Dự án SXTN: hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt ở quy mô công nghiệp

Thứ tư - 28/04/2021 22:48 0

Thuộc Dự án KHCN: Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin Bại liệt bất hoạt MÃ SỐ: SPQG.05a.03) Cơ quan chủ trì dự án: Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Đặng Mai Dung.

Từ nhiều năm nay, trên thế giới đã sử dụng vắc xin OPV (là vắc xin bại liệt sống, giảm độc lực) để phòng bệnh bại liệt. Ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, vắc xin OPV đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, OPV có nhược điểm là virút có khả năng quay trở lại độc lực gây bệnh bại liệt liên quan đến vắc xin. Năm 1995, các nhà nghiên cứu của Tổ chức Y tế khu vực Pan American (Pan American Health Organization) báo cáo ghi nhận 139 trường hợp bại liệt có liên quan đến sử dụng vắc xin bại liệt trong vòng 3 năm trong khu vực châu Mỹ; Năm 2000, ổ dịch bại liệt đầu tiên đã được báo cáo do vi rút vắc xin bại liệt đang lưu hành (cVDPV - circulating vaccine-derived poliovirus), gây ra tình trạng bại liệt trên 21 trẻ em tại Cộng hòa Dominica và Haiti. Năm 2009 và cũng là năm thứ năm liên tiếp, Nigeria báo cáo một ổ dịch bại liệt gây ra bởi vi rút bại liệt liên quan đến vắc xin đang lưu hành typ 2 (cVDPV - circulating vaccine-derived poliovirus), gây bệnh cho 290 trẻ em. Vì những rủi ro khi sử dụng vắc xin OPV, vào giữa năm 2003, hai tiểu bang ở Nigeria đã quyết định đình chỉ sử dụng vắc xin OPV, quyết định này không chỉ dẫn đến những vụ dịch bại liệt lớn xảy ra ở quốc gia này, mà còn dẫn đến việc lan truyền của vi rút bại liệt hoang dã sang hơn 20 quốc gia khác, một thảm kịch gây ra tình trạng bại liệt của hàng ngàn trẻ em. Trong năm 2009, theo báo cáo có 1.282 trường hợp bại liệt được ghi nhận trên toàn thế giới, hầu hết (75%) thuộc bốn quốc gia (Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan và Nigeria) và 25% còn lại ở 18 quốc gia khác; Trong số đó, có 7 nước là các nước tái xuất hiện vi rút bại liệt do không ghi nhận các trường hợp bệnh trong năm trước. Các trường hợp bại liệt này là do vi rút có nguồn gốc hoang dã typ 1 và 3 không có sự hiện diện của typ 2, ngoại trừ bại liệt liên quan đến vắc xin đang lưu hành typ 2 (cVDPV - circulating vaccine-derived poliovirus) ở Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia. Chính vì những dữ liệu trên, WHO đã khuyến cáo các quốc gia vẫn phải sử dụng cho trẻ em đủ 3 liều vắc xin bại liệt OPV nhưng rút typ 2 khỏi thành phần, chỉ sử dụng typ 1 và 3 và tiêm bổ sung 1 liều vắc xin IPV có đủ 3 typ 1,2,3. Để bảo vệ thành quả đạt được trong việc thanh toán bại liệt ở một số quốc gia, loại vắc xin chết hay còn gọi vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV - inactivated polio vaccine), một loại vắc xin đã khắc phục được tình trạng trên. Vắc xin IPV hay còn gọi là vắc xin Salk, chủng vi rút dùng để sản xuất vắc xin được gây nhiễm trên tế bào thận khỉ tiên phát và bất hoạt bằng formalin. Vắc xin IPV tạo miễn dịch khách thể IgG ngăn vi rút xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. IPV cũng là loại vắc xin đã lưu hành ở nhiều nước trên thế giới từ hơn hai thập kỷ qua. Quan điểm mới này đã tiến tới việc dần dần ngừng việc sử dụng OPV để chuyển sang sử dụng IPV. Hiện nay trên thế giới có rất ít nhà sản xuất có thể sản xuất được vắc xin IPV do qui trình sản xuất phức tạp, tốn kém và sản lượng chưa cao. Chính vì vậy, định hướng của WHO chuyển sang sử dụng hoàn toàn vắc xin IPV chưa thể thực hiện được ở hầu hết các quốc gia. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã có chủ trương sử dụng bổ sung 1 liều vắc xin IPV sau khi cho trẻ uống 3 liều bOPV từ năm 2016, tuy nhiên mãi đến năm 2018, chúng ta mới có thể nhập khẩu được IPV với số lượng hạn chế. Để hoàn thành mục tiêu lớn của TCYTTG thanh toán đượcbại liệt do vi rút hoang dại hoặc các vi rút có nguồn gốc từ vắc xin, việc sử dụng thường quy OPV phải được thay thế bằng IPV càng sớm càng tốt sau khi xác nhận toàn cầu không có bại liệt. Vắc xin được sản xuất từ vi rút bại liệt bất hoạt đã được chứng minh là an toàn và tạo miễn dịch tốt, có khả năng tránh những rủi ro vốn có của vắc xin OPV. Bằng cách thay đổi chính sách tiêm chủng hiện nay, việc xây dựng chiến lược và đề xuất thay đổi phù hợp giúp trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn trong tương lai. Ở nước ta, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã quan tâm đến vấn đề này và đang nỗ lực thúc đẩy việc chủ động sản xuất vắc xin IPV để thay thế OPV. Bằng chứng là Bộ KHCN và Bộ Y tế đã phê duyệt cho Trung tâm nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt từ chủng Sabin" năm 2003-2005 và sản phẩm của đề tài này đã được phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II vào năm 2006-2007

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt, POLYVAC đã thực hiện Dự án SXTN: "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt ở qui mô công nghiệp" Mục tiêu của dự án sau khi đã được điều chỉnh (Theo biên bản Họp hội đồng tư vấn điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngày 23/08/2018):

1. Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt từ chủng Sabin (sIPV) qui mô 100.000 liều/loạt đạt tiêu chuẩn chất lượng.

2. Sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt bán thành phẩm (3 typ): 300.000 liều bán thành phẩm typ 1 283.000 liều bán thành phẩm typ 2 300.000 liều bán thành phẩm typ 3

Kết quả

Từ kết quả nghiên cứu của Dự án: "Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt ở qui mô công nghiệp", chúng tôi rút ra những kết luận sau:

1. Đã hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt từ chủng Sabin (sIPV) qui mô 100.000 liều/loạt đạt tiêu chuẩn chất lượng:

+ Đã hoàn thiện các qui trình: nuôi cấy tế bào trên chai nhiều tầng và bioreactor; sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt bán thành phẩm; pha vắc xin thành phẩm IPOVAC Chúng tôi đã lựa chọn qui trình sản xuất trên chai 10 tầng để sản xuất 100.000 liều/loạt. Đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống hồ sơ, tài liệu trong sản xuất và kiểm định chất lượng vắc xin;

+ Đã hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở cho vắc xin bại liệt bất hoạt: Thiết lập tiêu chuẩn cơ sở cho tế bào (VERO) dùng cho sản xuất gồm 6 tiêu chí. Thiết lập tiêu chuẩn cơ sở cho vắc xin bán thành phẩm sau lọc (Kí hiệu IPSH) gồm 3 tiêu chí. Thiết lập tiêu chuẩn cơ sở cho vắc xin bán thành phẩm sau tinh sạch (Kí hiệu IPBM-TS) gồm 4 tiêu chí. Thiết lập tiêu chuẩn cơ sở cho vắc xin bán thành phẩm sau bất hoạt (Kí hiệu IPBM-BH) gồm 5 tiêu chí. Thiết lập tiêu chuẩn cơ sở cho vắc xin thành phẩm IPOVAC (Kí hiệu IP) gồm 9 tiêu chí.

2. Đã sản xuất được vắc xin bại liệt bất hoạt bán thành phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm 3 typ:

+ Vắc xin bại liệt bất hoạt bán thành phẩm typ 1 là 305.220 liều (theo kế hoạch là 300.000 liều).

+ Vắc xin bại liệt bất hoạt bán thành phẩm typ 2 là 283.800 liều (theo kế hoạch là 283.000 liều).

+ vắc xin bại liệt bất hoạt bán thành phẩm typ 3 là 306.950 liều (theo kế hoạch là 300.000 liều).

KIẾN NGHỊ

- Sử dụng công nghệ sản xuất vắc xin IPV trên Bioreactor để nâng công suất sản xuất với qui mô lớn hơn. - Đề nghị Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ POLYVAC thiết lập dây chuyền sản xuất đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới cho sản xuất và kiểm định vắc xin bại liệt bất hoạt

Sản xuất được vắc xin bại liệt bất hoạt phòng bệnh bại liệt, không phải nhập ngoại vắc xin, tiết kiệm cho nhà nước ngoại tệ. Vắc xin này được sản xuất từ 3 chủngvắc xin Sabin đã dùng cho sản xuất OPV và sử dụng tế bào Vero là dòng tế bào thường trực được WHO khuyến cáo sử dụng trong sản xuất vắc xin nên rất thuận lợi và chủ động trong sản xuất; Vắc xin được sản xuất trong nước sẽ giúp giảm giá thành, giảm chi phí tiêm phòng cho trẻ em, để hầu hết các cháu có cơ hội được tiêm phòng bệnh bại liệt, từ đó duy trì, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam. Kết quả của dự án sẽ giúp cho POLYVAC có cơ sở để xin cấp phép lưu hành sản phẩm. Giúp Việt Nam nói chung và Polyvac nói riêng có thêm 01 sản phẩm vắc xin cung cấp cho Chương trình TCMR Quốc gia. Khi văc xin OPV bị khuyến cáo không sử dụng, văc xin IPOVAC sẽ là giải pháp thay thế phù hợp. Ngoài ra đây là một thành phần quan trọng để sản xuất văc xin 6 trong 1 (Bạc hầu-Ho gà-Uốn ván- Hib-VGB-BL) mà Việt Nam đang hướng tới. Xây dựng và phát triển tiềm lực về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trình độ cao, đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ, góp phần đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học tiên tiến ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực; Với nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất vắc xin, với trang thiết bị tiên tiến thực hiện công nghệ, POLYVAC có điều kiện mở rộng, giao lưu và hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao nền khoa học nước ta;

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14811/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2553
  • Hôm nay89,031
  • Tháng hiện tại980,496
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây