Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh với sỹ phu yêu nước Xứ Nghệ

Thứ tư - 07/06/2023 05:21 0

Từ giữa thế kỷ XIX, đất nước Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta rơi vào cảnh lầm than nô lệ. Các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần vương do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo đều bị đàn áp đẫm máu. Phong trào Đông Du do giải nguyên Phan Bội Châu khởi xướng, phong trào Duy Tân đất nước, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đều bị thất bại. Trong tình hình đó, với khát vọng muốn đất nước được độc lập, dân được tự do, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã quyết ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, giải phóng giống nòi.
Từ làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, giữa năm 1895 Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế. Đầu năm 1901 do bệnh tình trầm trọng bà Hoàng Thị Loan mất ở Kinh Đô. Đau xót trước gia cảnh, cụ Nguyễn Sinh Sắc bấm chí quyết đi thi đậu Phó bảng khoa Tân Sửu. Đậu rồi, triều đình vời cụ ra làm quan, nhưng cụ lấy cớ “bị bệnh ở lại quê quán uống thuốc” để từ chối. Sau khi đậu đạt, cụ có điều kiện trao đổi về vận nước với cụ Phan Bội Châu và các nhà yêu nước trong vùng. Đi đâu, cụ cũng đưa hai người con, đặc biệt là Nguyễn Tất Thành, cùng đi. Tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành được nghe các bậc cha, chú, đàm đạo về thời cuộc, về chí cứu nước với các sĩ phu xứ Nghệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các chiến sỹ lão thành cách mạng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, ngày 9/12/1961. Ảnh: Tư liệu

Năm 1903, nhân dân làng “Võ Liệt huyện Thanh Chương, một vùng có truyền thống hiếu học và yêu nước, nghe tin ông Nguyễn Sinh Sắc là người có học vấn uyên bác, văn hay chữ tốt, đạo đức trong sáng liền cử ông Phan Sỹ Mâu (ông Đồ Cầm) xuống tận Làng Sen mời ông lên dạy học ở nhà ông Nguyễn Thế Vấn”(1). Võ Liệt là một làng lớn, thời Trần có tên là Thổ Ngọa, đến 1859 (đời Lê) đổi thành Võ Liệt, có nhiều người học giỏi như Tiến sĩ Phan Sỹ Thục, Phó bảng Phan Đình Thực, và hàng chục tú tài, cử nhân làm rạng danh cho quê hương. Nhiều nhà nho đã về dạy chữ cho con em trong làng như cụ Phan Bội Châu, cụ Cử Độ, cụ Cử Vành, cụ Tôn Lộ Xuyên.
Những ngày ở đây “Nguyễn Tất Thành được đi thăm đền Bạch Mã vừa đẹp vừa “thiêng” thờ vị tướng trẻ của Lê Lợi là Phan Đà hy sinh oanh liệt trong trận đánh thành Nghệ An. Trong thời gian ở Võ Liệt, Nguyễn Tất Thành được dân làng yêu mến bởi tính tình hiền lành, dễ gần, ham thích lao động”(2). Gần một năm dạy học ở Võ Liệt, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã để lại hình ảnh đẹp đẽ của người thầy giáo, có ảnh hưởng tốt trong học trò, có người kể rằng những đêm học trò đến hỏi bài quá khuya không thể về nhà được, cụ cho ngủ chung giường. Cụ thường khuyên các nhà nho có con nghiệp theo bút nghiên, đã đi học thì phải chăm học, học để hiểu đạo lý làm người, chứ không phải để đi thi. Nếu đi thi mà đỗ cũng không nên làm quan, vì làm quan là áp bức, bóc lột nhân dân, cụ không coi việc học trò đi thi, đậu đạt cao làm quan to là dấu hiệu vinh hiển của người thầy giáo. Đó là điều khác biệt của thầy giáo Nguyễn Sinh Sắc với các thầy đồ khác.
Năm 1904, cụ Nguyễn Sinh Sắc ra làng Phương Tích, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc thăm các nhà nho ở đây, có đưa Nguyễn Tất Thành cùng đi. Vùng này cũng là đất học, các nhà nho như cụ Tú Mền (Nguyễn Đình Phiên) đỗ đầu 3 khoa tú tài, ông Tú Cận (Nguyễn Đình Ngại) là con cụ Tú Mền, cụ Tú Cả (Nguyễn Đình Vị), cụ Đậu Nguyên Đinh và cụ Tú Quý (Đậu Văn Quý - Hàn Quý). Riêng cụ Hàn Quý được Vua Khải Định năm thứ 10 phong 5 đạo sắc cho: Đậu Văn Quý tú tài, tuổi ngoài 40, cấp cho Công Quý sắc Hàn Lâm Cung Phụng. Cụ dạy ở làng Phương Tích, học trò khắp vùng Quả Khê, Nhật Tộc (thuộc Tổng Vân Trình) mỗi lớp có 20 người. Vừa dạy học, cụ vừa đàm đạo thời thế với các nhà nho. Khi đến làng Phương Tích, cụ Nguyễn Sinh Sắc có đến thăm cụ Hàn Quý. Cụ Sắc đọc sách trên bộ dong, Nguyễn Tất Thành ngồi chơi trên chõng tre. Chiều chiều cụ Sắc cùng cụ Hàn Quý đi vãn cảnh chùa, chiền. Cậu Thành cũng theo cha đi chơi, vui vẻ nói chuyện với các nhà nho trong làng, cụ Sắc bộc bạch câu thơ:
Do lai Phương Tích hoa kỳ kể 
Khả dĩ Vân Trình tiến bộ sơ
Tạm dịch:
Từ chỗ có diệu kế của làng Phương Tích
Mà tổng Vân Trình có tiến bộ bước đầu (3)

Cùng thời gian này cụ Nguyễn Sinh Sắc còn ra làng Vạn Phần, xã Diễn Vạn (Diễn Châu) thăm cụ Võ Tất Đắc - tri huyện Quảng Xương Thanh Hóa cáo quan về làng. Nguyễn Tất Thành cũng được cha cho đi theo. Vạn Phần là một làng sát biển, ở đây nhân dân làm muối và nước mắm. Bà con còn nhớ bài vè trong đó có đoạn:
... Đất Vạn Phần vui lắm,
Chi ba thùng nước mắm,
Trẩy một chuyến kinh kỳ,
Đủ ăn chơi phủ phê,
Đủ quần ba áo bảy...
Vùng đất này là quê hương của Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, đã từng đục thuyền Ô Mã Nhi trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Năm 1904, cụ Nguyễn Sinh Sắc ra thăm làng Vạn Phần ba lần. “Lần thứ ba ông cùng con trai út là Nguyễn Sinh Cung, Võ Mai nhớ mãi hình ảnh người thiếu niên giản dị, khiêm tốn với đôi mắt sáng ngời”(4). Trong hồi ký của mình Võ Mai viết: “Cha tôi nhà nghèo, giang hồ nay đây mai đó, ông là bạn thân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ có ra nhà tôi chơi ba lần, lần thứ ba có cậu Cung cùng đi theo, khi cụ Phó bảng sang nhà riêng ông tôi, tôi đứng bên cạnh cậu Cung, cậu nói: Em vào mượn thầy cho anh mượn mấy quyển sách xem”(5). Mượn được sách rồi Nguyễn Tất Thành đọc say mê. Chiều chiều cụ Nguyễn Sinh Sắc thường đưa Nguyễn Tất Thành ra thăm Bến Vạn, ngắm thuyền buồm đi đánh cá lộng trở về. Là quan huyện nhưng cụ Võ Tất Đắc sống thanh liêm, đạm bạc, luôn ủng hộ người nghèo khổ, trừng trị kẻ gian tham quấy nhiễu. Những ngày ở Vạn Phần cụ Nguyễn Sinh Sắc thường gặp gỡ các nhà nho có chí khí. Thời gian này phong trào yêu nước ở miền Trung, trong Nam, ngoài Bắc dấy lên khá mạnh. Năm 1901, một kế hoạch tổ chức vũ trang đánh chiếm thành Nghệ An trong dịp kỷ niệm cách mạng Pháp (7-1901). Năm 1902, Phan Bội Châu liên kết với thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế để mưu sự nghiệp đánh Tây. Theo bước cha, anh sau này con cháu cụ Võ Tất Đắc là Võ Mai đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1926, ông được tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên chọn đi học lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu - Trung Quốc, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, theo lộ trình đó “Anh Thành còn được theo cha ra đến Quỳnh Đôi, một làng nổi tiếng lắm người học giỏi, đỗ đạt cao.
Kinh kỳ dệt gấm thêu hoa
Quỳnh Đôi tơ lụa thủ khoa ba đời”(6)
Làng Quỳnh Đôi được thành lập cách ngày nay trên 600 năm với tên Thổ Đôi Trang. Ra làng Quỳnh Đôi cụ Nguyễn Sinh Sắc thăm ông Hồ Sỹ Tư một người đậu cử nhân khá sớm (22 tuổi) nhưng chán cảnh sống hàn vi. Pháp và Nam Triều nhiều lần mời ra làm quan nhưng ông một mực từ chối, ông là bạn với ông Nguyễn Thức Tự ở Nghi Lộc, là đồng chí với nhiều sĩ phu yêu nước trong đó có Phan Bội Châu. Ông giáo dục con cháu yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Ông nội Hồ Sỹ Tư là Hồ Sỹ Trinh đậu khoa Đinh Mão - Gia Long thứ 6 năm 1867 làm quan đến đốc học Quảng Trị.
Những ngày ở đây, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Tất Thành rất mê tủ sách ông Hồ Sỹ Tư, hai anh em đọc sách cả buổi mà không biết chán. Đến giờ nghỉ học, Nguyễn Tất Thành thường ra giếng múc nước đem về cho bà Tư nấu ăn... “Nhiều năm sau ông Tư không đi dạy xa nữa mà mở lớp tại nhà truyền thụ kiến thức cho nho sinh, lớp học có Nguyễn Như Hườn, Hồ Sỹ Niêm, Hồ Viết Thắng, Nguyễn Bính và một số con em trong làng. Họ ngồi học trên giường, có nước chè hột, chè vối cho các em uống”(7). Vào ban đêm, cụ Nguyễn Sinh Sắc thường trao đổi với ông Hồ Sỹ Tư, các nhà yêu nước về nhân tình thế thái, về tấm gương tiết tháo của các bậc tiền bối, mong sao nước nhà có những người kiệt xuất để cứu nước cứu dân. Năm 1955 ông Hồ Sỹ Đản, con ông Hồ Sỹ Tư ra Hà Nội có dịp gặp Bác Hồ, thấy ông Đản, Người nhớ ngay (Người quả có trí nhớ thần kỳ), “Ngày còn nhỏ tôi đã về nhà cụ ở làng Quỳnh Đôi rồi đấy. Hồi đó tôi đã gặp cụ, cụ còn nhớ không?”(8). Năm ấy, Nguyễn Tất Thành mới 13 tuổi, ông Hồ Sỹ Đàn 19 tuổi. Đồng chí Hồ Viết Thắng (con ông Hồ Sỹ Đản, cháu ông Hồ Sỹ Tư), năm 1939 hoạt động cách mạng bị địch bắt giam ở nhà lao Vinh. Sau cách mạng tháng Tám, đến năm 1951 tại Đại hội Đảng toàn quốc, Hồ Viết Thắng được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An rồi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Nguyễn Tất Thành còn được “Thân phụ gửi về xóm Đá làng Du Đồng. Trên đường về Du Đồng, anh say mê cảnh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp ở bến Tam Soa”(9). Làng Du Đồng (nay là xã Đức Đồng - huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh) cũng là một vùng quê giàu bản sắc văn hóa, tại đây có Đền Cà - Du Đồng đẹp để xây dựng thời nhà Lê với cổng tam quan, nhà hạ điện uy nghi, thờ ông Bùi Thúc Ngật làm phó Thiên Hộ, lập nên làng xóm của tổng Du Đồng. Ngôi đền cũng đã chứng kiến sự kiện tiếp nhận lương thực, tuyển mộ quân sỹ của nghĩa quân Phan Đình Phùng năm 1887 - 1888; đây cũng “là nơi vào năm 1903 - 1904 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Sinh Cung đến dạy học và viếng cảnh”(10).
Khi Nha học chính Đông Dương được thành lập, Toàn quyền Đông Dương cho phép mở trường Pháp - Việt Vinh. Cụ Lê Văn Miến quê ở làng Ông La, xã Nghi Long huyện Nghi Lộc, được cử làm Đốc Giáo (Hiệu trưởng) Nguyễn Tất Thành được học tiếng Pháp với thầy: “Lê Văn Miến đã được thể hiện không chỉ với tư cách một thầy giáo được cậu học sinh lỗi lạc Nguyễn Tất Thành ngưỡng mộ mà còn là người được cụ Nguyễn Sinh Sắc tin cậy”11).
Những nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đến, đều là địa phương có phong trào đấu tranh chống thực dân phong kiến sôi nổi, anh dũng. Những người cụ kết giao là người có lòng yêu nước, thương nòi. Những lúc đàm đạo thời cuộc với các nhà nho ở Võ Liệt (Thanh Chương), ở Phương Tích (Nghi Lộc), hay với cụ Võ Tất Đắc ở Vạn Phần, cụ Võ Khang Tế ở Hậu Luật Diễn Bình (Diễn Châu), cụ Hồ Sỹ Tư ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), ở Du Đông (Hà Tĩnh); cụ Nguyễn Sinh Sắc thường hay phê phán lối học lúc đó là: “Chỉ diệp, chỉ văn” (Lối học trên cành trên lá) là không thiết thực. Bên chén rượu, chén trà nóng hổi, các cụ canh cánh nỗi đau mất nước, làm sao giải phóng Tổ quốc để dân mình đỡ khổ.
Theo cha đi khắp các làng quê, tầm mắt Nguyễn Tất Thành được mở rộng, ở đâu Anh cũng thấy dân tình nghèo đói, xác xơ. Mùa đông giá lạnh, họ không đủ manh áo che thân. Bọn đế quốc và địa chủ đang hút tủy, rút xương dân chúng bằng thuế má. Anh Thành cảm thấy nỗi nhục mất nước hằn trên gương mặt của mỗi người dân Việt - người dân xứ Nghệ.
Tại sao cụ Nguyễn Sinh Sắc lại giao du nhiều như vậy? Lúc này khoảng giữa năm 1904 đầu năm 1905, cụ còn đứng giữa ngã ba đường, không biết có đi nhận chức hay không? Những cuộc đàm luận của cụ Sắc với các nhà nho ở làng quê đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành, góp phần giúp Anh có nhiều suy nghĩ trên con đường đời. 
Với tư chất thông minh, tư duy độc lập, Nguyễn Tất Thành Hồ Chí Minh đã ôm hoài bão cứu nước, lại không chịu đi theo lối cũ của các bậc tiền bối. “Người đã quyết chí đi sang phương Tây tận mắt thấy đất nước của những kẻ đã tới thôn tính dân tộc mình, mong tìm ra con đường giải phóng dân tộc”(12). Và trong hành trình ấy của Người, có hình ảnh của các nhà nho nước xứ Nghệ.
Chú thích
1. Trần Minh Siêu, Quê hương và gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh, năm 2009, trang 42, trang 46.
2. Ban Sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, Hồ Chí Minh thời niên thiếu, Nxb Nghệ An năm 2007, trang 45.
3. Lịch sử Đảng bộ xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nxb Nghệ An 2000, trang 18.
4,5. Ban Sử Đảng tỉnh Nghệ An, Nghệ An những tấm gương Cộng sản, Nxb Nghệ An năm 2005 (Tập 2), trong 302, 306.
6. Hồ Chí Minh thời niên thiếu, Ban Sử Đảng tỉnh Nghệ An, 2007, trang 51.
7. Lời kể của cụ Nguyễn Như Hườn, 92 tuổi, xóm 4, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, năm 2010.
8. Hồ Sỹ Tá, Những kỷ niệm về Bác Hồ với gia đình tôi, Báo Nghệ An cuối tuần 24/10/2010.
9. Ban Sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An: Hồ Chí Minh thời niên thiếu, Nxb Nghệ An 2007, trang 51.
10. Trần Tấn Hành (Chủ biên): Di tích danh thắng Hà Tĩnh 1997, trang 221.
11. Nguyễn Khắc Phê: Vài nét về chân dung Lê Văn Miến, Họa sỹ sinh bất phùng thời, người thầy giáo cả các danh nhân.
12. Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 1990, trang 22.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây