QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ NGHỆ AN

Chủ nhật - 18/04/2021 23:08 0
Quy định tạm thời về việc quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An
Quy định tạm thời về việc quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ
(Ban hành theo quyết định số 539 /QĐ-CĐY ngày 21 tháng 11 năm 2007
của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An)
CHƯƠNG 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Văn bản này quy định việc xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ: đăng ký, triển khai, nghiệm thu đánh giá các đề tài, định mức hoạt động khoa học và công nghệ, khen thưởng, kỷ luật trong các hoạt động khoa học và công nghệ và áp dụng cho các đối tượng sau ở Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An:
1.1.      Các đơn vị trong trường gồm: Phòng, Khoa, Bộ môn.
1.2.      Các cán bộ thuộc biên chế giảng dạy hoặc hợp đồng giảng dạy (gọi chung là cán bộ giảng dạy, chuyên viên, kỹ thuật viên (có trình độ từ đại học trở lên).
1.3.      Học sinh, sinh viên.
1.4.      Các cán bộ ngoài trường được mời tham gia thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Điều 2. Hoạt động khoa học và công nghệ trong Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An nhằm các mục tiêu sau:
2.1. Thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng: "Học đi dôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội" góp phần nâng cao chất lượng toàn diện.
2.2. Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trong nhà trường.
2.3. Phát huy vai trò, vị trí của Nhà trường đối với xã hội.
2.4. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.
2.5. Bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường; góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho mọi thành viên trong nhà trường.
2.6. Giúp học sinh, sinh viên làm quen với các phương pháp nghiên cứu khoa học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ.
Điều 3. Hoạt động khoa học và công nghệ trong Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An có các ý nghĩa sau:
3.1. Thực hiện một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ gảng dạy trong các trường cao đẳng là: Giảng dạy và Nghiên cứu khoa học.
3.2. Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ, đồng thời cũng là quyền lợi của mỗi cán bộ giảng dạy trong trường.
3.3. Thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ là điều kiện để xét thành tích thi đua và xét công nhận các chức danh: giảng viên, giảng viên chính cho cán bộ giảng dạy của trường Cao đẳng Y tế Nghệ An.
Điều 4. Nội dung của hoạt động khoa học và công nghệ trong trường Cao đẳng Y tế Nghệ An bao gồm:
4.1 Thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ nhằm giải quyết một hoặc một số mục tiêu cụ thể đáp ứng các yêu cầu phát triển giáo dục- đào tạo của trường, phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực bắc Miền trung theo các hướng:
-           Khoa học Y học và sức khỏe
-           Khoa học giáo dục và đào tạo
-           Triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ;
-           Các hướng ưu tiên thuộc các chương trình trọng điểm của tỉnh và khu vực.
4.2. Thực hiện các đề án, dự án, chuyển giao công nghệ.
4.3. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ về nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, triển khai về tổ chức, quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ, các hoạt động thông tin khoa học, xuất bản ấn phẩm khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh và sinh viên.
4.4. Hoạt động xêmina, hội thảo khoa học, tổ chức các lớp bồi dưỡng tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Điều 5. Nội dung của hoạt động khoa học và công nghệ trong Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An được triển khai theo các kế hoạch 5 năm và các kế hoạch hàng năm. Tuỳ theo tính chất quan trọng của mục tiêu giải quyết mà các đề tài khoa học và công nghệ được phân thành 3 cấp:
5.1. Đề tài cấp Bộ. đây là những đề tài có ý nghĩa đối với ngành, địa phương. Nội dung nghiên cứu, kinh phí hoạt động, quản lý và nghiệm thu đề tài gắn liền yêu cầu của ngành, địa phương. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản, Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An là cơ quan chủ trì các nhánh đề tài hoặc các đề tài độc lập cấp Bộ.
5.2. Đề tài cấp tỉnh. Đây là những đề tài thuộc các chương trình trọng điểm của tỉnh, của ngành trong từng thời kì. Tỉnh Nghệ an (Sở Khoa học & Công nghệ) là cơ quan chủ quản, trường Cao đẳng Y tế là cơ quan chủ trì thực hiện. Thời gian thực hiện từ 1 đến 2 năm. Tên đề tài, nội dung nghiên cứu do cá nhân tự đề xuất, Thường trực Hội đồng khoa học trường xét,lựa chọn và đề nghị tỉnh. Tỉnh (Sở Khoa học & Công nghệ) thành lập Hội đồng thẩm định đề cương chi tiết và quyết định giao nhiệm vụ.
3. Đề tài cấp cơ sở. Bao gồm các đề tài cấp Trường và cấp Bộ môn, thời gian thực hiện 1 năm. Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An là cơ quan chủ quản đề tài, các Bộ môn là đơn vị chủ trì đề tài. Đây là những đề tài khoa học có nội dung nhằm giải quyết những vấn đề chuyên môn trong đào tạo, thực hành lâm sàng ; những vấn đề liên quan đến đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác quản lý trong phạm vi nhà trường, những vấn đề về cải tiến quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin. Tên đề tài, nội dung nghiên cứu do cá nhân tự đề xuất, Bộ môn đề nghị, Thường trực Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường xét, Hiệu trưởng Nhà trường ra quyết định giao nhiệm vụ.
CHƯƠNG 2
ĐĂNG KÝ VÀ XÉT DUYỆT ĐỀ TÀI
Điều 6. Tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài
6.1. Tất cả các cán bộ thuộc mục 1.2 điều 1 đều có quyền đăng ký là chủ đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở. Học sinh và sinh viên có quyền tham gia thực hiện đề tài, nếu chủ đề tài giới thiệu.
6.2. Chủ nhiệm đề tài KHCN cần có các tiêu chuẩn sau:
- Có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu.
- Trung thực, có khả năng tập hợp cán bộ, tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện đề tài;
- Tại thời điểm đăng ký và xét duyệt không là chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên.
Mỗi đề tài có thể do một hoặc hai cán bộ cùng làm chủ nhiệm đề tài. Chủ nhiệm đề tài có thể mời thêm những người khác cùng tham gia nghiên cứu và có thể cử một trong số thành viên đó làm Thư ký đề tài (nếu thấy cần thiết)
Điều 7. Nhiệm vụ của chủ đề tài
7.1. Trực tiếp ký hợp đồng thực hiện đề tài khoa học với Nhà trường qua Hội đồng khoa học.
7.2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu theo đúng nội dung và tiến độ đã ghi trong Bản thuyết minh đăng ký (đề cương) đề tài và Hợp đồng triển khai thực hiện đề tài. Chấp hành các yêu cầu kiểm tra việc thực hiện đề tài của cơ quan chủ trì và cơ quan chủ quản.
7.3. Chịu trách nhiệm đảm bảo tên đề tài, nội dung nghên cứu của đề tài không trùng lặp với các đề tài đã nghiên cứu, các luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ; đảm bảo chỉ rõ đầy đủ các trích dẫn cùng với các nguồn gốc của các nội dung trích dẫn.
7.4. Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện đề tài, báo cáo tình hình triển khai thực hiện đề tài hàng năm hoặc báo cáo tổng kết thực hiện đề tài. Trực tiếp hoặc uỷ quyền cho thành viên tham gia thực hiện đề tài báo cáo trước hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài các cấp.
7.5. Thực hiện thanh, quyết toán kinh phí đề tài theo đúng quy định về tài chính hiện hành. Tài sản cố định được mua sắm hoặc cấp bằng hiện vật từ kinh phí của đề tài hoặc nguồn hỗ trợ khác, sau khi đề tài kết thúc được chuyển giao sử dụng và quản lý trong hệ thống tài sản cố định của Nhà trường.
Điều 8. Quyền hạn của chủ nhiệm đề tài
8.1. Trưởng các Bộ môn, phòng ban và Nhà trường tạo điều kiện về thời gian, thiết bị, phòng thí nghiệm để thực hiện đề tài. Thời gian dành cho nghiên cứu đề tài được tính trong quỹ thời gian nghiên cứu khoa học dành cho các chức danh.
8.2. Trực tiếp mời các thành viên khác tham gia nghiên cứu đề tài (nếu cần).
8.3. Yêu cầu Nhà trường cấp đủ kinh phí ghi trong hợp đồng theo đúng tiến độ. Tổ chức nghiệm thu đánh giá đề tài khi đã thực hiện xong và đã nộp đầy đủ báo cáo tổng kết đề tài cho Hội đồng Khoa học.
8.4. Kiến nghị với Nhà trường và các cấp quản lý tạo điều kiện ứng dụng kết quả nghiên cứu.
8.5. Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia thực hiện đề tài được đăng ký kết quả nghiên cứu với các cơ quan chức năng để hưởng quyền tác giả theo quy định. Kết quả đạt được trong đề tài cấp Trường được quyền sử dụng trong đề tài cấp ngành, cấp tỉnh, cấp bộ và chỉ được sử dụng một lần.
Điều 9. Yêu cầu đối với đề tài
9.1. Có tính khả thi. Khi đăng ký đề tài phải dự kiến được kết quả nghiên cứu, dự kiến việc áp dụng các kết quả nghiên cứu trong việc giảng dạy lí thuyết và thực hành lâm sàng, biên soạn tài liệu giáo trình phục vụ giảng dạy và hướng dẫn học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học.
9.2. Có ý nghĩa khoa học, tạo ra sản phẩm có tính mới và tính sáng tạo.
9.3. Giải quyết được những nhu cầu trước mắt và lâu dài của nhiệm vụ đào tạo trong trường, của sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo và y học.
9.4. Nội dung cơ bản của đề tài phải được viết thành các bài báo đăng trên các Tạp chí khoa học hoặc Thông báo khoa học của trường, Thông tin khoa học của các Sở, Ngành, Tỉnh. Kỷ yếu Hội nghị khoa học.
Điều 10. Thủ tục đăng ký đề tài
- Hàng năm vào dịp tổng kết năm học Nhà trường yêu cầu các Bộ môn, cá nhân rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm và tiến hành đăng ký các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho năm dương lịch tiếp theo.
- Cá nhân, tập thể thuộc các Bộ môn, Phòng, tự xác định tên đề tài, nội dung dự định nghiên cứu, dự kiến kết quả thu được về sản phẩm và các bài báo, dự kiến những người khác cùng tham gia nghiên cứu đề tài, đánh máy Bản đề cương đăng ký (theo mẫu mà Hội đồng Khoa học cung cấp) trên giấy A4 và nộp cho Hội đồng Khoa học 2 bản.
- Trường hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức khác có công văn riêng yêu cầu đăng ký các đề tài, hội đồng khoa học sao gửi tới các đơn vị chậm nhất là 3 ngày sau ngày nhận và tập hợp các bản đăng ký để báo cáo trả lời.
Điều 11. Thủ tục xét duyệt đề tài
- Hội đồng khoa học tập hợp tất cả các bản đăng ký của cá nhân, tập thể đăng ký. Tổ chức xem xét thẩm định tên đề tài, nội dung nghiên cứu, tính khả thi và dự kiến tiến độ thực hiện của từng đề tài đã đăng ký trong năm.
- Trên cơ sở Biên bản họp Hội đồng thẩm định, danh sách các chủ đề tài và tên đề tài tương ứng theo từng cấp quản lý , Hội đồng Khoa học lập bảng đăng ký kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của trường Cao đẳng Y tế Nghệ An cho năm tiếp theo và gửi tới Sở Khoa học và Công nghệ trước 15 tháng 08 hàng năm.
- Đối với các đề tài trường, Nhà trường sẽ ra quyết định giao nhiệm vụ thực hiện trước ngày 30 tháng 12 hàng năm.
- Đối với các đề tài cấp tỉnh trên cơ sở thông báo của Sở khoa học và Công nghệ, cá nhân , tập thể làm hồ sơ đăng ký; Hội đồng Khoa học Trường xét, lập danh sách gửi Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị xét và phê chuẩn.
CHƯƠNG 3:
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÁC ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Điều 12. Hợp đồng triển khai thực hiền đề tài.
12.1. Sau khi đề tài được Nhà trường , Sở Khoa học & Công nghệ phê duyệt, Chủ nhiệm đề tài trực tiếp ký hợp đồng thực hiện đề tài với cơ quan quản lí đề tài tương ứng. 
12.2. Hợp đồng triển khai thực hiện đề tài được làm thành 5 bản đối với đề tài cấp ngành, tỉnh (Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Y tế, Hội đồng Khoa học, phòng Tài chính - Kế toán, Kho bạc nhà nước, Chủ đề tài); 3 bản đối với đề tài cấp trường.
12.3. Trong quá trình thực hiện đề tài nếu có lý do cần điều chỉnh nội dung, thời gian, người tham gia nghiên cứu hoặc các thay đổi khác, Chủ nhiệm đề tài báo cáo với Hội đồng Khoa học để nghiên cứu giái quyết. Các vấn đề được điều chỉnh bổ sung là hợp lệ khi được Thủ trưởng của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vào Phiếu bổ sung đăng ký và thuyết minh thực hiện đề tài khoa học.
Điều 13. Quản lý và kiểm tra thực hiện đề tài
13.1. Sau khi đã hoàn tất các thủ tục ra quyết định và ký hợp đồng thực hiện nghiên cứu khoa học và công nghệ, Hội đồng Khoa học tổng hợp danh sách các đề tài thực hiện trong năm theo từng Bộ môn, phòng và gửi tới các đơn vị để theo dõi, thực hiện.
13.2. Sở Khoa học & Công nghệ và Nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện đề tài theo bản đăng ký và Hợp đồng đã ký. Thành phần đoàn kiểm tra đề tài cấp nào do cấp đó ra quyết định. Kết quả kiểm tra được báo cáo để nhà trường, Sở Khoa học & Công nghệ xem xét, cho ý kiến về việc tiếp tục triển khai thực hiện đề tài.
13.3. Hàng năm các chủ đề tài phải thực hiện chế độ báo cáo như sau:
- Nộp báo cáo đợt 1 về tình hình triẻn khai thực hiện đề tài trong năm (theo mẫu) cho Hội đồng Khoa học sau khi triển khai một nửa thời gian ghi trong hợp đồng. 
- Nộp báo cáo tiến độ thực hiện các đề tài trong năm (đối với đề tài còn kéo dài trong năm sau) hoặc báo cáo tổng kết thực hiện đề tài(đối với các đê tài kết thúc) trước 30 tháng 11.
Điều 14. Trên cơ sở các hoạt động khoa học đã đăng ký thực hiện trong năm, Nhà trường sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Khoa học và Công nghệ toàn trường vào đầu năm dương lịch.
Điều 15. Kinh phí thực hiện đề tài được cấp (đối với đề tài cấp ngành, cấp tỉnh) và được hỗ trợ (đối với đề tài cấp Trường) nhằm thực hiện các công việc sau:
a.   Trả công thuê theo các hợp đồng công việc;
b.    Mua sắm vật tư, thiết bị dùng cho nghiên cứu;
c.    Chi phí cho các hội thảo, hội nghị, tập huấn liên quan đến đề tài;
d.   Công tác phí;
e.   Chi phí cho in ấn, sao chụp tài liệu;
f.      Chi cho nghiệm thu đề tài;
g.   Các khoản chi khác;
Các khoản kinh phí chi cần được kê khai rõ ràng từng mục trong bản đề cương khi đăng ký đề tài;
Điều 16. Kinh phí thực hiện đề tài đã phê duyệt theo hợp đồng
Kinh phí thực hiền đề tài đã phê duyệt theo hợp đồng ký kết được tạm ứng 02 đợt trong một năm. Đợt 1 được tạm ứng 70% kinh phí năm đó. Đợt hai 30% kinh phí năm đó hoặc toàn bộ phần kinh phí còn lại sau khi đã thực hiện xong đề tài (nếu đề tài thực hiện trong một năm) trước ngày 14 tháng 12. Kinh phí nghiệm thu các đề tài cấp ngành, tỉnh được trích từ kinh phí thực hiện đề tài. Kinh phí nghiệm thu các đề tài cấp trường và kinh phí quản lý được nhà trường hỗ trợ theo "Quy định chi tiêu nội bộ của trường Cao đẳng Y tế Nghệ An".
Điều 17. Chủ đề tài phải trực tiếp quyết toán cuối năm với Phòng Tài chính - Kế toán trước ngày 15 tháng 12. Khi quyết toán đề tài, chủ đề tài cần nộp bản kê khai các công việc đã thực hiện có ghi rõ chi phí từng công việc cụ thể (theo mẫu) và có đầy đủ các chứng từ hợp lệ liên quan như: Biên bản nghiệm thu, hợp đồng, biên bản thanh lý hợp đồng (nếu có), giấy biên nhận (có đầy đủ chữ ký của người nhận tiền)…
CHƯƠNG 4
ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU CÁC ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Điều 18. Việc đánh giá nghiệm thu đề tài các cấp dựa vào các yêu cầu sau:
18.1. Mức độ đáp ứng mục tiêu, nội dung, sản phẩm, thời gian và các yêu cầu khác so với bản đăng ký và thuyết minh thực hiện đề tài.
18.2. ý nghĩa khoa học, tính sáng tạo trong nghiên cứu đề tài, tính mới của sản phẩm.
18.3. Khả năng ứng dụng và phát triển đề tài, khả năng phục vụ đào tạo sau khi kết thúc nghiên cứu đề tài; số lượng và chất lượng các bài báo được đăng.
18.4. Mức độ thực hiện các quy định về quản lý tài chính.
Điều 19. Các đề tài khoa học và công nghệ đã được triển khai đều phải tổ chức nghiệm thu. Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở sau khi các chủ nhiệm đề tài nộp đủ hồ sơ cho Hội đồng Khoa học trường. Hồ sơ gồm: Báo cáo toàn văn; báo cáo toán tắt và các tài liệu liên quan theo qui định. Hội đồng làm việc theo lịch của Hội đồng Khoa học.
CHƯƠNG 5:
ĐỊNH MỨC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Điều 20: Tất cả cán bộ giảng dạy (quy định tại điều 1) đều phải có nghĩa vụ nghiên cứu khoa học. Tuỳ theo chức danh khoa học mà định mức hoạt động khoa học và công nghệ cho từng đối tượng theo qui định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
CHƯƠNG 6
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 21. Khen thưởng
21.1 Cá nhân tập thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có các kết quả nghiên cứu tốt và quản lý tốt các hoạt động khoa học và công nghệ sẽ được đề nghị khen thưởng theo quy chế hiện hành. Tiền thưởng được trích từ Quỹ khen thưởng của Nhà trường.
21.2. Các đề tài có khả năng triển khai, ứng dụng vào thực tiễn sẽ được tạo điều kiện để thực hiện. Chủ đề tài và các thành viên tham gia được quyền sở hữu tư liệu, kết quả đề tài.
Điều 22. Kỷ luật
22.1 Cá nhân tập thể không hoàn thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao trong năm với lý do không chính đáng thì bị thu hồi kinh phí và tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị xử kỷ luật từ phê bình, khiển trách đến cảnh cáo.
22.2. Những trường hợp không hoàn thành đề tài hoặc đề tài không được nghiệm thu đúng thời gian quy định (vì lý do chủ đề tài) thì ít nhất 01 năm sau khi hết hạn của đề tài đó chủ đề tài mới được chuyển đăng ký đề tài mới.
Điều 23. Mọi trường hợp khen thưởng và kỷ luật, hoàn thành, hoàn thành tốt định mức hoặc không hoàn thành định mức hoạt động khoa học và công nghệ đều được chuyển đến Hội đồng thi đua trường để xem xét danh hiệu thi đua.
Cá nhân, tập thể vi phạm chế độ chính sách của nhà nước trong hoạt động khoa học và công nghệ thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ phải chịu xử lý theo pháp luật hiện hành.
CHƯƠNG 7
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Quy định này có hiệu lực trong phạm vi trường Cao đẳng Y tế Nghệ An kể từ ngày ký. Các Bộ môn, Khoa, Phòng thuộc trường Cao đẳng Y tế có trách nhiệm phổ biến cho cán bộ, giảng viên của bộ phận mình và chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện nghiêm túc Bản quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh với nhà trường dể nghiên cứu bổ sung sửa đổi.
Hiệu trưởng 
(Đã ký)
BS.Nguyễn Trọng Tài

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây