Đoàn Thị Điểm trên đất Nghệ

Thứ ba - 06/12/2022 04:21 0
Nữ sĩ là con gái của cụ Đoàn Doãn Nghi và có anh là Hương cống Đoàn Doãn Luân, quê ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Hồi nhỏ , bà làm con nuôi của Thượng thư Lê Anh Tuấn. Vì bà có tài lỗi lạc nên khi đến tuổi mười sáu thì ông Tuấn định tiến vào cung chúa Trịnh. Bà không bằng lòng, xin cứ ở nhà sống với bố mẹ.
Một hôm có bốn người học trò giỏi được gọi là  Tràng An Tứ hổ 长安 四 虎kéo nhau tới nhà để thử tài của bà. Vừa  bước qua ngõ để đi vào, họ liền được bà đọc cho một câu đối:“Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang”廷 前 少 女 勸 新 榔. Nghĩa là : “Trước sân, thiếu nữ mời (các vị) ăn trầu”. “Tân lang” ở đây là chỉ “trầu ,cau” nhưng nếu viết một cách khác (新 良)thì nó có nghĩa là chàng “rể mới”.Với cách dùng chữ đồng âm dị nghĩa tự nhiên mà hóc hiểm ấy, cả bốn vị trong Tràng An Tứ hổ không sao tìm nổi câu đáp nên họ đều đỏ mặt, lắc đầu, cáo lui . 
     Lại một dịp , bà đang thả bộ một mình thì gặp Nguyễn Công Hãng.                                 Nguyễn vốn là bậc danh sĩ, người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ (1700) và đã đi sứ phương Bắc(1718). Nguyễn thách bà làm câu đối để tự tả cảnh độc hành của mình. Bà đọc ngay:
                       “Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu
                            谈 导 古 今 心 腹 右
                         Truy tùy tả hữu cổ quăng thần”
                            追  随 左 右 古 肱 臣
       Nghĩa là 
                     “ Bàn luận chuyện xưa nay đã có bạn gan, ruột;
                Đi theo minh bên phải, bên trái thì có bầy tôi là tay, chân”.
Tiến sĩ Hãng đứng khép về một bên đường, gật đầu, thán phục.
Vì nữ sĩ có tài ứng đối như vậy nên đã nhiều lần được chúa Trịnh  cho mời vào cung để tiếp các sứ thần Trung Hoa.
Lúc nữ sĩ hai mươi lăm tuổi thì bố qua đời, Đoàn Thị Điểm sống với mẹ và anh. Ít lâu sau, anh cũng mất. Bà phải làm nghề dạy học để nuôi mẹ và giúp đỡ các cháu(con của anh). Học trò bà có người đỗ đại khoa. Lại vì không gặp được ý trung nhân nên lúc đã ngoài ba mươi tuổi bà mới lấy lẽ ông Nguyễn Kiều 阮 翘, làm quan Thị lang và cũng là một bậc văn nhân có tiếng. Sau một tháng cưới nhau thì ông Kiều đi sứ sang Trung Quốc.
Trước đó, có người bạn trai cùng lứa là Đặng Trần Côn 鄧 陳棍, quê làng  Hạ Đình, huyện Thanh Trì, cùng sống ở Kinh đô đưa tặng bà một bài thơ. Bà nói:“Trẻ con mới cắp sách đi học đã biết gì!”. Đặng hậm hực ra về, quyết học cho thành tài.
Thuở ấy, chúa Trịnh Giang bị một thứ bệnh lạ nên đâm ra sợ ánh sáng. Nhà chúa ra lệnh cấm: Đêm lại, cả Kinh thành Thăng Long không được đỏ lửa. Đặng phải đào hầm, tối đến thắp đèn ở dưới đó mà học, rồi đỗ Hương cống, đạt tầm kiệt suất về văn chương. Khi thảo xong “Chinh phụ ngâm khúc” 征 婦 吟 曲, Đặng mang đến cho nữ sĩ họ Đoàn xem. Bà cho là tuyệt diệu và  đã cất công dịch nó thành  thơ Quốc âm. Có lẽ để chữa lại cái lỗi là có coi thường Đặng trước kia nên bà đã gửi ý mình vào cả trong hai câu kết mà dịch:
                       “Tương hội, tương kỳ tương ý ngôn
                        Ta hồ trượng phu đương như thị”.
                            相 会 相 期 相  意言
                                 嗟 呼 丈 夫 當 如 是
                 Thành:
                         “Ngâm nga mong mỏi chữ tình
                         Dường này ắt hẳn tài lành trượng phu”.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Đoàn Thị Điểm đã dịch khúc ngâm này trong thời gian chồng bà đi sứ. Câu thơ :“Bộ nhất bộ hề phan quân nhu”  步 一 步 溪 攀 君 柔mà dịch thành: “Bước đi một bước lại vin áo chàng” cũng là phản ánh cái phút bịn rịn khi bà tiễn chồng ra ngoài biên tái.
Sau cái buổi : “Xin vì chàng rủ lớp phong sương” để rõ hơn “Nền huân tước đai cân rạng vẻ” thì năm 1746, Nguyễn Kiều được cử vào trấn trị tại Nghệ An. Tuy là phận tiểu tinh nhưng được chồng rất mực yêu chiều nên Hồng Hà Nữ sĩ cũng được đi cùng. Cái cảnh trong “Chinh phụ ngâm khúc” :
                            “Thanh hải khúc thanh sơn cao phục đê,
                             Thanh sơn tiền, thanh khê đoạn phục tục”
                                    清 海 曲  青 山 清 高 椱 低
                  青 山 前 清 溪 段 復 續
              Được nữ sĩ họ Đoàn dịch:
                                       “Hình khe thế núi gần xa
                                    Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”.
Vốn là chuyện trên đường hành quân của kẻ chinh phu trong sáng tác của  họ Đặng thì nay hình như cũng đã diễn ra trên lộ trình bà phải vượt qua để đi đến lỵ sở, nơi nhậm trị của chồng, ở trên bờ sông Lam. Cảnh trí gợi nên trong nữ sĩ biết bao thi tứ. Nhưng rất tiếc, theo sách “Giai thoại làng Nho” của Lãng Nhân và sách “Lược truyện các tác gia Việt Nam” do Trần Văn Giáp chủ biên thì những chặng đi trên con đường “Quanh quanh” vào xứ Nghệ ấy, bà đã bị nhuốm bệnh. Về đến lỵ sở tỉnh Nghệ được mấy hôm thì bà mất.
Đoàn Thị Điểm mãi mãi ra đi từ ngày ấy! Nhưng những dự định của Hồng Hà nữ sĩ trên đường vượt Tam Điệp để đi vào Hoành Sơn đã được  Hồ Xuân Hương với “Đèo Ba Dội” và Bà Huyện Thanh Quan với bài “Qua Đèo Ngang” thực hiện xuất sắc ở vào thế kỷ sau, kề đó.
Xứ Nghệ đã là nơi in dấu chân và gây cảm hứng đối với ba nhà thơ nữ kiệt suất của đất nước vào thời phát triển rực rỡ của nền văn Nôm Việt Nam ở các thế kỷ XVIII, XIX.

                                                                            



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây