Phong cách sống của nhà văn hóa lớn Nguyễn Khắc Viện

Thứ ba - 06/12/2022 04:21 0
 
Vậy phong cách sống là gì?
Theo “Từ điển Tiếng Việt” do nhóm Hoàng Phê biên soạn ( NXB Đã Nẵng – 2005) thì “Phong cách là những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên những cái riêng của một người hay một loại người nào đó”. (tr278)
Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997) người xã Sơn hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, con cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Thưở nhỏ anh là một thần đồng nổi tiếng. Khi học Tiểu học với một viên Đốc học Pháp rất nghiêm khắc, ông đang giảng bài thì phát hiện ra anh ngồi đọc sách. Thầy gọi lên bảng và hỏi: “Anh đọc sách gì? Được mấy trang?”. Anh trả lời “Những người khốn khổ” của Víc-to Huy-gô, 30 trang. Thầy bắt đọc trầm. Anh đọc bằng nguyên bản tiếng Pháp không sai một chữ. Viên Đốc học lắc đầu: “Trong đời dạy học ta chưa gặp một học trò nào láu cá và thông minh như anh. Đáng lẽ phải phạt nhưng nể tài ta tha cho”.
Sau khi đỗ Tú Tài, ông không đi học luật để ra làm quan mà học y để giúp nhân dân chiến thắng bệnh tật.
Ông là một tấm gương rèn luyện sức khỏe, khi học trường y ở Paris bị bệnh lao phổi. Vì thời đó chưa có thuốc chữa lao nên phải lên bàn mổ 7 lần cắt phổi phải, 1/3 phổi trái. Các bác sĩ Pháp tiên đoán chỉ có thể sống thêm 1 năm nữa nhưng do biết vận dụng cách chữa bệnh của phương Đông nên sống thêm hơn 40 năm nữa, quả là một kỳ công của thế kỉ! Cách chữa bệnh của ông chủ yếu là phép dưỡng sinh với bài tập thể dục được đúc rút lại trong một bài vè dí dỏm:
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Mặt Phật ung dung
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Êm, chậm, sâu, đều
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được.
Ông là người yêu nước, yêu Đảng nồng nàn. Khi ở Pháp điều trị bệnh, một nghị sĩ Pháp đến bệnh viện ca ngợi Bảo Đại và nói đó là người đại diện chân chính của dân tộc Việt Nam còn Hồ Chí Minh và những người theo ông ta là một nhóm phiến loạn. Ông đứng lên vạch rõ bộ mặt bán nước của Bảo Đại và ca ngợi Hồ Chí Minh là lãnh tụ chân chính duy nhất của dân tộc Việt Nam làm cho ông nghị sĩ Pháp rất bối rối rồi phải rút lui.
Sau khi đã suy xét các học thuyết, các đạo giảo trên đời, ông rút ra chỉ có chủ nghĩa Mác là học thuyết cách mạng duy nhất có thể giải phóng cho dân tộc ta vì Đảng cộng sản Đông Dương theo chủ nghĩa Mác đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng tháng 8 thành công và kháng chiến chống thực dân giảnh nhiều thắng lợi. Vì vậy ông viết đơn xin vào Đảng CS Pháp. Ông làm Tổng thư kí hội Việt kiều yêu nước, tích cực hoạt động chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nên đã bị nhà cầm quyền Pháp trục xuất về nước.
Khi về nước, ông làm việc ở Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, giám đốc nhà xuất bản Ngoại văn và chủ bút 3 tờ báo tiếng Anh, tiếng Pháp. Cách làm việc của ông là tinh binh, tinh cán.
Một lãnh đạo cao cấp hỏi ông:
- Cho đồng chí 60 nhân viên có làm được ba Tờ bào tiếng Anh, tiếng Pháp là “Tin Việt Nam”, Nghiên cứu Việt Nam” và “Báo ảnh Việt Nam” không?
- Nếu cho 60 thì xin làm một tờ.
- Vậy cần thêm bao nhiêu?
- Tôi không cần thêm mà cần bớt, nếu bớt đi 20 tôi làm 2 tờ, làm 3 tờ thì bớt nữa nhưng người phải do tôi chọn.
Ông có công phát hiện ra hai hòn ngọc bị che phủ lâu ngày nên chưa phát sáng. Một là nhà nghiên cứu Từ Chi đang ở một cơ quan rất ít liên quan đến chuyên môn của ông là dân tộc học. Ông được bác sĩ Viện mời viết bài cho Dữ Kiện dân tộc học miêu tả trên tạp chí “Nghiên cứu Việt Nam”. Bài nghiên cứu qui mô về người Mường của ông gây tiếng vang lớn ở nước Pháp đến nỗi giáo sư Georges Condominas thay mặt trường Cao học Paris – mời ông sáng Paris làm giáo sư thỉnh giảng. Cuối đời, ông được nhà nước ta phong Phó giáo sư.
Người thứ hai là nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo. Khi tạp chí “Nghiên cứu Việt Nam” chuẩn bị cho Sê-ri những vẫn đề ngôn ngữ học đăng bài của ông, gây nhiều tiếng vang ở Paris, ông cũng được mời sang Pháp giảng bài và sau đó được nhà nước ta phong tặng Phó giáo sư.
Ông Viện có lòng tự hào cao về tiếng Việt. Ở Pháp 26 năm nhưng khi về nước trong trò chuyện không đệm một tiếng Pháp nào. Ông còn chuyển tiếng Pháp ra tiếng Việt như “Téléphone thành “dây nói”. Nói về chuyện tình ái, tiếng Pháp chỉ có từ “amour” còn tiếng ta có đến 4 từ: “tình duyên, tình dục, tình yêu, tình nghĩa”.
Ông còn là con người khiêm tốn, ông từ chối hai bằng tiến sĩ danh dự do chính phủ Pháp tặng vì không phải là công dân nước Pháp chỉ nhân giải thưởng tiếng Pháp  vì đó là giải có tính quốc tế. Khi cấp trên giao cho dịch Truyện  Kiều ra Pháp Văn, ông đề xuất ông Phan Nhuận người đã dịch thành công tác phẩm “Nhật kí trong tù” của Hồ Chủ tịch. Chỉ khi ông Nhuận không dịch thì ông mới nhận dịch. Trước đó đã có 7 bản dịch của người Việt và người Pháp nhưng bản dịch của ông vẫn được những người sành tiếng Pháp cho là hay nhất vì đã thoát khỏi mê cung của điển tích, đạt tới tín, nhã. Theo ông Kiều là một bài thơ về tình yêu. Trong đời Kiều có ba lần yêu, ba mối tình hoàn toàn khác nhau. Gặp Kim Trọng là mối tình đầu, chấn động cả con người của cô gái mới lớn lên làm cô “ Chập chờn cơn tỉnh cơn mê”. Đạo Thiền cho rằng lúc cái “tôi” vượt qua giới hạn cá nhân, hòa mình vào sự vật chung quanh đó là giờ phút đắc đạo. Tình yêu của con người riêng lẻ, đẩy đến với một người khác mà vẫn là một mình, tuy hai mà một. Đây là tình yêu của tâm hôn tạo ra những giờ phút vô song, không thể nào có lại lần thứ hai. Kiều sẽ giữ mãi mối tình thơ mộng ấy, cho nên lúc ngồi cạnh người yêu đêm thanh vắng vẻ, cô không muốn “ăn xổi ở thì” và trong cuộc sống đầy đọa về sau, mỗi lần mình với một mình than thân tủi phận thì nhớ đến chàng Kim là niềm hạnh phúc cao nhất. Suốt đời, nàng mang theo mối tình đầu như một viên ngọc quý dấu kín trong lòng, giá trị của cuộc sống được kết tinh lại vào mối tình thơ mộng ấy.
Rồi những ngày bướm chán ong chường ở lầu xanh, Kiều gặp Thúc Sinh, từ trăng gió đến sự hòa hợp giữa hai xác thịt: “Hải đường mơn mởn cành tơ, ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng” tạo nên sự gắn bó thân thiết. Nguyễn Du không ngần ngại đề cao tình yêu xác thịt, không xem nó là tà dâm mà nhận nó là một yếu tố chính đáng của tình yêu, một chân giá trị của cuộc sống, một kích thích của hạnh phúc. 
Kiều gặp Từ Hải, mến phục con người anh hùng. Từ Hải gặp Kiều tìm được một con người tài sắc tương xứng với bản lĩnh của mình, “thuyền quyên lại gặp anh hùng” để cùng nhau xây dựng một cuộc sống đầy hứa hẹn. Cuộc đời cùa nàng Kiều đâu chỉ có đoạn trường, tình đâu phải là dây van. Cuộc đời của nàng Kiều đã được nếm mùi hạnh phúc. Sau lần gặp lại Kim Trọng, Kiều không muốn phá vỡ mối tình thơ mộng, viên ngọc thiêng liêng của cuộc đời – chữ trinh còn một chút này, Kiều không muốn làm nó tan vỡ.
 Tình yêu thơ mộng, tình yêu hòa hợp xác thịt, tình yêu tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống có ý nghĩa để không phải bốn mắt đắm đuối nhìn nhau mà cùng nhìn ra một con đường, cùng nhau tiến lên hạnh phúc cao nhất là kết hợp cả ba vào một con người.
Nhờ hiểu Kiều đúng đắn, mới mẻ như thế nên ông đã dịch rất hay tác phẩm Nguyễn Du vì cách hiểu tác phẩm ảnh hường rất lớn đến kết quả dịch. Nó khác hẳn cách hiểu của các nhà Nho xưa cho Kiều “đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm” 
Nhờ bản dịch của ông hết sức tinh tế mà UNESCO (Tiểu ban văn hóa giáo dục Liên hợp quốc) công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới một vinh dự lớn với thi hào và cũng là với dân tộc ta.
Ông được Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng lớn về Pháp Văn ( cho đến ông trên thế giới mới có 7 người) với số tiền 400.000 Frăng (tương đương với 80.000 Đô la Mỹ). Ông không dùng gì cho bản thân và gia đình mà tặng toàn bộ cho Trung tâm nghiên cứu Tâm bệnh lý trẻ em Việt Nam – một tổ chức phi chính phủ do ông sáng lập được nhà nước cấp phép hoạt động và đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Tổ chức này có hai nhiệm vụ:
 -     Nghiên cứu về tâm lí bình thường và tâm lý bệnh của trẻ em.
-      Chẩn đoán trẻ có những biểu hiện tâm lí bất thường, đào tạo cán bộ cho những hoạt đông trên.
Các trẻ em chậm phát triển trí tuệ được ông đề nghị đổi là trẻ em chậm khôn, rất chính xác và rất Việt Nam, lại dễ hiểu và ngắn gọn. Đã mở được ở Hà Nội 5 phòng khám, các tỉnh Quảng Ninh, Nam Hà, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh đều có các phòng khám.
Ông là con người rất mực giản dị. Về ăn mỗi bữa chỉ có nửa cái bánh mì và một miếng bít tết nhỏ. Về uống quanh năm chỉ có nước trắng. Về mặc thì lúc vận bộ bà ba màu nâu, lúc khoác áo cộc tay bộ đội. Chỉ đi đôi quốc mộc và đội chiếc mũ lá. Một nhà văn hóa nổi tiếng như thế mà tiệc sinh nhật chỉ có đậu phộng (lạc rang) và rượu quốc doanh rẻ tiền. Khi về nước trong va ly chỉ có sách, vài bộ áo quần, và 1 mét ni lông màu ( lúc đó còn hiếm) cho con cháu cắt  ra làm mỗi đứa một cái quai nón. Làm việc thì ở một hẻm hành lang gác ba, phương tiện là một tủ gỗ xoàng, ghế ngồi là một tấm ván, một chiếc bàn gỗ đơn sơ, không quạt, không ấm tích gì hết. Ông sống như vậy không phải vì thiếu tiền mà trái lại rất nhiều tiền, nhất là được nhận giải thưởng Pháp Văn 80.000 Đô la Mỹ nhưng vì chỉ muốn sống giản dị, miễn làm việc được là ổn. Ông rất thương dân, tặng quà bồi dưỡng làm việc 15 ngày quá sức cho chị lao công cơ quan.
  Một lần về xứ Nghệ làm việc ông được biết có một số nơi có phong trào di dân lên đồi làm cho dân rất khổ. Ông nhờ ông Phạm Văn Đoàn, trưởng ty Y tế cung cấp cho số liệu thiệt hại về môi trường sinh thái. Ông về Hà Nội báo cáo với Đảng và chính phủ, thế là một phái đoàn về cấm lệnh đình chỉ ngay việc làm sai lầm đó. Ông đã kịp thời cứu hàng vạn ngôi nhà khỏi lên đồi, cứu hàng trăm xóm làng khỏi bỏ quê cha đất tổ lên vùng gió Lào thiếu nước, thiếu cây cối để dân được sống thanh bình.(1) 
Ông luôn đặt quyền lợi của cách mạng lên trên hết. Khi một tên nhà báo của một hãng thông tấn phản động đến xin gặp ông, ông đã đuổi và cảnh cáo. Đã lỡ làm tay sai cho một hãng thông tấn phản động thì đừng bày trò săn đuổi trí thức mà nên giữ lấy chút nhân cách còn lại.
Trong cải cách ruộng đất gia đình ông gặp phải điều ngang trái nhưng ông dặn các em dù cải cách ruộng đất có phạm sai lầm nhưng đã đưa lại ruộng đất cho nông dân, một ước mơ bao đời của họ mà chỉ có cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới thực hiện được. Ông ca ngợi một Việt Kiểu gửi nửa triệu Frăng tiền tiết kiệm nhờ ông mua sách cho các trường đại học của ta. Ông hỏi: “Tại sao anh không dùng một ít tiền để chữa bệnh?” Anh nói: “Gia đình tôi đã được chia ruộng đất rồi, không cần nhiều tiền nữa”. Thật là một tấm gương cao đẹp!
Ông nói với em ruột mình là Nguyễn Khắc Dương ở Pháp từng cách xa nhau từ 1937 đến 1956, một bên là Đảng viên cộng sản, một là tu sĩ dòng Phan xi cô rằng: Khi mọi vấn đề trần thế được giải quyết tốt đẹp (điều mà anh tin rằng sẽ thực hiện được trong tương lai) thì tự nhiên tôn giáo cũng không còn.
Ông có một nếp làm việc khoa học là hàng ngày cắt giữ tài liệu, chủ yếu qua báo chí và ấn phẩm công khai (hoặc ghi chép như khi vào thư viện) rồi phân loại theo chủ đề, nêu xuất xứ và chú thích thêm những suy nghĩ tức thời nẩy ra nếu có. Một thời gian sau hệ thống hóa lại, thêm lời dẫn, nhận xét, bình luận làm rõ tư duy của mình, thế là ra đời một cuốn sách. Đây là một kinh nghiệm mà những người làm công tác văn hóa báo chí nên học tập.
Người ta đánh giá ông có “trước tác đẳng thân” (trước tác cao bằng người). Có thể kể:
- Bàn về đạo Khổng (tiếng Việt, tiếng Pháp)
- Việt Nam tổ quốc tôi được tìm thấy (tiếng Pháp)
- Kinh nghiệm Việt Nam (tiếng Pháp, tiếng Anh)
- Thông sử Việt Nam (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha)
- Bình luận, ước mơ và kỉ niệm (tiếng Pháp)
- Kể chuyện đất nước (tiếng Việt)
- Lòng con trẻ (tiếng Việt)
- Đạo và đời (tiếng Việt)
Và hàng trăm bài báo tiếng Việt, tiếng nước ngoài. Hơn 100 tờ tạp chí “Nghiên cứu Việt Nam” bằng  tiếng Pháp, tiếng Anh do ông chỉ đạo được giới ngoại giao của ta cho là tài liệu tuyên truyền rất tốt ra các châu lục. Đặc biệt Thông tấn xã Nôvô-xti của Liên Xô phối hợp với hội nhà báo Liên Xô mở cuộc thi tìm hiểu 40 năm “con người của thế giới xã hội chủ nghĩa”, tác phẩm của ông được tặng giải nhất.
Đánh giá ông có rất nhiều ý kiến tỏ lòng khâm phục cao độ. Tiến sĩ sử học Pháp Charles Fourniau nói: “Khi gặp gỡ tôi nhận ra ông sẽ là bậc thầy của tôi và mãi mãi là bậc thầy của tôi. Ông có đến 3 vốn văn hóa Việt Nam, Trung hoa, Pháp quả thực dường như vô hạn.”
“Ông là nhà văn hóa mà nhà văn hóa thì ai phát bằng cho, chỉ có sự công nhận của xã hội, là nhà bác học ông giống như Lê Quý Đôn, là nhà y học giống Lê Hữu Trác.” (Nhà văn Nguyễn Quang Thân)
“Ông là một nhà bình luận cực kì nhạy cảm” ( David Marr Jay-ne Weener)
“Ông là một sứ giả giữa các nên văn hóa” (TS Guter Giesen Beld)
“Lập nên thành tích là do nghị lực của anh cộng với gốc Nho và ghép vào đấy là Khoa học thực nghiệm, là chủ nghĩ tự do dân chủ, là học thuyết Mác” (Nguyễn Khắc Phi)
“Ông là một tài năng lớn, một nhân cách lớn” (Mai Quảng), “là nhà văn hóa lớn Việt Nam” (Vũ Ngọc Khánh).
Tổng bí thư Đỗ Mười nói: “Ông Nguyễn Khắc Viện đã góp phần công lao xứng đáng cho sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc và làm hết sức mình cho sự nghiệp văn hóa giáo dục”
Thư chia buồn của bộ Ngoại giao Pháp gửi vợ ông – bà Nguyễn Thị Nhất có câu: “Nhân cách và sự nghiệp của bác sĩ Nguyễn Khác Viện sẽ còn sống mãi trong tâm trí chúng ta” 
Ông đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Kết luận
Tổng kết cuộc đời mình, ông nói: “Đời tôi là một đời ngây thơ. Phần ngây tôi vứt nó đi phần thơ tôi giữ lại. Thơ là rũ bỏ nhung lụa theo Bác Hồ kháng chiến và xây dựng Chủ nghĩa xã hội

Tài liệu tham khảo:
1- Tự truyện của Nguyễn Khắc Viện.
2- Chân dung và kỷ niệm của nhiều tác giả viết về Nguyễn Khắc Viện.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây