Ông quan nghèo Phan Sĩ Thục

Thứ ba - 06/12/2022 04:21 0

Tấm lòng thương dân
Ngay từ thuở nhỏ, Phan Sĩ Thục đã nổi tiếng là người học giỏi, biết trọng đạo lý và thương người. Năm Bính Ngọ (1846), ông tham dự kỳ thi Hương tại trường thi Nghệ An và đậu Cử nhân. 3 năm sau, vào tháng 4, năm Kỷ Dậu (1849), ông tham dự tiếp kỳ thi Điện, đỗ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Mộc bản sách Quốc triều Đăng khoa lục, quyển 02, mặt khắc 4 ghi về nhà khoa bảng Phan Sĩ Thục rằng: 
“Phan Sĩ Thục
Sắc ban đệ Tam giáp (Đồng Tiến sĩ xuất thân)
Sinh năm: Nhâm Ngọ (1822).
Quê quán: Vũ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An.
Đỗ Cử nhân khoa thi năm Bính Ngọ (1846).
Đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 28 tuổi...”
Sau khi thi đỗ, Phan Sĩ Thục bắt đầu sự nghiệp làm quan dưới triều Nguyễn. Ban đầu, ông được bổ chức Tri phủ Kiến Thụy. Khi đang giữ chức này, Kiến Thụy là một vùng dân trí không yên, bằng tài năng, đức độ của mình, ông đã dần dần làm cho vùng đất này trở nên yên ổn. Năm Bính Thìn (1856), Phan Sĩ Thục được cất nhắc lên làm Thị độc viện Tập Hiền, rồi chuyển sang làm Quản đạo Phú Yên, lĩnh chức Tuyên phủ sứ. Đến năm Ất Sửu (1865), nhận thấy tài năng và phẩm hạnh của Phan Sĩ Thục, Tổng đốc Hoàng Tá Viêm đã dâng sớ lên vua Tự Đức tiến cử ông giữ chức Đốc học Nghệ An. 3 năm sau, vào năm Mậu Thìn (1868), Phan Sĩ Thục được triệu về kinh bổ chức Lang trung bộ Lại, thăng chức Hồng lô tự khanh, Biện lý công việc bộ Lễ. Rồi, ông lại nhận chức Thị lang bộ Lại, thăng chức Bố chính sứ Quảng Ngãi. Sau này, Phan Sĩ Thục còn trải nhiều nhận nhiều chức vụ khác nữa như: Thị lang bộ Hình, Tuần phủ Quảng Trị, Tham tri bộ Lại, Quang lộc tự thiếu khanh, Chánh sứ Yên Kinh... Và dù với chức vụ nào, Phan Sĩ Thục đều cố gắng hết mình và một mực hướng về dân chúng. Tuy nhiên, không phải lúc nào đường quan lộ của Phan Sĩ Thục cũng hanh thông, bằng phẳng. Cũng có lúc, ông bị mắc lỗi, khiển trách và bị giáng chức nhưng sau cùng, ông vẫn luôn được vua yêu mến.
Ông quan nhà nghèo
Trong quá trình làm quan, Phan Sĩ Thục được vua Tự Đức nhiều lần khen ngợi. Năm Ất Hợi (1875), vua ban chế rằng: “Phan Sĩ Thục là người nho nhã nêu cao phong thái, hiên ngang khí tiết bao trùm, tính khoan giản thẳng thắn ôn hòa luôn rạng rỡ, tài văn chương chính sự hạng ưu đáng để tin dùng”. Trải nhận nhiều chức vụ khác nhau nhưng từ lúc làm quan cho đến khi mất, Phan Sĩ Thục và gia đình vẫn sống trong cảnh thanh bần, đạm bạc. Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, quyển 37, mặt khắc 5, 6 ghi lại gia cảnh của ông như sau: “Phan Sĩ Thục từng làm quan hơn 40 năm, nhà tranh vách đất, hũ gạo luôn trống rỗng mà ông vẫn thản nhiên. Có người hỏi ông: Làm quan mà để vợ con đói rét, chẳng phải là lầm lỗi ư? Phan Sĩ Thục nhân đó kể lại lời của cha ông rằng: “Ở đời nên được nhân dân yêu, chớ làm cho nhân dân sợ, làm quan cần phải thanh liêm để không thẹn cái tiếng khoa bảng, chớ thấy nhà nghèo, cha mẹ già mà thay đổi tiết tháo. Vì vậy, một đời ta không dám sai lời”. Khi ông giảng dạy học trò, từ cách ăn mặc, đi đứng, ông đều nghiêm theo lễ phép. Ngoài kinh sách ra, thiên văn, địa lý, bói toán, không có gì là ông không nghiên cứu. Ngày thường, ông đều được mọi người yêu mến”.
Năm Ất Dậu (1886), dưới triều vua Đồng Khánh, các phong trào nông dân nổi dậy chống quan lại triều đình Nguyễn, riêng Phan Sĩ Thục vẫn được hết sức kính nể. Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, quyển 37, mặt khắc 6  cũng khắc ghi: “Năm Ất Dậu (1886), các quận ấp bị binh lửa tàn phá, có lần binh lính đi qua vùng Phan Sĩ Thục ở, họ bảo nhau đừng xâm phạm đến. Vì thế mà làng xóm ấy được toàn vẹn yên ổn”.
Tổng đốc Nghệ An lúc bầy giờ là Đào Tấn đã tâu lên triều đình: “Phan Sĩ Thục xuất thân khoa bảng lâu năm, đã được triều trước đặc biệt chọn giữ chức Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, thăng qua các chức Tham tri, Tuần phủ giữ chức siêng năng. Là người có kiến thức, độ lượng, bình sinh thanh liêm cẩn thận, an tâm sống đói nghèo trong sạch, thân sĩ trong hạt đều khen là bậc mô phạm lão thành. Ngày mất, đồ khâm liệm không đủ, không có nhà để rước linh cữu về, tình cảnh rất đáng thương xót và tưởng nhớ. Xin triều đình gia ân truy thụ để tỏ lòng tưởng nhớ kẻ Nho thần, khuyến khích sĩ tiết”. 
Vua Thành Thái ban chế ngợi khen, thương tiếc: “Phan Sĩ Thục là người kinh luân học đủ, chính sự tài ưu, biểu dương mấy bận, luôn luôn trong sạch chuyên cần, một dạ trung thành, mê mải gắng công phù trợ… Nay truyền cho truy thụ Quang Lộc tự khanh. Ô hô! Mất vẫn như còn, vàng đá thiên thu bất diệt, Khâm tai!”.
Còn nhiều lời tốt đẹp mà trong suốt 200 nay người đời dã dành tặng cho Tiến sĩ Phan Sĩ Thục cả khi ông còn sống cũng như lúc ông đã khuất. Tất cả điều đó, đều bắt nguồn từ phẩm chất cao đẹp của ông. Ngày nay, nhớ về Phan Sĩ Thục, chúng ta nhớ về một con người tài ba, đức độ; mặc dù làm quan to, được hưởng nhiều đặc ân của triều đình nhưng hằng ngày vẫn sống một cuộc đời thanh bần, tự tại./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây