Thám hiểm Nghệ An năm 1896 - 1897 (kỳ 3)

Thứ ba - 27/12/2022 04:21 0

Công sứ ân cần dặn dò chúng tôi mang theo chiếc Samaran cũ để có thể sử dụng khi đi trên sông Con và có thể để nó lại ở Cây Chanh sau chuyến đi săn.
Trước khi ra đi, chúng tôi không thể quên cảm ơn ông Devillier vì những ngày thú vị ở thành phố này và ông đã tạo mọi điều dễ dàng nhất để chúng tôi tiếp tục hành trình. Sau khi thực hiện xong thủ tục chia tay, chúng tôi ra lệnh cho chiếc Samaran lên đường. 
Chúng tôi không đông người nhưng cũng đủ để chất hành lý lên chiếc Samaran. Neufville, Pérignon và tôi mang theo 3 tên bồi để phòng làm tất cả các việc vặt. 
Đó là một trong những điều kiện đầu tiên để được phép rời khỏi nội địa. Trong trường hợp người đầu bếp bị ốm yếu thì người đánh giày sẽ làm bếp. 
Những người phục vụ như thế thường được chấp nhận ở Sài Gòn. Nhưng đối với một người du lịch hay lo lắng về sự tiện ích cho mình thì họ phải tìm một người hầu lanh lợi biết làm tất cả mọi việc, thậm chí còn biết cách ăn cắp đồ của ông chủ và thường họ làm việc đó một cách rất khéo léo.
Đi mất một ngày rưỡi thì chúng tôi đến một ngôi làng quan trọng, làng Thanh Chương(1).Tại đây, chúng tôi đợi Tri huyện cung cấp củi dự phòng cho con tàu hơi nước và tặng quà theo phong phục. Một tràng pháo nổ thông báo chúng tôi đến làng và Tri huyện chắp tay lạy chúng tôi mấy cái. Trong lúc chờ đợi tiếp nhiên liệu cho chiếc Samaran khoảng chừng 1 giờ thì chúng tôi tranh thủ lao vào việc săn chim dẽ giun và cu gáy. Thú săn thì không thiếu, nhưng những con thú săn này chưa phải là những con thú săn hoang dã mà chúng tôi mơ ước.
Tri huyện long trọng tiễn đưa chúng tôi, chúng tôi đi theo hướng Lường, đến nửa đêm thì chúng tôi đến một đồn lính quan trọng. Viên Thanh tra, Tri phủ, cùng với nhiều cu li cầm đuốc và cờ chờ đón chúng tôi ở đó. 
Phải thừa nhận rằng chúng tôi không xứng đáng với sự đón tiếp long trọng như thế này, vì tôi và Pérignon rất mệt, chúng tôi muốn đi ngủ, chỉ còn Neifville đến bắt tay viên Thanh tra và nói lời xin lỗi, đó là cách để cứu lấy danh dự. 
Tại đây, chúng tôi nhìn thấy tất cả đoàn hộ tống do Công sứ đã gửi đến cho chúng tôi. Trên những con sông này có nhiều khúc uốn quanh co và những bãi cát đôi khi dẫn đến việc mắc cạn và chậm trễ. Vậy nên di chuyển bằng đường bộ sẽ nhanh hơn bằng đường sông trên đoạn đường này. 
Chúng tôi qua đêm tại Chợ Chuông(2) để đến nơi cuối cùng, đó là Tam Chuông(3), nơi hợp lưu của sông Cả và sông Con.
Ở Tam Chuông, có nhiều lính của đoàn hộ tống (8 người lính) đợi chúng tôi, họ mang thêm 11 người và 1 sĩ quan quân đội để phục vụ cho chuyến thám hiểm của chúng tôi. Vì muốn nghỉ lại trong làng một vài ngày nên người lái chiếc Samaran đã cố ý lừa chúng tôi, anh ta bảo với chúng tôi rằng trên sông Con đoạn Dong- Cok(4) và Tam Chuông có một bãi cát không thể vượt qua được. Anh ta còn nói thêm rằng phải mất đến 2 ngày đi bằng thuyền tam bản mới đến được đó. Nhưng nhìn vào bản đồ thì điều mà người lái thuyền nói khiến tôi không thể tin được và tôi đã ra lệnh cho anh ta kéo theo hai chiếc thuyền tam bản, một chiếc chở đoàn hộ tống, còn một chiếc kia để phòng khi gặp phải tai nạn xảy ra.
Hai bên bờ sông Con hoang dã hơn hai bên bờ sông Cả. Đi giữa hai bờ sông, phóng tầm mắt nhìn ra xa, hai bên tả hữu đều là rừng cao. Chính nơi đây những chuyến tàu chở gỗ cho Công ty Lâm nghiệp khởi hành(5). 
Những đàn chim công và rái cá hoảng sợ khi nghe tiếng máy chạy dọc bờ và chúng bị truy đuổi bởi những phát súng của chúng tôi.
Chúng tôi có thể bắt được ba con chim công có bộ lông thật đẹp, một con trong số đó đo được hơn hai mét tính từ đầu đến đuôi.
Tối cùng ngày, chúng tôi đến được Đồng Cốc mà không bị mắc cạn, Đồng Cốc có vẻ như một chốn bồng lai tiên cảnh dành cho những người đi săn. 
Vừa mới đến Cay Ngà(6), một người nhà quê đến kể với chúng tôi rằng một con trâu  vừa mới bị con cọp giết chết ngay giữa ban ngày. Tôi đến gặp Lý trưởng và yêu cầu ông ta tổ chức một cuộc lùng sục thú săn. Ông ta nói với tôi rằng rõ ràng việc này thật sự vô ích vì con cọp thì ở trên núi, rất xa, dân làng đánh trống(7) để xua đuổi nó đi.
Khẳng định này của Lý trưởng khiến tôi hoài nghi, nhưng để không làm mất lòng dân chúng, chúng tôi quyết định đi lùng sục các khu vực xung quanh đó nhưng lấy cớ là đi bắn chim công.
Tôi thấy có một lùm cây rậm rạp và cô lập ở giữa cánh đồng lúa cách làng chừng 500 mét. Linh cảm mách bảo tôi rằng con hổ phải ở đó, để đợi đêm xuống sẽ tiếp tục ăn con mồi mà ban ngày nó đang ăn dở, thì những người nhà quê xuất hiện làm gián đoạn bữa ăn ngon của nó. 
Do vậy, tôi đề nghị những người bạn của mình canh chừng cẩn thận xung quanh khu rừng và tôi đi vào một con đường nhỏ băng qua rừng. Với việc làm này tôi hy vọng sẽ đuổi được con thú hoang đi ra ngoài. Tôi vừa bước vào con đường thì gà mái, chim công và chim sẻ bay lượn quanh tôi.
Vì nóng lòng muốn bắn một vài con trong số chúng nên tôi thay đạn rồi bắn 2/6 viên đạn trong khẩu súng. Hai con gà bị bắn hạ. Nhưng đó là sai lầm của một người thợ săn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong rừng rú. Tôi nghe thấy có tiếng một con vật nhảy phốc ra từ trong bụi rậm. Con hổ đã chạy thoát! Nó từ trong rừng chạy ra, sau khi kiểm tra dấu chân của nó chúng tôi bảo đảm rằng nó đã chạy thoát. Những người bạn của tôi cũng không thấy nó chạy ra dù nó chạy qua khu vực đất trống. 
Ngày đi săn hôm ấy chúng tôi chỉ săn được một vài con chim công, số lượng chim công ở đây rất nhiều nhưng khó để chúng tôi tiếp cận được với chúng. Ngày hôm sau, chúng tôi sẽ khám phá một nơi khác của khu rừng. 
Trở về sau một chuyến đi săn mà chúng tôi chưa bắn hạ được con chim công nào. Những tên lính đi cùng chỉ cho chúng tôi một thân cây bị móng vuốt con hổ cào nát, ở những vết cào sâu nhựa cây vẫn còn chảy.
Ngày hôm sau, một người nhà quê đến tìm chúng tôi: có một con trâu rừng đến gặm cỏ cùng với đàn trâu trong làng.
Nhưng quả thật không may, khi chúng tôi đến thì nó đã trở về núi.
Có nhiều thú săn nhưng “không gặp may”, đó là câu khẩu hiệu của chúng tôi và chúng tôi sợ rằng từ nay về sau, mỗi ngày chỉ săn được một đống chim công mà thôi. Đó không phải là cuộc đi săn mạo hiểm mà chúng tôi từng mơ ước.
Vào một buổi tối đẹp trời, người ta đến nói với chúng tôi rằng có một người muốn đến nói chuyện với chúng tôi.
Đó là người đại diện của Dong- Thaung(8), cách thượng nguồn sông Con độ chừng 12 km. Người này chịu trách nhiệm đến báo cho chúng tôi biết có một bầy voi tàn phá cây trồng của làng này, và chính anh ta tự đề nghị mình làm người hướng dẫn cho đoàn. Lần này là một cơ hội như mong muốn, không để chậm trễ, chúng tôi chuẩn bị lên đường vào sáng ngày mai.
Ngay từ sáng sớm, chúng tôi dùng thuyền tam bản đi ngược lên dòng sông, trời rất lạnh. Mặc dù chúng tôi đã quấn kín mít trong chiếc áo choàng mùa đông nhưng vẫn run cầm cập trước mũi thuyền vì nhiệt độ chỉ từ 10 đến 12 độ C.
Chúng tôi mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ mới đến nơi, chuyến đi ngắn này chúng tôi bắn hạ được một vài con chim công và những con chim khác. Cuối cùng chúng tôi bị mắc kẹt ở chân của một ngọn núi cao, đối với chúng tôi đó là bằng chứng về sự bất thường của chế độ nước theo mùa. Chính cơn lũ lớn này giúp vận chuyển gỗ khai thác được về nhà máy ở Vinh(9). 
Rời thuyền tam bản, chúng tôi đi vào một con đường vừa rộng vừa dài, chắc chắn nơi đó dùng để làm nhà kho chứa gỗ.
Vào thời điểm này, nhiều gỗ lim ngổn ngang trên đường, chúng được kéo và ném xuống sông để theo dòng nước lũ trôi về miền xuôi.   
Dấu chân của đàn trâu trộn lẫn với những dấu chân rất lớn hằn sâu dưới bùn, nếu như không nhầm thì đó là con đường mà đàn voi đi ra bờ sông. 
Cuối cùng, quá trình di chuyển của chúng tôi đã đến đích, chúng tôi cũng đến được Dong - Thaung sau hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi có thể hỏi Lý trưởng vùng này về vấn đề mà chúng tôi quan tâm.
Lý trưởng nói với chúng tôi rằng đàn voi thường xuyên xuống các ruộng lúa, chúng chui vào đó và phá phách tất cả mọi thứ. Ông ấy còn nói thêm rằng phải thực hiện một cuộc đi săn, ngay sau khi ông ấy có thông tin về đàn voi thì sẽ báo cho chúng tôi biết. Nhưng chúng tôi muốn rằng việc lùng sục thú săn của chúng tôi sớm kết thúc và chúng tôi không thấy thất vọng khi những người đi cùng tìm kiếm con voi, một loài thú săn còn xa lạ đối với chúng tôi. Chúng tôi rời làng vào lúc 2 giờ. Đi cùng chúng tôi gồm có: 2 người An Nam bán khỏa thân soi đường, mỗi người được trang bị một con dao phạt dài, cùng với tên Đội và một vài tên lính. Họ đi thẳng vào rừng. Quang cảnh rất hoang dã, đó là một khu rừng rậm rạp xen lẫn với những chỗ rừng trống, có nhiều cây cao che phủ. Cuối rừng, những quả đồi nhô lên, những dãy hoành sơn giới hạn tầm nhìn bởi một màu xanh bao phủ, là đường phân thủy với Lào. Chúng tôi băng qua một con lạch: những dấu chân hằn sâu đã bị nước lấp đầy cho biết nơi đây đàn voi đã đi qua. Tuy nhiên, những dấu chân này trông có vẻ mới đây thôi. Tại đây, những người dẫn đường cùng nhau thảo luận ý kiến và đổi hướng sang một chỗ rừng trống rộng để những cây cỏ có thể che kín chúng tôi. Bỗng dưng một người trong số họ dừng lại, báo hiệu cho chúng tôi biết là anh ta có điều muốn nói. Viên Trung sĩ (le Sergent de milice), người phiên dịch của chúng tôi dịch: “Ông ta nói ông ta nghe thấy có tiếng voi”. Chúng tôi cũng căng tai lên để nghe, nhưng vô ích, chỉ nghe thấy tiếng kêu khàn khàn của những chú vẹt mái và tiếng xào xạc của gió thổi vào những chùm lông cài mũ.
Những người dẫn đường ra hiệu cho chúng tôi lùi bước; thế là chúng tôi nghe  thấy tiếng động kêu rắc rắc, tiếng động này vẫn còn rất xa, nhưng rất rõ. Một người dừng lại để nạp đạn vào súng, sau đó tôi và Pérignon tiến lên phía trước với khẩu súng được trang bị đạn thép gai rất tốt. Còn Neufville theo sau chúng tôi, trên tay cầm một khẩu súng săn với những viên đạn đã được chia cho anh ấy. 
Trong khi băng qua một chỗ khác của con lạch thì chúng tôi có thể nhận thấy dã thú mới đi qua đây. Ở đây có nhiều cây to như cây táo ở Pháp nhưng đã bị những chiếc ngà voi khỏe mạnh nhổ và bẻ gãy và tiếng ồn phát ra trước mặt chúng tôi rất rõ, tiếng ồn pha lẫn những hơi thở hổn hển của chúng tôi. Tim đập thình thịch và chúng tôi cảm nhận được máu chảy nhanh hơn qua các tĩnh mạch, một niềm vui tột đỉnh tràn ngập trong lòng, vui vì đã chiến thắng bản thân, kiểm soát sự sợ hãi bằng ý chí. Ai chưa từng trải qua trạng thái này thì tâm trí sẽ không hiểu được cảm giác vừa lo sợ vừa sung sướng như thế nào. Chúng tôi sẽ tấn công những con vật mạnh hơn chúng tôi và chúng tôi tự cảm thấy mình quá nhỏ bé khi đứng giữa những con vật này. Hơn nữa, đó là kẻ thù vô hình mà chúng tôi có thể nghe thấy nó ở gần chúng tôi và phải đợi xem nó xuất hiện bất cứ lúc nào.
Nhờ ơn Chúa, như những người thủy thủ vẫn thường nói, chúng tôi đi sâu vào một con đường chật hẹp, dưới những khóm tre cao vút như những bức rèm dày không thể phân biệt được bất cứ điều gì.
Do di chuyển nhiều nên người thợ săn của chúng tôi đã vén khăn đóng lên, thắt lại búi tóc củ tỏi theo kiểu của người An Nam.
Thời khắc quyết định đã đến: Mọi thứ đang diễn ra xung quanh chúng tôi, bên trái, bên phải, phía trước và phía sau, chúng tôi nghe được những tiếng rắc rắc thật kinh khủng và chúng tôi không thấy gì. 
Dù vậy, chúng tôi giữ im lặng, ngón tay đặt sẵn ở cò súng, bước đi thận trọng, chúng tôi tiến lên phía trước, khám phá thảm thực vật xa chừng nào có thể nhìn thấy.
Về phần người hướng dẫn, anh ta bước đi trong trạng thái đôi tai căng ra, bước đi trong dáng vẻ của một con ác thú đang rình rập con mồi, anh ta lặng lẽ đặt con dao phạt ở một nơi sáng hơn trong khu rừng và nhanh chóng rút lui ra phía đằng sau chúng tôi. Còn tôi và Pérignon tiến tới trước, Jean de Neufville kèm chặt bên cạnh chúng tôi. Không nhìn lại phía sau nữa, chúng tôi chỉ bước được vài bước, sau đó tôi cảm nhận được một bàn tay siết chặt cánh tay tôi. Trong một chỗ trống của khu rừng, giữa những khóm tre đã bị tàn phá, một thân hình khổng lồ màu xám đang di chuyển, chúng tôi tiến tới cách con vật độ chừng 15 mét, chúng tôi ẩn mình một cách tốt nhất có thể, cẩn thận đứng vững trước làn gió thổi. Mục tiêu của chúng tôi đã bị phát hiện, không để mất nhiều thời gian, chúng tôi tì súng lên vai, bắn hai phát, nhanh chóng thêm phát thứ ba. Tôi có thể nhìn thấy con thú từ từ chuyển hướng song song với chúng tôi. Tôi cảm nhận nó đã chạy trốn và tin rằng nó đã không trúng đạn. Tôi nhanh chóng bắn tiếp loạt đạn thứ hai, đó là đạn mà tôi để dành trong trường hợp bị tấn công. Một làn khói dày đặc bao quanh tôi, một mình tôi tự thoát ra ngoài. Chưa thốt ra được một lời nào, bởi vì tiếng kèn thổi kinh hoàng, tiếng ầm ầm khủng khiếp của những cành cây bị gẫy, một cuộc chạy trốn hốt hoảng làm cho trời đất rung động đã cho tôi biết rằng cả đoàn chạy về phía ngọn núi. 
Mỗi người trong đoàn chúng tôi, làm bất kể việc gì có thể để tìm cách thoát khỏi những con quái thú to lớn, chúng tôi chạy từ bụi này sang bụi khác, rồi chạy, và nạp lại đạn vào súng. 
Vì một đàn thú dữ vừa chạy ngang qua nên rừng tre bị đổ ngang đổ dọc do cơn thịnh nộ của chúng. Tiếng chúng tôi gọi nhau hòa lẫn vào tiếng kèn thổi vọng từ xa đã giúp chúng tôi tìm thấy nhau, điểm danh từng người một, mỗi người trong đội chúng tôi đều ý thức được về sự nguy hiểm đang diễn ra. Nếu một người trong số chúng tôi bị con thú vật hung dữ truy đuổi, trên mảnh đất được cây cối che phủ, chắc chắn người ấy sẽ bị chết, vì con voi di chuyển trong bụi rậm sẽ nhanh hơn nhiều. Tất cả đã tập hợp lại, chúng tôi nghĩ đến việc kiểm tra đạn dược và di chuyển đến một nơi khác, nơi có thể bắn được con voi. Chúng tôi kiểm tra kỹ lưỡng bụi tre mà con voi phá nát nhưng không thấy bất kỳ một vết máu nào quanh đó. Vậy là chúng tôi lần theo dấu chân của nó, thật dễ dàng để lần theo dấu chân của nó trên thảm thực vật rậm rạp vì khi nó chạy trốn, mọi thứ ở đó đều bị đổ gãy. 
Trong lúc chờ đợi sự quay trở lại của con vật bị thương, bỗng dưng một người trong đoàn chúng tôi né qua một bên, cất tiếng kêu khiến chúng tôi nạp đạn vào súng. Nhưng cả khu rừng lại trở nên im lặng, chỉ có tiếng xào xạc của lũy tre. Chúng tôi thận trọng tiến lên phía trước và có thể nhìn thấy một hình dáng to lớn đang quỳ gối: con vật đã lộ diện từ phía sau.
Cuối cùng, phần đầu của con vật cũng hiện ra, chúng tôi nhìn thấy toàn bộ con vật, nó bất động, con mắt lờ đờ, ngã lăn ra trên chiếc ngà của nó và chúng tôi bảo đảm là nó đã chết. Jean de Neufville và Pérignon tháo vũ khí ra. Với thứ vũ khí thô sơ nhưng chúng tôi đã bắn hạ được con vật to lớn, thật là xúc động và đó là sự thành công ngoài mong đợi. Một sự việc xảy ra thật lý thú và kịch tính. 
Lý trưởng bước đến một cách nghiêm túc, rút con dao phạt ra, xin phép chúng tôi để thực hiện một nghi lễ tôn giáo, chúng tôi đồng ý ngay lập tức, chúng tôi cảm nhận nghi lễ diễn ra rất thú vị.
Vậy là vòi và tai của con voi được cắt ra thành từng miếng nhỏ, Lý trưởng đặt chúng trên lưng của con voi, lấy cành cây đậy lại rồi lẩm nhẩm trong miệng những từ mà tên Đội dịch ra cho chúng tôi là “Cảm ơn Đức phật, ngày hôm nay Người đã ban cho con một con voi, con xin kính gửi lời cảm ơn và lời cầu nguyện của mình đến với Người để Người cho con được may mắn trong lần đi săn tới, để con bắt được những con vật này”. Chắc chắn rằng trong lời khấn này chứa đựng tính linh thiêng mà các Đức Phật đã gán cho con thú khổng lồ(10). 
Có thể nói rằng chúng tôi hơi hối tiếc về việc đã giết chết một loài động vật có khả năng giúp ích cho đất nước chỉ vì niềm đam mê săn bắn, một mục đích thể thao thuần khiết.
Nếu như người An Nam biết cách bắt voi và sử dụng chúng thì chúng sẽ ít tàn phá mùa màng của họ hơn và chúng có thể trở thành những con vật mạnh mẽ phụ trợ cho người An Nam, chúng dễ dàng vận chuyển những cây gỗ lim khổng lồ mà người An Nam bán cho Công ty Lâm nghiệp.
Sự trở lại của chúng tôi đã giành được thắng lợi.
Những tên cu li khiêng tai và vòi của con voi đi trước chúng tôi. Cả làng đến gặp chúng tôi để nghe những người trong cuộc kể lại diễn biến cuộc tấn công con voi. Có những người tuy không trực tiếp tấn công con vật, nhưng dường như họ kể với giọng điệu rất cao hứng, xứng đáng là những người kể chuyện hay giữa ban trưa.
Chúng tôi trở về túp lều của mình, sau đó gọi những người dẫn đường đến rồi trao cho mỗi người 5 đồng Đông Dương, là phần thưởng như đã hứa. Sự hào phóng của chúng tôi đã làm cho họ thích thú, không ngần ngại, họ đề nghị chúng tôi tấn công một con lợn lòi đực già sống trong khu vực xung quanh đây.
Mặc dù bây giờ đã là 4 giờ chiều nhưng chúng tôi cũng quyết định lên đường. Lần này tên Đội có vẻ lo lắng, lời đồn về những chú voi trước đây chắc chắn đã làm cho anh ta khiếp sợ, anh ta không ngừng nhắc đi nhắc lại “Nó thật hung dữ, nó đã giết chết người nhà quê, nó có ngà, khi màn đêm buông xuống, dù có đèn rọi thì súng trường không bao giờ có thể giết được nó”.
Lời nói hùng hồn của tên Đội cũng không làm thay đổi ý định của chúng tôi. Chúng tôi vẫn cương quyết thực hiện chuyến đi săn này.
Cách làng 800 mét, có một khu rừng trống, hằng đêm con vật đến đó để gặm cỏ. Những người dẫn đường trèo lên cây, thăm dò xung quanh, có lẽ vì nó sợ những phát súng của chúng tôi nên nó đã bỏ chạy. 
Ngày hôm sau, chúng tôi đi bộ vào lúc bình minh ló dạng. Cảnh quan nơi chúng tôi đi săn bắn thật tuyệt đẹp, nhưng chúng tôi không tận hưởng được vẻ đẹp chốn này. Hơn nữa, cần phải lo chia nhỏ con voi đã săn được ngày hôm trước. Dân chúng nóng lòng chờ đợi chúng tôi cho phép để họ bắt đầu phân chia thịt con voi và chúng tôi phải dẫn họ đến bên xác chết của con voi. Sau đó chúng tôi giữ lại một ít vòi, chân và những chiến lợi phẩm thông thường khác của con voi. Chúng tôi đã ngoảnh mặt đi nhưng vẫn nghe thấy tiếng dao phạt chặt vào thịt của con voi khiến cho những người sành ăn của chúng tôi hài lòng. Tiếp đến, chúng tôi đề nghị người dẫn đường đưa chúng tôi đến một nơi khác trong khu rừng. Nơi mà chúng tôi khám phá thậm chí còn hoang vu hơn nơi của ngày hôm trước nữa. Rừng rậm hạn chế tầm nhìn của chúng tôi, chúng tôi đặt ngón tay lên cò súng và đi theo con đường mòn do những người đi cùng dùng dao phạt để phát quang đường đi. Phải băng qua một con lạch hẻo lánh dưới những cây cao che phủ, rồi một đồng cỏ. Khi đứng bên con lạch thứ hai, những người dẫn đường dừng lại, chúng tôi tiến lên trước. Chúng tôi nghe được tiếng nện dữ dội trên bãi cỏ. “Có phải là tải trọng của con lợn lòi già? Một trong những người thợ săn bình tĩnh nói “con bò” và đối mặt với con vật khoảng 100 mét. Anh ta chỉ cho chúng tôi cái lỗ mũi của nó phồng lên, một con trâu rừng to lớn đã đánh hơi chúng tôi.
Chúng tôi biết tất cả những điều này thông qua những câu chuyện đi săn ở châu Á và châu Phi, chúng tôi biết rằng con trâu đã bị thương hoặc bị tấn công luôn phải bị trả giá. “Pérignon nạp đạn, tôi nói, bắn đi, tôi che cho”. Tôi chưa dứt lời thì Pérignon đã nổ súng, chúng tôi thật sự sửng sốt vì con trâu không bị trúng đạn, nó bỏ chạy một cách hèn nhát, làm cho chúng tôi nghĩ về những rủi ro hơn là tin vào những câu chuyện kể về đi săn.  
Chúng tôi tiếp tục cúi đầu để thám hiểm qua vùng có cỏ cao. Trong những khu rừng trống, cây cối bị giẫm đạp, tan nát khiến chúng tôi không có bất cứ một nghi ngờ nào cả, đó là toàn bộ khu vực của những chú lợn lòi mà người ta đã báo cho chúng tôi. 
Chúng tôi có thể tự thuyết phục chính mình bằng cách nhận biết nhiều dấu chân của chúng ở một trong nhiều con suối. Những bóng bọt khí chưa vỡ chứng tỏ chúng vừa mới đi qua đây, những người thợ săn do dự có nên tiến lên phía trước nữa không. Tên Đội run rẩy dịch vội cho chúng tôi như sau “Trong khu rừng trống, sau con lạch, có rất nhiều bụi cỏ cao, liệu con mồi ác độc có đợi sẵn để mai phục chúng ta, liệu nó có giết chúng ta nếu như chúng ta tiến lên?”.
Tôi đã đề nghị một trong những người thợ săn trèo lên cây để thám sát. Quả thật là rất nguy hiểm để mạo hiểm dưới bức màn dày đặc toàn cây xanh, vì trong đó chúng tôi di chuyển rất khó khăn. Con vật bị phục kích có thể đợi chúng tôi ở đó và bảo đảm một trong số chúng tôi sẽ bị chết. Và sau khi quan sát kỹ lưỡng, người thợ săn ra hiệu chúng tôi đi theo anh ta.
Đi đến một bãi đất trống thì chúng tôi nhận thấy rằng con voi đã chạy rất xa, chắc chắn do nó khiếp sợ tiếng súng mà chúng tôi đã bắn con trâu rừng, rất tiếc chúng tôi đã thất bại và đành phải quay trở về nhà. 
Trên đường trở về, chúng tôi gặp những tên cu li của Dong - Thaung và Đồng Cốc khiêng trên vai những gì còn lại của con voi mà chúng tôi đã săn được ngày hôm trước. Một trong hai cu li kể rằng, đêm hôm trước, anh ta đã nhìn thấy độ chừng 20 con voi ở trên đường và anh ta đã phải né tránh.
Đến tối, chúng tôi tò mò muốn biết số phận của con voi ra làm sao. Chúng tôi thấy người đông như kiến vất vả kéo da xẻ thịt con vật khổng lồ, rửa sạch nó trong một vài giờ đồng hồ. Hộp sọ, xương sống, xương chậu của con voi không còn nữa. Một vài người vẫn còn làm việc, họ dùng dao để lấy tủy và tách xương của con voi. 
Trên đường trở về, một đàn chim công bay lượn trước mặt chúng tôi, chúng tôi cảm thấy vui khi tiếng súng nổ làm cho cả bầy sợ hãi, một con chim đầu đàn trượt ra khỏi hàng. 
Những con voi còn sót lại có thái độ khinh thường không thể tha thứ được, tiếng ré của chúng từ xa vọng lại nhưng chúng tôi không có thời gian để theo đuổi chúng. Chúng tôi cần nghĩ đến những việc quan trọng hơn. Con đường Luang- Prabang hiện ra trước mắt chúng tôi, khẩu súng của người thợ săn được thay thế bằng la bàn và thước đo của người đo vẽ địa hình. 
(Phạm Xuân Cần: Sưu tầm, xác minh và giới thiệu
Phạm Thanh Biên: Dịch)

Chú thích
1. Có thể là một làng thuộc huyện Thanh Chương (BT).
2. Có thể là chợ Cây Chanh (BT).
3. Tam Chuông: Bản đồ Pavie chỉ chính xác vị trí của ngôi làng, nhưng nó kéo dài ra đến tận bờ sông. 
(Theo mô tả trong sách này thì Tam Chuông là nơi hợp lưu của sông Cả và sông Lam. Đó chính là địa danh Cây Chanh ngày nay, BT).
4. Dong - Cok: Đòng Cốc, nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ (BT).
5. Tác giả muốn nói đến Công ty Lâm nghiệp của anh em nhà P. Mange, có trụ sở đóng ở Bến Thủy (BT)
6. Cay Ngà: chưa rõ là địa danh nào (BT)
7. Đánh trống: người ta đánh trống để xua con vật đi.
8. Dong - Thaung: chưa rõ.
9. Nhà máy: Người ta có thể khai thác nhiều loại gỗ ở rừng Trung kỳ và Bắc kỳ.
Gỗ Trac: nổi tiếng với độ cứng của nó
Xam hé: nổi tiếng với thời hạn sử dụng lâu trong nước.
So Bâ: nổi tiếng làm ván và trụ
Le Huym dumg: dùng để xây chùa 
Cây tre: được sử dụng rộng rãi nhất
Cây sơn mài: đó là những bụi cây có độ cao tới 4 mét, thân mảnh, hoa màu trắng lục. Chúng mọc lên trên đất đá ở Bắc kỳ. Việc gieo hạt cây được tiến hành vào tháng 10, hạt của cây này phải ngâm trước trong nước từ 3 đến 4 ngày trước khi gieo. Cây cho năng suất sau 3 năm kể từ khi gieo trồng, để thu hoạch nhựa của cây, người ta phải rạch vỏ cây theo hình chữ V, có độ rộng bằng ngón tay để lộ thân cây trần. Một ngày, nhựa của cây sơn mài được thu đến mấy lần, bởi vì ánh sáng mặt trời có làm ảnh hưởng đến chất lượng của nhựa cây. Nhựa sau khi thu hoạch sẽ được để lắng trong thùng để lấy nước cốt. Người ta lọc phần sơn dầu nổi lên trên. Lần lọc thứ nhất cho ra sơn loại 1, lần lọc thứ 2 cho ra sơn loại 2 và lần lọc thứ 3 cho ra sơn loại 3.
Một bát ăn cơm sơn mài loại 1 giá khoảng 9 phờ răng, loại 2 và loại 3 khoảng 3 phờ răng. Phần dư ra được người Trung Quốc mua. Trộn với một số thảo mộc, sơn dầu tạo ra một loại sơn bóng rất nổi tiếng. Người ta thường trộn nó với dầu của cây trẩu.
La stillingia - sebifera: là cây nến: lá của cây đun sôi, ngâm trong nước cùng với đất sét có tính sắt tạo nên một loại mực đen hay còn gọi là mực Tàu. Trái của cây nến hấp hơi cho ra dầu thực vật (15 đồng 1 tạ). Người ta tìm thấy loại cây này ở khắp Bắc kỳ, tại khu vực biên giới với Trung Quốc (Trích trong tác phẩm Trung kỳ và Bắc kỳ của tác giả Joleau- Barral).
10. Sự mê tín dị đoan: rất phổ biến ở An Nam: chúng tôi biết làm điều mê tín với con hổ như thế là ngu ngốc nhưng vẫn còn nhiều người khác hoàn toàn giống với những người nông dân của đất nước chúng tôi, đôi khi ngay với cả những người nổi tiếng với tinh thần mạnh mẽ nhất của chúng tôi, dưới đây là một số ví dụ:
“Người ta biết một phụ nữ mang thai con trai hay con gái dựa vào khi người ta gọi, người phụ nữ này quay qua bên trái là con trai, bên phải là con gái”.
“Lửa reo là điềm báo trong nhà có cãi nhau”.
“ Gà trống gáy trưa báo hiệu những người con gái trong gia đình gặp chuyện không ổn”.
“Tiếng hú của những con chó kéo dài báo hiệu điều bất hạnh”.
“Những người chèo thuyền huýt sáo là để gọi gió”.
 “Nếu người ta chữa khỏi bệnh đậu mùa thì bệnh đậu mùa sẽ trả thù”.
“Nếu người ta chữa khỏi bệnh hen suyễn thì bệnh này sẽ truyền qua cho người chữa khỏi”. 
Trích trong tác phẩm của bác sĩ Baurac.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây