Nghi lễ “Páng chuộc, nhó bún”

Thứ tư - 11/01/2023 04:21 0

1.1. “Páng chuộc”. Gia chủ có người đau ốm; có thể do “hồn vía” bị thất lạc đâu đó lên Mường Trời. Tổ chức lễ “páng chuộc”, nhờ thầy Mo dẫn hồn (người còn khỏe) lên Mường Trời, dâng mâm lễ lên Then-Bôn (chúa tể ở trên đó) đi tìm “hồn vía” về cho; để người ốm khỏe mạnh trở lại. Hoặc kinh tế gia đình sa sút, xin      Then-Bôn giúp đỡ, để làm ăn khấm khá lên…    
1.2. “Nhó bún”. “Nhó bún” là “cầu phúc”, nhưng không chỉ có thỉnh cầu Then-Bôn giúp mình được “hạnh phúc”, mà còn “của cải”, “giàu có”, “sống lâu”…
1.3. Quan niệm về “Mường trời”
Nghi lễ “Páng chuộc, nhó bún”, như đã nói ở trên, đề cập đến quan niệm của người Thái liên quan đến tín ngưỡng về “Then-Bôn”, “Mường trời”… Điều này có nguồn gốc sâu xa của nó. Về vũ trụ, người Thái cho rằng, có trời có đất, nên có câu “Xỉ chảnh phạ, hà chảnh đin” (Bốn góc trời, 5 góc đất). Trời là 1 tấm màn xanh úp lên mặt đất. Mặt đất mà trời úp lên này gọi là Mường Đin (mường đất), hay Mường Piêng (mường bằng phẳng), hoặc Mường Lủm (mường trũng), Mường Cáng (mường giữa). Gọi là “mường giữa” vì dưới đất còn có 1 mường nữa gọi là Mường Chông La hoặc là Mường Boọc Đài (bông tơ). Con người ở dưới mường này nhỏ lắm, chỉ bằng ống vôi đồng hay ngón tay cái, do vua Boọc Đài cai quản, ít liên quan đến Mường Đin. Còn “mường trên trời” gọi là Mường Phạ, hoặc mường Then/ Bôn, tức là “mường trời”. Đứng đầu mường này là Pỏ Phạ/ Bố trời, tức là vua/ chúa tể Then/ Bôn. Dưới vua/ chúa tể Then/Bôn có các Then/ Bôn sau đây: Then Đắm: làm sấm chớp; Then Bắc: theo dõi số đinh; Then Tảnh: chế hóa vạn sự; Then Cảo: theo dõi việc hình sự; Then Thủ: hành tội người trần; Then Chẳng: cân đong số phận hạnh phúc của con người; Then Bầu: khuôn đúc người trần; Then Thủm: gây lũ lụt; Then Đin: quản lý đất đai; Then Na: quản lý ruộng cho hồn nào được đầu thai lại. Then này còn chia làm 2 bộ phận: Bộ phận “trên” gọi là Then Thầu Chầu Bôn Nứa; trong đó có các Then: Then Áo, Then Thướng Ài, Then Tháo Ài, Then Thứ Ài, quản lý các dòng họ quý tộc như: Lo Căm, Hún Lo, Hún Vi, Mứn Quang, Hún Lương… Bộ phận “dưới” gọi là Then Thầu Chầu Cuông Cáng, trong đó có các Then: Then Thướng Nọng, Then Thào Nọng, Then Thứ Nọng, quản lý các dòng họ cấp dưới, tức dân thường… Vua/chúa tể Then/ Bôn giám sát và chỉ đạo các Then Na việc cho hồn nào được lên trời, và cho hồn nào được trở lại trần gian để duy trì nòi giống của mình. Như vậy, Then Na quyết định mọi sự tồn vong của các gia tộc trong lĩnh vực tâm linh. Tục cúng trâu của người Thái Tày Chiềng tức là nộp thuế cho Then Na. Người Thái cho rằng, hồn nào ở trên trời được hóa kiếp đầu thai lại mường Đin có thể sống đến 120 năm. Nhưng có hồn trên đường đi, gặp cánh đồng Tổng Co, nơi vui chơi của trai gái, ở lại cùng vui chơi với họ, đến khi xuống đến trần gian thì thời gian sống không còn nhiều, nên chết yểu… Ở mường trời cũng có hình thức xử tội. Trong 1 bài Mo có đoạn như sau: “Vạc ở trên Then/Bôn có 800 quai/ Lấy 3 ngọn núi làm chân kiềng/ Lấy cây 9 núi làm củi đốt/ Một nửa vạc nước sôi sùng sục/ Còn nửa kia thuyền bè vẫn ngược xuôi/ Cá lặn cá bơi rực sáng tựa sao trời/ Kẻ can tội sẽ bị nhúng vào phần nước sôi/ Tội nhẹ thì nhúng từ chân đến đầu gối/ Tội nặng thì nhúng cả 2 đùi/ Tội thông dâm trong dòng tộc thì nhúng dốc ngược từ đầu đến chân….”. Các Then/Bôn trên đều có liên quan đến đời sống và phong tục tập quán của người Thái. Trên là nói qua vài nét về “mường trời” theo quan niệm của người Thái. Dù quan niệm như vậy, nhưng “mường trời” đối với người Thái vẫn mơ hồ lý tưởng, vừa là thiên đường, vừa là mặt đất, vừa là hiện thực, vừa là ước mơ. Đường lên “mường trời” được mô tả cụ thể, đẹp đẽ, mang yếu tố hoang đường, huyền hoặc nhưng vẫn là niềm hấp dẫn đối với người Thái. Con người vẫn thường “mơ” được lên Mường Trời chơi. Những lúc như thế, “hồn vía” họ không muốn về Mường Đất nữa, hoặc “hồn vía” bị lạc, v.v. Vì thế mà sinh ra ốm đau, bệnh tật, làm ăn không phát đạt, hoặc những rắc rối khác… Gia chủ phải tiến hành nghi lễ “páng chuộc, nhó bún”, nhờ thầy mo “dẫn hồn” lên Mường Trời dâng mâm lễ lên Then, để nhờ Then tìm lại “hồn vía” cho, v.v.  
1.4. Hai ngành/môn phái của Mo Thái
1.4.1. Mo Một 
Loại mo này thái độ “ôn hòa” trong khi “hành lễ”. Khi đi tìm “vía” thân chủ, nếu gặp thì “khuyên nhủ” ân cần để “vía” về; gặp “tà ma” thì cũng giữ “đúng mực” thuyết phục “nó/chúng nó” thả “vía” thân chủ ra, v.v. Mo Một có 2 “đẳng cấp”: (a) Mo bản (cấp thấp), chỉ thực hiện các nghi lễ “nhỏ”, như: cúng vía trẻ em, lễ mừng thọ, mừng người đi xa về, v.v. Mâm lễ gồm gà, vịt, cá, xôi rượu…; (b) Mo mường (cấp cao), có thể “lên trời, xuống đất” được (!), thực hiện các nghi lễ “lớn”, như: chữa trị đau ốm, vực dậy kinh tế gia đình, gỡ những chuyện rắc rối… Mâm lễ gồm lợn, thậm chí nhà giàu thì mổ trâu… Mo Một “diễn xướng” những bài cúng gọi là “hắp một”; tay cầm quạt phe phẩy, thỉnh thoảng lại rút những cái que (như que đũa) ở trong ống ra đếm; có người thổi sáo dọc (pỉ một) đệm theo. Ở đây gia chủ mời thầy Mo Một đến tiến hành nghi lễ. Mo Một diễn xướng bài “Lai hắp một” gồm có 9 khúc/đoạn, tổng cộng 1672 câu/dòng văn vần. Tư liệu này do chúng tôi sưu tầm và dịch.
1.4.2. Mo Môn 
Loại mo này có thái độ “cứng rắn” đối với “tà ma”; chỉ huy một đội “âm binh” đi tìm “vía”; áp tải “vía” về bằng được… Mo Môn diễn xướng bài cúng gọi là “xến”. Lúc cao trào thì “nhập đồng”, gọi là “môn tư/phí tư”; xen kẽ với “phép thuật”… Không có người thổi sáo đệm theo. Mâm lễ gồm lợn, có khi cả trâu…
1.5. Quan niệm về ngày tốt/xấu, giờ tốt/xấu… 
Tổ chức nghi lễ “Páng cuộc, nhó bún” thì phải xem ngày. Vì vậy, phải dựa vào tín ngưỡng về ngày/tháng trong lịch Thái sau đây: Một năm có 12 tháng, 1 tháng có 30 ngày (12 tháng được 360 ngày), còn 5 ngày “dự phòng” (lễ hội, nghỉ ngơi, thăm thú bà con…). Tháng 1, tháng ở một mình (“bướn hặc dủ”), lẻ, gọi là Cấn Cóng. Kiêng việc cưới hỏi, làm nhà, buộc vía… Tháng 2 và 3, tháng đôi, gọi là Xiềm Cóng. Tốt cho cưới hỏi, đình đám, ăn mừng… Tháng 4, ở một mình, kiêng như tháng 1, gọi là Kím Cóng. Tháng 5  và 6, tháng đôi, tốt như tháng 2 và 3, gọi là Kho Ho. Tháng 7, tháng ở riêng, kiêng như tháng 1, 4, gọi là Kím Ngoai. Tháng 8 và 9, tháng đôi, tốt như 2 và 3, 5 và 6, gọi là Xiềm Ngoai. Tháng 10, tháng ở riêng như 1, 4, 7, gọi là Cấn Xá. Tháng 11 và 12, tháng đôi như 2 và 3, 5 và 6, 8 và 9, gọi là Khóa Ngang. Mỗi tháng chia làm 3 tuần, mỗi tuần 8 ngày, 24 ngày làm việc, 6 ngày dự phòng tiếp khách, mưa gió, ốm đau… Tính hết 8 ngày (như dưới đây), sang ngày thứ 9 lại quay lại… Mồng 1 “Cấn Cóng”, 2 “Xiềm Cóng”, 3 “Kím Cóng”, 4 “Khóa Hỏ”, 5 “Kím Ngoai”, 6 “Xiềm Ngoai”, 7 “Cấn Xá”, 8 “Khóa Ngang”, 9 thì quay lại “Cấn Cóng”… Tháng 1 là tháng Cấn Cóng, thì mồng 1, 9, 17, 25 của tháng là ngày Cấn Cóng (cách nhau/bỏ qua 8 ngày). Mồng 2 là ngày Xiềm Cóng, thì 10, 18, 26 cùng là ngày Xiềm Cóng. Mồng 3 là ngày Kím Cóng, thì 11, 18, 27 cùng là ngày Kím Cóng. Mồng 4 là ngày Khóa Hỏ, thì các ngày 12, 20, 28 cùng là ngày Khóa Hỏ. Mồng 5 là ngày Kím Ngoai, thì các ngày 13, 21, 29 cùng là ngày Kím Ngoai. Mồng 6 là ngày Xiềm Ngoai, thì các ngày 14, 22, 30 cùng là ngày Xiềm Ngoai. Mồng 7 là ngày Cấn Xá thì các ngày 15, 23, cũng là ngày Cấn Xá. Mồng 8 là ngày Khóa Ngang, thì các ngày 16, 24 cùng là ngày Khóa Ngang. Tháng 2 và 3 là tháng Xiềm Cóng, thì mồng 1, 9, 17, 25 trong 2 tháng này là ngày Xiềm Cóng. Mồng 2, 10, 18, 26 là Kím Cóng. Mồng 3, 11, 19, 27 là Khóa Hỏ. Mồng 4, 12, 20, 28 là Kím Ngoai. Mồng 5, 13, 21, 29 là Xiềm Ngoai. Mồng 6, 14, 22, 30 là Cấn Xá. Mồng 7, 15, 23 là Khóa Ngang. Mồng 8, 16, 24 là Cấn Cóng. Mồng 9, 17, 25 là Xiềm Cóng. Các tháng tiếp đó, theo quy luật mà tính. Tín ngưỡng về các ngày: “Cấn Cóng” là ngày Phí hươn pỏ kẻ, tức ngày ma nhà, tốt cho cúng lễ, làm nhà, khởi việc dệt vải, làm các việc trọng. “Xiềm Cóng” là ngày “Vắn lực chai”, tốt cho buộc vía con trai, làm bẫy, đi săn, làm các việc của đàn ông may mắn. “Kím Cóng” là ngày “Phí hươn lung tá” (ma đằng ngoại), nếu ốm đau thì phải cúng vọng về bên ngoại. “Khóa Hỏ” là ngày “Nghên vằng”, vắng vẻ, rảnh rang, tốt cho đi đường. “Kím Ngoai” là ngày “Quàng phạ”, không gian trống rỗng, không tốt cho đi săn, đi khách vì sẽ không gặp thú, gặp người. “Xiềm Ngoai” là ngày “Nghên vắn mẻ nhinh” (vía đàn bà/con gái), tốt cho làm vía con gái, may mắn trong làm ăn. “Cấn Xá” là ngày “Nghên phí một” (ngày mo Một), ngày cúng vía cho các bà, cưới dâu… “Khóa Ngang” là ngày “Nghên phí môn” (ngày mo Môn), ngày có quyền có thế, tốt cho đi làm việc trọng, ai sinh ngày này sẽ có tài, phát đạt…
Tính giờ trong ngày: Mỗi ngày 24 giờ, tương ứng với 5 đơn vị: “Nham chậu họt kè quai na” (từ sớm đến mở trâu cày), “Nham xái” (buổi trưa), “Tá nghên tiểng” (mặt trời đứng bóng), “Xáy cại” (buổi chiều) và “Mưa lắp” (buổi tối)...
2. Nghi lễ “Páng chuộc, nhó bún”    
2.1. Chuẩn bị 
Mời thầy mo (Mo Một); Chọn ngày (theo quan niệm đã nói ở trên); Mâm lễ (lợn, gà, vịt, xôi, rượu…; hoặc trâu [đối với dòng họ Lo Căm]). 
2.2. Bắt đầu/Khúc 
Mở lời
Đúng ngày đã chọn, buổi sáng, thầy mo đến, chủ nhà dọn ra gian ngoài (phía trên) 1 cái mâm đồng (chưa bày đồ cúng). Thầy mo ăn mặc tề chỉnh, đầu buộc khăn, đến ngồi xếp bằng trước mâm, rồi bắt đầu bày biện. Ở chính giữa mâm, mo khoanh tròn 1 giải vải sợi bông trắng do người Thái tự dệt, đặt vào giữa khoanh vải sợi đó 1 bát gạo, đặt lên giữa bát gạo 1 quả trứng gà (sống); tiếp theo, ông bày ra mâm 5 miếng trầu cau; rồi rót ra 2 chén rượu trắng. Trong tay mo cầm cái “ống mo” (ống tre nhỏ) có khoảng 10 que guột (thuộc loài dương xỉ) đã đen bóng. Và 1 cái quạt để 1 bên. Ông vái 3 vái, “e hèm” lấy giọng, rồi bắt đầu diễn xướng bài “Lai hắp một” (mo Một) của nghi lễ (gồm 9 khúc). 
Khúc 1: “Pống cốn” (Mở lời) gồm 19 câu/dòng. Người thổi sáo Pỉ một ngồi vào vị trí bên cạnh/phía dưới thầy Mo, bắt đầu thổi sáo đệm theo những điệu “hát/diễn xướng’ của thầy Mo. Ông/bà chủ gia đình ngồi bên cạnh mâm lễ, phía bên trong (bên ngoài là thầy Mo). Nếu ông/bà chủ nhà bị mệt, ốm… thì nằm trong buồng cũng được. Những người khác (người trong gia đình và dân bản), không phải làm việc gì để phục vụ lễ, thì lại ngồi nghe Mo diễn xướng. Họ ngồi phía dưới, im lặng, chú ý lắng nghe. Đối với họ, tin vào “phép màu” của nghi lễ thì ít, mà bị thu hút bởi nội dung bài “Lai hắp một” thì nhiều. Bài mo dẫn dắt họ đi qua bao nhiêu là địa danh của “Mường đất”, “Mường trời”... khêu gợi trí tưởng tượng của họ, kích thích sự tò mò của họ. “Mường trời” có nhiều “cái lạ”, cái “đáng sợ”… nhưng cũng “hấp dẫn” biết bao!     
Xong, thầy mo nói gia đình mổ lợn, gà, vịt… (trâu) chuẩn bị mâm lễ. Mâm lễ phải có “lợn, vịt” (“Bắc côn huống mi mú, mi pết”/ Dâng lên Then lớn có lợn, có vịt” (khúc 1), (“Hừn bắc cầu họ phạ tản nẳng cuông nứa”/ Dâng lên 9 họ trời (Then) ngồi ở giữa trời”, (khúc 5).
Lợn, gà, vịt… mổ xong, luộc chín, sắp vào trong cái “pựn”. “Pựn”, một vật dụng trong nhà người Thái, đan bằng tre, giang, giống như cái rá, nhưng không phải là cái rá. Lòng nó cạn hơn rá, miệng nó (vành/cạp) thì lại rộng hơn. Trung bình phải rộng khoảng 50-60 cm, hoặc hơn. Sau đó đặt cái “pựn” lên cái mâm mây (phướn vái). “Mâm mây” làm bằng mây, hình tròn, cao vừa tầm ngồi ăn cơm. Các bộ phận con lợn xếp “hình” như khi còn sống (thủ, 4 chân, lưng; lòng lót xuống/bên trong…). Xung quanh lợn là gà, vịt, xôi, rượu… “Mâm lễ” bây giờ được gọi là “mâm vía” (phướn vắn). 
Thầy mo diễn xướng khúc thứ 2, “Hừn tang” (Lên đường) dài 218 câu.
Thầy mo dẫn “hồn vía” chủ nhà (ông/bà) lên Mường trời dâng lễ cho Then-Bôn (chúa tể Mường trời) để xin “sức khỏe” và “sự giàu có”… Ngoài ra, đoàn người còn có sự “hộ tống” của Tạo Nhì (nhân vật anh hùng trong Sử thi Khun Chương) và vợ, nàng Ùa Cả (cũng trong sử thi trên), để đoàn người lên trời cho được “vững dạ”. Phương tiện đi gồm có voi, ngựa, thuyền…
Nghỉ một chút (ăn trầu, uống nước…), thầy mo tiếp tục diễn xướng khúc mo thứ 3: “Hừn tang” (Lên đường) tiếp theo.
Từ Khủn Tinh (Quỳ Hợp) đoàn dâng lễ bắt đầu lên đường “Lên phía đầu Mường Cại/ Voi đi lên về phía Mường Inh/ Đầu mường có gốc Tàng/”… Đoàn người hướng về núi Pu Quai, Quế Phong; nơi có đền thờ của dòng họ Lo Căm chủ mường; kẻ cai quản và là “chủ hồn” của người Thái ở Quỳ Châu (cũ) Nghệ An. Cuối cùng, đoàn người cũng đến nơi. Đó là con đường “thực địa” lên Pu Căm. Nhưng con đường đó còn là con đường “dẫn hồn lên Mường Trời” nên chắc chắn phải có những “điều lạ”, thậm chí “đáng sợ”! Có cây khổng lồ; thấy cảnh: “Đàn ông chết lên nhà trời không có vải tơ phải lấy vai chống đập (nước)/ Đàn bà chết về Bôn không có váy hoa phải đi xúc bọ nước (ăn)/… Đường lên Mường Trời không dừng lại ở Pu Căm. Còn phải đi: “Lên chỗ lão già” gom nước vào cái giỏ mây” (băng tuyết)”. Rõ ràng đây phải là xứ lạnh, có băng tuyết. Nơi đó phải là Vân Nam - Trung Quốc, điểm xuất phát của người Thái thiên di xuống phương Nam, dọc theo dòng Mẻ Khỏng/Mekong, xuống Thái Lan, Lào, rồi mới đến Nghệ An (Việt Nam).  
Khúc 4. “Hươn tạo mương” (Nhà Tạo Mường) gồm 121 câu/dòng. Khúc này nói về “nhà chủ mường”. “Chủ mường” ở đây là Chủ mường Lo Căm, cũng là “chủ hồn”, là Then, kẻ có đủ quyền năng để “phù hộ độ trì” người dưới trần gian. “Tạo chủ bước chân ra gian giữa/ Tạo mường lên cửa sổ phía trên ngồi cót trắng ngà voi/ Gấp nệm cho Tạo mường lại ngồi/ Gấp nệm cho Tạo gốc ngồi xuống”…, Gia chủ (thông qua thầy mo) cầu cứu: “Ốm không khỏi phải kêu Chủ mường (Lo Căm)”, “Xin có lời cho người ngã (gia chủ) thưa (với Chủ mường/Then)”, “Xuống giúp “nóng” mường Lùm (trần gian) cho “mát”/ Xuống giúp “ốm” dân mường cho khỏi/ Xuống giúp “đau” dưới trần cho khỏe cho lành!”. Khúc này nhắc đến địa danh mới: “Tiếng chặt cây cập bến Há Xai”, như vậy “hồn” đã sang đến Lào, đến Đông Bắc Thái Lan rồi. 
Khúc 5. “Pí pặt” (Thỉnh cầu), khúc này 75 câu/dòng. Thầy mo thưa trình với Then, nói rõ lý do dâng mâm lễ, cụ thể: gia đình có người ốm (nàng mường/nàng tạo/chị) “Váng vất mặt nàng mường nóng lạnh”, “Bởi vì con của bố (Then) xuống sân ngã sàn (tai nạn)/ Cháu của bố xuống trần nằm buồng (ốm đau)/ Và lại ngã xuống từ cửa sổ…”, và thỉnh cầu: “Then ăn cơm nhà chị, che chở!/ Then nằm giường ban đêm, độ trì!”. Then chấp lời, cho người đi tìm “hồn vía” gia chủ thất lạc trên Mường Trời: “Gọi trai nhỏ lên lầu trông ngóng/ Đám trai sai lên lầu trông chị (tìm vía)/ Đám trai nhỏ lên lầu ngóng nàng/ Trai nhỡ lên lầu giữa trông Nàng trông chủ/ Trông từ rẫy về ruộng/ Trông từ ruộng về bản/ Trông vào nhà thân chủ Quán Vy (tên)”, và đã tìm thấy: “Trông thấy ai như đầu thân chủ?/ Thấy đầu ai như đầu chủ nhà?/ Búi tóc ai như búi tóc Nàng mường/ Trông thấy miệng Nàng mường thơm cau/ Miệng Nàng Tạo thơm cau thơm trầu”. Vậy là nghi lễ thỉnh cầu đã đạt kết quả tốt!
Địa danh được nhắc đến ở đây cũng đã là nơi mới: “Tiếng ai gọi mường Là mường Lủm (Vân Nam, Trung Quốc) nghe gắt”. 
Diễn xướng xong khúc này, thầy mo nghỉ 1 chút, rồi tiếp tục diễn xướng khúc thứ 6 “Cầu mẻ cuổng thén na” (Chín Nữ thần), dài 21 câu. “Mẹ buồng giữa/ Nàng buồng thờ/ Mẹ chủ nên mẹ “tâm đầu” của Then/ Mẹ buồng giữa/ Nàng buồng trung/”…
Ở trên, khúc 5 đã nói rõ lý do “gia chủ” lên Mường trời xin Then giúp là bởi gia đình có người ốm: Nàng mường/Nàng tạo/Bà chủ nhà “Váng vất mặt nàng mường nóng lạnh”, “Bởi vì con của bố (Then) xuống sân ngã sàn (tai nạn)/ Cháu của bố xuống trần nằm buồng (ốm đau)/ Và lại ngã xuống từ cửa sổ…”, cho nên ngoài việc xin Then, còn phải xin các bà vợ của Then “phù hộ độ trì”. Các bà này cũng có thể “cứu giúp”, có thể “ban phát” những điều tốt lành cho bà chủ nhà. Các bà này được gọi là “Nữ thần” ở Mường trời.
Nghỉ 1 chút, thầy Mo diễn xướng tiếp khúc 7 “Nhó bún”, có nghĩa là “cầu phúc”. Khúc này 62 câu/dòng.
Tìm được “hồn vía” rồi, lại xin Then-Bôn “Nhó bún” cho: “Ngửa tay lên nhà Bôn xin “số”/ Gắng sức lên nhà trời xin “phúc” xin “giàu”. “Số” ở đây là “số mệnh”, tức nói đến “tuổi thọ” (Số mệnh “dài” không thua cái gì; Nâng “phúc” lần thứ 9, sống thọ trăm tổi nghìn tuổi); “phúc” ở đây là “hạnh phúc”; “giàu” nói đến “của cải” (Nâng “phúc” lên lần 2 mới hết nghèo/ Rồi Tạo chủ (nhà) mới “giàu” mới “có”/ Nâng “phúc” lên lần 3/ Gánh của vào trong nhà “rầm rầm”/ Gánh của vào nhà ta lũ lượt; Nâng “phúc” lần thứ 6, vàng rớt “cửa đất” rồi lại được vàng/ Rớt “cửa nước” mất nhà lại được nhà; Nâng “phúc” lần thứ 7, không làm gì cũng “được”/ Không “kiếm” cái gì cũng “có”)… và có “vị thế” trong xã hội bản mường, được mọi người tôn trọng, vì nể, quan tâm: “Nâng “phúc” lên lần 4, ai ở đâu cũng “hỏi đến”/ “Góc” nào cũng “hỏi thăm”/ Mọi “chum rượu 20” nào cũng “hỏi han”)…
Mo diễn xướng xong khúc này thì nghỉ ăn trưa. Ăn xong, nghỉ 1 chút, rồi thầy mo diễn xướng tiếp khúc 8: “Bắc cốn xàn lả một” (Trở về). Khúc này 391 câu/dòng. 
Then sai người nhà trời đi tìm “vía” gia chủ và tìm được: “Vía (gia chủ) ngã nước Vua rồng lưng cong/ Vía sấp bùn Vua rắn đuôi thon/ Vía (Then) vào suối vào khe bắt về/ Ôm lưng ném vào lưới xuống nước/ Vật lộn cùng gươm dáo vây quanh/ Đan lưới nhốt rồng con/ Đan liếp giam mặt trời”,…
Vậy là “hồn vía” gia chủ đã về đến nơi! Từ Mường Trời trở về, ngoài phương tiện “thuyền gió”, bây giờ lại thêm “ngựa cánh”: “Đi mường, cưỡi “thuyền gió” ta bay!/ Con chủ soạn “ngựa cánh” ta liệng”. Cảnh Mường Trời tất nhiên có nhiều cái lạ, kích thích trí tò mò: “Lão oai nghiêm nên bố” (Then) ban sức khỏe/ (Lão) Nằm nghiêng một bên trời/ Em út bố (Then) - Chết Háy (nhân vật khổng lồ)/ Chết Háy vào mường nàng “một mắt” (!)/ Ra ngoài trời thành kẻ nhác lười/ Nằm ườn được 3 tháng không cựa/ Nằm ngủ được 3 tháng không thức/ Khẽ cựa mình rúng động trời Bôn/ Tạo bảo hãy về cùng/ Đười ươi mặc váy hoa/ Con quỷ mặc váy sọc/ “Còng cỏi” (quỷ) nhỏ kiếm ốc/ Đi đường hướng gót chân đi trước”; có lão Chá Lụp-Chá Lành dùng chân để phát đường đi: “Về cáo lão Chá Lụp tay “sắc”/ Lão Chá Lành chân “bén”/ Sắc như sắc lưỡi dao/ “Chân” phát quang rừng nứa rộng 7 thước thành đường”; lão Dăm Dúp-Dăm Dảnh thì dùng lông chân để “trói ma”: “Về cáo lão Dăm Dúp rậm lông chân/ Lão Dăm Dảnh rậm lông cẳng/ Lông chân bố Tạo thường trói ma về/ Lông cẳng lão mo thần thường trói ma giam”; có những nhân vật “phi thường”: “Về cáo Tạo Hùng (anh hùng) “9 ngàn mắt”/ Quạ vàng 9 ngàn cánh/ Tạo Quạ mường nàng ngồi nghiêng kiệu/ Bố ở một bên trời thành bố quạ vàng/ Gốc cánh chim vàng to bằng tấm phên/ Dậy đi ngăn dòng nước hóa cạn”; “Tạo báo lên Vít Vù “4 ngàn mắt”/ Vít Vá “4 ngàn mặt”/ Trời làm cho có mồm trên răng”, “Về bảo trai “cổ thép” xuống trần lùa voi/ Trai “cổ gang” xuống trần lùa người”.
Thêm một số địa danh mới được nhắc đến: Há Xai, Chiềng Xan (Đông Bắc Thái Lan) (Xây mường ở Há Xai của Tạo Hùng/ Chàng trai “gốc”, người anh hùng Chiềng Xan); Tum Vang (Vân Nam, Trung Quốc) (Chủ ngồi quản Tum Vang). 
Diễn xướng hết khúc này là xong. Thầy mo quay sang nói với gia chủ rằng, “Then-Bôn đã tìm được hồn vía về cho gia chủ. Then-Bôn cũng đã “nhó bún” cho rồi. Từ đây những điều tốt đẹp sẽ về với nhà ta…”. Tâm lý gia chủ được “cởi bỏ”, “nhẹ nhàng”, “toại nguyện”… Cũng vừa hết ngày, trời tối. Nghỉ 1 chút, thầy mo cho phép “hạ mâm”. Gia chủ bày mâm, mời cả bản đến ăn uống, vui chung…
3. Kết luận
Nghi lễ “páng chuộc, nhó bún” của người Thái thể hiện nguyện vọng thiết tha có được một cuộc sống “yên lành, khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật”; một cuộc sống “ấm no, hạnh phúc, trường thọ...” của họ.
Thông qua nghi lễ này, ta hiểu được tín ngưỡng của đồng bào: Họ quan niệm con người có “hồn vía”. Hồn vía có thể bị thất lạc. Hồn vía thất lạc thì dẫn đến ốm đau, bệnh tật, làm ăn sa sút... Cho nên phải dâng mâm lễ lên Then-Bôn, chúa tể Mường Trời để các vị đó giúp, tìm lại hồn vía; ban phát cho họ “hạnh phúc, của cải, trường thọ”... 
Quê hương của người Thái ở miền Tây Nghệ An hiện lên qua từng khúc diễn xướng của thầy Mo giàu đẹp, bao la, hùng vĩ. Theo bước chân của thầy Mo, ta còn biết thêm về cội nguồn tổ tiên của người Thái nhóm Tày Mường (trong đó có vùng Khủn Tinh, Quỳ Hợp, Nghệ An, nơi chúng tôi khảo cứu) là “họ” xuất phát từ Vân Nam - Trung Quốc, xuống Đông Bắc - Thái Lan, qua Lào, rồi mới đến Nghệ An. Còn lại nhóm Tày Thanh và Tày Mười thì từ Vân Nam - Trung Quốc, xuống Tây Bắc - Việt Nam, qua Thanh Hóa, rồi vào Nghệ An).    
Những người tham dự (nghe) nghi lễ này còn bị thu hút bởi cái “mới lạ” của Mường Trời trong bài diễn xướng của thầy Mo; kích thích trí tò mò của họ; làm cho trí tưởng tượng của họ bay bổng, thoát tục...
Nếu phải đề cập đến mặt “hạn chế” của nghi lễ này thì đó là: hiệu quả mà nghi lễ này mang lại chỉ là về mặt tâm lý, liệu pháp tâm lý mà thôi. Muốn khỏi bệnh thì phải chữa bệnh (phải uống thuốc, phải đi bệnh viện). Muốn kinh tế gia đình khấm khá thì phải tích cực lao động...
Tài liệu tham khảo
(1). Vi Văn An (1999), Thiết chế bản-mường truyền thống của người Thái ở miền Tây Nghệ An, Luận án Tiến sỹ sử học, H., 1999. 
(2). Sầm Văn Bình (2019), Xở phi hươn (Cúng gia tiên), Nxb Hội Nhà văn, H., 2019.
(3). Charles F.Keyes (2022), Văn hóa tộc người và tôn giáo ở Đông Nam Á, Nxb ĐHQG HN, 2022.
(4). Lê Hải Đăng (2014), Nghi lễ gia đình của người Tày Mường ở Nghệ An, Nxb ĐHQG HN, 2014. 
(5). Ninh Viết Giao (chủ biên), Quán Vi Miên, Lô Khánh Xuyên (2003), Địa chí huyện Quỳ Hợp, Nxb Nghệ An 2003. 
(6). Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhóm Tày Nùng Thái ở Việt Nam, Nxb KHXH, H., 1968.
(7). Nguyễn Văn Hòa (2013), Báo vía trần gian và báo vía mường trời, Truyện thơ cổ của ông Mo người Thái Đen Tây Bắc, Nxb ĐHQG HN, 2013.
(8). La Quán Miên (1997), Phong tục tập quán các dân tộc thiểu số Nghệ An (Khảo cứu), Nxb. Nghệ An, Vinh, 1997.
(9). Quán Vi Miên (2010), Khóc tiễn hồn (Hày xổng phí), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
(10). Quán Vi Miên (2010), Mường Bôn huyền thoại, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2010. 
(11). Quán Vi Miên (2010), Tang lễ của người Thái ở Nghệ An, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
(12). Quán Vi Miên (2012), Tục lệ buộc vía người Thái ở Nghệ An, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây