Thiên tài quân sự xuất hiện trong Khởi nghĩa Tây Sơn

Thứ bảy - 03/12/2022 04:21 0
Nhưng sang đời Định Vương- Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), thì suy tàn. Vương mới 12 tuổi, mọi quyền hành vào tay Quốc phó Trương Phúc Loan, tham lam và tàn bạo. Các nguồn lợi chủ yếu ở Đàng Trong đều rơi vào tay Loan và thân tín của hắn. Có toàn quyền, lại nhiều tiền, Loan mặc sức làm điều ngang trái, khiến người người oán hận.  Quan lại cường hào địa phương tha hồ vơ vét của dân.  Ở trấn Quy Nhơn chúng còn chiếm đoạt trắng trợn những ruộng đất do nông dân tự khai khẩn. Người nông dân trở thành tá điền và bị bóc lột  thậm tệ. Dân miền núi còn bị đóng nhiều thứ thuế vô lý, ai ai cũng căm thù.
Mùa xuân, năm Tân Mão (1771), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, tập hợp lực lượng Nhân dân phất cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sử sách gọi là Khởi nghĩa Tây Sơn, lần lượt đánh đổ hai thế lực cát cứ Nguyễn,Trịnh, mở ra triều đại mới là Nhà Tây Sơn. 
Anh em Tây Sơn vốn dòng dõi họ Hồ, hậu duệ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (TK X), có nhà thờ ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khoảng năm 1655-1657, khi quân Chúa Nguyễn chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam đã tràn sang bắt một số người dân của huyện Hưng Nguyên. Trong số người bị bắt đó có ông Hồ Phi Long (Hồ Phi Khang ?), là con ông Hồ Thế Viêm, tại làng Thái Xá, xã Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (1). Lúc đầu ông Long vào làm giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn), cụ cưới vợ họ Đinh và sinh một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn lớn lên làm nghề buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương họ Nguyễn ở đất Phú Lạc. Do đó đổi họ của con cái mình sang họ Nguyễn của mẹ. Người con trai là Nguyễn Phi Phúc  (Phước) cũng chuyên nghề buôn bán và làm ăn phát đạt. Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. 
Để tập hợp dân chúng, lãnh tụ khởi nghĩa Tây Sơn nêu khẩu hiệu “Lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương” (2).  Quân Tây Sơn chủ trương lấy của cải nhà giàu chia cho dân nghèo, nên nhanh chóng tập hợp được lực lượng dân chúng. Ngoài những người dân nghèo hăng hái đi theo nghĩa quân còn có cả một số thổ hào giàu có, thương nhân Hoa kiều và người Chăm. Thời gian đầu nghĩa quân chủ yếu tấn công vào bộ máy chính quyền ở các làng xã, trừng trị bọn quan thu thuế, bãi bỏ các thứ thuế, tịch thu của cải của bọn quan lại, địa chủ cường hào, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng với khí thế vô cùng mạnh mẽ.
Đến cuối năm 1773 nghĩa quân giải phóng được hai phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, tiến vào giải phóng Phú Yên, Bình Thuận. 
Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Chúa Trịnh đem đại quân đánh Chúa Nguyễn, đến tháng 12 thì chiếm được kinh đô Phú Xuân. Lãnh tụ nghĩa quân Tây Sơn tìm cách hòa hoãn với quân Trịnh ở phía Bắc, để rảnh tay đánh quân Nguyễn ở phía Nam.  Đại quân Tây Sơn cả thủy lẫn bộ đánh vào Gia Định. Chúa Nguyễn chạy vào Định Tường, rồi sang Long Xuyên (Cà Mau). Tháng 9 năm Đinh Dậu (1777) quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh chiếm Long Xuyên, Chúa Nguyễn Phúc Thuần tử trận, quân Nguyễn bị tan rã. Nguyễn Ánh (3), mới 16 tuổi, lên thuyền vượt biển tẩu thoát ra đảo Thổ Chu, sau đó ẩn náu trên đất Xiêm. Tập đoàn phong kiến họ Nguyễn cát cứ Đàng Trong trên 200 năm bị sụp đổ đổ hoàn toàn.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Thái Đức, mở đầu triều đại Nhà Tây Sơn, phong cho em trai là Nguyễn Huệ là Long Nhượng tướng quân. 
Năm 1784, Nguyễn Ánh cầu viện, Vua Xiêm đem 5 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền sang xâm lược nước ta. Hoàng đế lệnh cho Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ chặn giặc. Bằng tài năng cầm quân xuất chúng của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược trên đoạn sông Rạch Gầm- Xoài Mút (Định Tường). 
Bình định xong phía Nam, quân Tây Sơn tiến công ra phía Băc. Từ tháng 6/1786, trong vòng 10 ngày, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã đánh tan tành quân Chúa Trịnh ở Phú Xuân, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong. 
 Nhân thời cơ Đàng Ngoài lúc này đang rối loạn, nạn kiêu binh hoành hành, Nguyễn Huệ  chỉ huy hơn 1.000 chiến thuyền vượt biển đánh chiếm vùng Nam  Định rồi đánh thẳng vào Thăng Long.  Ngày 21/7/1786, quân Tây Sơn chiếm được Thăng Long. Như thế chỉ chưa đầy một tháng, bằng cuộc tiến công vũ bão, quân Tây Sơn đã lật đổ chính quyền họ Trịnh tồn tại gần 300 năm, giải phóng Đàng Ngoài.
 Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là sự nổi dậy mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân bị áp bức đứng lên lật đổ các thế lực phong kiến thống trị suy tàn phản dân, hại dân. Cuộc khởi nghĩa này đã xuất hiện một thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, sau trở thành Vua Quang Trung, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược vào Tết Kỷ Dậu (1789), mở ra triều đại Quang Trung ngắn ngủi mà huy hoàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam./.
                                               


Chú thích
1/ Khi Vua Gia Long lên ngôi đã ra lệnh trả thù Nhà Tây Sơn tàn khốc. Làng Thái Xá cũ đã bị triệt hạ, nay là cánh đồng lúa có tên Khuông Ràn, thuộc xã Hưng Đạo.
2-3/ Hoàng tôn Phúc Dương và Nguyễn Ánh là cháu nội Võ Vương- Nguyễn Phúc Khoát.

Tài liệu tham khảo chính:
1.Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam- Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Nxb Văn hóa Thông tin.
2.Địa chí Văn hóa huyện Hưng Nguyên- Ninh Viết Giao, chủ biên, Nxb Nghệ An, 2009


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây