Thị xã Thái Hòa phát huy hiệu quả từ mô hình kinh tế vườn đồi

Thứ ba - 24/03/2020 20:53 0

Thái Hòa là thị xã được định hướng sẽ trở thành thành phố Thái Hòa, đô thị loại III - trực thuộc tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2025; là đô thị động lực và là đô thị hạt nhân của vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An. Những năm gần đây, nhờ biết phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có, kinh tế của Thái Hòa không ngừng phát triển. Ở vùng ven thị xã, người dân thị xã Thái Hòa đã đầu tư phát triển hàng chục trang trại, gia trại có hiệu quảvà có thu nhập cao. Bà con đã triển khai, nhân rộng các mô hình kinh tế vườn đồi mang lại hiệu quả, tạo ra hướng đi riêng, đặc trưng khi khai thác được tiềm năng đất đai, thức ăn tại chỗ và đầu ra ổn định, bền vững. Với sự năng động và sáng tạo trên, trong vài năm lại đây, địa bàn Thái Hòa đã có hàng chục mô hình hộ sản xuất kinh doanh giỏi ra đời. Hiện trên địa bàn Thị xã Thái Hòa khoảng trên 400 trăm mô hình gia trại, trang trại có doanh thu trên 500 triệu mỗi năm và gần 350 hộ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm.

 

Description: https://image2.baonghean.vn/w607/Uploaded/2020/nkdkswkqoc/201706/original/images1919922_dsc_0088.gif

 Xã Nghĩa Hòa thuận lợi về diện tích đất vườn đồi để phát triển cây ăn quả, đã có nhiều hộ xây dựng mô hình trang trại thành công. Ông Thái Quốc Huy (Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa) làm trang trại từ hơn 10 năm, nhưng 3 năm gần đây ông tập trung đầu tư trồng cam và một số cây ăn quả cho hiệu quả cao. Vì cam là cây đầu tư dài ngày, chi phí đầu tư lớn nên ông bố trí hợp lý các loại cây ngắn ngày như bí, đậu đỗ, mía trồng xen. Với cách làm này, mỗi năm gia đình thu hoạch các loại cây ngắn ngày khoảng 300 triệu đồng, để tiền trả công lao động và tiếp tục đầu tư cho cây cam. Để giảm bớt nhân công, ông Huy đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt hệ thống bơm tưới nước cho toàn trang trại. Trung tâm khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 105 triệu đồng, để ông lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel và phân bón. Hiện tại, mô hình của gia đình ông Huy là trang trại có giá trị trên vài tỷ đồng: 5,5 ha cam, 2 ha ổi Đài Loan, 1 táo và trên 2 ha mía, nhãn, vải… Khoảng vài năm tới, cây cam, ổi, chanh sẽ cho thu hoạch; hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho gia đình ông. Ông Huy đã cùng với một số chủ trang trại cây ăn quả lớn trên địa bàn Thị xã Thái Hòa và Nghĩa Đàn lập hiệp hội cây ăn quả và thành lập HTX Hợp Long để tìm đầu ra cho các sản phẩm. Đây là bước đệm để sản phẩm trái cây của các trang trại đến với thị trường lớn hơn. 

Mô hình nuôi bò sữa New Zeland cũng được bà con triển khai, điển hình là hộ ông Trần Văn Hữu ở xóm 5, xã Nghĩa Hòa, nhờ hỗ trợ vay vốn, gia đình vay 250 triệu đồng để mua 4 con bò sữa New Zeland. Sau hơn 2 năm, ông Hữu đã có đàn bò sữa trên 8 con. Hiện nay, với 4 con bò đã cho sữa, mỗi ngày gia đình ông Hữu có thu nhập trên 1 triệu đồng. Điều đáng nói là nhờ nuôi bò sữa, gia đình không chỉ tận dụng được mặt bằng đất mà còn sử dụng được các nguồn thức ăn sẵn có trong vườn nhà. 

Mô hình nuôi cừu của anh Thái Bá Phú, ở Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa

Những mô hình trên là điển hình cho quy trình đầu tư hợp lý, bài bản, biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn còn hàng chục  mô hình chăn nuôi trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao; thu nhập bình quân từ 100-150 triệu/mô hình.

Cùng với hàng chục mô hình bưởi hồng Quang Tiến, với diện tích khoảng 10ha được thị xã hỗ trợ, bà con mỗi năm thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha. Hiện, trên toàn thị xã còn khoảng trên 100 ha đất đồi có thể chuyển đổi để trồng các cây ăn quả và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình gia trại chăn nuôi thỏ NewZeland của gia đình anh Nguyễn Thái Nhân ở xóm 4, xã Nghĩa Hòa. Năm 2016, anh Nhân đầu tư trên 800 triệu đồng làm trang trại, trong đó 1 khu trại để nuôi thỏ và 1 khu trại chăn nuôi lợn rừng. Lúc đầu, anh chỉ thả vài chục con thỏ mẹ và 5 con lợn nái rừng để nuôi. Tuy nhiên, trong khi chăn nuôi thỏ có đầu ra nên ngày càng phát triển thì mô hình lợn rừng khá long đong vì liên tục lo dịch bệnh. Chính vì thế, sau 4 năm, anh quyết định tăng quy mô đàn thỏ và giảm dần đàn lợn và từ năm 2019 chỉ nuôi thỏ. Hiện tại, gia trại có đàn thỏ trên 2.000 con, trong đó 400 thỏ mẹ và khoảng 1.500 thỏ con. Với 400 thỏ mẹ, bình quân mỗi con đẻ 6 lứa/năm và mỗi lứa từ 6-8 con, mỗi năm anh Nhân cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 con thỏ thịt. Với giá bán bình quân khoảng 200 ngàn/con, mỗi năm gia trại cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ngoài nuôi thỏ thịt, hiện tại, anh Nhân còn nhân bán thỏ giống cho bà con, nuôi gà và làm rau má hàng hóa, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Gia trại anh Nhân đã ký hợp đồng liên kết với một Công ty thực phẩm Hà Nội để bao tiêu đầu ra.

Mô hình lợn nít của anh Phan Chí Dũng ở khối Quang Minh, phường Quang Phong. Tận dụng khoảng 1,5 ha đất đồi bạc màu của gia đình, từ năm 2015, sau khi tham quan mô hình nuôi lợn rừng nít ở Quỳnh Lưu về, Dũng mạnh dạn cải tạo gia trại và mua 5 con lợn nái giống mẹo bản địa lai với lợn rừng. Sau 5 năm vừa đầu tư vừa mỏ rộng đàn, đến nay trang trại lợn của Dũng đã có 15 con nái, 1 con đực và hàng trăm lợn con gồm nhiều lứa.
Anh Dũng cho biết: trước đây nuôi lợn siêu nạc hay lợn nái, mỗi lần lợn đẻ hay đến kỳ xuất bán, vợ chồng anh khá vất vả và rất áp lực vì chi phí thức ăn lớn mà giá bán thì phập phù. Mặc dù thời gian nuôi lợn rừng dài hơn (từ 8-12 tháng) nhưng chi phí thức ăn ít (lợn rừng chủ yếu là ngô, cỏ và cám) nhưng bán giá ổn định, không bị ép. Từ ngày chuyển sang nuôi lợn nít rừng, việc chăn nuôi được giao hẳn cho vợ và anh chỉ tập trung làm khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Cũng nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên bình quân 2 năm đàn lợn nái 15 con của Dũng sinh được 3 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con/mẹ. Do giá lợn năm nay cao, với giá từ 160-180 ngàn đồng/kg hơi, mỗi con từ 20-25 kg tương đương giá trên 3,2 triệu đồng/con; sau khi trừ chi phí, năm 2019, lãi khoảng 500 triệu đồng.  Để nhân rộng mô hình, năm 2019, Hội Nông dân thị xã Thái Hòa đã tạo điều kiện để trang trại vay 200 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ Nông dân để đầu tư, mở rộng quy mô đàn. Hiện tại, ngoài mô hình của Dũng, còn có 6 mô hình nuôi lợn nít rừng, quy mô mỗi hộ từ 5-7 con trên địa bàn. Hội Nông dân phường Quang Phong mong muốn xây dựng mô hình ổn định để tạo được một sản phẩm hàng hóa riêng, khai thác hiệu quả lợi thế đất đai và qua đó tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Cũng tại thị xã Thái Hòa, đã có một cựu chiến binh mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi cừu sinh sản. Thành công ban đầu khi những chú cừu sinh sản tốt, cho thu nhập cao, mở ra những triển vọng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đó là anh Thái Bá Phú, một cựu chiến binh ở xóm 15A, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa quyết định nuôi cừu. Khi đó, hầu hết người thân, bạn bè ai cũng can ngăn, bởi nuôi cừu còn lạ lẫm tại Nghệ An, chưa nói đến địa phương như Thái Hòa. Thế nhưng, anh Phú vẫn quyết tâm mang những con cừu từ Ninh Thuận về chăn thả ở đất đồi của gia đình. Thời gian đầu, do thay đổi môi trường sống, cộng với kiến thức chăn nuôi hạn chế, số lượng 28 con cừu giống ban đầu của gia đình đã chết gần phân nửa, chỉ còn 18 con. Sau nhiều lần thất bại, đàn cừu đã không phụ công tìm tòi, chăm sóc của anh Phú đã sinh trưởng, phát triển tốt. Cứ một năm 2 lần sinh sản, hiện đàn cừu đã lên số lượng gần 50 con. Cừu chủ yếu ăn cỏ nên anh Phú đã chủ động nguồn thức ăn ngay tại vườn đồi của gia đình. Thời gian chăn nuôi cừu thương phẩm mất khoảng 6 tháng, với giá bán ra thị trường hiện nay khoảng 170.000 đồng/1kg, mỗi lứa sau khi trừ chi phí cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Mô hình nuôi cừu của gia đình anh Phú được đánh giá là tiêu biểu trong chuỗi liên kết phát triển kinh tế do Hội cựu chiến binh xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa xây dựng. 

Mô hình nuôi bò thịt của anh Trần Duy Đức ở xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Mỹ: Từng là một trong những mô hình nuôi bò sữa đầu tiên của Thị xã Thái Hòa khi anh Đức vay gần 1 tỷ đồng nuôi bò sữa cho Công ty Vinamilk. Tuy nhiên, cùng với thời gian, do đàn bò sữa bị thoái hóa nên chất lượng sữa không đảm bảo và giá mua sữa ngày càng giảm, không đủ bù đắp chi phí nên 2 năm lại đây anh quyết định chuyển nghề. Tận dụng cơ sở chuồng trại sẵn có, anh Đức tìm mua các loại bò, bê gầy yếu hoặc bò nái thải về chăm sóc, vỗ béo từ 2-3 tháng sau đó bán lại. Nuôi bò vỗ béo và chuồng trại rộng rãi, chi phí thức ăn thấp nên lúc nào thấy có lời là bán; chu kỳ vỗ béo bình thường khoảng 3 tháng và có thể để lâu hơn nhưng không phải áp lực và lãi tối thiếu khoảng 2 triệu đồng/con.  Với điều kiện chuồng trại khá rộng rãi nên cứ 3 tháng, anh Đức chăm sóc được từ 40- 50 con. Trâu bò mua chủ yếu ăn cỏ voi hoặc rơm chế biến với mật mía có sẵn quanh nhà để vỗ béo nên khá rẻ. Để tận dụng chuồng trại, từ đầu năm 2019, anh Đức còn mạnh dạn nhập bò và trâu từ Thái Lan, Miama, Úc về vỗ béo để xuất bán đi Trung Quốc hoặc ngoại tỉnh. Ngoài mô hình của anh Đức, địa bàn xã Nghĩa Mỹ và Đông Hiếu đã có hàng chục mô hình nuôi bò vỗ béo, quy mô từ 5-7 con/hộ, lãi từ 70-100 triệu đồng/năm.

Hy vọng thời gian tới, các mô hình trên địa bàn thị xã Thái Hòa sẽ không ngừng phát triển và nhân rộng, góp phần phát huy tiềm năng lợi thế, giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Nguyễn Hoàng

 

 

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay170,575
  • Tháng hiện tại1,686,584
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây