Biểu tượng Ta Leo trong văn hóa Thái

Thứ tư - 11/01/2023 04:21 0

Về cấu tạo, để có một tấm phên ta leo hoàn chỉnh (thường là 9 mắt), người ta sử dụng 14 nan nứa (nhỏ mảnh hoặc dẹt, to bản). Trước hết, dùng 3 nan cài chéo nhau, sau đó lần lượt gài các nan mở ra ba phía theo kiểu đan lóng mốt. Sau khi sử dụng hết 14 nan (trong đó 2 phía mỗi phía 5 nan và 1 phía 4 nan), tấm phên sẽ đủ 9 mắt, có hình tròn. Thực ra, đây là kiểu đơn giản nhất của kỹ thuật đan cài, còn trong thực tế, cũng từ kiểu cài nan ta leo này, người Thái cũng như một số tộc người thiểu số khác còn phát triển thêm kỹ thuật đan kết hợp giữa 3 kiểu: lóng mốt, lóng hai và lóng 3 (như áp dụng khi đan mặt mâm, tấm lót đáy ép cơm...). Độ khó và phức tạp của kỹ thuật kết hợp cài nan chéo này, khiến cho người ta phải đặt tên gọi riêng là: kỹ thuật cài ta leo, mà người Thái quen gọi là ta leo hò, còn người Khơ-mú thì gọi là theleho. 
  Về phân bố, tập quán sử dụng ta leo phổ biến ở các tộc người thiểu số cư trú vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, nhất là khu vực Tây Bắc và Tây Thanh-Nghệ như Thái, Lào, Lự, Cống; các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme gồm: Khơ-mú, Mảng, Kháng, Xinh-mun, Ơ-đu. Bên cạnh đó, các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ hệ Lào-Thay, nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme ở Lào và các tộc người phía Bắc và Đông Bắc (I Sản) ở Thái Lan cũng phổ biến tập quán sử dụng ta leo này.

Ta leo me mái (bà góa)

Điểm chung, thống nhất có tính xuyên suốt trong tập quán sử dụng ta leo giữa các tộc người, giữa các vùng miền ở Việt Nam, Lào và Thái Lan là tên gọi và chức năng sử dụng. Theo đó, tất cả các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, Lào-Thay cũng như như các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme ở Việt Nam, Lào và cả Thái Lan đều gọi tấm đan hình mắt cáo này là ta leo. Chức năng chính của nó là vật kỵ tà ma, thần che chở hay dấu hiệu của chủ sở hữu và sau này được nâng lên trở thành như là biểu tượng (symbol).
2. Nguồn gốc 
Theo truyện kể của người Thái, xưa kia ở bản nọ có một bác nông dân được dân bản ca tụng là tay thiện nghệ quăng chài, sát cá. Mỗi lần xách chài ra sông suối là thế nào cũng mang cả giỏ đầy cá về. Nhân một hôm, nước đục từ thượng nguồn đổ về, ông ta khoác chài lên vai ra quăng men bờ khúc sông dưới bản, nhưng đi quăng hết cả quãng sông dài mà chưa được mụn cá nào. Chán nản, ông ta quyết định tung lần chài cuối cùng và lẩm bẩm nếu lần này không dính con cá nào cũng sẽ về và từ bỏ luôn nghề chài. Thật may mắn, sau khi tung chài xong, ông từ từ rút chài thì thấy nằng nặng. Biết là cá to đã vướng, nên ông cẩn thận tay phải rút chài, tay trái vuốt lướt theo thân chài. Bất ngờ, tay ông chạm phải sườn một con cá chép to đến nỗi vuốt mãi không đến đầu con cá. Ông quyết định nhấc chài lên khỏi mặt nước, nhưng khi chân chài nhô lên khỏi mặt nước, bầu trời bỗng tối sầm, mây đen kịt, sấm chớp đùng đùng, con cá bỗng hóa thành một nàng tiên xinh đẹp, túm lấy tay ông kéo xuống dòng nước. Khi phần chân chài và con cá chìm hết xuống nước thì trời lại quang, mây tạnh trở lại như ban đầu, nhưng chiếc chài vẫn không thu về được. Quá hoảng sợ, nên ông đành bỏ chiếc chài chạy thẳng một mạch về nhà, kể lại sự tình. Từ đó, ông cũng bỏ luôn nghề chài.

Ta leo ruộng

 Cần lưu ý là: về chi tiết, câu truyện này ở các nhóm, các địa phương người Thái vùng Tây Bắc cũng như vùng Thái Thanh Hóa, Nghệ An ít nhiều có sự khác nhau. Tuy nhiên, nội dung và sợi chỉ xuyên suốt thể hiện ở chiếc chài (nhiều mắt) có thể khắc chế được sự nguy hiểm, nên trở thành vật bảo vệ, che chở cho con người.
3. Chức năng và thực hành
Như trên đã đề cập, tập quán sử dụng và các thực hành ta leo diễn ra phổ biến trong đời sống của người Thái (cũng như ở các tộc người thiểu số khác). Theo đó, việc thực hành ta leo thường áp dụng trong các trường hợp: (i). Khi trong nhà có người đẻ, khi gia đình tổ chức lễ cúng giải hạn, đánh dấu sở hữu khi chọn nương, khi đốt nương chuẩn bị gieo hạt, đánh dấu sở hữu tổ ong, cây gỗ quý (ở phạm vi gia đình); (ii). Khi cúng bản, cúng mường, đánh dấu sở hữu cây ăn quả chung, vũng suối đánh cá chung (ở phạm vi cộng đồng bản-mường) và (iii). Khi ngủ một mình tại chòi ruộng, chòi nương hay trong rừng (đối với cá nhân - thày mo, thày cúng).
3.1. Dấu hiệu khẳng định chủ sở hữu
Từ niềm tin về khả năng trừ tà, bảo vệ mùa màng và che chở cho linh hồn con người, sau này, về khía cạnh xã hội, ta leo trở thành biểu tượng/dấu hiệu khẳng định chủ sở hữu của cá nhân hay cộng đồng bản mường. Theo đó, khi chọn được mảnh nương ưng ý, người ta thường phát quang một khoảng rộng chừng 2m2, rồi cắm một phên ta leo vào đó để đánh dấu sở hữu. Khi một người khác nhìn thấy chiếc ta leo đó, có nghĩa là vạt rừng đó đã có chủ, không được xâm phạm. Cũng với hàm ý khẳng định chủ sở hữu này, sau khi đốt nương xong, trước khi bắt đầu làm lễ gieo hạt, gia chủ thường dựng giàn xặng kháu hách (như mô tả trên), đồng thời buộc vài phên ta leo loại một ô mắt, to bản trên ngọn tre cao vút cắm ở giữa nương và trên đỉnh mảnh nương. Ngoài ý nghĩa hù dọa các loại tà ma, côn trùng phá hoại mùa màng, những chiếc ta leo này còn mang chức năng đánh dấu quyền sở hữu, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm tới mảnh nương đối với ma đất, ma núi, ma sông suối. 

Ta leo nương
Trong xã hội cổ truyền của người Thái, về nguyên tắc tất cả vùng đất đai, thiên nhiên ở ngoài phạm vi bản quản lý đều thuộc sở hữu công cộng của toàn mường. Là sở hữu công cộng, nên mọi gia đình trong mường đều có quyền khai phá làm nương để trồng trọt, lấy gỗ để làm nhà; có quyền săn thú, sở hữu tổ ong, hang don, cây ăn quả, đánh bắt tôm cá dưới suối; quyền thu hái các lâm thổ sản... để mưu cầu sự sống. Chẳng hạn, luật tục quy định và thừa nhận, người nào nhìn thấy tổ ong đầu tiên, thì người đó có quyền sở hữu. Để mọi người biết được tổ ong đã có chủ, người đó phải đánh dấu sở hữu. Nếu là tổ ong thì lấy một đoạn cây cắm xuống đất làm cọc trụ, rồi dùng dao chẻ đỉnh cọc đó thành cái cặp, sau đó lấy một đoạn que dắt vào đó, tạo thành mũi tên hướng chỉ tới vật sở hữu. Người Thái gọi cách đánh dấu sở hữu đó là mai chỉ (dấu chỉ); hoặc phát qua dưới gốc cây có tổ ong, rồi dùng dao vạch hai đường chéo nhau theo hình dấu nhân (X) vào gốc cây gọi là mai váy (dấu chéo). Phổ biến nhất là, cắm một phên ta leo trên đỉnh cọ bên vệ đường hay buộc vào gốc cây đó để báo hiệu cho người khác biết rằng tổ ong đã có chủ sở hữu.
Đối với cây ăn quả, cây gỗ quý, vũng đánh cá đã chọn (của cá nhân hay của cộng đồng bản mường), việc đánh dấu sở hữu bằng phên ta leo là hình thức phổ biến nhất. Luật tục bản-mường thừa nhận quyền sở hữu của người đánh dấu đầu tiên và quyền bất khả xâm phạm đối với vật sở hữu. Điều đáng quý là, tập quán này luôn được tất cả các thành viên trong bản-mường đều tự giác tuân thủ.
3.2. Biểu tượng trừ tà, che chở và dấu hiệu kiêng kỵ
Xuất phát từ khả năng của chiếc chài có thể khắc chế được con cá chép hóa người (tượng trưng cho ma thuồng luồng) mà các thày mo, thày cúng tin rằng: chài vì có nhiều mắt, nên có tác dụng trừ được tà ma, bảo vệ và che chở cho con người khỏi thần thánh làm hại, ma quỷ bắt mất linh hồn. Vì thế, khi ngủ một mình tại chòi nương, chòi ruộng, khi ngủ trong rừng, hay ngủ một nơi nguy hiểm nào đó các thày mo, thày cúng thường chăng chài ngang cửa, thậm chí chỉ cần vắt một mảnh chài đã cũ rách lên thanh ngang cửa chòi là có thể an tâm, ngủ yên giấc. Với tư cách là những người có thể liên hệ được với trời - đất, thần linh, ma quỷ, sự độc quyền của tầng lớp thầy mo trong việc sử dụng ta leo lâu dần đã trở thành vật biểu tượng của sự kiêng kỵ.
Trong tang ma của nhóm Tày Thanh, Tày Đèng ở vùng Thanh - Nghệ trước kia, khi quàn người chết tại gian ma nhà, phía trên màn rủ, người ta thường treo 1 chiếc chài phía trên, dùng dây buộc bốn góc chân chài kéo căng ra bốn hướng để phủ kín phần tử thi phía dưới, nhằm trừ tà ma, che chở linh hồn người quá cố. Hiện nay, tục lệ và tập quán buộc treo chài này vẫn được nhóm Tày Đeng ở huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào người ta duy trì thực hành khi có tang. Khi được hỏi tại sao phải treo chài trùm lên phía trên quan tài? Thày mo giải thích rằng: sở dĩ như vậy là khi ma quỷ đến dòm ngó, chúng nhìn thấy chiếc chài có rất nhiều mắt, trong khi chúng chỉ có 2 mắt, nên không phân biệt và nhận diện được thi hài và linh hồn của người chết ở đâu.
Ở phạm vi gia đình, khi trong nhà có phụ nữ đẻ, gia chủ thường buộc phên ta leo trên cây cọc nứa, cắm dựng ở chân cầu thang (hoặc buộc trên đầu cầu thang), trên đó còn buộc thêm cành lá xanh vừa nhằm báo hiệu trong nhà có sự việc không bình thường, lại vừa nhằm ngăn cản tà ma và cũng là dấu hiệu kiêng kỵ đối với người ngoài nhà vì họ sợ bắt mất hồn vía của đứa trẻ. Đặc biệt, trong các lễ cúng giải hạn (xên xai hạn), việc cắm, buộc treo ta leo ở lối vào nhà hay nơi cầu thang lên xuống gần như bắt buộc theo quy định của tập quán. Thông qua dấu hiệu ta leo này, các thày cúng muốn gửi một thông điệp tới các loài yêu ma rằng, chớ có bén mảng đến gần.
Cũng nằm trong chức năng trừ tà, bảo vệ và che chở, ở phạm vi cộng đồng, trong các dịp cúng bản, cúng mường của người Thái, người ta thường cắm ta leo ở đầu bản để thông báo cho khách lạ không được vào. Theo đó, nội bất xuất, ngoại bất nhập trong thời gian 7 ngày (trong lễ cúng mường) và 3 ngày (trong lễ cúng bản) không ai được ra vào, toàn thể dân bản, dân mường đều nghỉ việc để tham gia vào các hoạt động vui chơi của cộng đồng. Bên cạnh đó, trong các lễ cúng trừ bệnh dịch do bị mất mùa, hạn hán, sâu bọ phá hoại cây trồng…, cắm ta leo xung quanh bản là việc không thể thiếu của các thày cúng.
3.3. Thần bảo vệ mùa màng
Là cư dân nông nghiệp trồng trọt, mang nặng tính tự nhiên, tự túc tự cấp, nên người Thái tin vào một lực lượng siêu nhiên vô hình nào đó, có thể che chở và phù hộ cho họ luôn được mùa màng bội thu. Vì thế, trong quá trình canh tác ruộng nước và nương rẫy, người ta đồng thời tiến hành kèm theo một loạt các nghi lễ và tín ngưỡng (trong canh tác ruộng có lễ hạch đăm (mở đầu vụ cày cấy), hạch pát (lễ xin gặt), xo nặm phạ (lễ cầu mưa); còn trong canh tác nương có cả một loạt các nghi lễ gồm: mai hạy (chọn nương), hạch nắm (lễ gieo hạt), lấp càng chí lé (lấp lỗ gieo hạt), kho co kho lăm (xin mầm, xin đòng), kho tắt kho tan (xin cắt, xin gặt). Riêng lễ hạch tan được tổ chức khá bài bản, mở đầu cho vụ gặt, cúng dâng lễ vật tạ ơn thần núi, thần thổ địa… đã phù hộ cho gia chủ một vụ mùa bội thu.
Trong tất cả các nghi lễ và tín ngưỡng nông nghiệp, người Thái đều cắm ta leo với mục đích che chở, bảo vệ mùa màng, khỏi ma quỷ, sâu bọ, bệnh dịch phá hoại. Đối với ruộng, trong các lễ cúng, người ta cắm ta leo bên chân ruộng, bờ mương. Còn ở phạm vi nương, nghi lễ quan trọng nhất là lễ Hạch nắm (lễ gieo hạt) và lễ Hạch tan (lễ xin gặt), ta leo là vật thể không thể thiếu và là điểm nhấn chính của nghi lễ như biểu tượng của sự bảo vệ mùa màng, trừ tà ma. Xin mô tả thêm về lễ Hạch nắm (lễ gieo nương) để thấy được tâm điểm và vai trò của ta leo.
Để tiến hành nghi lễ này, người ta phải làm giàn, gọi là xặng kháu hách bằng cách cắm 1 đoạn cọc nứa cao chừng 2m; phía trên đầu cọc được vót nhọn, tượng trưng cho lưỡi gươm trừ tà ma. Trên cọc nứa đó có giắt 4 chiếc ta leo (2 chiếc phía trước, 2 chiếc 2 bên) và 1 chiếc ta leo đàn bà góa (me mải). Phía dưới chiếc ta leo này có giắt một đoạn gỗ hình sinh thực khí đàn ông (linga) và giắt các dây tua màu trắng cạo từ cây nứa. Cọc nứa được buộc dựa vào một gốc cây nhỏ, trên đỉnh cọc nứa được xén ngang để đặt một hòn đá, tượng trưng cho việc che mưa nắng. Người ta cắm 4 thanh nứa uốn thành hình vòng cung ở 4 góc cọc, tạo thành một khoảng đất vuông. Trong khoảng đất vuông này được đặt một cái máng đựng nước, trong đó có 4 cái ống hút bằng nứa. Bốn góc vuông được trồng 4 gốc sả tượng trưng cho mẹ lúa.               
  Tóm lại, tập quán dùng ta leo của người Thái là một tín ngưỡng dân gian phổ biến, ít nhiều thể hiện và phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan tộc người. Nó chẳng những trở thành biểu tượng của sự che chở, bảo vệ, dấu hiệu kiêng kỵ, mà còn là dấu hiệu khẳng định của chủ sở hữu, mà thảng hoặc ở đâu đó vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Vì thế, có thể nói, tập quán sử dụng ta leo cũng là một trong những nét văn hóa khá độc đáo của người Thái-cư dân nông nghiệp vùng thung lũng chân núi.
Tài liệu tham khảo
1. Lã Văn Lô-Đặng Nghiêm Vạn, Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Nxb KHXH, H, 1968.
2. Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên) - Cầm Trọng - Khà Văn Tiến - Tòng Kim Ân, Tư liệu về Lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nxb KHXH, H, 1977.
 3. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb KHXH, H, 1978.
4. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tập VI, Nxb KHXH, H, 2008. 
5. Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb KHXH, H, 1978. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam (Nguyễn Văn Huy chủ biên), Nxb GD, H. 2007.
6. Khổng Diễn (Chủ biên), Dân tộc Khơ-mú ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1999.
7. Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb TG, H, 2017.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây