Tọa đàm trực tuyến: ‘Đo lường thúc đẩy khôi phục và phát triển bền vững hậu Covid-19’

Thứ năm - 06/01/2022 04:40 0

Sáng nay 22/12/2021, tại Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) diễn ra Chương trình tọa đàm “Đo lường thúc đẩy khôi phục và phát triển bền vững hậu Covid-19”.

Ngày nay, trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của hoạt động đo lường ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng. 

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế, dân sự; góp phần đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ và môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.

Nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức, cũng như đánh giá vai trò quan trọng của hoạt động đo lường trong tiến trình khôi phục và phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, sáng nay, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến: “Đo lường thúc đẩy khôi phục và phát triển bền vững hậu Covid-19”.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

– TS Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ

– Ông Nguyễn Hùng Điệp, Phó Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam (VMA)

– Ông Nguyễn Việt Hùng – Phó trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội

Ông Trần Văn Dư – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông, Tổng biên tập VietQ.vn tặng hoa các vị khách mời tham gia chương trình. 

MC: Thưa Phó tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp, với lịch sử hơn 70 năm hình thành và phát triển, hoạt động đo lường nước ta đã có những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Vậy, ông có thể chia sẻ những dấu ấn đạt được của hoạt động đo lường trong thời gian qua?

TS. Hà Minh Hiệp: Cùng với hoạt động tiêu chuẩn và quản lý chất lượng, đo lường được coi là một trong những hoạt động hết sức quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng, đất nước nói chung. 

Từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc lệnh 08 về đo lường, đây là văn bản đầu tiên đặt nền móng cho hoạt động đo lường. Dấu ấn tiếp theo là năm 2011, chúng ta ban hành Luật Đo lường bảo đảm các hoạt động đo lường trên lãnh thổ Việt Nam.

TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL. 

Thời gian gần đây, cụ thể năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 996 về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngay trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ký ban hành Quyết định 510 hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.

Từ hoạt động hết sức kỹ thuật, chúng ta đã đưa đo lường trở thành công cụ, giải pháp giúp cho doanh nghiệp chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, “mở đường” đưa sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, cho thấy sự khởi sắc của hoạt động đo lường thời gian qua.

MC: Vâng, với những thành quả đáng ghi nhận đó, hoạt động đo lường đã thể hiện vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tuy nhiên, như các vị khách mời đã biết, đại dịch COVID-19 đã và đang gây sóng gió lớn cho toàn cầu, làm chao đảo cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thưa ông Nguyễn Hùng Điệp, ông có thể cho biết đo lường có đóng góp như thế nào trong kiểm soát sự bùng phát của đại dịch (thông qua đo lường trong y tế), giúp phục hồi kinh tế thông qua đo lường trong công nghiệp?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Đại dịch xảy ra bất ngờ và kéo dài, chính vì vậy, việc phát hiện, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cần rất nhiều trang thiết bị y tế như máy trợ thở, máy nhiệt kế, các phương tiện theo dõi sức khỏe…

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã vào cuộc rất nhanh chóng, cấp phép hoạt động đo lường cho các chiến dịch chống dịch Covid-19. Cụ thể, Tổng cục cấp giấy chứng nhận cho đơn vị để họ hiệu chuẩn máy VCI đảm bảo kết quả xét nghiệm tương đối chính xác.

Bên cạnh đó, khi tập đoàn Vingroup bắt tay sản xuất máy thở tại Việt Nam, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị ngày đêm hỗ trợ tập đoàn trong đánh giá chỉ tiêu về đo lường, chỉ tiêu kỹ thuật an toàn phục vụ kịp thời việc sản xuất máy thở. 

Về hoạt động kiểm soát đo lường đối với dụng cụ y tế trong y học, các máy kiểm soát chỉ tiêu sức khỏe người dân… khi yêu cầu lớn phải đảm bảo chính xác cao. Đo lường phục vụ đắc lực trong hoạt động này. Ngoài ra, trong bối cảnh sống chung với Covid-19, chúng tôi cũng triển khai rất mạnh các chương trình đo lường trong y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, kiểm soát giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

MC: Vâng, với ngành điện lực – được coi là đầu tàu kinh tế đất nước chắc hẳn cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Thưa ông Nguyễn Việt Hùng – Phó trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội, ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn mà đơn vị gặp phải?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, EVN đã xây dựng hàng loạt tình huống, kịch bản để chủ động đối phó với ảnh hưởng từ đại dịch. EVN đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc ghi công tơ điện đầy đủ, kịp thời nhất là đối với các vùng có dịch phức tạp thậm chí có nhiều ca FO.

Bên cạnh đó, các hoạt động như sửa chữa lưới điện, chăm sóc khách hàng, thu tiền điện, thu thập dữ liệu sử dụng điện cũng được đảm bảo kể cả ở khu vực phải tiến hành giãn cách.

Nhìn chung, dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn đối với EVN như việc dự báo phụ tải, chỉ tiêu doanh thu, công tác phát triển khách hàng. Tuy nhiên, do công tác xây dựng kịch bản, tình huống được tiến hành một cách khoa học và kỹ càng nên hoạt động của EVN vẫn duy trì tốt, đảm bảo nhu cầu cho người dân và phát triển kinh tế xã hội.

MC: Đo lường được ứng dụng rất nhiều trọng hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có ngành điện lực. Để giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, EVN Hà Nội đã ứng dụng đo lường trong hoạt động như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Để ứng phó với khó khăn từ đại dịch, EVN đã tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ vào vận hành lưới điện và duy trì hoạt động thường xuyên hệ thống cung cấp điện. Chúng tôi nâng cao năng suất lao động trong kiểm định phương tiện đo, đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện đo trong bối cảnh dịch tăng cao; đảm bảo số lượng, chất lượng phương tiện đo theo yêu cầu và nhu cầu thực tế.

Ông Nguyễn Việt Hùng. 

100% công tơ khí được EVN Hà Nội thay bằng công tơ điện tử và chúng tôi tiến hành thu thập dữ liệu từ xa theo tần suất 30 phút/lần. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, chúng tôi đã cung cấp kịp thời dữ liệu về sử dụng điện cho khách hàng theo dõi từ xa, khách hàng không cần ra ngoài khi tình hình dịch căng thẳng. Điều này góp phần làm giảm tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Chúng tôi cũng tiến hành giám sát dữ liệu về điện, tiến hành tính toán, đo đếm trên các phần mềm công nghệ, đẩy mạnh việc ghi công tơ điện từ xa, nhất là các vùng có F0, công nhân và người lao động của EVN Hà Nội không cần phải tới những nơi có dịch nguy hiểm.

EVN Hà Nội cũng giải quyết kịp thời yêu cầu, kiến nghị của khách hàng nhất là vào thời điểm mùa hè, lượng tiêu thụ điện, tiền điện tăng cao. Ứng dụng công nghệ nhằm cung cấp dữ liệu, lịch sử sử dụng điện để giải đáp thắc mắc của khách hàng, tiến hành ghi hoá đơn, dữ liệu từ xa và hỗ trợ khách hàng thanh toán online qua website, ứng dụng của EVN Hà Nội cũng như các phương thức thanh toán trung gian.

MC: Vâng đó là một số chia sẻ của các vị khách mời về hoạt động đo lường hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Còn bây giờ mời quý vị cùng trao đổi với các vị khách mời về câu chuyện phát triển hệ thống đo lường với vai trò là 1 trong 4 thành tố cấu thành hạ tầng chất lượng quốc gia. Thưa ông Hà Minh Hiệp, xin ông chia sẻ cụ thể về vai trò của đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia?

TS. Hà Minh Hiệp: Cũng giống như các hạ tầng khác như điện, đường, trường, trạm, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin… hạ tầng chất lượng quốc gia là khái niệm không mới nhưng gần đây rất được quốc tế quan tâm.

Từ năm 2018, Bộ Kinh tế Đức đã đưa ra khái niệm về Chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia, trải qua suốt 3 năm, chỉ số này đã được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm như Wold Bank, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay OECD cũng bắt đầu quan tâm đến chỉ số này.

Năm 2020, chỉ số về đo lường của Việt Nam đứng thứ 60, chỉ số tiêu chuẩn đứng thứ 64, chỉ số công nhận đứng số 36. Có thể nói, trong hơn 160 nước, chúng ta đứng thứ 60 về đo lường là thành tích đáng ghi nhận. Điều đó chứng tỏ Việt Nam coi trọng hoạt động đo lường và hoạt động này thực sự đóng góp lớn trong hạ tầng chất lượng quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn tăng cường hạ tầng về đo lường. Thực tế, đo lường gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng ta nói về tiêu chuẩn, quản lý chất lượng nhưng chỉ có đo lường mới khẳng định được các tiêu chuẩn, công cụ quản lý chất lượng có bảo đảm tính chính xác hay không.

Với sơ đồ dẫn xuất chuẩn đo lường từ quốc tế cho đến Viện Đo lường Việt Nam, các cơ sở thực hiện đo lường sẽ bảo đảm hoạt động của chúng ta ở doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu quốc tế.

MC: Thưa ông Hà Minh Hiệp, chính sách phát triển hệ thống đo lường trong thời gian sắp tới sẽ mang đến những thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

TS. Hà Minh Hiệp: Đề án tổng thể về đo lường (Đề án 996) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian gần nhất chúng tôi tập trung làm 2 việc.

Thứ nhất, như chúng ta đã biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành những lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên trong hoạt động đo lường. Cụ thể, chúng ta sẽ lựa chọn một số ngành nghề thí điểm, ví dụ như ngành điện – một trong những ngành có vai trò quan trọng trong hoạt động phát triển kinh tế, cũng là một trong những ngành được lãnh đạo doanh nghiệp rất quan tâm đến hoạt động đo lường.

Thứ 2, triển khai chương trình đảm bảo đo lường. Trước đây chúng ta yêu cầu doanh nghiệp phải bảo đảm hoạt động đo lường ở các phương tiện đo nhóm 2, tuy nhiên đến nay chúng ta nâng thêm 1 bậc nữa sao cho phương tiện đo khác cũng được doanh nghiệp quan tâm để thực hiện bảo đảm đo lường.

Nếu chúng ta thực hiện được như vậy toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất trong doanh nghiệp sẽ đảm bảo yêu cầu về đo lường. Đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, khi triển khai chương trình bảo đảm đo lường, chúng tôi sẽ gắn với hệ thống quản trị về năng suất chất lượng, khi đó lập tức sẽ tạo sự đồng bộ cho doanh nghiệp, lượng hóa hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp thông qua các hệ thống công cụ năng suất.

MC: Ở góc độ Hội Đo lường Việt Nam, đơn vị đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về hoạt động đo lường. Xin ông Nguyễn Hùng Điệp chia sẻ về những chính sách phát triển hệ thống đo lường quốc gia hiện nay?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Với góc nhìn của chúng tôi, thời gian vừa qua và sắp tới chính sách phát triển hệ thống đo lường quốc gia được Tổng cục triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ rất phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Toàn bộ hoạt động đo lường đều hướng đến người dân và doanh nghiệp. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như: Tổng cục cũng như toàn bộ hệ thống đo lường đang tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo lường.

Tiếp theo, thực hiện số hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính ở cấp độ 3, cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia, cũng như cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.

Thứ ba, hiện nay và sắp tới sẽ tập trung triển khai mạnh chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp theo Đề án 996.

Ngoài ra, Tổng cục cũng đang định hướng xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng đo lường quốc gia, chất lượng quốc gia, trong đó, hệ thống đo lường quốc gia là một trụ rất quan trọng.

Việc chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ đang triển khai và xây dựng ban chuyển đổi số của Tổng cục theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những nét lớn mà Tổng cục đang đi đúng định hướng của Chính phủ, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân.

MC: Thưa ông Nguyễn Việt Hùng, với chính sách phát triển hệ thống đo lường đang ngày càng được hoàn thiện như vậy, ở góc độ doanh nghiệp đã và đang ứng dụng mạnh mẽ hoạt động đo lường, ông có thể chia sẻ về tác động của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Theo tôi, việc ban hành những cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh và phát triển.

Thời gian qua, trong bối cảnh hạ tầng đo lường quốc gia ngày càng hoàn thiện, EVN cũng được hưởng lợi Cụ thể, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hoạt động quản lý đo lường trong ngành điện, nâng cao năng lực các đơn vị kiểm định phương tiện đo, duy trì và phát triển hệ thống chuẩn về đo lường, kiểm định phương tiện đo; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đội ngũ kỹ thuật tiến hành hoạt động kiểm định.

Từ đó, hiệu quả công việc được nâng cao. EVN cũng tiến hành vận hành lưới điện dựa trên ứng dụng công nghệ, thu thập dữ liệu từ xa để giám sát sự cố (quá tải, quá áp, lệch pha, mất áp) đảm bảo lưới điện được vận hành một cách an toàn, giải quyết sự cố cho khách hàng.

Về kinh doanh, EVN cũng chú trọng công tác quản lý hoạt động đo lường lưới điện, ghi công tơ điện, chăm sóc khách hàng. Căn cứ nhu cầu tiêu thụ sử dụng điện để tiến hành lắp các trạm biến áp mới, hoán chuyển các trạm biến với công suất phù hợp tình hình tiêu thụ thực tế.

EV Hà Nội hiện cũng đang nghiên cứu, tiến tới ứng dụng, triển khai hạ tầng lưới điện thông minh AMI. Hạ tầng này bao gồm việc đo đếm, thu thập dữ liệu từ xa, cảnh báo sự cố lưới điện, chăm sóc khách hàng vận hành một cách tự động, giảm chi phí và tiếp xúc. Với hệ thống này, toàn bộ dịch vụ sẽ được triển khai tự động, tốc độ đáp ứng dịch vụ sẽ tăng lên.

MC: Thưa ông Điệp, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, một trong những vấn đề dư luận xã hội vô cùng quan tâm là công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng trang thiết bị y tế… Vậy, những đổi mới trong hoạt động đo lường đã hướng đến vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Đầu năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3807 về việc phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó có hoạt động cho doanh nghiệp chế biến, bảo quản thực phẩm, đồ uống, lương thực,… Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế – các doanh nghiệp trọng tâm được nhà nước ưu tiên để đổi mới hoạt động đo lường phục vụ việc đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân.

Ông Nguyễn Hùng Điệp – Phó chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam. 

MC: Thưa quý vị và các vị khách mời, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng đo lường quốc gia là hoạt động quan trọng, tác động to lớn tới đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển hạ tầng đo lường, việc ứng dụng và phát triển theo hướng số hóa hoạt động này đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Thưa ông Hà Minh Hiệp, vậy, việc số hóa hoạt động đo lường sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho nền kinh tế, xã hội đất nước?

TS. Hà Minh Hiệp: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, số hóa hoạt động đo lường là xu thế tất yếu. Hoạt động đo lường mang lại lợi ích tổng thể trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Vì vậy, nếu chúng ta số hóa hoạt động đo lường thì người dân, doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Thứ 2, số hóa hoạt động đo lường sẽ mở ra không gian mới cho hoạt động này nhằm tăng cường năng lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, nhiều thủ tục doanh nghiệp thực hiện liên quan đến hoạt động đo lường đã được số hóa, doanh nghiệp chỉ cần nộp qua cổng thông tin của Chính phủ, của Bộ sẽ lập tức được trả kết quả, không phải trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về đo lường để đăng ký.

Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng ta phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo lường, nghĩa là chúng ta cấp các thủ tục nhưng phải quản lý chặt chẽ và triển khai tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.

MC: Doanh nghiệp được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Thưa ông Điệp, việc ứng dụng số hóa sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Hoạt động số hóa đo lường trong doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi trong thực hiện các phép đo, thử nghiệm, kiểm tra hàng hóa, chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp đang thực hiện, nhằm điều chỉnh quá trình công nghệ của các doanh nghiệp.

Nếu hoạt động số hóa tốt sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như dịch vụ của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Có thể thấy, số hóa là xu hướng toàn cầu, đo lường không thể nằm ngoài vòng quay đó.

MC: Mặc dù mang đến nhiều lợi ích nhưng việc thực hiện số hóa hoạt động đo lường sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức, xin ông Hà Minh Hiệp chia sẻ thêm về thách thức chúng ta có thể gặp phải trong quá trình thực hiện và giải pháp để vượt qua, đảm bảo hiệu quả tốt nhất?

TS. Hà Minh Hiệp: Trước tiên, đó là vấn đề nhận thức, nếu lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức nhanh nhạy sẽ thúc đẩy tiến trình số hoá đo lường của doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực đưa ra rất nhiều chương trình đào tạo, hội thảo về số hóa trong hoạt động đo lường để nâng cao nhận thức về vấn đề đo lường. Vì vậy, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng.

Thứ 2, bản chất đo lường là hoạt động khoa học, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong nghiên cứu cũng như khi đưa ra giải pháp số hóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hơn ai hết, vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình nghiên cứu, dự án nghiên cứu về chuyển đổi số trong đo lường, từ dự án tổng thể cấp quốc gia đến dự án tại các tập đoàn, các cơ sở nghiên cứu.

Đồng thời, để thực hiện quá trình chuyển đổi số đo lường, chúng ta cần có lộ trình chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển về con người.

MC: Chuyển đổi số trong đo lường tạo ra thay đổi rõ rệt trong hạ tầng khoa học công nghệ. Sự liên kết giữa các giải pháp số và hoạt động đo lường đóng vai trò quan trọng cho phép sử dụng hiệu quả cơ hội phát sinh từ quá trình số hóa. Sự chính xác của dữ liệu là yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là cơ hội thúc đẩy khôi phục, phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình.

Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi, kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1512
  • Hôm nay23,528
  • Tháng hiện tại925,294
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây