Sản xuất thử giống ngô nếp lai HUA601 tại các tỉnh phía Bắc

Thứ ba - 14/06/2022 22:49 0

Nhu cầu về ngô nếp chất lượng ngày càng cao trong khi diện tích trồng ngô nếp chỉ chiếm khoảng 8 - 12% là do thiếu nguồn giống ngô nếp năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân, trong những năm gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành công nhận nhiều giống ngô nếp mới. Những giống ngô nếp phổ biến trong sản xuất trước đây chủ yếu là giống thụ phấn tự do nay đã được thay thế bằng các giống ngô nếp lai có độ đồng đều cây và bắp cao; bắp to, dài, lá bi bao kín bắp; năng suất bắp tươi cao, chất lượng tốt, được sản xuất chấp nhận. Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển ngoài sản xuất với sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu, các giống ngô nếp hiện tại đã biểu hiện một số nhược điểm như suy giảm khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh hại, mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường, dễ bị đổ rễ, xuất hiện các hiện tượng bắp không hạt hoặc kết hạt ít, bắp chìa và không có bắp gây giảm và mất năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập và thiệt hại đến đời sống của bà con nông dân. Hơn nữa, các giống nếp lai chủ yếu được nhập nội từ nước ngoài nên giá thành hạt giống hiện rất cao. Ngoài ra, chất lượng giống chưa được cải thiện, gây khó khăn cho việc lựa chọn cơ cấu giống để đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất. Do hạt giống nhập từ nước ngoài nên thị trường hạt giống không chủ động, gây khó khăn cho người sản xuất.

Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu sản xuất, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã tuyển chọn, khảo nghiệm thành công giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668) phù hợp với điều kiện các tỉnh phía Bắc và được công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 460/QĐ-TT-CLT ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Cục Trổng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Qua quá trình khảo nghiệm, giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668) biểu hiện nhiều đặc điểm tốt, tuy nhiên để nhân rộng giống ra sản xuất gặp phải một số vấn đề còn tồn tại như sau: Quy trình sản xuất hạt lai F1 chưa được hoàn thiện nên mức độ trùng khớp của dòng bố mẹ và năng suất hạt lai chưa được tối ưu; Quy trình sản xuất thương phẩm giống ngô nếp lai chưa được hoàn thiện cho vùng Đồng bằng sông Hồng. Do vậy, nhằm duy trì và nhân dòng bố mẹ có độ thuần cao, sản xuất hạt lai F1 có độ đồng đều cao, chất lượng hạt giống tốt và ổn định, sản xuất ngô nếp lai thương phẩm HUA601 (ADI668) có năng suất cao, chất lượng tốt là những nhân tố quyết định cho việc mở rộng diện tích gieo trồng, công nhận giống HUA601 (ADI668) là giống cây trồng nông nghiệp mới, bổ sung và làm đa dạng hóa bộ giống ngô nếp lai chất lượng cao, năng suất tốt tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, nhóm nghiên cứu do TS. Phạm Quang Tuân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu đã thực hiện dự án: “Sản xuất thử giống ngô nếp lai HUA601 tại các tỉnh phía Bắc”.

Từ các kết quả của dự án, nhóm nghiên cứu rút ra một số kết luận như sau:

- Dự án đã hoàn thiện được quy trình sản xuất hạt lai F1 giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668) áp dụng cho các tỉnh phía Bắc và quy trình sản xuất thương phẩm giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668) cho vùng đồng bằng sông Hồng; cả hai quy trình được công nhận cấp cơ sở và áp dụng trong sản xuất.

- Dự án đã xây dựng được 4 mô hình sản xuất hạt lai F1 giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668) với tổng diện tích là 10 ha trong vụ Xuân 2018 đạt năng suất hạt lai trên 1,5 tấn/ha và kết quả sản xuất hạt lai thu được tổng cộng 17,2 tấn hạt lai F1 15 giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668), phục vụ xây dựng mô hình sản xuất thử công nhận giống chính thức cho cả nước và phục vụ xây dựng mô hình để quảng bá, mở rộng diện tích gieo trồng giống.

- Dự án đã xây dựng được 4 mô hình thâm canh giống ngô nếp lai thương phẩm HUA601 (ADI668) với tổng diện tích 10 ha trong vụ Xuân Hè 2018 và Xuân Hè 2019.

- Dự án đã tham gia đào tạo được 02 sinh viên, tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất hạt lai F1 và sản xuất thương phẩm giống ngô nếp HUA601 (ADI668) với tổng số 120 người tham gia. Tổ chức được 4 hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình tại các địa phương.

- Dự án đã sản xuất được 60 kg hạt siêu nguyên chủng dòng bố, 120 kg hạt siêu nguyên chủng dòng mẹ, 600 kg hạt nguyên chủng dòng bố, 1.200 kg hạt nguyên chủng dòng mẹ. Chất lượng hạt giống các cấp đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-53: 2011/BNNPTNT; công bố được 01 bài báo trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 16/2019; Công nhận chính thức giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668) và đã được cấp bằng bảo hộ giống.

Như vậy, các quy trình công nghệ nhân siêu nguyên chủng, nguyên chủng và sản xuất hạt giống F1 giống ngô nếp lai HUA601 (ADI668) được thiết lập chính xác sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đóng góp tích cực vào chương trình phát triển ngô nếp lai do Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc tự túc sản xuất hạt giống ngô nếp lai trong nước và đóng góp thiết thực cho sự nghiệp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17351/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay182,229
  • Tháng hiện tại2,425,845
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây