Tăng tốc đầu tư cho khoa học - công nghệ

Thứ ba - 30/01/2024 21:48 0
Trước thềm Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp sang kinh tế thị trường; chuyển từ một nước chậm phát triển, sang nước đang phát triển; quy mô nền kinh tế đã lên đến 435 tỷ USD, lọt top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hiện Việt Nam huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững, dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực sẽ là động lực để nền kinh tế đi nhanh

Một thị trường hấp dẫn

Mục tiêu này hoàn toàn khả thi khi Việt Nam dần trở thành thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế. Ông Ryan McInerney, Giám đốc điều hành Visa - tập đoàn hàng đầu thế giới về thanh toán kỹ thuật số của Mỹ cho biết, Visa luôn coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu trên thế giới. Bởi đây đang phát triển rất năng động, với nhiều nét mới, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phương thức thanh toán điện tử. Dù đã hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm, doanh nghiệp vẫn mong muốn tiếp tục tham gia sâu hơn vào bức tranh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế đang ngừng phát triển quy mô và chất lượng tại Việt Nam
Các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ
vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, Việt Nam đã có những bước đi để đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Intel, Samsung... Chỉ riêng Samsung, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường trong nước mở rộng nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng. Ở thị trường dịch vụ xuất khẩu có MOR Software, Savvycom tăng trưởng gấp 2 lần; CMC Global tăng trưởng 70%. Thị trường trong nước cũng ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng như: One Mount tăng 80%; ITSOL tăng 90%; Viettel Cyber Security, FPT Smart Cloud tăng 100%... Đặc biệt, có doanh nghiệp tăng trưởng lên đến 2.800%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đang hiện diện trên 20 quốc gia, có hàng chục ngàn nhân sự, thực hiện chuyển đổi số cho những doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 và những tập đoàn hàng đầu thế giới.

Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có những bước phát triển đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%. Đáng chú ý, tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện Việt Nam có trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu đang tiến đến mốc 10 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Xây dựng chính sách đồng bộ, minh bạch

Tuy nhiên để hái "quả ngọt", nhiều doanh nghiệp công nghệ đang phải đối đầu tới nhiều khó khăn khi đầu tư. Theo một chuyên gia, bên cạnh chi phí đầu tư lớn trong thời gian dài thì môi trường đầu tư của Việt Nam đôi khi chưa đủ khả năng hấp thụ dự án công nghệ cao. Đặc biệt, việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Do đó, vị chuyên gia này đề xuất, Việt Nam phải cải thiện và nâng tầm những yếu tố khác thuế trong môi trường đầu tư. Đặc biệt, phải phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ và có chính sách minh bạch, đồng bộ với các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy đào tạo nghề theo hướng cung cấp cái mà xã hội cần; trong đó tăng tỷ lệ kỹ sư, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật cấp trung cao cấp, công nhân lành nghề.

Cùng chung nhận định này, đại diện một số doanh nghiệp công nghệ nước ngoài cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng chiến lược...; tạo môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn để thu hút đầu tư, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực... để các nhà đầu tư trong lĩnh vực này hoạt động ngày càng tốt hơn.

Để tạo thuận lợi cho đầu tư công nghệ, mới đây Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận Số 69-KL/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây được xem là một động lực rất lớn để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò là quốc sách hàng đầu, đột phá chiến lược, là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.


Hương Giang

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1482
  • Hôm nay141,120
  • Tháng hiện tại154,131
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây