MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN MỞ RỘNG DIỆN TÍCH CÂY ĂN QUẢ GẮN VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ SẢN PHẨM TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021 – 2030

Thứ bảy - 29/01/2022 21:56 0
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 25 loại cây ăn quả các loại; diện tích cây ăn quả toàn tỉnh năm 2015 đạt 17.019 ha; năm 2020 đạt 22.802 ha (tăng trưởng bình quân 6,02%/năm giai đoạn 2016 - 2020). Sản lượng quả các loại năm 2015 đạt 179.350 tấn, năm 2020 tăng lên 260.695 tấn (tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,8%/năm). Sản xuất cây ăn quả (CAQ) của Nghệ An đã phát triển cả về diện tích, chất lượng và sản lượng. Giá trị sản xuất cây ăn quả đạt từ 2.000-2.600 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 8 - 10% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 10 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô như cây có múi, chuối, dứa,... Trong đó, diện tích cây có múi gần 10.000 ha. Một số loại cây trồng có có giá trị kinh tế cao, dễ  trồng, dễ thích ứng trên các chân đất khác nhau, có tiềm năng để phát triển: chuối 4.100 ha, dứa 1.400 ha; một số loại cây ăn quả có giá trị khác như mít 1.000 ha, ổi 1.000 ha, na 460 ha,… Chất lượng một số loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng như cam, bưởi...; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung.
Trong giai đoạn 2021-2030, tiềm năng phát triển CAQ ở Nghệ An tập trung vào cây có múi (cam, chanh, bưởi, quýt) và nhóm cây gắn với công nghiệp chế biến (dứa, chuối). Hai nhóm này rất phù hợp với yếu tố thời tiết, khí hậu ở Nghệ An, cùng với việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất tạo ra hiệu quả kinh tế cao, có tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển thành nông sản “chủ lực” quy mô hàng hóa. Công nghệ chế biến dứa sâu và chuối tạo ra nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và nội tiêu. Bên cạnh đó một số loại CAQ có ưu thế đối với một số địa phương trong tỉnh (mít, ổi, na, xoài, mận Tam Hoa) có khả năng phát triển mở rộng với quy mô phù hợp với điều kiện thích nghi và nhu cầu thị trường. Các loại CAQ còn lại cơ bản ổn định diện tích tăng cường các hoạt động về ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả.
Diện tích cây ăn quả tỉnh Nghệ An đến năm 2030 mục tiêu bố trí 50.000 ha là phương án mang tính đột phá. Trong đó: Nhóm cây ăn quả ưu tiên phát triển (nhóm chủ lực) gồm cây có múi 18.500 ha, cây ăn quả mở rộng gắn với công nghiệp chế biến 18.000 ha với điều kiện phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến; quy hoạch vùng sản xuất tập trung; sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành; có chính sách đột phá cho người sản xuất và doanh nghiệp. Nhóm cây ăn quả có ưu thế đối với một số địa phương trong tỉnh 7.450 ha, xác định rõ các cây có ưu thế của từng địa phương để đầu tư phát triển. Nhóm cây ăn quả cơ bản ổn định diện tích 6.050 ha, theo dõi, đánh giá một số cây khi có tiến bộ giống mới, kỹ thuật phù hợp thì phát triển mở rộng trong tương lai. Đồng thời tập trung thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm và thị trường tiêu thụ đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất cây ăn quả trên từng cây theo chuỗi khép kín; có mối liên kết giữa doanh nghiệp - người nông dân từ trồng cây - chế biến - bảo quản - tiêu thụ. Sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu và nội tiêu. Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư, ngân sách đầu tư với người sản xuất đầu tư. Mỗi chủ thể có nghĩa vụ đầu tư riêng trong “chuỗi khép kín” của quá trình sản xuất.
Đặc biệt có chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHCN tiên tiến vào sản xuất để tạo đột phá. Trong chính sách cần quán triệt: Đối tượng thụ hưởng là người nông dân trồng CAQ, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân; nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn đầu tư của doanh nghiệp và người dân; ưu tiên chính sách đầu tư vào “cây ăn quả chủ lực” qua đó để tạo “đột phá” trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh; tránh đầu tư dàn trải.


Việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chính, có quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển quy mô hàng hóa, đồng thời có chọn lọc theo hướng đặc sản vùng miền. Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước; thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động mọi nguồn lực, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xác định là một trong những khâu đột phá trong quá trình thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời, tạo động lực phát triển sản xuất cây ăn quả gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Xác định được các loại cây ăn quả chính của tỉnh gắn với từng địa phương làm cơ sở để tổ chức thực hiện, thu hút đầu tư, đảm bảo khả thi, hiệu quả. Phát triển sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, phát triển bền vững.
Mục tiêu phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021-2030 là hình thành và phát triển các vùng trồng cây ăn quả có chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm đồng thời có chọn lọc các sản phẩm đặc trưng phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của từng địa phương. Áp dụng KHKT - công nghệ; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, gắn tổ chức sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ. Phát triển sản phẩm cây ăn quả hàng hóa có chất lượng cung cấp cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu; nâng cao giá trị sản xuất, giá trị gia tăng. Góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cụ thể là phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 30.000 ha, đến năm 2030 đạt 50.000 ha. Sản lượng quả các loại năm 2025 đạt khoảng 425.395 tấn; đến năm 2030 sản lượng quả đạt khoảng 789.160 tấn. Giá trị sản xuất cây ăn quả đến năm 2025 đạt khoảng 4.500 - 5.000 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 - 9.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 12,5 - 13,5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1,0 ha cây ăn quả năm 2025 đạt khoảng 140 - 160 triệu đồng; năm 2030 đạt khoảng 180 - 220 triệu (áp dụng quy trình sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 300 - 500 triệu đồng/ha). Thu hút đầu tư xây dựng mới ít nhất 03 cơ sở chế biến, bảo quản trái cây quy mô công suất khoảng 200.000 - 250.000 tấn/năm, công nghệ tiến tiến, hiện đại. Tổng công suất chế biến đến năm 2030 đạt khoảng 300.000 - 350.000 tấn/năm (chiếm 40 - 45% tổng sản lượng quả các loại).
          Diện tích cây ăn quả được công nhận chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP năm 2025 đạt khoảng 2.000 ha; năm 2030 đạt khoảng 10.000 ha (chiếm 20% tổng diện tích cây ăn quả). Hình thành và phát triển các sản phẩm hàng hóa từ trái cây để xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 80 - 100 triệu USD/năm. Giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50.000 lao động nông thôn. Tập trung công tác tuyển chọn, chọn lọc siêu nguyên chủng, giống gốc, giống bố mẹ, công nhận vườn cây đầu dòng, cây đầu dòng; hỗ trợ mua cây giống đáp ứng yêu cầu phát triển diện tích cây ăn quả. Đối với nhóm cây ăn quả múi và nhóm cây có lợi thế ở một số địa phương tập trung chọn lọc, bảo vệ các cây đầu dòng để lai tạo và nhân giống bằng hình thức chiết, ghép. Đối với nhóm cây ăn quả phát triển gắn với chế biến (dứa, chuối) liên kết với các Viện, Trung tâm phát triển nhân giống bằng phương pháp nuôi cây mô.
Chú trọng nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giống đảm bảo kiểm soát được giống cây ăn quả đáp ứng yêu cầu sản xuất liên kết giữa các cơ sở sản xuất với các trung tâm siêu thị, nhà hàng, khách sạn tạo nên chuỗi liên kết bền vững. Đẩy mạnh sản phẩm cây ăn quả giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử.
Phát triển sản xuất cây ăn quả phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của Nghệ An. Xây dựng Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Nghệ An phù hợp với quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thông qua thực hiện Đề án hình thành và xây dựng đội ngũ lao động kỹ thuật, quản lý có trình độ chuyên môn, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất truyền thống chuyển dần sang sản xuất hàng hóa có chất lượng, thương hiệu, đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nhiệp, nông thôn; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025./.
 

Xuân Anh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1458
  • Hôm nay141,939
  • Tháng hiện tại1,241,559
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây