Những phát hiện mới về thân thế Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Thứ sáu - 07/10/2022 05:21 0

Với phương pháp tiếp cận: giải mã những điều chưa sáng tỏ từ gia phả họ Lê qua các văn bản Hán Nôm còn lại của dòng họ, tiếp xúc với các nhân chứng, điền giả khảo sát lăng mộ gia tộc Lê Hồng Phong và dòng họ… ông đã phát hiện ra nhiều điều rất mới về thân thế Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Thay mặt Huyện ủy, UBND huyện Hưng Nguyên ông đã trình bày tham luận một số phát hiện mới về thân thế Lê Hồng Phong tại “Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong” (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Hà Nội - 2007) và được Hội thảo đánh giá cao. Một số nội dung đã được trích đăng trong Tạp chí “Xây dựng Đảng” số tháng 10/2007.
Được sự đồng ý của nhà nghiên cứu Thái Huy Bích, xin giới thiệu một số phát hiện mới của ông về tiểu sử Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.


Sắc phong Chánh tổng cho thân phụ Lê Hồng Phong

* Lê Hồng Phong xuất thân trong một gia đình quan viên có truyền thống nho gia
Nhiều sách báo đã viết về tiểu sử Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đều ghi: “Ông xuất thân trong một gia đình nông dân”, thậm chí có tài liệu còn ghi “nông dân nghèo”. Mới nhất là cuốn “Lê Hồng Phong tiểu sử” của PGS.TS Lê Văn Tích (NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội - 2007) cũng viết như vậy!
Thực tế qua dày công nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của ông Thái Huy Bích đã phát hiện thêm nhiều chứng cứ khoa học để đi đến một nhận định mới: Quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một vùng đất khoa danh, nho học. Văn bia đền Văn Hội tổng Thông Lãng do Thám hoa Nguyễn Đức Đạt phụng soạn, cử nhân Phan Hy viết chữ, tú tài Lê Quang Thân khắc chữ dựng ngày 9 tháng 9 năm Tự Đức thứ 36 (1883) tại nhà thờ họ Lê Sỹ đã ghi rõ: “Tổng ta là nơi văn hiến lâu đời. Các thế hệ nhà nho thông thái đã từng nổi tiếng trong huyện”… (nguyên bản chữ Hán, lời dịch Thái Huy Bích).
Theo gia phả họ Lê viết bằng chữ Hán (do cụ Lê Văn Đại trưởng tộc đang lưu giữ), tổ tiên họ Lê ở Hưng Thông từ đàng ngoài vào tỵ nạn ở đây từ thế kỷ XVI, thời nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê. Ông Lê Đài là đời thứ nhất (thuỷ tổ) hiệu là Hợi. Đến đời thứ 4 có ông Lê Đệ Nhất (gia phả không ghi tên chữ và huý) làm quan đến đại thần triều đình, từng giữ chức Đô chỉ huy thiêm sự, Đô chỉ huy đồng tri, Đô chỉ huy sứ ty, hàm Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân. Đến đời thứ 10 - cố nội Lê Hồng Phong là Lê Khải Hiên - quan viên, sinh đồ (tương đương tú tài). Đời thứ 11 - ông nội Lê Hồng Phong tên là Lê Văn Lệ làm chức Phó tổng sau thăng lên Tài mộc. Đời thứ 12 - thân phụ Lê Hồng Phong là Lê Huy Quán gia phả chỉ ghi tên, không ghi chức vụ (có thể khi viết bộ gia phả này ông còn nhỏ chưa ra làm quan).
Cũng theo gia phả, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, thiếu tướng Lê Thiết Hùng (nguyên Tư lệnh Chiến khu 4 10/1945) là hậu duệ đời thứ 13. Mẹ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ này có chồng là quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ người làng Do Nha (nay là xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên).
Nhà thờ họ Lê làng Đông còn lưu giữ được đôi câu đối bằng chữ Hán:
Đông thổ triệu cơ, Lê thị Trung Hưng chi hậu
Hoà đao mạnh phái, phụ quốc tướng công như lai
Tạm dịch:
Xây nền ở làng Đông thời Lê Trung Hưng trở lại
Chi trưởng họ Lê Lợi từ Phụ quốc tướng quân về sau.
Hậu duệ họ Lê Văn còn giữ được một số “Bằng”, “Sắc phong” minh chứng cho gia thế của dòng họ và gia đình Lê Hồng Phong. Đó là Bằng của tri phủ huyện Hưng Nguyên cấp ngày 20 tháng 1 năm Thành Thái thứ 11 (1899) cấp cho thân phụ của Lê Hồng Phong là Lê Huy Quán phong chức Lý trưởng. Bằng ghi rõ: “Tri phủ Hưng Nguyên họ Từ cấp bằng Lý trưởng Lê Huy Quán quê Làng Đông xã Thông Lãng làm Lý trưởng từ tháng 5 Thành Thái thứ 7 (1895) nhưng chưa được cấp bằng. Từ khi nhận việc đến nay, mọi việc trong làng đều yên ổn. Hợp hạng bằng cấp Lý trưởng làng này. Sau khi cấp bằng phàm binh sưu thuế, khoá, công vụ phải phục tùng chánh, phó Tổng. Nếu không làm theo phận sự phải xử theo luật nước…”.
Là một lý trưởng mẫn cán, được nhân dân tín nhiệm nên ngày 18 tháng 10 năm Duy Tân thứ 2 (1908), Tổng đốc An Tĩnh họ Đào đã có Bằng phong Chánh tổng cho Lê Huy Quán: “Căn cứ vào bẩm trình của quan phủ Hưng Nguyên rằng: Các Lý trưởng trong xã Thông Lãng họp bàn tiến cử một người quê làng Đông làm Lý trưởng, là người mẫn cán, gia tư tương đối khá giả, được dân chúng tín nhiệm, được các Lý trưởng bầu làm Chánh tổng… Trên đây là Bằng cấp Thi sai chánh tổng Lê Huy Quán làng Đông xã Thông Lãng tổng Thông Lãng căn cứ chấp hành”.
Ngoài hai Bằng của Tri phủ Hưng Nguyên, Tổng đốc An Tĩnh, con cháu dòng họ Lê còn lưu giữ được một Sắc phong của nhà Vua ngày 18 tháng 1 năm Duy Tân thứ 9 (1915). Sắc phong ghi rõ: “Sắc phong cho Thi sai Chánh tổng Thông Lãng Lê Huy Quán quê làng Đông xã Thông Lãng tổng Thông Lãng phủ Hưng Nguyên đã mãn hạn Thi sai nay căn cứ vào bẩm trình của Bộ Lại bổ nhiệm chức vụ Chánh tổng tổng Thông Lãng”.
Những Di sản Hán Nôm trên đã chứng minh: Quê hương Thông Lãng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một vùng quê văn hiến. Nhiều danh nhân văn hoá đã sinh ra trên mảnh đất nho học này. Họ Lê của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một danh gia cự tộc, có truyền thống Nho học, dòng dõi quan lại. Ông nội Lê Hồng Phong là một Phó Chánh tổng, cha Lê Hồng Phong là một viên quan nhỏ ở địa phương trong nhiều năm, gia sản khá giả.
Nhờ gia thế vậy nên thân phụ Lê Hồng Phong Lê Huy Quán mới kết duyên được với bà Phạm Thị Sáu con gái Tú tài Phạm Côn quê tổng Hoa Nam (nay thuộc Kim Liên huyện Nam Đàn), bà nổi tiếng thông minh, nết na, chú trọng giữ gìn Nho gia. Cũng nhờ sinh thành trong một gia đình quan viên khá giả, thuở ấu thơ Lê Hồng Phong mới được theo học Pháp ngữ, Hán ngữ, văn hoá, một cách chu đáo. Đó là nền tảng để khi được cụ Phan Bội Châu gửi đi học Trường Quân sự Hoàng Phố (ở Trung Quốc), Bác Hồ gửi đi học Trường Đào tạo Sĩ quan không quân (Liên Xô) và Quốc tế Công sản chọn đi học ở Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ) ông đều đủ điều kiện tiếp thu, trở thành học viên xuất sắc. 

Đôi câu đối cổ vể gốc tích họ Lê treo ở nhà thờ họ Lê Văn

* Về bà vợ đầu và cô con gái đầu lòng Lê Thị Hồng
Trong cuốn “Lê Hồng Phong tiểu sử” của PGS.TS Lê Văn Tích (chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia in năm 2007, trang 36 có viết: “Có nguồn tư liệu cho rằng: trước khi xuất dương Lê Hồng Phong đã có vợ và một cô con gái. Vấn đề này cần được xác minh, nghiên cứu tiếp”.
Với tinh thần “xác minh, nghiên cứu tiếp” đó, nhóm nghiên cứu của ông Thái Huy Bích đã nhiều lần về Thông Lãng gặp gỡ, toạ đàm với ban quản tộc họ Lê, tiếp cận gia phả, gặp gỡ những người cao tuổi trong họ, trong làng để tìm hiểu nội dung này và đã được các nhân chứng xác nhận (bằng văn bản). Tóm lược như sau: Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902 tại làng Đông xã Thông Lãng - Tên khai sinh là Lê Huy Doãn. Năm 1921, 19 tuổi, Lê Huy Doãn kết hôn cùng người con gái xinh đẹp, nết na Trần Thị Ngoét, con gái ông Trần Chính người làng Láng xã Thông Lãng. Ông Chính cũng là người được học hành tử tế, làm thủ quỹ của làng, kinh tế khá giả. Gia phả họ Lê Văn làng Đông còn ghi rõ: “Bà Trần Thị Ngoét sinh con gái đầu lòng đặt tên là Lê Thị Dục vào năm 1923. Từ đó dân làng Đông gọi Lê Huy Doãn là thầy Dục, bà Ngoét là Vú Dục”.
Đầu năm 1924, Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong) cùng Lê Văn Nghiệm (Lê Thiết Hùng), Phạm Văn Tích (Phạm Hồng Thái) bí mật xuất dương. Vừa ra đời thì “cha mất tích không rõ lý do” nhưng  bé Dục đã được ông bà nội ngoại, bác ruột là Lê Văn Soạn chăm sóc chu đáo, được học hành cẩn thận.
Năm 1932, trong thời gian dài vắng chồng, lại gặp hoàn cảnh éo le, vú Dục đã “trót dại” có con riêng với người em rể họ Lê. Thời đó thất tiết là một lỗi lầm không thể tha thứ nên bà Ngoét phải ly hôn vắng mặt với Lê Huy Doãn chấp nhận đem đứa con trai mới sinh cho một gia đình họ Lê hiếm con làm con nuôi và trao gửi lại con gái Lê Thị Dục (9 tuổi) cho anh trai chồng là Lê Huy Soạn nuôi dưỡng để trở về nhà cha đẻ của mình là ông Trần Chính làng Láng.
Lê Thị Dục ở với bác ruột Lê Huy Soạn nhưng nhà bác Soạn vốn rất nghèo nên được ông bà ngoại Trần Chính hàng ngày đưa về chăm sóc và cho đi học với thầy Chất. Lớp học của thầy Chất mở tại nhà ông Tú Lan (làng Láng) có khoảng 20 học trò phần lớn là con trai, con nhà khá giả trong vùng. Thầy Chất dạy học trò cả Quốc ngữ và tiếng Pháp, Lê Thị Dục học tốt tất cả các môn, đặc biệt là tiếng Pháp.
Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công. Lê Thị Dục đã trưởng thành, cô tích cực hoạt động trong phong trào thanh thiếu niên. Cụ Nguyễn Công Hoan (sinh năm 1928 con thầy Chất) năm 2007 còn khoẻ, minh mẫn còn miêu tả lại hình ảnh cô Dục hùng dũng tay cầm cờ đỏ sao vàng đi trong đoàn biểu tình.
Ngày 15/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chiến khu 4 và cử Lê Văn Nghiệm (được Bác đặt tên mới là Lê Thiết Hùng) vào làm Tư lệnh Chiến khu. Không chỉ là người năm 1924 cùng xuất dương với Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng còn là cháu gọi Lê Hồng Phong là chú trong họ tộc nên khi biết gia cảnh Lê Hồng Phong ở quê nhà, Lê Thiết Hùng hết sức quan tâm đến cháu Lê Thị Dục, xem cô như con đẻ.
Vì điều kiện bí mật thời kỳ đó, ông chỉ nói với bà con trong họ và Lê Thị Dục: Lê Hồng Phong là một trong những lãnh tụ của Đảng đang hoạt động bí mật. Ông xin được đổi tên cho Lê Thị Dục là Lê Thị Hồng và tạo điều kiện cho cô nhập ngũ, gửi đi học một lớp y tá quân đội. Bà Lê Thị Tâm (sinh năm 1936) quê Hưng Thông kể lại có lần đơn vị của Lê Thị Hồng về đóng quân trong xã, cô y tá Lê Thị Hồng trong bộ quân phục chững chạc uy nghiêm tham gia tiêm chủng đậu mùa cho mọi người. Chỉ vào vết sẹo nhỏ trên cánh tay bà Tâm bồi hồi: Đây là kỷ niệm của chị Hồng với tôi.
Cuối năm 1947, trong một lần cấp trên nói chuyện thời sự, nữ y tá Lê Thị Hồng được nghe kể về tấm gương hy sinh dũng cảm của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Nhận tin dữ bất ngờ về người cha của mình, Lê Thị Hồng ngất xỉu tại chỗ và từ đó cô bị bệnh tâm thần. Được các y bác sỹ và đồng đội hết lòng chăm sóc nhưng bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Ông bà ngoại đưa cô về chăm sóc những ngày cuối. Bà Lê Thị Hồng mất ngày 15/6 Kỷ Sửu (1949) khi vừa tròn 26 tuổi. Phần mộ bà táng cạnh phần mộ thân phụ và thân mẫu Lê Hồng Phong ở khu Lăng mộ họ Lê Làng Đông xã Hưng Thông. Anh linh cô được thờ tại nhà thờ họ Lê (cạnh nhà lưu niệm Lê Hồng Phong).

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây