Bút tích của cụ Nguyễn Sinh Sắc tặng bác sĩ Albert Sallet trong thời gian ở bệnh viện Phan Thiết 1912

Thứ ba - 11/06/2024 21:28 0
Trong khi tìm kiếm tài liệu về vị bác sĩ tài danh người Pháp Albert Sallet ở Đông Dương nửa đầu thế kỉ XX, tôi rất chú ý về bài thuốc mà vị bác sĩ này sưu tầm ở Nghệ Tĩnh, nhất là tại chợ Vinh. Thế nhưng đáng tiếc là “toa” thuốc bắc đó không ghi rõ địa chỉ của người thầy thuốc.
   Gắng tìm thêm tư liệu về vị bác sĩ này thì bất ngờ biết đến bộ sưu tập của ông được bán đấu giá tại Pháp. Nhưng thú vị nhất là có một bài thơ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) viết năm 1912 tại Phan Thiết tặng ông bác sĩ. Bài thơ được nhà đấu giá nêu khoảng 2000 đến 3000 euro (có thể nay đã có người mua rồi chăng?).


Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ     Ảnh: L.H cung cấp

Cũng nên viết đôi dòng về vị bác sĩ người Pháp này. Ông Albert Sallet (1877-1948) sinh trưởng ở vùng Souterraine, học trường y của hải quân và sang phục vụ Đông Dương năm 1903. Đầu tiên là ở Bắc kỳ. Năm 1906 được chuyển vào Đà Nẵng. Ông có nhiều công lao chống dịch bệnh ở đây và được nhà nước Pháp tặng huân chương. Năm 1911 ông vào Phan Thiết làm bác sĩ trưởng của bệnh viện, đến năm 1913 lại chuyển ra Huế…
Người Pháp biết đến ông không chỉ là một người thầy thuốc tận tâm mà còn là một nhà khảo cổ, một nhà nghiên cứu về văn hoá Chăm… Người Việt Nam biết đến ông không chỉ là vị bác sĩ mà “nhà Quảng Nam học” trứ danh. Ông là đồng sáng lập ra “Hội những người yêu Huế xưa”, thành viên của Viễn đông Bác cổ Đông dương, là giám đốc bảo tàng Chăm…
Tư liệu và tác phẩm của ông rất đồ sộ trong thời gian ở Đông Dương (1903-1930). Ông có công lao lớn là giới thiệu nền y khoa An Nam cổ truyền của hai vị Tuệ Tĩnh và Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác với phương Tây, với thế giới và thành lập bảo tàng văn hoá Chăm cho miền Trung, Việt Nam.

Bút tích bài thơ cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi bác sĩ Albert Sallet    Ảnh: L.H cung cấp

Quay lại bài thơ của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cụ viết như sau: “Kính bẩm Quan lớn,
Tôi ở trong nhà thương mấy lâu nay nhờ ơn trên đã đặng mạnh khoẻ rồi, nhân có chú lính Quảng biểu tôi làm bài thơ nôm, tôi làm một bài thơ tức cảnh, nói việc trong nhà thương này, tôi xin dâng quan lớn xem chơi.
Thơ rằng:
- Bốn biển nào hay hiệp một nhà
- Một nhà in một tiếng Âu ca
- Quan thầy chăm sóc bao ương yếu
- Công sứ tuần thăm khắp trẻ già
- Nền gạch gió đưa hơi thoả thích
- Cửa gương trăng tỏ nét quang hoa
- Đội ơn nhà nước còn trông nữa
- Thể tất lòng vua kịp chúng ta
Phó bảng Nguyễn Sanh Huy
Phụng bẩm”.
Đọc lời phi lộ và nội dung bài thơ chúng ta có thể biết tình cảnh và tâm trạng của cụ Sắc. Như vậy cụ ốm đau và được điều trị ở đây, bệnh viện Phan Thiết, cụ đã bình phục và muốn cảm ơn vị thầy thuốc qua mấy dòng thơ.
Từ trước đến giờ sách báo, tài liệu lịch sử viết rất nhiều về cụ Nguyễn Sinh Sắc về người con Nguyễn Tất Thành. Nhưng về phần cụ Sắc thì khá rời rạc, không có tính liên tục. Lịch sử chỉ có nhắc đến việc cụ bỏ việc quan… rồi đi nhiều nơi, cũng có nhắc đến Phan Thiết. Nhưng việc cụ bị ốm và nằm điều trị ở đây (1912) thì hoàn toàn không có.

Bác sĩ người Pháp Albert Sallet  Ảnh: L.H cung cấp

Ngược dòng lịch sử thì chúng ta cũng biết. Cụ Nguyễn Sinh Sắc xưa kia lận đận về con đường khoa cử, cũng dùi mài kinh sử thế mà thi cứ trượt. Cụ cho rằng cái tên “Sinh Sắc” không hay nên đổi sang “Sinh Huy” (hay là Nguyễn Sanh Huy theo tiếng Nam). Quả thực sau khi đổi tên đi thi cụ đỗ Phó bảng khoa thi Tân Sửu (1901). Sau đó cụ làm quan ở bộ Lễ và năm 1909 được bổ về làm Tri huyện của Bình Khê, tỉnh Bình Định. Đầu năm 1910 cụ phạm lỗi việc quan bị triều đình cách chức, hạ 4 cấp. Nhưng cũng từ đó cụ bỏ việc và nay đây mai đó. Hoàn cảnh vô cùng bi thảm.
Anh Nguyễn Tất Thành có gặp cụ Sắc lần cuối lúc cụ còn làm Tri huyện. Sau đó nhờ bạn bè của cụ Sắc qua hội Liên Thành, anh Thành có thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Giữa năm 1911 thì anh Thành mang tên là Ba đã lên làm việc bếp ở tàu biển Amiral Latouche Tréville.
Rất có thể năm 1912 cụ Sắc trong lúc khó khăn đã quay về Phan Thiết để gặp bạn bè trong hội Liên Thành. Nhưng không may ngã bệnh nên phải vào viện chữa trị. Bệnh viện Phan Thiết được Pháp thành lập năm 1889. Ban đầu quy mô khá nhỏ. Chủ yếu là chữa trị dịch bệnh như dịch hạch, sốt rét, thổ tả… chỉ có 8 buồng cho dân bản xứ. Nhưng dần dà được mở rộng thêm có thêm nhà hộ sinh, phòng mổ, phòng chữa tâm thần… Ban đầu bệnh viện được dân gọi là “Nhà thương thí”, có nghĩa là cơ sở chữa trị cho người nghèo cơ nhỡ, không có tiền.
Thời gian năm 1910 thì bệnh viện chữa trị có tính tiền, nhưng đối với người nghèo thì vẫn trên tiêu chí như trước, mặc dù được nâng cấp. Nơi đó lúc này phục vụ cả binh lính hay quan chức trong tỉnh. Bệnh viện được lắp cửa kính lấy ánh sáng vào phòng vì thế dân cũng gọi bệnh viện này là “nhà thương kính”.
Năm 1912 bác sĩ Albert Sallet làm bác sĩ trưởng của bệnh viện. Cụ Sắc cơ nhỡ và ốm đau nên được vào đây chữa trị. Trong lời nói đầu cụ nhắc đến chú “lính Quảng” (người Quảng Nam), có nghĩa là cũng một bệnh nhân của nhà thương, nhưng thuộc ngạch lính nhà nước, anh này chắc biết danh của cụ Phó bảng nên mới bảo cụ làm thơ. “Quan thầy” ở đây ý nói quan thầy thuốc Sallet đã chăm sóc kĩ lưỡng bệnh nhân vì thế cụ Sắc rất cảm động.
Rất có thể khi thăm bệnh bác sĩ Sallet hỏi han trò chuyện nhiều với cụ Sắc, vì bác sĩ    Sallet nói viết thông thạo tiếng Việt và cũng rất giỏi chữ Hán nên bài thơ cụ Sắc viết tặng bằng tiếng Việt là vậy. Ông Sallet là người trân trọng văn hoá và học vấn, nên cuối bài thơ cụ Sắc chỉ ghi học hàm Phó bảng của mình thôi, như vậy cũng để gây sự tôn trọng và chú ý cho người được tặng.
Câu “Đội ơn nhà nước còn trông nữa” có ẩn ý như cụ muốn mong chờ được lưu lại nơi này lâu hơn nữa. Nhưng thực sự đó chỉ là hi vọng mong manh thôi. Nhà thương thí chỉ được phép chữa trị dứt bệnh chứ không được phép cho an dưỡng dài ngày. Chúng ta cũng thông cảm cho cụ.
Còn câu cuối có vẻ hơi khó hiểu nhất “Thể tất lòng vua kịp chúng ta”. Nếu tính năm 1912 thì người ở ngôi vua là Duy Tân (con trai thứ của vua Thành Thái đang bị lưu đày), mà Duy Tân thì mới 13 tuổi. Ngược lại năm 1910 khi cụ Sắc bị “hoặc” chắc vua cũng chả biết gì, chẳng qua mọi quyết định đều do luật lệ triều đình hoạch định, ai phạm thì bị xử, chứ Duy Tân không thể can dự gì. Năm 1912 thì Duy Tân vẫn chỉ là 13 tuổi, tuy bản tính có thể không ưa Pháp nhưng việc chấp chính thì chưa phải là việc chính mà vua còn tuổi học và chơi nhiều hơn. Có thể cụ Sắc biết rõ là vua còn trẻ con, chăm lo sơn hà may ra mai sau mới trông chờ được. Vì thế cụ mới viết câu đó như một hi vọng mà thôi.
Bài thơ và bút tích của cụ Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sanh Huy) là một tư liệu quý giá cho công tác nghiên cứu về cụ Phó bảng. Hi vọng nó sẽ góp phần hữu ích cho việc khảo cứu cũng như làm rõ về cuộc đời người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể cũng có một số bút tích lưu giữ bằng chữ Hán qua sách thuốc, vì cụ thuộc tầng lớp nhà nho. Nhưng bút tích viết bằng tiếng Việt hiện đại quả là hiếm hoi.
Nếu công bằng mà nói thì chữ viết của cụ Sắc rất đẹp, nét đẹp của lối viết chân phương, có khi còn đẹp hơn cả nét chữ của con trai cụ nữa.
Ông bác sĩ Albert Sallet rời Việt Nam năm 1930 trở về Pháp. Ở quê hương ông làm giám đốc Viện Bảo tàng cổ vật Á Đông, là bảo tàng lớn thứ hai ở nước Pháp về cổ vật này. Ông qua đời năm 1948.
Lá thư (bài thơ) cụ Nguyễn Sinh Sắc tặng, được ông lưu giữ cẩn thận. Ngay từ thời năm 1912 ông không hề biết quá khứ hay danh tiếng của cụ Sắc. Đối với người bác sĩ đó chỉ là một kỉ niệm của người bệnh nhân. Thế nhưng ông trân quý tình cảm con người có văn hoá nên ông lưu giữ cẩn thận. Ngay cả khi năm 1946 người con của cụ Sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là quốc khách của nước Pháp mà ông cũng không đả động đến lá thư này. Có thể ông lãng quên, có thể ông là nhà nghiên cứu không quan tâm đến chính trị nên lá thư cứ nằm mãi trong lưu trữ… cho đến bây giờ.
Một tư liệu hiếm và độc đáo vô cùng.
Tham khảo thêm
1. https://www.aavh.org/index.php/albert-sallet/.
4.https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/.../LICH%20SU... (có nhầm lẫn tên và không chính xác thời gian).
2.https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/7014/albert-sallet-nha-dan-toc-hoc-cua-xu-trung-ky.html.
3. https://drouot.com/en/v/134713-indochine-chapitre-15.
 

Lê Huy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây