Đền Mai Bảng – hương khói cõi tâm linh

Thứ ba - 06/12/2022 04:21 0

Đền nép mình dưới tán đa cổ thụ, màu thời gian phủ lên những đường nét kiến trúc cổ xưa. Trong không gian thanh tịnh, khói hương trầm mặc, những người dân cung kính thắp hương vái lạy tiền nhân bày tỏ lòng thành kính và cầu cho cuộc sống bình an. Điện thờ được làm bằng gỗ, chạm khắc những nét hoa văn tinh xảo, những cổ vật tế khí còn lưu giữ được càng tôn thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm của ngôi đền. 
Ông Lê Đức Minh, một người làng là thầy cúng ở đền, đang sửa soạn lễ cúng, ông cho biết: “Đền là nơi thờ cúng những bậc công thần có công với làng, với nước như Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thủy Tinh phu nhân cùng 6 vị thủy tổ các dòng họ: Trần, Lê, Võ, Phạm, Nguyễn, Hoàng, có công khai cơ lập làng”. 
Tìm hiểu qua cuốn “Lịch sử Đảng bộ phường Nghi Thủy (1930 -2020)” và “Lý lịch Di tích đền Mai Bảng” do Ban Quản lý di tích Đền còn lưu giữ, chúng tôi được biết: Lê Khôi, tên thụy là Võ Mục, là con trai của Lê Từ, cháu ruột Lê Lợi, người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hoa (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ năm 1418 và lập được nhiều chiến công. 
Năm 1443, đời vua Lê Nhân Tông, ông được phong Nhập nội Thiếu úy sung Đốc trấn Nghệ An. Thời gian này, Lê Khôi Chăm lo cho đời sống nhân dân, chú trọng khai phá đất hoang, phát triển nông nghiệp. Ông chỉ đạo khai hoang dải đất phù sa ven Sông Lam lập nên nhiều làng mạc như: Quảng Dụ, Nghĩa Liệt, Vệ Chính, Khánh Sơn, Triều Khẩu (nay thuộc huyện Hưng Nguyên). Lê Khôi chủ trương miễn thuế cho dân trong những năm đầu khai hoang mở cõi, chú trọng đê điều, thủy lợi, các việc chính sự được ông giải quyết công bằng, hợp tình hợp lý khiến nhân dân hết lòng nể phục.
Năm 1446, khi đang làm Đốc trấn Nghệ An bảo vệ biên giới phía Nam Đại Việt, Lê Khôi cùng Lê Thận, Nguyễn Xí cầm quân đánh thành Đồ Bàn (Vương quốc Chăm Pa). Cuộc chiến thắng lợi, trên đường trở về, ông bị ốm nặng rồi mất ngày 3 tháng 5 âm lịch. Tin dữ báo về triều đình, nhà vua thương tiếc bãi triều 3 ngày và sắc cho nhân dân địa phương thờ phụng. Nhân dân mai táng ông ở núi Long Ngâm (Thạch Hà – Hà Tĩnh) và lập miếu thờ. Cư dân vùng Mai Bảng (có gốc từ làng Mai Phụ –Thạch Hà -  Hà Tĩnh) sau khi di cư đến làng Mai Bảng thì lập bài vị để thờ tướng quân Lê Khôi và tôn ông làm Thành hoàng làng. Năm 1463, vua Lê Thánh Tông truy phong Lê Khôi chức Nhập nội Đại hành khiển Thái úy Tán Quốc công. Niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (năm 1487), ông được Vua Lê Thánh Tông truy phong là Chiêu Trưng Đại vương. 
Một người phụ nữ đời Trần đã hy sinh vì nước, được nhân dân thờ phụng là Chế Thắng phu nhân - Nguyễn Thị Bích Châu. Bà người làng Bảo Lộc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp, tư chất thông minh. Năm Long Khánh thứ nhất (1373), bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi, sau thăng Quý phi. Sách “Linh thần Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Khánh viết: “Nhiều lần nàng đối đáp bằng thơ với nhà vua và quan lại, lời văn tao nhã, ý tứ tân kỳ, vua lấy làm khâm phục mà tặng cho nàng tên hiệu Phù Dung”. Trước nguy cơ suy vong của nhà Trần do chính sự đổ nát, Qúy phi đã dâng lên vua “Kê Minh Thập Sách”, trình bày mười việc chính sự cần sửa đổi, được vua Trần Duệ Tông trọng dụng. 
Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đem quân đánh Chiêm Thành, Qúy phi Nguyễn Thị Bích Châu can ngăn nhưng không được nên bà xin theo hộ giá. Lúc đến biển Kỳ La (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) trời nổi phong ba bão táp, nhiều chiến thuyền chở binh lính bị sóng đánh chìm. Đêm hôm đó, nhà vua nằm mơ thấy thuồng luồng ngoài biển bơi vào đòi vua một nàng thiếp xuống làm vợ Giao Long. Vua hỏi ý các cung phi, ai nấy đều sợ hãi từ chối, chỉ riêng Quý phi khảng khái nhận lời, nàng nói: “nếu liều thân này mà bảo vệ được nhà vua và quân sĩ thì thiếp đâu dám tiếc” (“Nữ thần và thánh mẫu Việt Nam” - Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc). Sau khi Quý phi tự nguyện gieo mình xuống biển, quả nhiên sóng yên, biển lặng, thuyền quan quân nhà Trần dễ dàng đi qua. Sau khi mất, Qúy phi Nguyễn Thị Bích Châu nhiều lần hiển linh phù trợ dân chúng nên được nhân dân tôn làm Phúc thần.
Sách “Nữ thần và thánh mẫu Việt Nam” kể: Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành theo đường biển. Khi đến vùng biển Kỳ La, vua cho quân sĩ trú quân. Đêm đó, vua mộng thấy một nữ thần hiện lên xin vua giải mối oan hồn để không phải sống giữa chốn tanh hôi. Vua hỏi đầu đuôi thì biết câu chuyện của Qúy phi năm xưa. Vua làm lễ, đọc văn khấn với Thủy Tề thì thi hài Qúy phi từ từ nổi lên với dung nhân vẫn xinh đẹp. Vua cho mai táng bà với nghi lễ của một Hoàng hậu và cho dân làng lập miếu thờ. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua vào miếu thắp hương và ban sắc “Chế Thắng phu nhân” cho bà.
Ông Minh nói thêm: “Bên cạnh hai bậc công thần đền còn thờ vị thủy thần là Thủy Tinh phu nhân Tương truyền, Thủy Tinh phu nhân là vợ của Long Vương, được dân làng suy tôn cai quản vùng sông nước. Nhân dân làng Mai Bảng chúng tôi sống bằng nghề sông biển nên thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, mưa bão, sóng to gió cả nên đã tôn thờ Thủy Tinh phu nhân để được che chở bình an trong những chuyến ra khơi vào lộng, phù trợ nhân dân đánh bắt được nhiều tôm cá”.
Nói về 6 vị thủy tổ có công khai cơ lập làng, ông Minh hào hứng kể: “6 vị thủy tổ có công khai cơ lập làng gồm các cụ: Trần Liệt, Nguyễn Văn Đò, Phạm Công Huấn, Hoàng Đức Thực, Lê Viết Lễ, Võ Chính Tạo. Tổ tiên của các cụ vốn người vùng biển Kỳ La (huyện Kỳ Anh) sau dời về Mai Lâm (huyện Thạch Hà). Sáu vị thủy tổ đều sinh ra và lớn lên trong những gia đình làm nghề sông biển.
Cuối thế kỷ XVIII, sáu vị thủy tổ dùng thuyền nan vượt biển đến Đông Ngàn (nay là xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc). Nơi đây tuy thuyền bè neo đậu kín gió nhưng đường đi cách trở, làm ăn khó khăn. Các cụ lại bàn nhau đến Cồn Mui, nay là làng Mai Bảng, sinh sống. Các cụ cho rằng, đây là mảnh đất có địa thế đẹp, phía Đông giáp biển giàu tôm cá, phía Bắc có sông Xá thuận lợi cho giao thương và neo đậu thuyền bè, phía Tây, phía Nam có núi non che chở”.
Theo “Lịch sử Đảng bộ phường Nghi Thủy”: “Căn cứ theo gia phả các dòng họ, cách đây khoảng 240 năm (cuối thời Trịnh – Nguyễn phân tranh,) tại Cồn Mui, có 6 gia đinh từ vùng Cửa Sót (Làng Mai Lâm, tổng Vĩnh Luật, huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh) ra cư ngụ mà lập nên làng Mai Phụ, nay là làng Mai Bảng phường Nghi Thủy.
Đền Mai Bảng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, sau đó nhân dân tôn tạo dần và xin chân hương từ đền Sót (Thạch Hà – Hà Tĩnh) về thờ phụng. Đến thời nhà Nguyễn, 10 dòng họ trong làng tôn tạo lại đền với quy mô lớn hơn theo kiến trúc chữ tam với 3 toà chính là thượng điện, trung điện, hạ điện. Trải qua những biến thiên lịch sử, hiện đền còn lưu giữ được gian trung điện khá nguyên vẹn cùng với nhiều đồ tế khí cổ như bàn thờ, hương án, long ngai, bài vị, đại tự, câu đối… có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao, đặc biệt là 13 đạo sắc gốc quý giá và 75 hiện vật cổ khác”. 
Đền Mai Bảng là địa điểm tâm linh có ý ngĩa đặc biệt không chỉ đối với dân làng Mai Bảng. Mỗi dịp mùng một, ngày rằm hoặc những lúc con người cần một nơi che chở, người dân thập phương thường tới đền thắp hương khấn vái cầu an, cầu lộc... 
Hằng năm, đền Mai Bảng diễn ra hai lễ hội lớn vào ngày 12/ 2 và 3/ 5 (âm lịch). Trong đó, lễ hội đầu năm ngày 12/2, vừa là ngày giỗ Chế Thắng phu nhân vừa là lễ hội lập làng, diễn ra lễ cầu ngư, cầu đinh. Ngày 3/5 là ngày giỗ thành hoàng làng Chiêu Trưng Đại vương.
Lễ lập làng là một dịp để con em trong làng từ khắp nơi trở về tề tựu thành kính, trang nghiêm, thắp hương bày tỏ lòng biết ơn tới các vị tiền nhân có công với làng, với nước. Lễ Cầu ngư cầu cho sóng yên biển lặng, cầu cho những chuyến ra khơi may mắn, được nhiều tôm cá. Lễ Cầu đinh cầu được con trai vì nghề đi biển cần nhiều trai tráng. Người dân chuẩn bị lễ vật, cùng nhau góp giỗ. Rước kiệu là những thanh niên vùng biển khỏe mạnh, dặn dày sóng gió; đội trống, đội cờ hội tưng bừng, tấp nập... Lễ rước, lễ tế diễn ra một cách trang nghiêm, nghi thức dâng hương trang trọng, thành kính. 
Năm 2016, di tích đền Mai Bảng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Đền Mai Bảng là đền thờ dương thần, nghĩa là thờ người thật, việc thật, họ là những bậc công thần, những vị thủy tổ có công với dân, với làng, với nước. Khi còn sống, các ngài dốc sức mình bảo vệ và xây dựng giang sơn xã tắc, quê hương; khi mất, các ngài hiển linh che chở cho dân. Các ngài là chỗ dựa tinh thần cho những người dân nhỏ bé những lúc khó khăn, bế tắc, nhất là trước sự đe dọa của những cơn sóng giữ giữa biển khơi.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây