Chế tạo Pin sạc Li-ion từ vỏ trấu: Mở ra khả năng kinh doanh mới

Thứ tư - 15/11/2023 22:15 0
Nhóm nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đạt được bước tiến quan trọng với nghiên cứu về "Ứng dụng quy trình tổng hợp vật liệu điện cực từ vỏ trấu để sản xuất thử nghiệm pin sạc li-ion 4V dạng cúc áo (coin cell) và dạng túi (pouch cell)". Công trình này không chỉ mở ra cánh cửa sản xuất pin từ vỏ trấu mà còn tạo cơ hội kinh doanh mới cho người nông dân.
Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia sản xuất gạo lớn thứ hai trên thế giới, với hàng triệu tấn gạo sản xuất mỗi năm. Tỷ lệ vỏ trấu, một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gạo, đạt khoảng 20-22%, tức gần 9 triệu tấn mỗi năm. Vỏ trấu chứa hàm lượng silica (SiO2) trung bình khoảng 10,6%, thành phần quan trọng có thể được sử dụng để chế tạo pin sạc li-ion.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mỹ Loan Phụng và nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc chế biến vỏ trấu thành vật liệu composite carbon silica (C/SiO2). Từ 1kg trấu, nhóm có thể sản xuất 350g vật liệu này, với giá khoảng 50 USD/1.000 gr.
Sau hai năm nghiên cứu, nhóm đã sản xuất thành công pin sạc li-ion từ vỏ trấu, mở ra khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất ở quy mô mở rộng. Vật liệu silica từ vỏ trấu giúp tăng dung lượng pin và có tiềm năng thay thế hoàn toàn vật liệu graphite truyền thống, với ưu điểm về giá thành, hiệu quả sử dụng và bảo vệ môi trường.
Nhóm đã thử nghiệm thành công 50 pin sạc dạng cúc áo và 50 pin sạc dạng túi, đồng thời công bố nhiều bài báo trên các tạp chí uy tín. Hiện nay, thị trường pin sạc chủ yếu sử dụng vật liệu graphite có giá cao và gây ô nhiễm môi trường. Với ưu thế về giá thành và bảo vệ môi trường, vật liệu silica từ vỏ trấu được nhóm đánh giá là có tiềm năng thị trường lớn, mang lại lợi nhuận cho người nông dân và đồng thời giúp giảm áp lực lên nguồn nguyên liệu tự nhiên./.
Nguyễn Hải (TH)
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây