Đền Vạn (Đền Cửa Rào) – công trình kiến trúc đẹp của vùng đất Tương Dương

Thứ hai - 11/09/2023 05:21 0

Đền Vạn là một công trình kiến trúc đẹp, bố cục theo kiểu chữ Đinh bao gồm nhà bái đường, hậu cung, kết hợp với một số kiến trúc khác như cổng đền, sân đền, tắc môn… tạo thành một di tích hoàn chỉnh. Nhưng do chiến tranh, thiên tai…, kiến trúc đền không còn được nguyên vẹn như trước nữa. Hiện nay, được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân, đền đã được phục hồi lại theo kiến trúc vốn có ban đầu. Ngày nay, đền đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh quen thuộc của nhân dân địa phương.
Nhà bái đường xây theo kiểu nhà ba gian hai hồi, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói âm dương bờ nóc đắp hình lưỡng long triều nguyệt, 2 đầu kìm được trang trí thêm hai con chim phượng hoàng trong tư thế đang bay, miệng ngậm giải lụa. Theo kiểu kết cấu vì kèo: Giá chiêng kẻ chuyền, khung nhà được làm bằng gỗ tứ thiết. Khoảng cách từ nền nhà cho đến thượng lương là: 5,5m. Nâng đỡ mái và các bộ phận khác của bái đường là hệ thống cột được đặt trên hòn tảng xi măng vuông rộng 40 x 40cm, cao 10cm. Cột cái nhà có chiều cao 3,7m, rộng 25cm. Các cột quân có chiều cao 3,1m rộng 25cm. Các bộ vì được liên kết với nhau bằng hệ thống xà thượng, trung, hạ, với hệ thống kẻ, cột quan cột cái… tạo nên một bộ khung nhà vững chãi, phía trên tiếp giáp với câu đầu là hai trụ trốn ăn mộng vào kẻ đảm nhận chức năng nâng đỡ phần mái và tăng không gian cho nhà. Phía trên tiếp giáp với thượng lương là hệ thống rường cánh cung ăn mộng vào câu đầu và xuyên qua trụ trốn tạo thành hai điểm tiếp giáp đảm nhiệm chức năng đỡ hoành mái. Tiếp theo là hệ thống kẻ chuyền ăn mộng vào cột cái chạy dọc xuống xuyên qua cột quân và kéo ra phía ngoài tạo thành bẩy đỡ mái hiên tạo thành một sự liên kết vững chắc cho hệ thống khung nhà. Đặt trên kẻ chuyền là hệ thống hoành tải (120cm x 90cm) chắc khoẻ tạo nên theo hệ thống mái. Ngoài hệ thống rui mè cố định giữ mái thì mái nhà còn được tô điểm thêm hệ thống ván gỗ trang trí để tăng độ thẩm mỹ cho ngôi nhà như: Hai đầu bờ nóc, bờ giải được đắp nổi hình rồng, phượng. Các xà, bẩy, kẻ… được chạm trổ điểm xuyến các hoa văn sóng nước với nét chạm cẩn thận tỉ mỉ cũng như đầy phóng khoáng tạo cho các đường chuyển tiếp của kết cấu nhà được thanh mảnh và khoẻ khoắn hơn. Phía đốc hai đầu nhà bái đường được thiết kế theo kiểu vì ván mê, trên đỉnh của bộ vì tiếp giáp thượng lương được trang trí đấu hình thuyền cách điệu.

Đền vạn - Nguồn Cổng thông tin điện tử Tương Dương

Phía trước nhà bái đường đặt hệ thống cửa thượng song hạ bản gồm 14 cánh, được sơn màu vàng thẫm, mỗi cánh có chiều cao tương ứng là: 1,8m rộng 0,5m. Phía sau nhà bái đường để trống để tạo sự liên kết liên hoàn với nhà hậu cung. Nhà bái đường là nơi tập trung chuẩn bị hành lễ cũng là nơi dâng hương thờ phụng.
Phía sau nhà Bái đường là nhà hậu cung. Nhà hậu cung là nơi thờ chính của đền, có diện tích xây dựng là: 52,89m2 dài 7,45m, rộng 7,1m; ba gian, bốn vì, hai hồi. Nâng đỡ phần mái và các bộ phận khác của hậu cung là hệ thống cột gồm 16 cột, các cột cái cao 4,06m, rộng 25cm, tám cột quân mỗi cột 3,06m, rộng 22cm. Các cột đều được đặt trên tảng kê bằng xi măng (40 x 40cm). Phần mái nhà hậu cung lợp ngói âm dương, nền nhà được lát gạch đất nung đỏ 0,3m x 0,3m, mặt trước nhà hậu cung là hệ thống cửa thượng song hạ bản, bờ nóc đắp thẳng, ba phía xây tường bao, cửa sổ để lấy ánh sáng. Hai bờ giải tạo gờ chạy song song từ nóc xuống tàu mái với đường nét sắc sảo. Tuy kết cấu nhà hậu cung được xây dựng đơn giản nhưng nó đã đảm nhận được vai trò là bộ khung chịu lực cho toàn bộ ngôi nhà. Mọi chi tiết trang trí nhà hậu cung được các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật bào nhẵn, đóng bén tạo cho di tích có một phong cách riêng vừa mềm mại nhưng chắc chắn.

Lễ Đền vạn - Nguồn Cổng thông tin điện tử Tương Dương

Nhà hậu cung có kiến trúc theo kiểu nhà tứ trụ với kết cấu vì kèo theo kiểu vì ván mê. Toàn bộ nhà được làm bằng gỗ lim và một số loại gỗ khác như dổi, săng lẻ… Nối kết các xà, kẻ, cột là hệ thống sàm mộng chắc khít. Cũng như nhà bái đường, nhà hậu cung có kiến trúc đơn giản nhưng đảm bảo được công năng thờ phụng cũng như phục vụ đời sống văn hoá tâm linh cho nhân dân. 
Đền Vạn là là một công trình kiến trúc được nhân dân xây dựng lên để thờ các vị thần có công với dân với nước như Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (1280) và các tướng sỹ thời Trần đầu thế kỷ XIV phụng mệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc Ai Lao quấy nhiễu bờ cõi Tây Nam, đã tử trận tại đây. Bên cạnh đó Vạn cũng là vùng đất ghi dấu chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình dựng nước và bảo vệ bờ cõi của dân tộc. Trong các triều đại phong kiến khu vực đền Vạn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt, nơi đây được xem là địa bàn xung yếu với vị trí đắc địa là ngã ba sông, nên ở đây giai đoạn nào cũng là địa điểm chiến lược và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi giai đoạn lịch sử: Thời lý với chiến công của Lý Nhật Quang mở ra con đường lên sát biên giới Việt Lào (tiền thân của con đường quốc lộ 7 ngày nay) để đánh tan quân Ai Lao giữ yên vùng biên giới. Bước sang thời Trần, để bảo vệ bờ cõi nước Nam, Đoàn Nhữ Hài một tướng giỏi của nhà Trần thân chinh đi đánh giặc Ai Lao (giặc Xá) đã hy sinh tại đây. Đến thời Lê, Tương Dương nói chung và Cửa Rào nói riêng là nơi giao chiến cũng như là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn lập căn cứ vùng thượng đạo, trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh. Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước khu vực Cửa Rào và Đền trở thành nơi trú ẩn của nhân dân và bộ đội địa phương, bên cạnh đó Đền cũng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.
Đền Cửa Rào không chỉ là nơi gặp gỡ tăng thêm sự cố kết cộng đồng, cũng như để tỏ lòng biết ơn tới các vị thần có công với đất nước thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương và cũng là nơi diễn ra các hoạt động nghi lễ thờ cúng, lễ hội… Hàng năm cứ đến ngày 7 tháng 1 (âm lịch), tại đền lại tổ chức lễ hội. Với đầy đủ các hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc văn hoá của người dân địa phương như: trong phần lễ tế dân bản đã tổ chức một cách bài bản các hoạt động tế lễ từ lễ yết cáo cho đến đại tế đựơc sắp xếp một cách khoa học và nghiêm túc. Trong phần hội thể hiện và bảo lưu đựơc nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của các dân tộc vùng cao như thi hát múa, thi uống rượu cần, ban ngày tổ chức lễ tế thần. Sau lễ tế thần bà con già trẻ gái trai nô nức tham gia vào các trò chơi như kéo co, đấu vật, đua thuyền, chọi gà, bắn cung,… Ngoài ngày lễ chính trong năm vào ngày 7 tháng 1 (âm lịch), vào các ngày giỗ mẫu ngày 3 tháng 3 (âm lịch), ngày lễ phật đản 8 tháng 4 (âm lịch), ngày rằm tháng 7…, cũng được bà con thôn bản tổ chức tế rất quy mô và thu hút không chỉ con em địa phương mà còn thu hút nhiều khách thập phương về đây tiễn lễ.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây