Mẫu mống mắt là gì, thu thập ra sao?

Thứ tư - 29/11/2023 21:30 0

Mống mắt (Iris), theo cách đơn giản và dễ hiểu được chúng ta thường xuyên gọi là tròng đen của mắt. Mặc dù được gọi là tròng đen nhưng nó lại thường có nhiều màu khác nhau như xanh, đen, nâu...

Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu - phó khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) khám mắt cho bệnh nhân trưa 28-11 - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu - phó khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) khám mắt cho bệnh nhân trưa 28-11 - Ảnh: XUÂN MAI

Đặc biệt, cấu trúc các đường vân trên mống mắt rất phức tạp, gồm những đường sóng uốn lượn từ trong ra ngoài. Những đường sóng này tạo thành một cấu trúc riêng biệt, được xem là duy nhất với mỗi người (thậm chí khác nhau giữa cả mắt trái và mắt phải của một người). Do đó, mống mắt cũng như vân tay có thể được ứng dụng để xác định một cá nhân cụ thể. 

Để thu thập và nhận diện mống mắt (Iris Recognition) người dùng, theo công bố của nhiều công ty công nghệ, cần có một cảm biến với ống kính camera và đèn chiếu tia hồng ngoại.

Tia hồng ngoại giúp camera ghi nhận chính xác các đường vân trên mống mắt của mỗi người, ngay cả khi người đó đeo kính áp tròng hay mắt kính. Hình ảnh mống mắt sẽ được chụp lại và lưu trữ mã hóa trên thiết bị.

Sau đó khi muốn áp dụng hình thức bảo mật này, các thiết bị như smartphone, máy quét an ninh... cần trang bị cảm biến quét mống mắt (Iris Scanner) cũng gồm camera có đèn chiếu tia hồng ngoại như khi thu thập ban đầu.

Hiện nay công nghệ này đang được ứng dụng vào smartphone với các tính năng như: khóa/mở màn hình, điền thông tin đăng nhập website, xác nhận thanh toán mua hàng... Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng công nghệ này để nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website...

Theo đánh giá của giới công nghệ, nhận diện mống mắt là công nghệ bảo mật có độ an toàn hơn vân tay rất nhiều. 

Thứ nhất, mống mắt của con người được hình thành từ 10 tháng tuổi, và gần như không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Xác suất hai mống mắt giống nhau hoàn toàn là gần như không thể. Do đó, mống mắt có độ an toàn ổn định và không gây nhầm lẫn.

Thứ hai, công nghệ nhận dạng mống mắt dễ dàng được tích hợp vào các hệ thống an ninh hiện tại hoặc hoạt động như một thiết bị độc lập. Quét mống mắt không dễ bị đánh cắp, mất mát hay xâm nhập giống như vân tay. 

Thứ ba, việc nhận dạng mống mắt vừa có tốc độ thực hiện nhanh, chính xác và không cần tiếp xúc như vân tay, mang đến sự an toàn cho người dùng..., nhất là trong hoàn cảnh có dịch bệnh truyền nhiễm.

Các nước nhận dạng mống mắt ra sao?

Theo Hãng tin Reuters, vào đầu năm 2023, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu cho phép các ngân hàng sử dụng nhận dạng khuôn mặt và quét mống mắt nhằm giảm tình trạng gian lận và trốn thuế.

Một số quan chức chính phủ không nêu tên cho biết các biện pháp có thể sử dụng để xác minh danh tính của các cá nhân thực hiện gửi và rút tiền vượt quá 2 triệu rupee (khoảng 25.000 USD) trong một năm tài khóa, trong đó thẻ nhận dạng Aadhaar được chia sẻ làm bằng chứng nhận dạng.

Ấn Độ đã khởi động hệ thống nhận dạng sinh trắc học lớn nhất thế giới có tên Aadhaar vào năm 2010. Được cấp bởi Cơ quan Định danh duy nhất Ấn Độ (UIDAI), thẻ ID Aadhaar gồm 12 chữ số, chứa thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt và mống mắt của cá nhân. Tính đến tháng 9-2023, UIDAI đã cấp hơn 1,3 tỉ thẻ Aadhaar cho các công dân Ấn Độ.

Để giải quyết số lượng yêu cầu xuất nhập cảnh ngày càng tăng, giảm tình trạng vượt biên trái phép tại Mỹ, từ năm 2016 các ki ốt được trang bị hệ thống nhận dạng mống mắt đã được triển khai ở cảng nhập cảnh tại San Diego, bang California, nhằm ghi và đối chiếu hồ sơ xuất nhập cảnh để xác định người nước ngoài có thị thực hết hạn.

Dữ liệu mống mắt sau đó được lưu trữ bởi Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho các đối chiếu sau này. Ở biên giới Mỹ và Canada, hành khách cũng chỉ mất 2 phút để đăng ký dữ liệu mống mắt với chương trình NEXUS, đẩy nhanh quá trình thông quan và cải thiện an ninh.

Tại Singapore, công dân, thường trú nhân và du khách chỉ mất vài phút để đăng ký dữ liệu mống mắt với Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA).

Tại các trạm xuất nhập cảnh, máy quét mất chưa đầy một giây để khớp thông tin sinh trắc học của du khách với dữ liệu của ICA. Việc quét khuôn mặt và mống mắt thay cho dấu vân tay giúp nước này tiến gần hơn với tương lai không hộ chiếu, theo Straits Times.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1377
  • Hôm nay209,569
  • Tháng hiện tại2,453,185
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây