Bia mộ tiến sĩ Nguyễn Hưng Công

Thứ tư - 28/12/2022 04:21 0

      

   
Chữ nho: 
- Mặt trước (ảnh trái): 大 科 墓 表 黎 更 申 盛 科 第 三 甲 同 進 士 出 身 第 三 名 阮 先 生 支 神 道
- Mặt sau (ảnh phải): 公 仙 城 村 人 𡥜 興 功 十 四 嵗 中 三 场 十七 嵗 中 四 场 二 十 嵗 中 场 二 十 四 嵗 永 治 五 年 中 進 士 仕至 太 原 憲 察 使 礼 部 給 事 中 終 墓 在 金 城 社 山 暴 俗 號 廊 㘨 處 之 原 墳 墓 東 西 長 十 五 杖 南 北 長 十 二 杖 嗣 德 十 二 年 三月 初 六 日 仙 城 社 仝 社 恭 剹
-Trên thành mặt sau, bên trái, phía dưới: 百 二 十 字
Phiên âm: 
-Mặt trước: “Đại khoa mộ biểu - Lê – Canh Thân thịnh khoa - Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, đệ tam danh - Nguyễn tiên sinh chi thần – đạo”
-Mặt sau: “Công Tiên Thành thôn nhân, tự Hưng Công, thập tứ tuế trúng tam tràng, thập thất tuế trúng tứ tràng, nhị thập tuế trúng tràng, nhị thập tứ tuế Vĩnh Trị ngũ niên trúng tiến sỹ. Sỹ chí Thái Nguyên hiến sát sứ, Lễ bộ cấp sự trung. Chung, mộ tại Kim Thành xã, sơn Bộc tục hiệu Làng Nồi xứ chi nguyên, phần mộ đông tây trường thập ngũ trượng, nam bắc trường thập nhị trượng, Tự Đức thập nhị niên, tam nguyệt, sơ lục nhật, Tiên Thành xã đồng xã cung lục”.
-Trên thành: “Bách nhị thập tự”
Để dễ hiểu, xin được giải thích một cách ước lệ một số từ hán việt theo thiển ý của mình: Đại khoa, Thịnh khoa: nhà Lê trung hưng cứ 3 năm tổ chức một khoa thi để tuyển chọn hiền tài giúp nhà vua quản lý đất nước, bắt đầu từ năm 1554. Mỗi khoa thi được tổ chức ở hai cấp: trung ương và địa phương, cấp địa phương tổ chức thi hương, cấp trung ương tổ chức thi hội. Thi hương do đạo, phủ (cấp tỉnh) tổ chức, thí sinh phải thi 3 vòng gọi là tam tràng, đề thi thường là kinh thư (điển tích, thơ phú), biểu chế (văn bản hành chính), luận (lý luận chính trị về một vấn đề liên quan đến việc quản lý đất nước mà đề thi nêu ra). Thí sinh vượt qua ba vòng thi trên là đỗ tam tràng tức là đỗ sinh đồ hay còn gọi là đỗ tú tài thì được dự thi thêm một vòng thi thứ tư gọi là tứ tràng để chọn lấy người đỗ hương cống hay còn gọi là cử nhân mới được tham gia thi hội do triều đình tổ chức. Thi hội do triều đình tổ chức vào năm sau năm thi hương, những người đã đỗ tứ tràng (hương cống) của các trường thi hương trong cả nước được về triều dự thi hội, người đỗ thi hội là đỗ tiến sỹ tức là đỗ đại khoa. Kỳ thi chính thức theo quy định 3 năm một khoa thi được gọi là thịnh khoa, nhưng kỳ thi thịnh khoa lấy không đủ số tiến sỹ cần lấy so với nhu cầu thực tế thì tùy điều kiện cụ thể vua tổ chức những kỳ thi bổ sung giữa hai kỳ thịnh khoa gọi là kỳ thi ân khoa; Trúng tràng: theo quy định người đỗ cử nhân, tiến sỹ được vua cho tham gia chính trường làm quan (công chức) hoặc làm lại (viên chức), đối với trường hợp Nguyễn Hưng Công đỗ hương cống lúc 17 tuổi, chưa đủ tuổi làm quan lại nên lúc 20 tuổi mới được gọi về triều làm cấp sự trung (giúp việc bàn giấy ở bộ lễ) và trau dồi thêm kiến thức ở Quốc Tử Giám, chờ để dự thi hội, hiểu nôm na trúng tràng ở đây là được mời đi làm quan (vào chốn quan trường); Vĩnh Trị ngũ niên, Canh Thân thịnh khoa: vua Lê Hy Tông lấy niên hiệu Vĩnh Trị từ năm 1676 đến năm 1680, từ năm 1681 trở về sau lấy niên hiệu Chính Hòa, như vậy Canh Thân thịnh khoa hay Vĩnh Trị ngũ niên đều có ý nghĩa như nhau, cùng để chỉ năm 1680. Tiến sỹ Nguyễn Hưng Công đỗ tiến sỹ năm 1680 lúc 24 tuổi, người xưa tính cả tuổi mụ bà, nên từ đó suy ra ngài sinh năm 1657; Đồng tiến sỹ xuất thân: là những người đỗ tiến sỹ chính thức theo số lượng quy định từ trước của khoa thi ấy, nhưng do số lượng tiến sỹ xuất thân không đủ so với nhu cầu thực tế để quản lý đất nước hoặc một số người làm bài thi tốt so với tiêu chuẩn tiến sỹ mà không đỗ, vua tiếc nhân tài bị lỡ thời cơ nên đặc cách lấy thêm (đỗ vớt) gọi là tiến sỹ cập đệ (nhà Nguyễn gọi là Phó bảng); Sỹ chí: thỏa nguyện vọng, chí hướng của kẻ sỹ, trong trường hợp này là người được bổ nhiệm làm quan phù hợp với năng lực, trình độ của mình; Hiến sát sứ: là một chức quan giúp vua giám sát hoạt động của quan lại ở địa phương từ cấp tỉnh (phủ, đạo) trở xuống, có nhiệm vụ như tổng hợp của kiểm tra, thanh tra, kiểm toán ngày nay; Chi thần: người hoặc vật được vua phong thần gồm: chi thần, tôn thần (thời vua Khải Định nhà Nguyễn mới bổ sung), trung đẳng thần, thượng đẳng thần. Như vậy, trước khi khắc chữ cho tấm bia đá của ngôi mộ này, tiến sỹ Nguyễn Hưng Công đã được phong làm chi thần; Trượng: là đơn vị đo lường về chiều dài, mỗi trượng bằng 2 tấc, tức là 0,4 mét; Tự Đức nhị thập niên: vua Tự Đức nhà Nguyễn lên ngôi cuối năm 1847, năm 1848 mới đặt niên hiệu, vậy Tự Đức thập nhị niên là niên hiệu của vua Tự Đức năm thứ 12 đó là năm 1850. 
Dịch văn bia: 
Đây là mộ của bậc đại khoa: Nguyễn tiên sinh chi thần, danh sách đứng thứ 3 trong bảng đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi thịnh khoa năm 1680 triều Lê. 
Thần người làng Tiên Thành, tên chữ là Hưng Công, đỗ tú tài năm 14 tuổi, đỗ cử nhân năm 17 tuổi, năm 20 tuổi được mời làm cấp sự trung ở bộ lễ, năm 24 tuổi đỗ tiến sỹ, đứng thứ 3 trong bảng danh sách đồng tiến sỹ xuất thân, khoa thi thịnh khoa năm Canh Thân 1680, triều Lê, được bổ làm khâm sai đại thần giám sát hoạt động của quan lại tại phủ Thái Nguyên. Khi mất, mộ của thần ở núi Bộc mà tên tục gọi là động Làng Nồi, thuộc xã Kim Thành, vùng đất làm mộ của thần còn hoang sơ nguyên thủy. Phần mộ có kích thước theo hướng đông - tây dài 6 mét, theo hướng nam – bắc dài 4,8 mét. 
Ngày mồng 6, tháng 3, năm Tự Đức thứ 12 (năm 1850), nhân dân xã Tiên Thành phối hợp cùng với nhân dân xã Kim Thành có trách nhiệm trông coi, chăm sóc, thờ cúng phần mộ của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công chi thần tại đây.
Toàn bộ văn bia gồm 120 chữ (mặt trước 26 chữ, mặt sau 94 chữ)
Một số quan điểm về tiến sỹ Nguyễn Hưng Công: 
Nguyễn Hưng Công là một nhân vật lịch sử, nhà thờ của ngài ở làng Phú Văn, xã Vĩnh Thành đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ở làng Vân Nam xã Khánh Thành đã xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một số tư liệu về hoạt động của ngài sau khi rời khỏi chốn quan trường về quê:
Là thần thành hoàng làng Bắc Sơn, xã Bắc Thành 
Năm 1703, lúc 46 tuổi Nguyễn Hưng Công về quê mở trường dạy học, nhưng học trò đều nghèo nên khoảng năm 1710 ông đưa học trò đến xứ Bồ Kiêu là vùng bình nguyên ở phía đông nam núi Gám, tổ chức cho học trò khai phá rừng hoang, sản xuất tự túc lương thực, vừa học vừa làm để học trò có điều kiện theo học. Cuốn lịch sử xã Bắc Thành (NXB Nghệ An năm 2015) xác định: học trò của Nguyễn Hưng Công rất đông, nhưng ở lại tham gia cùng thầy lập làng có: hai cha con Ngô Nhân Đức, Ngô Chân An (người làng Phú Thọ) và các ông Hoàng Danh Ái (người làng Vạn Tràng), Phan Tất Cái (người huyện Thanh Chương), Dương Danh Thiện (người làng Phú Thọ), Nguyễn Văn Kỷ (người làng Điện Yên). Bia tiến sỹ của Nguyễn Hưng Công tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ghi Nguyễn Hưng Công quê ở làng Tiên Thành, bấy giờ gồm các giáp: Phú Văn, Trung Xá - Tương Lai xã Vĩnh Thành, Phú Thọ xã Long Thành, vì vậy khi lập làng mới thì xứ ấy cũng gọi theo tên làng của thầy là làng Tiên Thành. Thời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) thành lập đơn vị hành chính cấp xã thì làng Tiên Thành cũ đổi thành xã Tiên Thành, các giáp trên được đổi thành các làng có tên gọi riêng, làng mới ở xứ Bồ Kiêu gọi theo tên làng cũ là làng Tiên Thành. Xã Tiên Thành (仙城) mới thành lập khác hoàn toàn xã Tiền Thành (前城) gồm các làng Thái Bộc, Lộc Bộc đã được thành lập từ trước, đến đây được đổi thành xã Kim Thành gồm các làng Thuần Hậu, Thái Bình, Thượng Thọ (Bắc Thành), Phúc Lộc (Trung Thành), Cự Phú (Nam Thành). Năm 1898, dưới thời vua Thành Thái nhà Nguyễn chia lại địa giới hành chính hai huyện Đông Thành và Yên Thành, các làng Phú Văn, Trung Xá - Tương Lai cắt về xã Thái Xá nay là xã Vĩnh Thành, các làng Phú Thọ, Vạn Tràng, Tiên Thành cắt về xã Quan Xá nay là xã Long Thành đều thuộc tổng Quan Trung. Theo cuốn lịch sử huyện Yên Thành (NXB Nghệ An 1990) thì năm 1916 dưới thời vua Duy Tân, làng Tiên Thành có tên mới là làng Văn Thành cắt về xã Quan Hóa, tổng Quan Hóa. Năm 1947, chính quyền hiện hành cắt làng Văn Thành từ xã Quan Hóa gồm các xã Xuân Thành, Tăng Thành, Thị trấn Yên Thành ngày nay về xã Quan Thành tức là các xã Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành ngày nay. Tên làng Văn Thành tồn tại cho đến năm 1960 thì thành lập Hợp tác xã Bắc Sơn, tên làng Văn Thành được đổi theo tên hợp tác xã là làng Bắc Sơn thuộc xã Bắc Thành. Năm 1976, thực hiện chủ trương của nhà nước, làng Bắc Sơn chuyển từ vị trí ban đầu đến vị trí hiện nay, cách làng cũ khoảng một km về phía tây.
Dưới chế độ phong kiến, thần Nguyễn Hưng Công được thờ ở đình làng Văn Thành với tư cách Bản cảnh thành hoàng làng, năm 1976 chuyển làng thì đình làng không còn nữa, khoảng năm 2000 dân làng khôi phục đền Nhà Ông. Chiếu theo sách của cụ Bộ Hường (tú tài Hoàng Danh Sưu) để lại, làng gộp các thần được thờ của làng ở các đình, đền, lăng, miếu trong làng, đưa vào phối thờ tập trung ở đền Nhà Ông. Nguyễn Hưng Công là vị thần thứ 5 sau các thượng đẳng thần, trung đẳng thần và Phạm tướng công Tôn thần, với vị hiệu: “Đệ tam giáp tiến sỹ Vĩnh Trị ngũ niên Canh Thân thịnh khoa Tôn thần”.  
Về tên húy của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công: 
Bia tiến sỹ Nguyễn Hưng Công tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như gia phả họ Nguyễn Như ở các xã Vĩnh Thành, Khánh Thành đều chép tên của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công theo tên tự (tên chữ) mà không phải là tên húy. Ở di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhà thờ họ Phan, xã Bắc Thành do ông Phan Bá Đồng làm tộc trưởng còn lưu giữ một bản sắc phong đã số hóa, ký hiệu HN.2015.906, nội dung của sắc là năm 1924 vua Khải Định gia tặng cho Bản cảnh Minh Đạt Nguyễn Vĩnh Hưng làm Đoan túc Tôn thần, cho phép thôn Văn Thành thờ phụng như cũ. Thời điểm năm 1924, làng Văn Thành có họ Nguyễn Văn, tổ họ Nguyễn Văn cũng tham gia lập làng nhưng người họ Nguyễn Văn ăn mộc triện của làng Điện Yên thuộc xã Long Thành, vì vậy làng Văn Thành không thờ tổ họ Nguyễn Văn làm Bản cảnh Thành hoàng làng, cho nên không thể khác, đây là sắc phong của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công. 
Qua sắc phong này ta thấy: Nguyễn Vĩnh Hưng đã được vua sắc phong làm Chi thần từ trước là phù hợp với bia mộ Nguyễn Hưng Công năm 1850 ngài đã được vua phong làm Chi thần, vì vậy sắc này mới được vua Khải Định gia tặng làm Đoan túc Tôn thần. Qua sắc phong này, ta cũng xác định được tên húy của Nguyễn Hưng Công là Nguyễn Vĩnh Hưng (阮 永興).
Trước tác của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công 
Theo nhà giáo Trần Vũ Bảo nguyên giáo viên văn trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An thì ngoài lập làng và dạy học, tiến sỹ Nguyễn Hưng Công còn tham gia trước tác tấm bia “Trần công từ bi ký” cho nhà thờ họ Trần ở xã Bắc Thành và bia đá tại Phủ thờ ghi công đức của Thiếu phó Liêm quận công Trần Đăng Dinh là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở xã Phúc Thành.
Tiến sỹ Nguyễn Hưng Công mất năm 1736, thượng thọ 80 tuổi, được dân làng Tiên Thành và con cháu ngài hung táng tại xứ đồng Mả Nghè thuộc địa phận làng Tiên Thành, năm 1850 cải táng về núi Hòn Nồi thuộc làng Thượng Thọ xã Kim Thành cách nơi hung táng khoảng 500 mét về phía tây nam, tháng 9 năm 2022 âm lịch, con cháu của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công đã di dời ngôi mộ của ngài từ núi Hòn Nồi về cải táng tại nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Như ở làng Vân Nam xã Khánh Thành./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây