Tục lệ tổng Yên Trường phủ Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An

Thứ ba - 27/12/2022 04:21 0
 Các nhà nghiên cứu về văn hóa thôn, làng Việt Nam đã đúc kết: Hương ước của làng có thể xem như là một hệ thống luật tục, tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của quốc gia. Còn hương ước/tục lệ tồn tại ở làng xã nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Vừa qua chúng tôi may mắn được tiếp cận với 1 bản hương ước/tục lệ của một làng trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Tục lệ thôn Yên Duệ tổng Yên Trường phủ Hưng Nguyên, được lập ngày 6 tháng 5 năm Minh Mệnh 10 (1829), được lấy ra từ bộ NGHỆ AN TỈNH HƯNG NGUYÊN PHỦ YÊN TRƯỜNG TỔNG CÁC XÃ THÔN TỤC LỆ 乂 安 省 興 元 府 安 長 總 各 社村 俗 例. Chúng tôi xin được dịch ra tiếng Việt và giới thiệu với quý bạn đọc.
Tục lệ thôn Yên Duệ tổng Yên Trường phủ Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An
Minh Mệnh năm thứ 10, ngày mồng 6 tháng 5 lập từ ước.
Thôn Yên Duệ xã Xuân An tổng Yên Trường huyện Chân Lộc phủ Anh Sơn, 
Hương mục: Nguyễn Trọng Luân, Hà Tự Lập, Lê Nhân Hoà, Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Vị, 
Hương lão: Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Trọng Trực, Lê Quang Minh, Nguyễn Hằng, Nguyễn Thìn Đại, 
Xã trưởng: Hà Tự Cường,
Thôn trưởng: Lê Nhân Hảo,
Khoán thủ: Nguyễn Trọng Huệ,
Và toàn thể dân xã.
Theo tiền bối của xã ta thì đã có lệ bạ ghi chép lại. Cho đến thời gian sau này giấy vở chữ nghĩa hầu hết bị hư nát. Các sự việc lớn nhỏ đều hầu hết truyền miệng. Do đó trong xã hội họp chỉnh đốn lại phong tục trong dân, lập thành ghi chép bao gồm các điều liệt kê như sau:
Kê: Quy ước cứ mồng 3 tiết nguyên đán hàng năm các lễ phẩm đều giao cho các giáp sửa soạn vào sáng mồng một. Bản xã trên dưới đều cẩn thận sửa soạn. Mỗi người một hộp cau đẹp lần lượt đặt ở trước miếu mà bái yết. Xét người nào sạch sẽ trai giới, đầy đủ trang phục tế lễ thì hành lễ, ai thiếu sót sẽ phạt cổ tiền 1 quán để (lần sau) đôn kính. Vào mồng 4 tháng này mỗi năm 4 mùa đều trong sáng mà thiếu cúng tế sẽ phạt tiền 6 mạch. Vào ngày trừ tịch (giao thừa) trước hết cho một hai người chuẩn bị và đem nước thơm cùng khăn mới vào trong cung cấm lau rửa bài vị cho các thần và khám thờ. Việc làm cốt phải sạch sẽ, trang nghiêm, nếu ai mà không cẩn thận sẽ bị phạt gà và rượu, quy ra cổ tiền là một quán hai mạch để răn đe kẻ khác. Nay định quy ước như vậy.

Văn bản hương ước Yên Duệ

Quy ước cứ ngày tháng giêng hàng năm có lệ cầu yên cho xã dân. Lệ có đặt 5 sào ruộng tế giao cho các giáp lệnh người cày cấy. Hễ cứ đến ngày đó thì các người được lệnh (ở trên) chuẩn bị 1 đầu lợn theo cổ tiền là 2 quan 5 mạch; xôi 5 bàn, mỗi bàn giá 6 đấu, 1 đấu tương đương  năm;  một vò rượu giá cổ tiền 1 mạch 12 văn; cau đẹp 100 trái và tiền vàng,  ngựa, mũ đem lên đình. Đánh một tiếng trống thì toàn xã lên đình cúng tế. Xong xuôi thì toàn xã phân chia lộc. Nay định lệ như vậy.
Quy ước cứ tháng giêng hàng năm chọn ngày đẹp toàn xã thu mỗi người 30 văn, sửa sang cỗ thủ lợn 1 thủ, xôi 1 bàn và oản quả, cau đẹp để thành kính cúng tế. Cung kính đóng cửa miếu đền. Theo lệ có phân phát cho 1 cụ Tiên chỉ viên (chức như thư ký của làng xã), 1 cụ Xã dịch ngồi vào mâm. Cứ chiếu theo số lượng mà sắp xếp. Vẫn xếp cứ 4 người và 1 cụ. Người nào đã đầy đủ mũ áo theo lệ thì lại đặt thêm 4 người và 1 cụ. Nếu thừa thì đều xét theo thứ bậc mà đặt ngồi với nhau. Nếu ai ngồi loạn chỗ làm mất phép tắc thứ bậc thì phạt gà, rượu chuẩn theo tiền cổ là 1 quán 2 mạch để nghiêm quy định, đẹp phong tục. Nay định lệ như vậy.
Quy ước cứ ngày mồng 6 tháng đó, làm lễ ngày xuân. Theo lệ có bánh tròn, cháo đặc, lễ nghi trai giới, đều giao cho các giáp sửa soạn và lần lượt dâng lên miếu để kính cúng tế. Tế xong thì thi đua xem ai trắng sạch để phân định ưu - thứ. Bánh người nào ưu thì bản xã thưởng cho người đó tiền văn 5 mạch 12 văn, bánh người nào thứ thì được thưởng 4 mạch. Cháo người nào ưu thì thưởng tiền 3 mạch, cháo người nào thứ thì thưởng tiền 2 mạch 12 văn. Việc thưởng này có khác biệt để khuyến khích cái hay cái tốt. Theo lệ định, tiết lễ này ban tặng cho Tiên chỉ viên là 4 kiện bánh, 1 bát cháo đặc. Tiên chỉ viên hoặc người nào đó vâng mệnh lễ bái cũng được ban tặng 1 kiện bánh. Những người hành lễ đều được tặng 8 kiện bánh. Còn lại bao nhiêu trong xã đem phân phát. Nay định lệ như vậy.
Mỗi năm có 4 tiết kính tế Tôn thần: Vào đầu xuân, đầu hạ, cuối thu, cuối đông chọn ngày mà kính tế. Việc này đều giao các giáp sửa soạn 1 đầu lợn theo giá cổ tiền là 3 quán, 1 mâm xôi giá 6 đấu, đấu tính 2 năm, 1 vò rượu giá cổ tiền là 12 văn, 100 quả cau đẹp lần lượt dâng lên miếu để toàn dân cùng cúng tế. Tế xong, thủ lợn, cổ lợn, lòng dồi, thịt chia đều mỗi giáp bao nhiêu chiếu theo thu chi lễ lạt. Còn lại bao nhiêu thì các giáp đem về chia nhau. Lễ tiết mùa thu cho đến tiết Đoan ngọ thưởng cái mới các lễ lạt (Kính tế Tôn Thần) ở ruộng trên ruộng dưới (Kính tế Tiên Thánh, cung thỉnh Tôn Thần). Lễ nghi do toàn dân sửa soạn, phải thật tinh khiết, thành tâm để đạt tới lòng thành kính nhất (Các tiết này đêm trước đều có lễ yết cáo). Lễ thủ lợn của các giáp biếu cho Tiên chỉ viên 1 đầu, chia tặng cho các vị huynh thứ 1 đầu, chức Xã dịch trở lên mỗi người 1 đầu. Cổ lợn và thịt lợn thì cứ chiếu theo số lượng mà phân chia. Nay định lệ như vậy.
Cuối thu có lệ lớn là cầu phúc, nếu vào tiệc ca hát mấy bài: bài thứ nhất thì thủ lợn cùng với lòng lợn biếu cho Tiên chỉ viên, nếu Tiên chỉ này còn thấy trở ngại việc gì viên nhân khác thay thế mà lễ bái. Lòng và thịt biếu nửa phần, biếu Tiên chỉ viên nửa phần còn giò thì chia đều biếu cho những người tham gia hành lễ. Đến bài thứ 2 thì lòng và thịt thì chia theo lệ còn thủ lợn thì biếu đều cho các viên nhân, giò lợn thì biếu đều cho người nào trọng vọng mũ áo đầy đủ. Từ bài thứ 3 trở đi, vào tiệc, các lễ mở cửa miếu đền thì cùng với dân hưởng chung để chia đều lộc. Nay định lệ như vậy.
Mỗi tháng hai tuần sóc - vọng (mồng một và rằm) thì kính tế tại đền miếu. Qua rằm thì các viên nhân áo mũ đầy đủ chiếu theo vị thứ từ trên xuống dưới mỗi tuần một người bày biện lễ nghi trước đêm đó: rượu 1 bình, chuối 1 nải cùng cau đẹp lần lượt biện tại đền miếu để bái yết. Đến sáng sớm hôm đó thì sửa soạn gà trống 1 con giá tiền từ 1 quán trở lên, oản 30 viên, rượu 1 bầu cùng cau trầu tất cả phải thật thanh khiết sạch sẽ để cúng tế. Mâm bàn thứ nhất viên nhân nào ngại thì biếu oản 1 viên, chuối xanh 1 quả để hưởng ơn huệ của thần. Nay định lệ như vậy.
Tháng 9 hàng năm, ở trước đền miếu vốn có 1 sào ruộng dành cho việc cúng tế (phía đông gần ruộng nhà ông Nguyễn Khắc, phía nam gần ruộng công, phía tây gần ao, phía bắc gần gò đất). Ở phía đông đền gồm 7 thước 3 khẩu (phía đông gần ruộng xứ đó, tây gần gò đất, nam gần đường thiên lý, phía bắc gần ruộng ở xứ đó). Các giáp cày cấy nạp 30 đấu thóc, trong vòng 2 năm phải thật sạch sẽ để làm xôi cúng. Nếu năm nào đó lúa mới chưa chín thì giáp đó đem cau trầu xin bản xã triển khai vào một ngày khác. Nếu ví như gặp năm mất mùa thì chỉ cau rượu để kính lễ. Biện giải với bản xã về số thóc này tuỳ thời mà ước lượng để tận hết lòng thành mà tôn kính. Nay định lệ như vậy.
Bản xã vốn có 5 sào ruộng tế giao cho xã dịch hoặc khoán thủ cày cấy để mua hương, dầu mà cúng tế tại đền miếu.
Bản thôn sở hữu ruộng tế, các xứ phải cúng vào đó 1 mẫu 4 sào chia đều cho các giáp cày cấy, trong năm nạp thóc lúa mỗi sào 1 đẳng là 20 đấu, 2 đẳng là 10 đấu. Trong 2 năm có việc cúng tế thì lấy đó mà bày biện. Xét xem vụ mùa thu được ra sao, tốt đẹp thế nào để dâng lên lo việc tế tự. Nếu ai đó trễ nải làm số thóc này không được đẹp, sạch thì toàn dân phạt tên này 1 quan 2 mạch tiền và phải bồi thường số thóc đó. Lại phạt năm đó bày biện 6 mạch để cảnh cáo kẻ khác. Nay định lệ như vậy.
Theo lệ việc cúng tế, người nào tham dự mà khăn áo nghiêm chỉnh sạch sẽ gọn gàng thì được thừa hành vào việc tế tự cho kính cẩn. Còn người nào tế tự mà lại xem thường hoặc đang hành lễ mà tỏ ý thất lễ thì bản xã phạt gà, rượu đổi ra cổ tiền là 1 quan 6 mạch để lần sau tôn kính và để làm đẹp phong tục. Nay định lệ như vậy.
Sắc văn phụng thờ tại miếu đền và đồ tế khí lưu để thờ phụng tất cả bao nhiêu giao cho khán thủ hoặc cán sự trong thôn thay nhau gìn giữ. Còn bao nhiêu thì gửi về nhà của Tiên chỉ viên phụng giữ gìn. Nếu khi nào mà Tiên chỉ gửi gắm thì các giáp giao cho trưởng giáp phụng giữ. Nếu người nào mà phụng giữ gìn không cẩn thận để đến nỗi thất lạc mất mát thì bản xã phạt cổ tiền 6 mạch và bồi thường. Nay định lệ như vậy.
Nếu người nào đi đến đình đền phải khăn áo chỉnh tề nghiêm trang, nếu ai không nghiêm chỉnh, ngạo mạn, thất lễ thì phạt cổ tiền 1 quán và cau trầu để tạ tội. Nếu thói cũ không sửa được để đến nỗi tái phạm thì toàn dân phạt rượu, gà quy ra cổ tiền là 2 quán và cau trầu để bái tạ mà biết được sự kính ngưỡng. Nay định lệ như vậy.
Bản xã có việc tế tự, những việc mổ súc vật thì ngồi vào và cùng với các vật liệu chia đều cho các giáp. Tế xong thì biếu Tiên chỉ viên 1 cái thủ lợn, 1 miếng thịt. Còn 2 thủ 2 miếng thì chia biếu cho các vị huynh thứ , chức dịch và các viên nhân khác (từ chức Xã dịch trở lên). Nếu viên nhân nào thay người khác đứng ra tế thì được biếu thịt nửa phần, còn nửa phần biết cho Tiên chỉ, còn thịt chân (thịt từ đầu gối đến chân) thì biếu cho các vị khăn áo tề chỉnh để cùng hưởng ơn huệ của thần (nếu có lệ giết mổ trâu thì lấy thịt để thay thế). Còn lại bao nhiêu thì chiếu theo số lượng mà biếu đều ra. Những người hành lễ 2 cụ, chia giao cho các giáp mỗi giáp 1 cụ. Nếu tiết nào hành lễ dùng xôi để kính tế, khi tế xong thì toàn dân chia nhau lộc (của thần). Các lệ đều châm chước để tránh phiền phức. Đặt ước toàn dân định lại việc hành lễ đầy đủ để biếu thịt cho các vị hành lễ.

Một góc Đông Vĩnh hôm nay

Viên nhân nào có danh vị ở trong xã thì cử làm Tiên chỉ viên để kính bày đặt lễ nghi mà bái cúng ở trước đền. Về sau việc đền miếu cứ đến tiết nguyên đán thì toàn xã lấy tiền bày biện 1 lễ để chúc mừng. Lại biếu ruộng công ở hành lang 5 sào 10 thước giao cho Tiên chỉ viên đó nhận ruộng mà cày cấy. Cứ 3 năm cấp ruộng 1 lần. Các lễ vật đều do người này sắm sửa. Lại giao cho xã dịch 3 sào để sắm giấy mực. Việc giao tô thuế ở ruộng bản xã cùng nhận để làm sáng rõ cái ý lớn. Nay định lệ như vậy.
Toàn dân định lại với xã dịch về ruộng đất, cứ đến vụ đông thì toàn dân chiếu theo đó mà bổ 3 quan tiền bút giấy theo ruộng này. Nay định lệ như vậy.
  Viên nhân nào tuổi đến 55 thì trong việc sai dịch toàn dân miễn giảm nửa phần. Đến 60 tuổi thì tu biện xôi thịt kính tế ở miếu rồi bái yết, thiết đãi trong thôn trong xã, chỉnh biện 1 lễ rồi đến chúc mừng sai dịch thật chu đáo tôn kính. Lễ mừng việc tuổi tác thì theo lớn nhỏ mà bày biện khác nhau. Phụ lão thì chiếu theo thứ bậc chức vị mà ngồi, nếu ai mà vượt thứ bậc ngồi lung tung thì phạm vào tội. Nay định lệ như vậy.
Bản thôn vốn có 2 chiếu ở đình gồm 8 người, viên nhân nào đến thứ vị đó thì nạp 1 quan tiền cùng cau rượu. Sau có người nào tiến chức lên thứ nhất thứ 2 thì phải nạp lễ gấp 2 lần và người thứ 8 lui nhường chỗ phía trái ở 1 chiếu. Nếu 2 người cùng cung tiến chức để thăng lên thì người thứ 7 và thứ 8 phải tiếp tục lui nhường chỗ. Lấy đó mà suy vị trí trong đình người nào có trở ngại việc gì mà vắng mặt thì chỗ ngồi đó phải để trống, không ai được vượt cấp mà ngồi vào. Không theo như vậy phải phạt 1 quan tiền để tôn vị thứ. Nay định lệ như vậy.
Bản thôn có chức sắc nếu như ngồi vào thì người bày biện bàn phải tuỳ nghi chiếu định. Nay định lệ như vậy.
Trong xã chọn bầu 1 người xã dịch. Người nào làm xã dịch thì nạp lệ tiền văn 1 quan 2 mạch. Nếu Khán thủ làm lại thì bầu làm Cán xã, theo lệ nạp cổ tiền 2 quan 6 mạch để phân biệt thứ tự. Nếu người nào đứng ra ứng vào chức thì phải có lợn, xôi kính lễ ở đình và nghiêm trang mời bản xã tới nhà thiết đãi. Nay định lệ như vậy.
Người nào có danh dự, khăn áo đủ đầy mà đứng ra cúng tế thì nạp tiền lệ theo cổ tiền là 6 quan, lại chỉnh tu gà xôi rượu ngon kính yết ở đền miếu để làm lễ vọng. Nếu người nào mà kéo dài không nạp tiền lệ thì không được dự vào hàng khăn áo. Theo lệ khi nào mà nạp tiền đầy đủ mới được dự vào để nghiêm hương ước, để đẹp phong tục. Nếu mà không làm theo thì bắt nạp cổ tiền 1 quan 2 mạch.
Người nào tới 18 tuổi thì sửa soạn cau trầu tới cho bản xã xét mà bổ tiền “đinh vàng” 2 vụ hè - đông, mỗi vụ 3 mạch. Tới 19 tuổi thì cùng với dân nhận các việc phu dịch, lại cấp khẩu phần ruộng để cung cấp cho việc công. Nay định lệ như vậy.
Phàm việc hội nghị cứ có việc gì ắt phải do bậc huynh thứ viên nhân đảm đương, không được vượt cấp. Nếu vượt sẽ phạt tiền 6 mạch để phân thứ bậc. Nay định lệ như vậy.
Người nào bỏ sót công dịch, sau có xin trở lại thì sửa soạn lễ nghi lợn 1 con theo giá cổ tiền là 20 quan, xôi 1 mâm theo giá gạo là 20 đấu, rượu 1 vò theo giá tiền là 2 quan, cau trầu để xin nối lại. Hứa với dân nhận dịch để bớt phức tạp phong tục. Nay định lệ như vậy.
Trong xã nếu người nào đang có tang mà lại đến đình đền mặc áo mũ hành lễ hoặc hội họp ăn uống đánh trống nghe hát thì phạt cổ tiền 3 quan để đôn đốc hiếu nghĩa, để nghiêm phong tục trong dân gian. Nay định lệ như vậy.
Trong xã nếu như có người nào có việc hiếu, trước tiên đem cau trầu xin với quan viên đến giúp cho việc tế. Lễ điếu thì tuỳ nghi mà bày biện, đến tang chủ phải bày biện đầy đủ bánh 3 mâm để kính tế.
Sau lễ Thánh sư là tiến hành tế ngu (sau khi chôn cất xong mà cúng tế gọi là tế ngu). Sau khi tế xong, bánh 3 mâm, 1 thì kính biếu người nào khăn áo tế lễ, còn lại 2 thì dành cho những người ngồi ở đó. Còn tang chủ thiết đãi như thế nào không câu nệ ít nhiều. Nếu người nào uống rượu làm ồn ào ngạo mạn nói năng bừa bãi thì sẽ phạt cổ tiền 1 quan để răn bảo sự nghiêm chỉnh. Nay định lệ như vậy.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây