Triển khai mô hình nuôi cá thát lát cườm gắn với tiêu thụ sản phẩm

Thứ ba - 29/06/2021 22:30 0
Cá thát lát cườm (Notopterus notopterus) là loài bản địa, được biết đến là loài cá có thịt rất ngon và được chế biến thành nhiều món cao cấp. Chính vì thế mà trong tự nhiên loài cá Thát Lát Cườm được khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ suy giảm.


Trong tự nhiên, cá có màu xám bạc, lưng sẫm hơn. Cá trưởng thành có 4 - 10 đốm đen, viền trắng nằm dọc phía trên vây hậu môn. Lúc cá còn nhỏ thân có 10 - 15 sọc đen ngang thân. Khoảng 2 tháng tuổi phần dưới của các sọc này xuất hiện các đốm nâu tròn. Cá càng lớn, đốm càng rõ nét trong khi các sọc mờ dần rồi mất hẳn. Cá có thân dài, dẹp bên, lưng gù độ cong của lưng tăng dần theo kích thước của cá. Lườn bụng bên có hai hàng gai chạy dọc theo lườn bụng. Vảy nhỏ phủ khắp thân và đầu, vảy dính rất chắc, khó rụng, vảy ở đầu có cùng kích thước với vảy ở thân. Đường bên bắt đầu từ mép trên của lỗ mang và chấm dứt ở điểm giữa gốc vi đuôi. Vi lưng của cá thát lát cườmnhỏ, nằm lệch về phía sau của thân, gần điểm giữa gốc vi đuôi hơn gần chóp mõm. Gốc vi hậu môn rất dài, vi hậu môn nối liền với vi đuôi. Vi bụng rất nhỏ. Vi đuôi tròn, không chẻ hai. rong tự nhiên, cá Thát Lát Cườm phân bố ở nhiều nước trên thế giới như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia. Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng tây nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum). Mùa nước lũ, cá đi vào các đồng ruộng ngập nước sinh sống, mùa khô, cá ra sống ở các rạch lớn, sông chính, các vực nước sâu. Cá thát còm sống được ở vực nước có lượng oxy thấp, nhờ cơ quan hô hấp phụ. Trong điều kiện tự nhiên, cá sống ở tầng giữa và tầng đáy. Ban ngày cá thường ẩn nấp trong đám thực vật thuỷ sinh. Ban đêm cá hoạt động nhiều hơn, cá bơi lội chậm nhẹ nhàng, vây hậu môn hoạt động liên tục như làn sóng, cá thích sống trong môi trường có nhiều thực vật thuỷ sinh lớn, pH nước 6,5 - 7, nhiệt độ thích hợp cho cá từ 26 - 280C.
Hiện nay sản phẩm cá thát lát cườm được chế biến và tiêu thụ ở dạng tươi sống, cá phi lê, chả cá và cá thát lát nguyên con rút xương…, đây là những mặt hàng thực phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Thông thường cá thát lát tươi sống có giá trị 150.000 - 200.000 đồng/kg, chả cá thát lát khoảng 270.000 - 300.000 đồng/kg, cá thát lát rút xương có giá khoảng 350.000 - 400.000 đồng/kg. Với mức giá này, thát lát được cho là một trong những loại cá có giá trị thương phẩm lớn.

Mô hình nuôi cá thát lát cườm tại hộ ông Nguyễn Văn Lan, xã Nghi kim
Ở Nghệ An, sau những thắng lợi có phần may mắn của mô hình nuôi “độc canh” con tôm, cá truyền thống, cá rô phi, cá lóc gần đây việc nuôi luôn gặp rủi ro vì dịch bệnh, điều kiện khắc nghiệt của môi trường, hạ tầng vùng xuống cấp. Từ năm 2020, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, đa dạng hoá đối tượng nuôi, đã mang lại thắng lợi bước đầu. Đối với những vùng có diện tích nuôi mặn lợ kém hiệu quả như Nghi Quang, nghi hợp huyện Nghi Lộc, Hưng Hòa Thàn phố Vinh, Quỳnh lộc Thị xã Hoàng Mai. Người dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi một số đối tượng ngoài tôm như nuôi cua, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng. Vùng nuôi ngọt ngoài đối tượng mè, trôi, trắm, chép, rô phi, cá lóc cũng được người dân thả nuôi một số đối tượng mới như: cá Lăng, cá thát lát, trắm chép dòn bước cho hiệu quả cao.
Đối với vùng nuôi nước ngọt cũng được bà con trong tỉnh đầu tư thả nuôi một số đối tượng mới. Điển hình có mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm theo giá trị sản phẩm của hộ anh Nguyễn Văn Nam, xã Diễn Phúc huyện Diễn Châu. Trên diện tích 0,5 ha ao sau 2 năm liền nuôi cá lóc thua lỗ do dịch bệnh và không có thị trường đầu ra anh chuyển đổi qua nuôi cá thát lát cườm, với lượng giống thả 250.000 con, sau 6 tháng nuôi gia đình anh thu được 87,5 tấn cá thu về 5,2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (cá giống, thức ăn, chế phẩm sinh học...) lãi ròng gần 2 tỷ đồng. Anh Nam cho biết, đối với con thát lát cườm nếu trong quá trình nuôi có thể cung cấp thêm cá tạp để làm thức ăn thay cho một phần cám công nghiệp thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều, mặt khác đầu ra và giá bán của cá thương phẩm rất ổn định nên rất an tâm đầu tư nuôi.
Những mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang là một hướng đi mới và nhận được sự quan tâm của người dân. Vì thế, bằng nguồn hỗ trợ của UBND thành phố Vinh, ngày 14 tháng 6 năm 2021 Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Vinh đã tiến hành triển khai mô hình nuôi cá thát lát cườm gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được triển khai ở ao của ông Nguyễn Văn Lan, xã Nghi Liên, thành phố Vinh với diện tích 1.000 m2 ao. Đã triển khai thả 9.000 con giống, kích cỡ giống thả trung bình 100 con/kg.
Cá thát lát cườm là đối tượng nuôi mới nên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Vinh sẽ cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ chủ hộ nhằm tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật để áp dụng trong quá trình nuôi mặt khác ngoài phần hỗ trợ của nhà nước thì hộ dân cần phải bố trí đầy đủ nguồn vốn đối ứng để mua thức ăn, vật tư.
Hy vọng, việc xây dựng thành công mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ là tiền đề cho việc đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, chuyển đổi những đối tượng nuôi kém hiệu quả sang các đối tượng nuôi đem lại kinh tế cao hơn, thị trường tiêu thụ ổn định góp  phần tìm ra đối tượng thủy sản nuôi phù hợp, để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nuôi thủy sản đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cho bà con nông dân để làm cơ sở mở rộng nuôi các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm phát triển bền vững, tạo niềm tin cho ngư­ời nông dân áp dụng vào sản xuất thực tế tại địa phương. 
Nguyễn Thành Trung
 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1272
  • Hôm nay101,368
  • Tháng hiện tại1,074,644
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây