Đền thờ Mai Hắc Đế - Di tích Quốc gia đặc biệt

Thứ năm - 30/03/2023 05:21 0

Khởi nghĩa Hoan Châu
Về quê gốc của Mai Thúc Loan cho đến nay vẫn còn nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi Mai Thúc Loan quê ở Hà Tĩnh. Còn Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 13 lại chép rằng: “Mai Hắc đế, tên là Thúc Loan, là người làng Hương Lãm, huyện Nam Đường (nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Có sách lại chép Đế là người huyện Thiên Lộc tức huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay”.

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 13 ghi về thân thế và sự nghiệp của Mai Thúc Loan (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)


Mai Thúc Loan sinh ra trong một gia đình nghèo, không rõ cha, ông theo họ mẹ. Từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã phải đi ở đợ, nhưng nhờ sức vóc khỏe mạnh, thông minh tài trí hơn người lại rất giỏi võ nghệ nên Mai Thúc Loan đã sớm nổi tiếng trong vùng. Năm 713, khi đất nước bị nhà Đường áp bức, đô hộ, Mai Thúc Loan đã kêu gọi và lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa chống lại nhà Đường. Nhân tài, hào kiệt khắp các châu Hoan, châu Diễn và châu Ái (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) cũng đến tụ tập dưới cờ nghĩa. Thế lực nghĩa quân dần thêm lớn mạnh. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 4, mặt khắc 21 ghi: “Theo Đường thư, khoảng năm Khai Nguyên, An Nam có Mai Thúc Loan làm phản, tự xưng là Hắc đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số lên đến 40 vạn…”.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 4, mặt khắc 21 ghi vè sự kiện Mai Thúc Loan lãnh đạo khởi nghĩa Hoan Châu (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Sau khi khiến quan đô hộ nhà Đường là Quang Sở Khách phải bỏ thành, tháo chạy về nước, Mai Thúc Loan xưng đế và lập nên nhà nước Vạn An. Sử gọi ông là Mai Hắc Đế tức ông vua Đen họ Mai. Nhân dân khắp nơi nô nức theo vua. Tuy nhiên lúc bấy giờ, nhà Đường đang mạnh, vua Đường đã cử tên tướng nanh vuốt Dương Tư Húc, đem 10 vạn quân cùng Quang Sở Khách tiến sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, nghĩa quân tan vỡ, rút quân và băng hà tại căn cứ Hùng Sơn. Quốc gia Vạn An rơi vào tay nhà Đường. 

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 15, mặt khắc 2 ghi về đền thờ vua Mai Hắc Đế ở Nghệ An (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)


Mặc dù bị đàn áp và thất bại nhưng khởi nghĩa Hoan Châu đã nổ phát súng mở màn cho các cuộc khởi nghĩa tiếp theo mà thủ lĩnh là những người hào trưởng, cự tộc người Việt lãnh đạo như Phùng Hưng, Dương Thanh, cha con Khúc Thừa Dụ - Khúc Thừa Hạo… Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đã góp phần tạo nên một cao trào phản kháng mạnh mẽ của dân tộc trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc. Hơn 13 thế kỷ trôi qua nhưng khởi nghĩa Hoan Châu và công lao vua Mai Hắc Đế vẫn là bằng chứng lịch sử hùng hồn khẳng định sức sống mãnh liệt, khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta; đồng thời thể hiện khí phách anh dũng, không cam chịu sự áp bức ngoại bang của nhân dân ta.
Đền thờ vua Mai ở Nghệ An
Để tưởng nhớ công ơn của Mai Hắc Đế, nhân dân đã lập đền thờ ông trên núi Vệ và trong thung lũng Hùng Sơn (nay thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Hiện nay ở thung lũng Hùng Sơn (Rú Đụn), vẫn còn lăng mộ cha con Mai Hắc Đế. Về đền thờ của Mai Hắc đế, theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 15, mặt khắc 2 ghi lại như sau: “Đền Mai Hắc Đế: ở địa phận xã Hương Lãm, huyện Nam Đàn. Đế họ Mai, tự là Thúc Loan, sinh ra mặt sắt mình đen, hình dáng hùng vĩ, nhiều người tin tưởng vui theo. Bấy giờ, nước ta thuộc nhà Đường, trong khoảng niên hiệu Khai Nguyên, Nguyên Sở Khách làm đô hộ An Nam, chính lệnh tham bạo, dân không chịu nổi, nhiều người phải trốn tránh vào núi rừng làm việc trộm cướp. Thúc Loan bèn dấy quân ở Hoan Châu, những người trộm cướp ở các quận đều hàng phục, bèn liên kết với nước Lâm Ấp và Chân Lạp, số quân có đến 30 vạn, chiếm cứ Giao Châu mà xưng đế, đóng ở thành Vạn An (nay ở Sa Nam). Nhà Đường sai Nội thị là Dương Tư Húc đem quân sang đánh, vua bèn rút quân đến đóng ở núi Hùng Sơn đánh nhau với nhà Đường. Được một thời gian, bị bệnh mất, táng ở phía Nam núi đất, người dân địa phương lập đền thờ”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 158, mặt khắc 10 ghi về việc vua Minh Mạng cho sửa đền thờ Mai Hắc Đế ở Nghệ An (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)


Dưới triều Nguyễn, đền thờ Mai Hắc Đế ở Nghệ An cùng với nhiều đền thờ khác như đền Kinh Dương Vương, đền thờ các vua triều Lý ở  tỉnh Bắc Ninh, đền thờ Hùng Vương ở Sơn Tây (nay là Phú Thọ), đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình, đền thờ các vua triều Trần ở Nam Định… đều được xếp vào hàng miếu thờ các bậc Đế vương của các triều đại.
Đền thờ Mai Thúc Loan rất được các bậc vua chúa quan tâm đặc biệt. Có thể kể đến là vào năm Tân Tỵ (1821), khi bộ Lễ tâu các miếu lịch đời đế vương thì xin sai quan đến tế ở nơi phát tích hoặc ở nơi tiếp cận dọc đường. Vua Minh Mạng đã chuẩn định lời tâu. Mùa thu, tháng 8 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng đã cho sửa đền thờ Mai Hắc Đế. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 158, mặt khắc 10 có ghi rằng: “Sửa đền thờ Mai Hắc Đế ở Nghệ An. Trước đây, quan tỉnh thấy rằng đền từ đổ nát, tâu xin chi của công để sửa chữa, bộ Lễ cho là không hợp lệ, bàn bác đi. Vua dụ Nội các rằng: “Nhà nước tôn thờ các thần sông núi, cốt để cầu phúc cho dân. Vả lại, đền (Mai Hắc Đế) ấy giúp nước, giúp dân, có nhiều linh ứng; gần đây cả tỉnh Nghệ An giặc cướp im lặng, người và vật bình an, mưa hoà nắng thuận, lúa tốt, dẫu là nhờ phúc trời thương, mà cũng do sức thần phù hộ rộng khắp. Vậy ra ơn cho 500 quan tiền do quan tỉnh sai dân xã sở tại đền thờ ấy sửa chữa. Khi tu bổ xong rồi, làm lễ tế một tuần, để báo đáp phúc thần”.


Tượng Hoàng đế Mai Hắc Đế được đặt tại Quảng trường Mai Hắc Đế, giáp ranh giữa xã Thịnh Lộc và thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà)

Dưới triều vua Thiệu Trị, vào năm Ất Tỵ (1845), theo lời tâu của bộ Lễ: “Nước ta suy ơn đời trước, đã sửa mồ mả, dựng mộ chí, lại cấp cho miếu phu, để giữ việc thờ cúng…”. Vị vua thứ 3 triều Nguyễn đã định rõ lệ cấp miếu phu ở miếu thờ đế vương các đời. Và đền thờ Mai Hắc Đế ở Nghệ An đã được vua chuẩn cho cấp 20 miếu phu (người phục dịch) chăm lo quét tước, hương khói cho đền.
Năm 1853, vua Tự Đức đã hạ lệnh cấp tiền cho địa phương để sửa chữa lại đền thờ Mai Hắc Đế. Đồng thời nhà vua cũng giao cho dân sở tại cấm cắt cỏ chăn trâu trong đền, định làm lệ mãi mãi. 

Lễ giỗ Hoàng đế Mai Hắc Đế

Năm 1996, đền thờ Mai Hắc Đế (nay là Khu di tích lịch sử vua Mai Hắc Đế) thuộc địa phận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Đến ngày 29/12/2022, đền thờ vua Mai thuộc khu di tích đã được trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hàng năm, cứ đến ngày 13-17 tháng Giêng, nhân dân khắp mọi miền tổ quốc lại hội tụ về đền thờ vua Mai để thắp nén hương bày tỏ lòng tri ân lên Ngài.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây