Họ Lê Quốc Tường Sơn và các nhân vật có công với quê hương, đất nước

Thứ ba - 06/12/2022 04:21 0
“Sinh thời, khi quân Nguyễn Huệ tiến ra Bắc, ông đã đem toàn bộ binh lực của mình theo Nguyễn Huệ, do lập nhiều chiến công lớn, ngài được phong ba đạo sắc…”.
Về ông Lê Quốc Trân, phả ghi:
“Sinh thời, Ngài làm Huyện thừa huyện Kim Sơn, phủ Trấn Ninh. Khi Quang Trung tiến quân ra Bắc, ông gia nhập, do lập nhiều công trạng, Ngài được phong một đạo sắc…”.
Con trai ông Lê Quốc Cầu là Lê Quốc Lý và con ông Lê Quốc Trân là Lê Quốc Đạm đều theo phò triều Tây Sơn, có nhiều công lao và đều được vua Cảnh Thịnh phong sắc… Chúng tôi xin giới thiệu các sắc phong triều Tây Sơn cho các nhân vật họ Lê Quốc như sau:


Nhà thờ Lê Quốc, Tường Sơn

1. Sắc phong Hoàng đế Quang Trung cho ông Lê Quốc Cầu, chữ Hán:敕清彰縣蘭浪社左弼道青和奇該奇黎國求歷從戰陣頗有勤勞特準攽指揮使職伯爵可加英烈將軍指揮使求武伯率本軍差撥倘厥職弗勤朝章具在欽哉故敕
光中五十月二十日五
- Phiên âm:
Sắc Thanh Chương huyện, Lan Lãng xã, Tả bật đạo, Thanh hoà cơ Cai cơ Lê Quốc Cầu lịch tòng chiến trận, phả hữu cần lao. Đặc chuẩn ban Chỉ huy sứ chức, bá tước. Khả gia Anh liệt tướng quân, Chỉ huy sứ, Cầu Võ bá. Suất bản quân sai bát, thảng quyết chức phất cần, triều chương cụ tại. Khâm tai! Cố sắc.
Quang Trung ngũ niên, thập nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
- Dịch nghĩa:
Sắc phong cho Tả bật đạo, Thanh hoà cơ Cai cơ Lê Quốc Cầu, người xã Lan Lãng, huyện Thanh Chương, theo đi chiến trận, lập được công lao to lớn. Đặc chuẩn ban chức Chỉ huy sứ, tước bá. Gia phong Anh liệt tướng quân, Chỉ huy sứ, tước Cầu Võ bá. Nay cầm quân đi theo để sai phái, nếu không thực hiện đúng chức trách, thì phải chịu theo luật định của triều đình. Hãy nghe theo! Nay ban sắc.
Ngày 25, tháng10, năm Quang Trung thứ 5 (1792).
Sắc của vua Cảnh Thịnh năm thứ nhất
 Phiên âm:
Sắc Đức Quang phủ, Thanh Chương huyện, Lan Lãng xã, Tả bật đạo Trung quân đồn Chỉ huy Lê Quốc Cầu, lịch tòng chiến trận, phả hữu cần lao. Đặc chuẩn ban Quán quân sứ chức, tước hầu. Khả gia Vũ liệt tướng quân, Quán quân sứ, Cầu Ngọc hầu. Quản bản quân sai bát, thảng khuyết chức phất cần, triều chương cụ tại. Khâm tai! Cố sắc.
Cảnh Thịnh nguyên niên, chính nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
- Dịch nghĩa:
Sắc cho Tả bật đạo, Trung quân đồn chỉ huy Lê Quốc Cầu, đi theo đánh trận, lập được công lao. Đặc chuẩn ban chức Quán quân sứ , tước hầu. Xứng đáng được gia phong Vũ liệt tướng quân, Quán quân sứ, tước Cầu Ngọc hầu. Nay cai quản quân để sai phái, hãy thực hiện tốt chức phận, nếu không sẽ phải chịu theo luật định của triều đình.
Ngày 25, tháng 1, năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793).
Sắc của vua Cảnh Thịnh năm thứ tư, 
Phiên âm:
Sắc Đức Quang phủ, Thanh Chương huyện, Lan Lãng xã, Tả bật đạo, Anh dũng nhị vệ Đô uý Lê Quốc Cầu, trượng nhân khí khái, lương tướng phong do, quật khởi thu nghiệp tán Tây hưng, Hán đình hiến lực, hỗn nhất tế thầm khuynh bắc củng, Đường bệ liên ban, thỉ chung chi nhất, tiết mị tha, khang tế chi lưỡng triều tịnh dự, tứ Trẫm sơ ưng tân mệnh, bất tiết bất vong, gia khanh doãn vị cựu thần, khả ỷ khả phục. Khả gia Đặc tiến Vệ quốc tướng quân, Đô đốc Cầu Ngọc hầu. Thống bản vệ sai bát, thượng kỳ tứ phương tráng chí, na từ bàn thác chi nan, nhất phiến tinh trung, miện tận ái ưu chi niệm. Khâm tai! Cố sắc.
Cảnh Thịnh tứ niên, thập nguyệt, sơ nhị nhật.
- Dịch nghĩa:
Sắc ban cho Tả bật đạo, Anh dũng nhị vệ Đô uý Lê Quốc Cầu, người xã Lan Lãng, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang là người khí khái, tướng giỏi có mưu, trải mấy thu khởi nghiệp phù dựng triều Tây Sơn, sân Hán kể đà tận lực, hợp một mối tỏ dạ hướng về phương sao bắc, bệ Đường từng dự liên ban, thuỷ chung nhất nhất chẳng dời thay, khang tế hai triều đều khen ngợi, mới mẻ Trẫm vừa noi tân mệnh, chẳng hẹp, chẳng quên, vẻ vang khanh đáng gọi cựu thần, để nhờ, để cậy. Vậy gia phong Đặc tiến Vệ quốc tướng quân, Đô đốc Cầu Ngọc hầu. Cho thống quản cả vệ quân để sai khiến, trên thời bốn phương chí cả, chớ từ nan gian khó, hiểm nguy, một mảnh trung ngân, hãy gắng vì nước, vì dân lo nghĩ. Hãy nghe theo! Nay ban sắc.
Ngày 02, tháng 10, năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796).


Thảo luận tại nhà thờ họ Lê Quốc

2. Sắc cho Lê Quốc Trân:
Sắc của vua Cảnh Thịnh năm thứ tư, chữ Hán:
敕清彰縣蘭浪社左弼道英勇二衛護軍使黎國珍鍰鍰京氣赴赴雄風幾在遭逢幸慶從龍之會歷年先後居多捍馬之勞可加雄烈將軍冠軍使珍玉侯管本軍差撥上其趨事赴功臨敵古爭先之勇效中宣力智身輸報上之成欽哉故敕
景盛四年十月初二日
- Phiên âm
Sắc Thanh Chương huyện, Lan Lãng xã, Tả bật đạo, Anh dũng nhị vệ hộ quân sứ Lê Quốc Trân, hoàn hoàn kinh khí, phó phó hùng phong, kỷ tại tao phùng, hạnh khế tòng long chi hội. Lịch niên tiên hậu cư đa hãn mã chi lao. Khả gia hùng liệt tướng quân, quán quân sứ, Trân Ngọc hầu. Quản bản quân sai bát, thượng kỳ xu sự, phó công lâm địch, cổ tranh tiên chi dũng, hiệu Trung tuyên lực trí, thân thâu báo thượng chi thành. Khâm tai! Cố sắc.
Cảnh Thịnh tứ niên, thập nguyệt, sơ nhị nhật.


Sắc của vua Cảnh Thịnh

3. Sắc cho Lê Quốc Lý:
Sắc của vua Cảnh Thịnh năm thứ tư, chữ Hán:
敕清彰縣蘭浪社左弼道英勇二衛冠軍使黎國理鍰鍰京氣赴赴雄風幾戰遭逢幸慶從龍之會歷年先後居多捍馬之勞可加雄烈將軍冠軍使理義侯管本軍差撥上其趨事赴功臨敵古爭先之勇效中宣力智身輸報上之成欽哉故敕
景盛四年十月初二日
- Phiên âm:
Sắc Thanh Chương huyện, Lan Lãng xã, Tả bật đạo, Anh dũng nhị vệ quán Quân sứ Lê Quốc Lý, hoàn hoàn kinh khí, phó phó hùng phong, kỷ chiến tao phùng, hạnh khế tòng long chi hội, lịch niên tiên hậu cư đa hãn mã chi lao. Khả gia Hùng liệt tướng quân Đô tư Lý Nghĩa hầu. Quán bản quân sai bát, thượng kỳ xu sự, phó công lâm địch, cổ tranh tiên chi dũng, hiệu Trung tuyên lực trí, thân thâu báo thượng chi thành. Khâm tai! Cố sắc.
Cảnh Thị tứ niên, thập nguyệt, sơ nhị nhật.
4. Sắc cho Lê Quốc Đạm:
Sắc của vua Cảnh Thịnh năm thứ tư, chữ Hán:
敕清彰縣蘭浪社中尉黎國氮歷年戰陣頗有勤勞可加英勇雄烈將軍旨揮使氮玉伯率本軍倘闕職弗勤朝章具在欽哉故敕
景盛四年十月初二日
- Phiên âm:
Sắc Thanh Chương huyện, Lan Lãng xã, Trung uý Lê Quốc Đạm, lịch niên chiến trận, phả hữu cần lao. Khả gia Anh dũng hùng liệt Tướng quân, Chỉ huy sứ, Đạm Ngọc Bá. Suất bản quân thảng khuyết chức phất cần triều chương cụ tại. Khâm tai! Cố sắc.
Cảnh Thịnh tứ niên, thập nguyệt, sơ nhị nhật. 
- Dịch nghĩa:
Sắc cho Trung uý Lê Quốc Đạm, người xã Lan Lãng, huyện Thanh Chương thường theo đi chến trận, lập được nhiều công lao. Nay gia phong chức tước Anh dũng hùng liệt Tướng quân, Chỉ huy sứ, Đạm Ngọc bá. Nay bổ chức cầm quân, phải chuyên cần y lệnh triều đình. Hãy nghe theo! Nay ban sắc. Ngày 01, tháng 10, Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1796).
Qua gia phả họ Lê Quốc ta biết được là dòng họ và nhân dân xã Tường Sơn, nguyên trước là xã Quan Lãng có thờ vị Thành Hoàng là Lê ĐếThành Hoàng, tức vua Lê. Vua Lê đây chính là Bình Định Vương Lê Lợi, khi lên ngôi là Lê Thái Tổ, là lãnh tụ tối cao chỉ huy đánh thắng trận Khả Lưu, Bồ Ải và đưa tên tuổi vùng đất Anh Sơn trở nên nổi danh đất nước, được dân tôn vinh thờ là Thành Hoàng. Triều Lê đã để lại một chi họ hoàng thân, quốc thích lại đây để bảo vệ thành quả và cai quản cả vùng miền Tây Nghệ An, nên họ Lê ở đây mang chữ lót là Quốc (Lê Quốc - họ của vua và đại diện cho quốc gia Đại Việt). Địa danh Quan Lãng (關朗), dịch từ chữ Hán: Quan là đóng, khép mở, cửa ở biên giới, liên hệ, chỗ nổi tiếp; Lãng là sáng và trong suốt. Bồ Ải chính là cửa chốt quan trọng để lên miền Tây Nghệ An, nên từ triều Lê đến triều Nguyễn đã lập 朗田關Lãng Điền Quan (Cửa Lãng Điền trấn giữ cửa biên giới miền Tây) ngay ở xã Lãng Điền, giáp với xã Mặc Điền, nay là xã Đức Sơn, xã Hùng Sơn và Tường Sơn. 
Đây chính là nơi họ Lê quốc cư trú và các đời đều có người làm quan trông coi vùng biên giới miền Tây Nghệ An. Nơi đây cũng có các công trình tâm linh linh thiêng như đền Tam Quan, chùa Tam Quan (do Đô đốc Lê Quốc Cầu xây dựng và hoàn thành vào 10 tháng giêng năm Kỷ Mùi 1799 ), Văn Thánh, đền thờ Thành Hoàng, rồi đồn Dừa, chợ Dừa, đền Cửa Lũy thờ Bạch Y công chúa, cùng với các công trình đền đài miếu mạo phía bắc sông Lam như ở Mặc Điền (Hùng Sơn) và đã trở thành nơi đô hội nổi tiếng triều Lê: Nhất Kinh kỳ, nhì Dừa Lạng là vì vậy. Nhân dân vùng này từ xa xưa đã có thơ ca ngợi:
Đò Rồng, Bến Ngự, Hoàng Điện, Bàu Mây
Kìa mộ người dăng trà Bến Ngự
Mà đền xưa đã phủ rêu đầy
Đò Rồng vực thẳm dựng cây gươm Thần.(1)
Vì họ Lê Quốc có công cai quản vùng Lãng Điền Quan, tổ chức chiêu dân khai hoang và lập đội dân quân để bảo vệ vùng này với căn cứ ở cả tả hữu sông Lam, nay là vùng đất Tường Sơn, Mặc Điền, nên triều Tây Sơn đã thu nạp và phong chức quan tướng cho cha con, anh em, con cháu họ Lê Quốc. Lê Quốc Cơ từng được cử giữ chức Phó sở sứ Đồn điền Vĩnh Hưng ở vùng Tường Sơn và Mặc Điền (sau gọi là Vĩnh Long, do là nơi vua ngự), nên dòng họ có truyền thống khai khẩn đất hoang lập làng ấp. Mặc Điền là đất do phù sa sông Lam, sông Con bồi đắp rất tốt để khai thác trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế và lập căn cứ chắc chắn phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ miền núi miền Tây Nghệ An của triều Lê, Tây Sơn và triều Nguyễn. Sau khi triều Tây Sơn bị diệt, với chính sách dùng người tài để quản vùng có người dân tộc nên các anh em, con cháu họ Lê Quốc vẫn được cất nhắc làm quan. Năm Nhâm Tuất (1802), Lê Quốc Cầu xin thôi việc quan trở về quê nhà. Ông muốn tiếp tục sự nghiệp của cha là tiếp tục tổ chức khai hoang vùng đất Mặc Điền để đưa dân về đây lập làng ấp, phát triển kinh tế. Chính vì vậy vào ngày 3/2/1804, triều Nguyễn Gia Long đã cấp giấy cho Lê Quốc Cầu được khai khẩn vùng đất Mặc Điền. Nội dung bản văn được gia phả họ Lê Quốc lưu giữ, phiên âm như sau:


Sắc phong của vua Quang Trung

Khâm sai Đô thống chế quản Nghệ An trấn, Trấn thủ quan. Kê: Nhất phó hệ tùy, cựu Đô đốc Cầu, do Nam Đường huyện, Mặc Điền xã. Kinh bị dị phiêu lưu, điền địa hoang phế, thảo mộc trăn vu, phế lưu quốc hóa, hợp phó y viên tựu xứ, tán cư tại sơn lâm các xứ, sở hậu nhược can tu bạ đầu nạp đặc tiến lập vi điền trại bả thủ tùy nghi, dị sung cấp phát, nhược tạ sự phi vi, tức hữu cựu tái tứ phó. 
Gia Long tam niên, nhị nguyệt, sơ tam nhật.
Ý nghĩa của văn bản trên là theo kê khai của Trấn thủ Đô thống chế quản trấn Nghệ An xin với triều đình là cho cựu Đô đốc Lê Quốc Cầu được thu nạp quan viên và dân chúng phiêu tán các nơi rừng rú trong vùng về lập điền trại, khai hoang đất cũ đã bỏ hoang phế, nên cần được cấp phát bổ sung các thứ và tái chức (Phó sứ) được tùy nghi chỉ huy công việc và không được trễ nại.
Khoảng năm 1830-1831, Ngài Lê Quốc Cầu tạ thế, được coi như một Thành Hoàng làng xã Mặc Điền, nên xã họp các hào lý và bô lão, lập văn bản, trích một số đất ruộng trong diện tích do Ngài tổ chức khai khẩn, chiêu dân lập ấp, thành xã Mặc Điền. Số diện tích đó để giao cho con trai Ngài là Lê Quốc Phấn canh tác làm đất hương hỏa phụng thờ Ngài. Nội dung văn bản trong gia phả ghi:
Minh Mệnh nhị thập niên, nhị nguyệt, thập tứ nhật Mặc Điền xã, hương trưởng, lý trưởng đồng xã đẳng nhất giao tư cự, do bản xã tiền kinh bị phiêu lưu giản giả, tiền quan cựu Đô đốc Cầu hạnh mông, chiếu chỉ chiêu tập dân hồi lập nghiệp, giản giả tiền quan bất hạnh quá cố, tự thử lai tư bản xã vô sơ y ỷ, kỳ bản xã, niệm dị tiền ân, khả vị bất bội bản kỷ. Tư bản xã liệu nghị vô dị vi báo, hựu địa phận cựu lưu hoang sa thổ tại bãi Hội, xứ trung đoạn, tam thập trượng:
Đông cận bản xã, hoang vu.
Tây cận bản xã, hoang vu.
Nam cận đại giang.
Bắc cận tiểu khê.
 Hựu cồn Hội xứ cựu lưu hoang lão thổ nhất khoảnh, đông cận tây khê, tây cận sơn lâm, nam cận tiểu khê, bắc cận sơn lâm.
Đông tây tứ chí, vi thử hữu từ - giao dự tiền quan chi nam tử là cậu Phấn nhậm giới nội phận nhị thập trượng tồn thập trượng cập lão thổ nhất khoảnh, giao dự đường tôn danh Nhàn, khai phá thực dụng dụng, dị trọng tư đạo vịnh vô kỷ vật, dị hậu thành thổ canh trưng thuế.
Hựu bản xã Cồn Mơ nội tầng sơn cước lão thổ tam thập trượng, thượng giáp Bàu Rùa, dị tiểu khê, tiểu lộ vi giới, hạ giáp cây gạo tiểu lộ vi giới, tái giao dự danh Nhàn khai phá thực dụng như tiền giao nội.
Hựu bản xã hoang điền lược bãi xứ hương án nhất sở thập lục khảm, tái giao dự cậu Phấn thực dụng y như tiền giao nội tư giao.
Bản xã cộng ký: Hương trưởng lão Hạp, tự ký/Hương trưởng Võ Văn Trường điểm chỉ/Hương trưởng Cao Tiến Soạn điểm chỉ/Tả giao từ xã trưởng toàn bản sự ứng.
Cách 30 năm sau, ngày 20 tháng 9, Tự Đức năm thứ 13 Canh Thân (1860), xã Mặc Điền lại lập một giao ước mới:
Anh Sơn phủ, Lương Sơn huyện, Lãng Điền tổng, Mặc Điền xã, lý trưởng, hương hào, nhân dân đồng xã đẳng, vi lập thuận hứa từ sự:
Nguyên niên tiền bản xã, sở bị phiêu tán, gian hữu Đặng Sơn tổng, Quan Lãng xã, Trung thôn, Đô đốc Cầu chiêu tập nhân đinh khai thác điền thổ, hàm đắc lạc lợi, chí tư bản xã, tưởng niệm công đức, một thế bất vong, xúc cảnh tư nhân, hậu ân đồ báo.
Nhưng thử, bản xã hội nghị, chiếu thủ phù sa thổ, tại Bãi Hội xứ nhất mẫu (do tiểu triện áp) thuận hứa dự quí công chỉ đích tôn Lê Quốc Bính, nhận thủ canh tác thực dụng, dị dụng kỵ lạp, truyền tử nhược tôn, vịnh vi thế lộc, hộ đệ niên, chiếu lệ nạp thuế, tư thuận hứa từ. Tự Đức thập tam niên, cửu nguyệt, nhị thập nhật (1860).
Lý trưởng: Vũ Văn Đường áp triện/Dịch mục: Vũ Văn Nghi điểm chỉ/Tuần xã: Nguyễn Văn Liễu điểm chỉ/Thông xã: Nguyễn Văn Tiêu điểm chỉ/Tả hữu từ sĩ nhân Võ Văn Lược tự ký.
  Qua các thông tin tư liệu dòng họ Lê Quốc như trên, rõ ràng đất Mặc Điền từ triều Lê đã có làng ấp, đất đai đã được khai phá để sản xuất cấy trồng phục vụ dân sinh. Nhân dân Mặc Điền đã có nhiều công lao đóng góp cho triều Lê và Tây Sơn, là một vinh dự thật cao quý cho lịch sử vàng của huyện Anh Sơn và tỉnh Nghệ An. Trải qua biến cố binh đao các thời, nhất là thời Lê - Mạc, Trung Hưng, Tây Sơn - chúa Nguyễn, dân bị phiêu tán, đất lại hoang hóa. Cựu Đô đốc Lê Quốc Cầu đã vì thương dân mà kế tiếp sự nghiệp chiêu dân, lập ấp của cha ông từ trước xin triều đình nhà Nguyễn được khai hoang trở lại và trở thành Thành Hoàng làng của xã Mặc Điền. Thành Hoàng Lê Quốc Cầu đã được nhân dân ngưỡng vọng lập đền thờ phụng và quanh năm hương hỏa ghi nhớ công ơn. Dòng họ Lê Quốc cũng rất tự hào vinh dự với sự ca ngợi, biết ơn của nhân dân vùng này:
Dù cho sông cạn đá mòn/ Lèn Thung còn đó hãy còn Lê Gia
Dòng họ Lê Quốc còn có một số vị có công được sắc phong, nhưng đã thất lạc như ông Lê Quốc, tự Đắc Bá, làm Đồn trưởng Mường Then; Lê Quốc, tự Nghĩa Hầu, làm Tả bật đạo, Anh dũng nghi vệ quân quân sứ gia hùng liệt Tướng quân. Dòng họ này nối đời làm quan và được cử giữ các chức trấn giữ các vùng đất miền Tây xứ Nghệ, bảo vệ biên cương của đất nước. Họ tộc cũng luôn có người đứng đầu làng xã nơi cư trú, có thể nói là có thần thế ở quê hương và có uy tín đối với triều đình các thời đại. Đó là các nhân vật đời thứ 5: Lê Quốc Thái với chức tước tiền phụng Phó đô sứ Sứ Trung hầu, Xã trưởng xã Kiềm Trị. Đời thứ 6 có Lê Ngọc Đảng làm Đô chỉ huy sứ. Đời thứ 7 có Lê Quốc Điệt làm Hữu tử vân kiêm thu quần thôn. Đời thứ 8: Lê Quốc Việt làm Trưởng thôn. Đời thứ 9: Lê quốc Hoa, Trưởng thôn. Đời thứ 10: Lê quốc Huy làm Chỉ thụ tri hương; Lê Quốc Xuyến làm Phó Lý trưởng, Chỉ thụ Tư văn. Đời thứ 11: Lê quốc Anh làm Chỉ thụ Hương kiểm. Từ đời thứ 12 cho đến nay, họ Lê quốc vẫn tiếp tục được truyền thống yêu nước, có nhiều người tham gia trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và có công trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Có thể kể thêm tên một số vị tiêu biểu, như: Thiếu tá Lê Quốc Dần và Lê quốc Lý; Lê Quốc Thụy, tốt nghiệp đại học Ngoại giao, làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và các vị làm việc ở xã, thôn, làm giáo viên, trạm xá xã, v.v… 
Nhà thờ họ Lê Quốc trải năm tháng thời gian và chiến tranh phá nát, được tôn tạo, phục dựng vào năm 1999, tại xóm 8, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Hiện nhà thờ còn lưu giữ được một số đồ tế khí xưa và một số tài liệu như gia phả… Đặc biệt với 7 đạo sắc phong các triều, trong đó có các sắc triều Tây Sơn là vốn di sản văn cần được bảo vệ như các bảo vật hóa quý của quê hương, đất nước. Hiện dòng họ tiếp tục biên soạn quy ước để củng cố, bảo vệ di tích và giáo dục con cháu phát huy truyền thống quý, đẹp của tổ tiên. 
Chú thích:
1. Thơ dân gian do NGƯT Nguyễn Thanh Tùng quê ở xã Hùng Sơn sưu tầm.
2. Tài liệu tham khảo:
- Sắc phong lưu tại nhà thờ họ Lê Quốc
- Gia phả dòng họ Lê Quốc
- Bùi Dương Lịch. Nghệ An ký
- Lịch sử Đảng bộ Anh Sơn, Lịch sử xã Hùng Sơn, và một số tài liệu khác…


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây