Cảo thơm lần giở trước đèn

Thứ năm - 29/06/2023 05:21 0
Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm ở quê hương 
Nghi Xuân, Hà Tĩnh của ông
Từ nguyên bản Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (1521-1593) người Chiết Giang thời nhà Minh, đại thi hào Nguyễn Du đã viết nên Truyện Kiều, tác phẩm đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua, góp phần để tác giả của nó được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”.  
“Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh” là hai câu thơ được rút ra trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Theo đó, đại thi hào Nguyễn Du đã cho rằng sách Kim Vân Kiều Truyện là một cuốn sách hay (cảo thơm) và là một cuốn sách do người xưa viết (cổ lục). Đây là một cuốn sách kể về chuyện tình đẫm lệ của nàng Vương Thúy Kiều, một người con gái tài sắc nhưng bạc mệnh dưới thời nhà Minh bên Trung Hoa.
Bản ghi chép sớm nhất về nàng Vương Thúy Kiều là sách “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” của Mao Khôn đời Minh. Bản này chép: “Vương Thuý Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm. Sau tìm cách trốn khỏi nhà xướng ca, đổi tên ở bên bờ biển. Nuỵ khấu đánh Giang Nam, bắt Thuý Kiều mang đi rồi trở thành áp trại phu nhân của Từ Hải. Từ Hải rất yêu quý nàng, mọi kế hoạch đều nghe theo nàng. Quan quân phái người đến chiêu hàng, Kiều đem nhiều việc đến khuyên, Hải mới quyết tâm hàng. Quan quân bố trí kế hoạch, Từ Hải thua chết, Thuý Kiều cũng bị quan quân cướp. Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Trên đường qua sông Tiền Đường, Thuý Kiều than: Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa! Bèn nhảy xuống sông mà chết”. Sự kiện này diễn ra vào năm Gia Tĩnh thứ 35, năm 1556, đời Minh Thế Tông. Các nhân vật như Vương Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến đều có thật trong lịch sử.
Từ câu chuyện có thật của lịch sử như trên, Thanh Tâm Tài Nhân người Chiết Giang thời nhà Minh đã viết thành Kim Vân Kiều Truyện. Đại thi hào Nguyễn Du nhân vua nhà Nguyễn nước ta sai đi sứ sang Trung Hoa thời Thanh đã đọc được Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và ông đã xúc động mà viết nên Truyện Kiều.
Đại thi hào Nguyễn Du đặt cho tác phẩm mình là “Đoạn trường tân thanh”, nghĩa là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột. Tuy nhiên, dân gian vốn thích sự ngắn gọn để dễ nhớ nên gọi là Truyện Kiều. Vì sao đại thi hào Nguyễn Du đặt tên tác phẩm mình là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột? Đọc xong 3.254 câu trong Truyện Kiều, chúng ta nhận ra rằng, đại thi hào Nguyễn Du không dịch Kim Vân Kiều Truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa từ chữ Hán ra chữ Nôm (bộ chữ tượng hình biểu ý dùng để viết tiếng Việt) mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam về người phụ nữ. Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ của xã hội phong kiến Trung Hoa như xem phụ nữ như món hàng để mua bán, xem trọng trinh tiết của người phụ nữ… đã bị đại thi hào Nguyễn Du lên án trong Truyện Kiều. Đặc biệt, chữ “Trinh” của nàng Vương Thúy Kiều trong tâm thức Nguyễn Du chính là “lấy hiếu làm trinh”. Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) từng viết trong bài thơ “Bài ca mùa xuân 1961” rằng: “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. 
Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện kỳ lạ như thế! Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) từng nhận định: “Nhân dân ta vốn có truyền thống tôn trọng phụ nữ”. Do đó, nàng Vương Thúy Kiều của Trung Hoa đã được Nguyễn Du “Việt hóa” thành con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu với tư tưởng tiến bộ.
Bởi vậy, dù đại thi hào Nguyễn Du đã khiêm tốn tự nhận về “đứa con tinh thần” của mình là những “lời quê”, “chắp nhặt”, “dông dài”, chỉ là để “mua vui” nhưng 3.254 câu Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã thành công vượt bậc hơn cả nguyên bản Kim Vân Kiều Truyện. Vào năm Canh Thìn 1820, trong lời tựu viết cho Truyện Kiều, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, tức tú tài Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880), đã nhận xét: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. 
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du
Bởi thế, sau khi đại thi hào Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều, những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách. Đào Nguyên Phổ (1861-1908), một vị quan nhà Nguyễn, ghi lại rằng: “Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô”. Hoàng đế Tự Đức cũng nhận xét tác phẩm này là “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”. 
Ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết số 41C/15 của UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 1822) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam
Năm 1965, tức 200 năm năm sau khi đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) đã bật lên xúc cảm: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn”. Cũng trong năm này, nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) đã viết bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”. Bài thơ có đoạn: “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”. Truyện Kiều cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch.
Đại thi hào Nguyễn Du được vinh danh tại Unesco 
Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, nhất trí vinh danh đại thi hào Nguyễn Du là “Danh nhân văn hóa thế giới”. 
“Cảo thơm lần giở” (lần giở từng trang sách hay) như đại thi hào Nguyễn Du hay áp dụng chính là cách đọc sách hiệu quả nhất. Nó thể hiện sự cẩn thận, tỉ mỉ trong việc đọc sách nhằm thấu cảm được lượng kiến thức mà tác giả muốn chuyển tải. Chính vì thế, trong bài thơ “Đọc Kiều”, như đồng cảm với đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Cảo thơm đặt trước đèn, tôi giở/ Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh”. 
Chương trình nghệ thuật tại Lễ vinh danh và Kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Năm 2023 này, kỷ niệm 203 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta vẫn có quyền khẳng định “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du” dù sinh thời ông đã cảm thán “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?).
Huế, ngày 17-4-2023





Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây