Chính quyền Xô-viết trong cao trào cách mạng 1930-1931 ở xứ Nghệ

Thứ tư - 28/06/2023 05:21 0
 Thời kỳ đầu của cuộc nội chiến lần thứ hai (1927-1937), công nhân và nông dân Trung Quốc cũng lập chính quyền Xô-viết ở mấy tỉnh Hoa-Nam. Đến năm 1930, công nhân và nông dân Việt Nam đã lập được chính quyền Xô-viết ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
    Nhưng lịch sử cách mạng của mỗi nước có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Công xã Pa-ri và các Xô-viết ở Nga là những chính quyền chuyên chính vô sản ra đời sau khi võ trang khởi nghĩa ở thành thị, các nước này đều là những nước đã phát triển lên đế quốc chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa.
   Trung Quốc là nước nữa thuộc địa, nữa phong kiến, đất rộng, người đông bị nhiều nước tư bản đế quốc xâu xé, gây nên tình trạng hỗn chiến liên miên giữa các thế lực quân phiệt. Vì vậy cách mạng Trung Quốc có điều kiện thành lập chính quyền Xô-viết ở các vùng là căn cứ địa cách mạng thuộc vùng Hoa Nam.



Đình Võ Liệt, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, là một trong những trụ sở đầu tiên của chính quyền Xô-viết ra đời trong tháng 9 năm 1930; Ảnh tác giả cung cấp

    Chính quyền Xô-viết Nghệ-Tĩnh ra đời trong một nước thuộc địa và nữa phong kiến, nhỏ bé, có một nền kinh tế nông nghiệp rất lạc hậu. Đó là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, có tính sáng tạo trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Trước phong trào quần chúng đấu tranh quyết liệt, ở nhiều vùng nông thôn Nghệ-Tĩnh chính quyền của thực dân và phong kiến đã tan rã hoàn toàn, thực tiễn đòi hỏi phải có ngay một cơ quan đứng ra quản lý trật tự ở các làng, xã ở nông thôn, bảo đảm những nhu cầu cấp thiết về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trước tình hình đặc biệt ấy, dưới sự lãnh đạo của đảng, các “xã bộ Nông” đã có ý thức và kịp thời đứng ra làm nhiệm vụ một cơ quan chính quyền, không phải máy móc bỏ nhiều thì giờ vào việc bầu cử như công xã Pa-ri mà Mác đã phê bình. Trong hoàn cảnh ấy, “xã bộ Nông” vẫn được toàn dân tín nhiệm, đã quản lý được trật tự nông thôn, xây dựng được một xã hội mới, do nhân dân lao động làm chủ, một xã hội chưa từng có trong một nước thuộc địa và nữa phong kiến. Đó là một sáng kiến to lớn của quần chúng.
   “Xã bộ Nông” có quyền lực như một cơ quan hành chính thực sự, một cơ quan bạo lực cách mạng, do nhân dân lập nên, vì nó đại diện chân chính cho nông dân, một lực lượng chiếm trên 90% ở nông thôn. Chính quyền Xô-viết là chính quyền cách mạng. Khi nhân dân đã nắm được chính quyền, lập tức phá bỏ chính quyền cũ, làm cho “xã bộ Nông” biến thành một cơ quan có quyền lực tuyệt đối ở nông thôn đúng với tinh thần Mác đã phân tích về Công xã Pa-ri là: “… không chuyển bộ máy quan liêu quân sự từ tay này sang tay khác như xưa nay thường làm, mà phải phá hủy nó. Đó là điều kiện quyết định trước hết của mỗi cuộc cách mạng nhân dân thực sự trên đại lục”(1).
    Xét về tính chất giai cấp, Xô-viết Nghệ-Tĩnh là công cụ chuyên chính của nhân dân, chủ yếu là công nông để chống lại đế quốc và phong kiến (cụ thể là bọn quan lại, địa chủ, cường hào, mật thám ở nông thôn). Về hình thức tuy là chính quyền Xô-viết nhưng nội dung là chuyên chính công nông do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới trong một nước thuộc địa và nửa phong kiến. Chính quyền Xô-viết Nghệ-Tĩnh đã có nhiều hình thức chống địch rất phong phú như báo động dây chuyền, thanh viện, bao vây, dùng sức mạnh của đông đảo quần chúng làm áp lực buộc kẻ thù phải nhân nhượng, không giám cướp bóc, hà hiếp nhân đân ta. Đối với bọn phản cách mạng, tay sai của đế quốc, như bọn cường hào, mật thám thì chính quyền Xô-viết cương quyết trấn áp. Đối với giai cấp địa chủ, chính quyền Xô-viết đã dùng biện pháp chuyên chính buộc chúng phải giảm tô, xóa nợ. Trong năm 1931 chính quyền Xô-viết ở nhiều nơi đã lấy thóc của địa chủ chia cho dân nghèo để chống đói.
    Để thực hiện chức năng chuyên chính của mình, các “xã bộ Nông”, “thôn bộ Nông” đã sử dụng các đội tự vệ đỏ và tòa án cách mạng lâm thời làm công cụ bạo lực cho chính quyền Xô-viết nông thôn. Còn đối với tầng lớp phú nông là bạn đồng minh trong cách mạng dân tộc- dân chủ nhân dân, chính quyền Xô-viết định mức tiền công trả cho cố nông để hạn chế sự bóc lột của phú nông. Trung ương Đảng bấy giờ đã chỉ đạo: “Không cho họ tham gia Nông hội, nhưng vẫn để họ ở các hội tương trợ lao động, hội cứ tế đỏ”(2). Khẩu hiệu về kinh tế đối với họ lúc bấy giờ là: “Vay mượn phải chăng, đổi trao đúng giá, bài trừ nợ cao, cho vay nhẹ lời, trả công đúng giá..”(3).
    Mặt khác, chính quyền “ xã bộ Nông”, “thôn bộ Nông” ở các làng quê Nghệ-Tĩnh đã bước đầu mở rộng dân chủ với nhân dân. Những quyền lợi về chính trị như: tự do hội họp, biểu tình, tự do đọc sách báo, nam nữ bình đẳng… được thực hiện phổ biến. Một số việc trong làng, trong xã được đưa ra nhân dân bàn bạc cùng giải quyết. Những việc làm trên đây có ý nghĩa to lớn, nó thể hiện tinh thần làm chủ thực sự của nhân dân. Nhưng nội dung dân chủ của cuộc cách mạng không phải chỉ dừng lại ở quyền lợi chính trị mà gồm cả quyền lợi kinh tế, văn hóa, xã hội, như chia lại ruộng đất công cho nông dân, xóa bỏ sưu thuế, xóa tô, giảm nợ, tổ chức cho nông đân đào giếng, đắp đê, chống hạn, truyền bá quốc ngữ… Sự nghiệp vĩ đại ấy chứng tỏ quần chúng công nông chẳng những có sức mạnh phá tan bộ máy thống trị cũ của giai cấp bóc lột, mà còn đủ tài trí để xây dựng một xã hội mới. Bằng những việc làm đem lại quyền lợi thiết thực về mọi mặt cho người lao động, làm cho nhân dân càng thêm tin tưởng và quyết tâm bảo vệ chính quyền Xô-viết.


Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng - nguồn truongchinhtrina.gov.vn

   Chính quyền Xô-viết chỉ tồn tại ở cấp làng, cấp xã trong một thời gian ngắn, nhưng nó vẫn thể hiện rõ tính ưu việt hơn hẳn so với mọi chính quyền của giai cấp bóc lột. Vì chính quyền Xô-viết ra đời, vừa phải lo xây dựng một xã hội mới, vừa phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống những cuộc khủng bố dồn dập về quân sự và những âm mưu, lừa bịp, dụ giỗ về chính trị của đế quốc và phong kiến. Trong hoàn cảnh thế và lực của bọn thực dân phong kiến quá mạnh, chúng ta không thể đòi hỏi chính quyền Xô-viết phải là một bộ máy hoàn chỉnh, làm việc đầy đủ và hoạt động toàn diện.
   Bên cạnh những thành tích to lớn, chính quyền Xô-viết đã phạm phải một số sai lầm ấu trĩ như: Chưa biết phân hóa giai cấp, có nơi vay thóc của phú nông và cả trung nông, trấn áp tràn lan, không phát huy đầy đủ yếu tố dân tộc để thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi làm chỗ dựa vững mạnh cho chính quyền.
   Chính quyền Xô-viết Nghệ-Tĩnh đã được tổ chức, củng cố và phát triển dưới nhiều hình thức tùy theo tương quan lực lương giũa ta và địch ở từng nơi, từng lúc.
   Khi phong trào cách mạng đã phát triển, chính quyền địch ở nông thôn tuy còn, nhưng đã bất lực, “xã bộ Nông-thôn bộ Nông” không chỉ lãnh đạo nhân dân đấu tranh, có nơi còn giải quyết cả công việc của một cơ quan hành chính như chia lại công điền, công thổ, tổ chức ma chay, học tập… Bấy giờ gần như có hai thứ chính quyền song song tồn tại. Khi phong trào lên mạnh, bọn hương lý hoảng sợ, chi bộ Đảng đã biết sử dụng họ làm việc “ hai mang”, hoặc có nơi hình thức là của địch mà nội dung là của ta. Đến khi phong trào lên cao, chính quyền địch tan rã “xã bộ Nông-thôn bộ Nông” hoàn toàn nắm chính quyền. Lúc thoái trào địch khủng bố tàn bạo có nơi tổ chức đã đưa người của Đảng ra làm lý trưởng để che chở cho cán bộ cách mạng tiếp tục hoạt động.
    Qua những phân tích trên, chúng ta có thể kết luận: Xô-viết Nghệ-Tĩnh là Xô-viết của nông dân lao động ra đời ở nông thôn, làm nhiệm vụ công nông chuyên chính do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Xô-viết Nghệ-Tĩnh chứng tỏ rằng, trong một nước thuộc địa và nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu như nước ta, chỗ yếu của bọn đế quốc và vua quan phong kiến là ở địa bàn nông thôn, đây là nơi lực lượng nông dân rất hùng mạnh. Trong những điều kiện nhất định, một khi nông dân đã được Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, họ sẽ vùng dậy đủ sức xung thiên để đập tan chính quyền địch và xây dựng chính quyền mới của mình ở nông thôn. Việc thành lập chính quyền Xô-viết ở nông thôn Nghệ-Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931, đã được Đảng ta vận dụng và phát triển thành bài học kinh nghiệm ngày càng phong phú qua các giai đoạn cách mạng sau này.
    Ngày nay trong công cuộc đổi mới nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, phong trào xây dựng nông thôn mới đang là nội dung quan trọng thu hút sự tham gia, đóng góp của hàng triệu nông dân trong cả nước. Một lần nữa giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đang tiếp tục viết lên trang sử mới trong lao động, dựng xây một đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
Chú thích
1. Các Mác: Thư gửi Cun-ghen-Man ngày 12 tháng 4 năm 1871.
2,3. trích: Thường vụ trung ương ngày 20 tháng 3năm 1931: “chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ”.






    

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây