Đồng chí Siêu Hải - Người cách mạng kiên trung

Thứ năm - 04/05/2023 05:21 0
 
Siêu Hải tên thật là Nguyễn Đình Hoành, con trai thứ ba của ông Nguyễn Đình Lộc và bà Vương Thị Loan, sinh năm 1912. Khi tham gia hoạt động cách mạng, anh lấy bí danh là Nhật Tân, Trinh. Anh là nhà văn, nhà báo tiên phong, một cây bút sắc sảo của Đảng. Năm 1929, tham gia tổ chức Sinh hội đỏ, viết báo Xích Sinh do đồng chí Nguyễn Tiềm làm chủ bút, lấy bút danh là Siêu Hải. Từ đó, Siêu Hải trở thành tên gọi thân quen, gần gũi của bạn bè, đồng chí, anh em, cho đến ngày đồng chí bị bắt giam tại nhà lao Vinh, bị tra tấn dã man, đánh đập rồi đầu độc mà hy sinh.
 Thân phụ Siêu Hải là cụ Nguyễn Đình Lộc, quê ở tổng Phù Long, phủ Hưng Nguyên. Thân mẫu là bà Vương Thị Loan, quê ở Bến Đền (nay là phường Vinh Tân, thành phố Vinh). Hai bên nội, ngoại của Siêu Hải đều có tinh thần yêu nước, căm thù giặc, cùng tham gia các phong trào đấu tranh từ thời kỳ Văn Thân, Cần Vương đến Đông Du. Những năm đầu thế kỷ XX, một phong trào cách mạng ở Nghệ An theo xu thế mới, đó là phong trào Đông Du do Cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Nhà mẹ con bà Lợi ở Bến Đền trở thành nơi liên lạc, hội tụ bí mật của cụ Phan Bội Châu. Vì thương chồng, yêu nước, căm thù giặc, nhà mẹ con bà Lý Thị Lợi trở thành cơ sở hoạt động của phong trào Đông Du. Ông Nguyễn Đình Lộc, một thanh niên hăng hái tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu từ những ngày đầu, đã bén duyên với cô Vương Thị Loan. Được sự đồng ý của bà Lý Thị Lợi, cụ Phan Bội Châu và anh em thanh niên trong Hội Duy Tân đã tổ chức đám cưới cho Nguyễn Đình Lộc và Vương Thị Loan nên vợ nên chồng. Sau khi cưới, để có thời gian  hoạt động trong phong trào xuất dương, ông Nguyễn Đình Lộc đã nhờ mẹ vợ ở Vinh chăm sóc vợ và các con. Ba anh em Siêu Hải được bà và mẹ cho ăn học tử tế. Họ được tiếp thu tinh thần yêu nước thương dân, căm thù giặc từ truyền thống gia đình. Khi trưởng thành, cả ba anh em: Trần Đình Liên, Nguyễn Thị Nhuận và Siêu Hải đều tham gia cách mạng và trở thành những người Cộng sản kiên trung.    
Sau khi chồng bị giặc Pháp bắn chết, mẹ con bà Lý Thị Lợi, Vương Thị Loan gặp rất nhiều khó khăn. Của cải bị bọn giặc tịch biên, mẹ con bà cháu luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Bọn mật thám Pháp và quan lại trong khu phố luôn theo dõi, rình mò để bắt những người lạ mặt qua lại. Biết địa điểm liên lạc ở nhà mẹ vợ không còn yên ổn, ông Nguyễn Đình Lộc đã bàn với anh em trong tổ chức Hội Duy Tân, tìm nơi ở mới cho phù hợp. Trước là để mẹ con bà Lý Thị Lợi buôn bán kiếm tiền sinh sống, sau là để làm nơi cho những người tham gia phong trào xuất dương có nơi đi về. Các ông Đặng Thái Thân, Hồ Bá Kiện, Thần sơn Ngô Quảng, bà Trần Thị Trâm, Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) đã hết lòng quyên góp kinh phí để di chuyển chỗ ở mới cho mẹ con bà Lợi. Từ Bến Đền chuyển về làng Yên Nghị, Cổng Chốt (nay là phường Đội Cung), nằm ngoại thành Vinh đông người, tạo điều kiện cho mẹ con buôn bán kiếm sống để nuôi các cháu ăn học, vừa có đường rút lui cho tổ chức hoạt động, bảo đảm bí mật. Bà Trần Thị Trâm, Nguyễn Thị Thanh và tổ chức hội kín luôn giúp đỡ kinh phí để bà Lợi có tiền nuôi anh em Siêu Hải được học hành tại Trường Cao Xuân Dục. Nguyễn Thị Nhuận học cùng Nguyễn Thị Vĩnh (Minh Khai ), Trần Thị Liên tại trường Nguyễn Trường Tộ. Thuở nhỏ, Siêu Hải thông minh sáng dạ, táo bạo nên được các thầy Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Hà Huy Tập và bạn bè có tư tưởng tiến bộ rất quý mến. Bà Hàn Bình và chị em Minh Khai, Quang Thái luôn mua sách vở, bút mực giúp đỡ anh em Siêu Hải học tập. 
Năm 1925, dưới sự lãnh đạo của Hội Phục Việt, nhân dân thành phố Vinh đã xuống đường đấu tranh, mít tinh, biểu tình rầm rộ, đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Siêu Hải bị cuốn hút vào công việc, cùng các thầy Trần Phú, Trần Văn Tăng, in hàng ngàn tờ truyền đơn bằng thạch tím tại nhà mình, rồi cùng bạn bè đi rải khắp các đường phố, đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu(1). Được các thầy giáo hướng dẫn, Siêu Hải cùng các anh Phan Đăng Lưu, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thức Mẫn đã đi đến những nơi đông người để xin chữ ký rồi đưa lại cho các thầy gửi lên Toàn quyền Đông Dương, đó là những hoạt động yêu nước đầu tiên của anh. Năm 1926, tại thành phố Vinh lại diễn ra hai phong trào đấu tranh mạnh mẽ với quy mô lên đến hàng vạn người tham gia. Đó là cuộc mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh và phong trào đấu tranh của giáo viên, học sinh các trường cùng các bậc phụ huynh chống lại lệnh của thực dân Pháp đuổi thầy giáo Hà Huy Tập. Được các thầy giáo và chị Minh Khai dìu dắt, Siêu Hải đã trưởng thành nhanh chóng qua các phong trào đấu tranh cách mạng sục sôi của nhân dân ở thành phố Vinh - Bến Thủy. 
Sau khi kết thúc khoá học lớp Nhất tại Trường Cao Xuân Dục, Siêu Hải thi đỗ vào trường Quốc học Vinh. Tại đây anh được tiếp xúc và làm quen với nhiều bạn bè ở các huyện trong tỉnh về học. Trong số các anh chị học sinh được Siêu Hải gần gũi và hay giải bày bầu tâm sự là Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Đức Dương(2). Năm 1927, tại thành phố Vinh có hai tổ chức cách mạng là Hội Thanh niên và Đảng Tân Việt hoạt động mạnh. Các đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, Trần Văn Cung, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Thái Ất v.v thường qua lại nhà Siêu Hải và nhà ông Trần Khắc Am hội họp. Sau khi các đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, Trần Văn Cung và Trần Phú tham dự lớp học chính trị đặc biệt do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo ở Quảng Châu Trung Quốc trở về. Họ đã mở lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên tiêu biểu ở Nghệ An. Đồng chí Nguyễn Văn Côn, một trong những học viên tham dự lớp tập huấn đã ghi lại trong tập hồi ký cách mạng như sau: “Năm 1927, ông Tôn Quang Phiệt kết nạp tôi vào Đảng Tân Việt và cho tôi đi học một lớp huấn luyện ở Vinh (Cổng Chốt) về chương trình hoạt động của Tân Việt. Đồng chí Trần Văn Cung và đồng chí  Sơn là huấn luyện viên của lớp học ”(3).  Siêu Hải được phân công canh gác và làm liên lạc, các chị Minh Khai, Nguyễn Thị Nhuận, Trần Thị Liên thì giúp việc nội trợ cho lớp học.    
Cuối năm 1929, Xứ ủy Trung kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung và Võ Mai. Trụ sở đóng ở làng Vang, nhà Siêu Hải ở gần, là địa điểm liên lạc và in ấn báo chí, truyền đơn của Xứ ủy Trung kỳ. Được các anh hướng dẫn và tin cậy, Siêu Hải tích cực tham gia công việc in ấn truyền đơn, viết báo chí để tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đấu tranh phản đối chiến tranh đế quốc (1-8-1929). Để tránh sự chú ý theo dõi của bọn mật thám, trong các bài viết đăng trên Báo Xích Sinh, Siêu Hải lấy bút danh là Trinh. Hội Xích sinh do đồng chí Nguyễn Tiềm phụ trách hoạt động rất mạnh. Các trường học và địa bàn trên khu phố Vinh - Bến Thủy do đồng chí Siêu Hải phụ trách. Phong trào  đấu tranh của học sinh càng lên cao, bọn mật thám càng ráo riết theo dõi, lùng sục. Siêu Hải, Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên và nhiều nam, nữ học sinh của các trường ở Vinh đã bị đuổi học. Địa điểm in ấn Báo Xích Sinh ở nhà Siêu Hải phải chuyển đến nhà bà Võ Thị Túc ở cạnh Bến Đền, gần sông Cửa Tiền, bí mật và thuận lợi hơn. 
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, Xứ ủy Trung kỳ đã phát động phong trào đấu tranh liên minh công nông rầm rộ. Siêu Hải, Chu Văn Biên, Nguyễn Thị Phúc phụ trách viết bài và in ấn các tờ báo (Báo Lao khổ của Xứ ủy Trung kỳ, Báo Tiến lên của Tỉnh ủy Nghệ An) và hàng vạn tờ truyền đơn rải ở nơi đông người kêu gọi nhân dân xuống đường tranh đấu.
Sau khi tham gia cuộc đấu tranh ngày 12-9-1930 ở phủ Hưng Nguyên, Siêu Hải bị bắt giam tại Nhà lao Vinh. Vì không chịu khai báo nên anh bị đánh đập, tra tấn rất dã man, chân bị gãy không đứng lên được. Cuối năm 1930, thực dân Pháp mở cuộc khủng bố trắng, hàng trăm chiến sỹ cách mạng bị bắt, nhà lao Vinh chật ních tù chính trị. Siêu Hải bị chuyển vào giam tại nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Sau hơn một năm giam cầm, tra tấn, không lấy được lời khai, chưa đủ bằng chứng để buộc tội. Đầu năm 1932, thực dân Pháp đành phải trả tự do cho anh và lệnh cho bọn mật thám lý trưởng khu phố Đệ Nhất ráo riết theo dõi. Ra tù, Siêu Hải trở về thành phố Vinh, trong thời điểm các cơ sở cách mạng ở Nghệ Tĩnh đã bị tan vỡ qua đợt khủng bố trắng. Các đồng chí lãnh đạo chủ trì người bị bắt, người bị hành hình, các Chi bộ Đảng đều bị tê liệt. Mặc dù trên người còn mang đầy thương tích, bất chấp bọn mật thám rình mò, theo dõi, Siêu Hải vẫn tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và các đồng chí chưa bị bắt như Nguyễn Xuân Linh, Lê Xuân Đào để thành lập ra Khu ủy Vinh - Bến Thủy. Siêu Hải được cử làm Bí thư Khu ủy. Sau khi Khu ủy Vinh - Bến Thủy được thành lập, Siêu Hải cùng Nguyễn Xuân Linh tìm cách chắp nối đường dây liên lạc để xây dựng lại Xứ ủy Trung kỳ. Công việc cách mạng đang tiến triển tốt đẹp thì Siêu Hải lại bị bắt, lần thứ hai bị giam tại nhà lao Vinh. Bà ngoại Lý Thị Lợi tuy đã già nua, bà vẫn lần theo đường bí mật của Chi bộ nhà lao Vinh tổ chức(4) tìm cách chuyển trót lọt các loại quà bánh, thuốc men, quần áo vào nhà lao cho Siêu Hải. Khí phách hiên ngang của Siêu Hải làm bọn mật thám khét tiếng trong nghề tra tấn cũng phải bất lực, lắc đầu, thè lưỡi. Lần này bị bắt đã có bằng chứng nên Toà án phong kiến Nam triều Nghệ An kết án Siêu Hải 13 năm tù giam, bắt đi lao động khổ sai tại đồn Triều Dương. Năm 1936, Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền, phong trào đấu tranh đòi thả tù chính trị lên cao, Siêu Hải được trả lại tự do. Ra tù, thân hình tiều tụy, mang đầy thương tích và bệnh nội tạng, nhưng Siêu Hải vẫn lao vào công việc tổ chức, vận động để khôi phục lại phong trào trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Năm 1937, thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương lên cao, các loại sách báo của Đảng, Mặt trận Dân chủ, Đoàn thanh niên Dân chủ được xuất bản nhiều và phát hành công khai. Các tác phẩm “Vấn đề dân cày” của các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu, cùng các loại báo: “Dân chúng, Đời nay, Tin tức” được nhân dân và thanh niên hân hoan đón đọc. Tranh thủ thời cơ tự do ngắn ngủi, Siêu Hải đã dồn hết sức để nghiên cứu các loại sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê Nin và các sách báo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Siêu Hải liên kết với những thanh niên đang hoạt động ở thành phố Vinh như Hồ Mỹ Xuyên (con trai đồng chí Hồ Tùng Mậu), Bùi Khắc Thựu và những người tù chính trị vừa mới được thả về. Đồng chí đã dùng ngòi bút, tiếp tục chiến đấu với kẻ thù trên mặt trận chính trị, tư tưởng văn hóa. Siêu Hải tranh thủ biên soạn lại tác phẩm tiểu thuyết “Giọt máu hồng”, của Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh sáng tác trong nhà lao Vinh và anh còn cho ra đời các tác phẩm:“Đứa trẻ mồ côi”; “Tôi vì ai”. Tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của Siêu Hải trong thời gian này là cuốn:“Họa chiến tranh và vấn đề phòng thủ Đông Dương”, xuất bản vào tháng 7 - 1938, với bút danh “Nhật Tân”. Cuốn sách vừa xuất bản, đã có tác dụng lan toả nhanh chóng trong mọi tầng lớp nhân dân. Chánh mật thám Ombe và Công sứ Mác-ti đã tức giận mà lồng lộn lên khi biết tác giả cuốn sách chính là Siêu Hải. Từ năm 1936 - 1939, trong cuộc diễn tập lần thứ hai, đồng chí Siêu Hải - Bí thư khu ủy Vinh - Bến Thủy đã đóng một vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, củng cố, xây dựng lại các cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng. Siêu Hải đã tổ chức nhiều buổi diễn thuyết để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước cho nhân dân thành phố Vinh-Bến Thủy, anh luôn được bà con nhân dân thành phố Vinh tin tưởng, đùm bọc, yêu thương, che chở và bảo vệ. 
Hoạt động của Siêu Hải luôn bị bọn mật thám rình mò theo dõi, tuy không bắt được quả tang, nhưng tên cáo già Chánh mật thám Ombe đã buộc Siêu Hải vi phạm ba trọng tội:“Làm rối loạn trật tự trị an. Viết sách báo chống lại “chế độ bảo hộ của nước đại Pháp”. Tuyên truyền, lôi kéo quần chúng đi theo Cộng sản”. Với ba tội danh đó, thực dân Pháp đã ra lệnh cho bọn lính đến bao vây và bắt Siêu Hải tại nhà riêng ở làng Yên Nghị, Cổng Chốt. Nghe tin Siêu Hải bị bắt và giam tại nhà lao Vinh, Khu ủy Vinh đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh, đưa đơn kiến nghị lên Toàn Đông Dương đòi thực dân Pháp phải trả lại tự do. Trước làn sóng đấu tranh của nhân dân thành phố Vinh và các huyện lân cận, thực dân Pháp hèn hạ đã bí mật cho bọn cai ngục nhà lao Vinh đánh vào những nơi hiểm yếu để Siêu Hải không còn phương cứu chữa. Siêu Hải bị đầu độc kiệt sức, khi biết chắc cái chết đến với anh chỉ còn tính từng ngày, bọn cai ngục nhà lao Vinh mới tin người nhà đến khiêng anh về. 
Tháng 7 năm 1939, bệnh của Siêu Hải ngày càng trầm trọng, đồng chí Trần Văn Cung và Khu ủy Vinh-Bến Thủy đã đưa anh vào nhà thương Vinh, bí mật nhờ bác sỹ có cảm tình với cách mạng chữa chạy, mong anh được cứu sống. Tổ chức Đảng thay nhau túc trực bên giường bệnh của Siêu Hải suốt ngày đêm. Biết mình bị đầu độc không thể sống để được cùng anh em, đồng chí tiếp tục chiến đấu, Siêu Hải đã dồn  hơi sức còn lại, trao đổi với anh em những kinh nghiệm trong công tác cách mạng.  
Ngày 23-8-1939, một ngày đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Hàng vạn người trong các khu phố Vinh - Bến Thủy và nhân dân các huyện ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh đã đổ về khu vực Cổng Chốt để dự đám tang đồng chí Siêu Hải. Cả rừng người, rừng hoa khắp mọi miền đã đến với Siêu Hải và chia buồn cùng gia đình. Tỉnh ủy Nghệ An và Khu ủy Vinh - Bến Thủy đã đứng ra tổ chức lễ tang. Đồng chí Trần Văn Cung(5), người trực tiếp dìu dắt Siêu Hải, được cử làm Trưởng ban lễ tang. Đoàn người mang theo băng cờ, biểu ngữ, hoa tươi, rước ảnh đồng chí Siêu Hải, rồng rắn trên đường phố, lưu luyến tiễn đưa người chiến sỹ cộng sản trung kiên, đa tài, một nhà báo tiên phong xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Đám tang đồng chí Siêu Hải đã biến thành một cuộc biểu tình khổng lồ, thị uy lực lượng, diễu hành qua các đường phố, trước con mắt cay cú của kẻ thù. Anh em tù chính trị Nhà lao Vinh không được đi dự lễ tang trọng thể để tiễn đưa đồng chí Siêu Hải, họ ngậm ngùi tổ chức lễ truy điệu trong các phòng giam. Tù chính trị đã sáng tác nhiều bài thơ và đọc ngay trong buổi lễ truy điệu đồng chí Siêu Hải. Đối với các chiến sỹ cộng sản và nhân dân thì Siêu Hải không thể chết!: “… Thân anh đã biến thành luồng gió bão,/ Thổi tiêu tan chế độ hiện thời,/ Tinh thần anh đã bay bổng khắp nơi,/ Làm sinh khí cho muôn loài hô hấp!/ Khắp đâu đó tưng bừng nô nức,/ Cảm nhận sâu một ý tưởng cao siêu,/ Sóng tinh thần vùn vụt lên cao/ Anh không chết, anh còn sống mãi!… ”(6).        
Đồng chí Siêu Hải đã tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày trên ghế nhà trường, trọn đời chiến đấu hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Để tưởng nhớ, tri ân và học tập tinh thần yêu nước và cách mạng của đồng chí Siêu Hải, năm 1946, sau khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Viết Lượng đã quyết định giao cho Đoàn thanh niên Cộng sản thành phố Vinh, tổ chức cải táng, di dời hài cốt đồng chí Siêu Hải từ nghĩa địa Tập Phúc về nghĩa trang liệt sỹ thành phố Vinh. Trên quê hương thành phố Đỏ, có một con đường mang tên Siêu Hải. Đồng chí Siêu Hải sống nêu gương, chết nêu danh. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã đi vào trang sử vàng đấu tranh của quê hương đất nước. Đồng chí là một trong số những người Đảng viên Cộng sản ưu tú nhất của Đảng bộ tỉnh Nghệ An từ những ngày đầu dựng Đảng.
Chú thích  
1). Truyền đơn Hội Phục Việt rải ở Vinh hiện đang trưng bày tại Bảo tàng XVNT.   
2). Đó là những đảng viên tiêu biểu của Nghệ An từ ngày đầu dựng Đảng. 
3). Ông Trần Khắc Am là cha của Trần Thị Liên, bố vợ Trần Văn Cung. Gia đình Siêu Hải là nơi phục vụ ăn nghỉ cho lớp huấn luyện chính trị khóa đầu tiên ở Vinh do Trần Văn Cung giảng dạy. Hồi ký cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Côn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng XVNT.
4). Chi bộ nhà lao Vinh Nam do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư. Nhà lao Nữ do đồng chí Nguyễn Thị Phúc - Xứ ủy Trung kỳ làm Bí thư.
5). Trần Văn Cung, quê xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, em trai thầy Trần Văn Tăng, anh Trần Văn Quang, nhà có 5 anh em hoạt động cách mạng, đều bị bắt giam tại các nhà tù đế quốc.        
6). Bài thơ do đồng chí Trịnh Văn Quang sáng tác và đọc tại buổi lễ truy điệu đồng chí  Siêu Hải.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây