hàng năm tổ chức đi sales marketing…ở các các bộ, ngành, tổng công ty lớn, các công ty Du lịch, các hãng lữ hành ở các vùng, địa phương  khác trong và ngoài nước thì cần thiết đưa sản phẩm, đặc sản làm quà tặng để giới thiệu quảng bá, xúc tiến.

Các công ty du lịch có vai trò rất quan trọng vì có các hướng dẫn viên du lịch là nhân tố thường xuyên  tổ chức, đưa khách đi tham quan suốt tuyến du lịch trong tỉnh nên rất thuận tiện cho việc giới thiệu thuyết minh các sản phẩm, đặc sản vùng địa phương cho du khách. Hướng dẫn này phải am hiểu về các sản phẩm đặc sản: từ nguyên liệu, quy trình chế biến sản xuất, tính  ưu việt nổi trội của sản phẩm để giới thiệu, làm cho khách hàng có cảm nhận tốt và hứng khởi mua sắm những sản phẩm đặc sản này. Vì đối với du khách ngoài nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng, ăn uống thì nhu cầu mua sắm sản phẩm đặc trưng, đặc sản mà mình đã đến về làm quà cho người thân gia đình và bạn bè là rất cao.

Các Công ty Du lịch phải chủ động xây dựng chương trình Tour trọn gói (Trong giá Tour) có một số sản phẩm đặc sản làm tặng thưởng kèm theo cho du khách sau khi kết thúc Tour du lịch.

Các công ty du lịch cần phối hợp với các cơ sở sản xuất sản phẩm, đặc sản, nhận đại lí các sản phẩm để hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu cho du khách trên xe du lịch trong quá trình tác nghiệp. Hướng dẫn viên cần phải dành một thời lượng để giới thiệu về sản phẩm, đặc sản địa phương mà đoàn chuẩn bị tới (hoặc dừng nghỉ chân) tham quan, lưu trú. Ngoài ra, các hướng dẫn viên cần giới thiệu các sản phẩm, đặc sản của các vùng khác trong tỉnh mà khách không có lịch trình tham quan và mua sắm ở đó, bởi vì không phải khách du lịch đếu mua tất cả sản phẩm, đặc sản mà họ chỉ chọn lọc và mua một vài loại, còn các sản phẩm, đặc sản khác thì hướng dẫn viên phải giới thiệu, thuyết minh cho khách biết… đó cũng là nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa, sản phẩm vùng miền của hầu hết du khách khi tham gia tour du lịch.

Các Công ty Du lịch cũng cần phối hợp với các cơ sở sản xuất in ấn và phát các phiếu thăm dò về sản phẩm, đặc sản Nghệ An cho khách đánh giá, phản hồi về chất lượng sản phẩm hình thức, mẫu mã, nhu cầu và sở thích theo các mức độ: rất thích, thích, không ưa thích, hoặc chất lượng theo mức độ: tốt, khá, trung bình, kém. Từ đó, tổng hợp được các thông tin cần thiết chuyển đến các cơ sở sản xuất để có phương án, kế hoạch điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị hiếu thực của du khách và hiệu quả trong kinh doanh.

Ngoài ra, các cơ sở Du lịch cần phối hợp với các cơ sở sản xuất sản phẩm, đặc sản đề xuất với các cơ quan sở ngành, tổ chức hiệp hội (Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội báo, Hiệp hội doanh nghiệp khác, các sở nghành liên quan…), để tổ chức các cuộc thi sáng tác, triển lãm các sản phẩm, đặc sản, từ đó chọn lựa những sản phẩm, đặc sản được đánh giá cao nhất, nổi trội nhất để tham gia các cuộc thi, triển lãm đặc sắc nhất ở cấp quốc gia và quốc tế. Từ đó có kế hoạch sản xuất đồng loạt các sản phẩm, đặc sản để triển khai giới thiệu và bán hàng đến tận tay du khách.

Một giải pháp mang tính hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm và đặc sản địa phương, là các công ty du lịch bố trí cho hướng dẫn viên phối hợp với chủ cơ sở sản xuất làng nghề, tổ chức cho du khách trải nghiệm thực tế, đó là bố trí cho du khách tham gia thử nghiệm, trực tiếp sản xuất, tham gia tác nghiệp vào một số công đoạn, dây chuyền trong quá trình sản xuất chế biến. Từ đó mới tạo ra được ấn tượng và cảm giác hấp dẫn, hứng khởi cho du khách. Kết thúc tour tham quan, trải nghiệm này du khách sẽ được tặng phần quà là các sản phẩm mà mình trực tiếp tham gia một công đoạn chế biến, chế tác sản phẩm./.

                                                                               Nguyễn Đức Hiển

                                                                            Chủ tịch hiệp hội Du lịch Nghệ An

 

 

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2847
  • Hôm nay199,321
  • Tháng hiện tại1,090,786
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây