Đền Bản Thổ

Thứ sáu - 29/12/2023 04:21 0
Đền Bản Thổ xưa ngoảnh mặt về phía Tây rú Rã, xung quanh bao bọc bởi nhiều di tích, địa danh nổi tiếng như đền Bình An và chùa Bảo Minh, nhà thờ và mộ tổ họ Văn, đập Vực Mấu… tạo nên khung cảnh vừa thâm nghiêm vừa sơn thủy hữu tình; cột đền làm bằng gỗ lim, lợp ngói. Đền gồm 2 tòa uy nghi, cổ kính. Nhưng do biến thiên của thời gian, hiện nay đền quay về hướng Đông, khuôn viên 1253.1 m2 bao gồm các công trình cổng, sân, bái đường và hậu cung.
Cũng như bao ngôi đền trong cộng đồng làng xã xứ Nghệ thời xưa, đền Bản Thổ là một thiết chế văn hóa, tín ngưỡng của cư dân làng Quỳnh Trang nói riêng cũng như nhân dân các vùng lân cận Quỳnh Lưu, Hoàng Mai nói chung, nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đồng thời cầu mong sự che chở của thần linh. Với chức năng tín ngưỡng, đền là nơi thờ thành hoàng làng và các vị thần linh bảo hộ cho nhân dân, đồng thời là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân Quỳnh Trang và vùng phụ cận.
Lễ đón nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh đền Bản Thổ
Hàng năm tại đền diễn ra nhiều kỳ lễ trọng và các ngày sóc vọng, nhưng tiêu biểu hơn cả là lễ Khai hạ diễn ra vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch và lễ hội rước kiệu (trước năm 1945).
Căn cứ vào Lý lịch Di tích đền Bản Thổ của Ban Quản lý di tích năm 2017 thì nhân vật chính được thờ tại đây là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và phối thờ các vị thần như: Tứ vị thánh nương, Cao Sơn Cao Các, Hoan quận công Hồ Hữu Nhân cùng các vị thành hoàng trong làng.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là một danh thần tiêu biểu thời Lý, được lịch sử và nhân dân ghi lại trong sử sách và truyền thuyết. Theo một số nguồn tư liệu như Đại Việt sử ký toàn thư; Việt Điện u linh; sự tích đền Qủa Sơn: Lý Nhật Quang sinh năm Mậu Tý (988) thường được gọi là Bát Lang hoàng tử (con trai thứ 8 của Lý Thái Tổ), mẹ là Hoàng hậu Trịnh Linh họ Lê. 
Lúc còn nhỏ, sẵn tính thông minh, được rèn luyện về mọi mặt Lý Nhật Quang sớm bộc lộ nhiều tài năng. Đến tuổi trưởng thành Lý Nhật Quang đã tinh thông kinh sách, và có lối sống chan hòa nên được mọi người yêu mến.
Thời điểm đó, Hoan Châu, vùng biên viễn phía Nam của quốc gia Đại Việt. Trong buổi đầu giành lại đất nước sau ngàn năm Bắc thuộc, đây là vùng đất “phên dậu”, đất rộng, người thưa, khí hậu khắc nghiệt, thỉnh thoảng bị các nước Lão Qua, Lâm Ấp (Chiêm Thành, Chân Lạp) quấy phá. Thiên tai, giặc giã làm cho trật tự xã hội không ổn định nên việc sản xuất đình trệ, nạn đói đe dọa, đời sống nhân dân cực khổ… triều đình đã bao phen cử người vào trấn giữ.
Để tính kế lâu dài cho vùng đất này, năm 1039 triều đình đã cử Lý Nhật Quang, một người vừa có chí vừa có đức có tài vào Nghệ An trông coi việc tô thuế. Sách Việt Điện u linh chép “Ngài được chọn làm việc tô thuế ở Nghệ An”(1). Thời gian làm tô thuế ở Nghệ An, Lý Nhật Quang đã làm việc một cách công tâm, thanh liêm chính trực, không tơ hào lợi phẩm, chính vì thế mà ông được nhà vua yêu mến và tin dùng, ban ông hiệu là “Uy Minh thái tử”, rồi “giao cho việc quản dân ở châu ấy”. Hai năm sau (tức năm 1041), ông được vua chiếu bổ làm Tri châu Nghệ An(2).
Với vùng đất Quỳnh Trang hiện nay, Lý Nhật Quang có công rất lớn. Ngoài việc lập lại trật tự xã hội, giữ nghiêm phép nước, ông cũng rất coi trọng việc chăm lo xây dựng và phát triển kinh tế củng cố an ninh quốc phòng. Năm 1044, Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Nhà vua giao cho ông việc tích trữ và vận tải quân lương trên đất Nghệ An, biên trấn phía Nam của nước ta thời bấy giờ. Được lệnh, Lý Nhật Quang đã cho nhân dân trong vùng nạo vét lại kênh Bà Hòa, kênh Đa Cái để giao thông thuận tiện(3), và tùy từng nơi ở bên đường quân đi, ông cho dựng những đồn bằng đất rồi thu tô, thu thuế nên khi vua hành quân, việc tiếp tế lương thực được đầy đủ, kịp thời trong đó nổi tiếng nhất là trại Bà Hòa. Trại Bà Hòa “rất hiểm trở và kiên cố, thành cao, hào sâu, chứa ba đến bốn vạn quân, lương thực đủ dùng đến 3 năm”(4). Nhờ có việc chuẩn bị chu toàn từ trước mà khi vua Lý Thái Tổ đi đánh quân Chiêm Thành việc quân lương được đảm bảo, đến tháng 8 thắng trận trở về, khi đến hành dinh Nghệ An, vua khen việc chuẩn bị đường giao thông, cũng như lương thực đủ đầy của Lý Nhật Quang, trong đó có trại Bà Hòa, nên đã gia phong ông từ tước hầu lên vương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết “trước đây vua ủy cho Uy Minh thu thuế châu Nghệ An sai đặt trại Bà Hòa cho trấn được bền vững; lại đặt điếm canh ở các nơi, chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng hợp ý vua nên tước phong như thế”(5).
Trị nhậm một vùng biên viễn được coi là khó khăn, thử thách như Nghệ An, Lý Nhật Quang luôn tỏ ra là một vị quan tận tâm với triều đình, thương yêu nhân dân. Với tài kinh bang tế thế, Lý Nhật Quang đã có nhiều chính sách ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng khiến cho vùng đất “phên dậu” dưới thời ông được yên ổn.
Vì thế ông không chỉ được nhân dân Nghệ An mến phục mà các bộ tộc phía Tây, phía Nam cũng phải kiêng nể. Theo Sự tích đền Qủa Sơn có chép “Ngài ở châu 19 năm (3 năm làm việc thu thuế, 16 năm làm tri châu, trừng trị bọn gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân ở với Vương được yên nghiệp. Ngài thường qua vùng này, vùng khác, dạy dân nghề làm ruộng, nuôi tằm, trồng cây, nuôi gia súc, nhiều chính sách có lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết. Người đến kiện tụng thì lấy liêm sỷ, lễ nghĩa giảng dạy làm cho giác ngộ, ai nấy đều cảm hóa, không bàn đến chuyện kiện cáo nữa…”.
Để tưởng nhớ công lao vị danh tướng kiệt xuất này, sau khi ngài mất nhân dân nhiều nơi lập đền thờ và tôn vinh ông là thành hoàng. Tiếng tăm uy đức của Lý Nhật Quang còn lan sang cả các nước láng giềng “nhân dân man di đều tin phục, người Chiêm Thành tưởng nhớ công đức của ngài bèn lập đền thờ dưới chân núi Tam tòa, tôn là Tam tòa đại vương”.
Đền Bản Thổ là công trình tín ngưỡng tâm linh, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của nhân dân xã Quỳnh Trang và vùng phụ cận.
Nét đặc sắc trong lối kiến trúc của đền Bản Thổ không chỉ thể hiện ở việc bốn phía được thưng ván dày mà trên các cấu kiện gỗ là những đường nét chạm trổ hoa văn tinh xảo với hoa lá vân mây, rồng chầu mặt nguyệt (xà hạ), rồng cuộn trong mây (xà thượng), rồng mặt quỷ (cửa ra vào), (khám thờ)…; mà còn ở cách bố trí hài hòa từ cổng, sân vườn, đến bái đường, hậu cung với nguyên vật liệu cổ truyền cùng mô típ truyền thống tạo nên nét kiến trúc độc đáo, cổ kính của một di tích hàng trăm năm tuổi. 
Đặc biệt thiết kế thưng bằng ván dật 4 phía của nhà Hậu cung là một kiểu thiết kế mang nét cổ truyền tạo nên một không gian thư thái, êm đềm, thanh tịnh cho du khách khi ghé thăm di tích đền Bản Thổ. Tại tòa hậu cung còn giữ được nguyên vẹn các mảng chạm khắc sắc sảo, tinh tế với các đề tài truyền thống như lưỡng long triều nguyệt, rồng mặt quỷ, rồng ẩn trong mây và các đề tài trang trí khác tại xà thượng, xà hạ, khám thờ, hương án… đã tạo nên vẻ tôn nghiêm, uy lực tại di tích.
Đền Bản Thổ là một công trình văn hóa tâm linh lâu đời tiêu biểu của xã Quỳnh Trang; là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương trong nhiều thập kỷ qua. Đền là nơi phụng thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang và hợp tự nhiều vị thần gắn với vùng đất và con người nơi đây. 
Hiện nay, tại đền Bản Thổ còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị hàng trăm năm như hộp đựng sắc phong, sắc phong, long ngai, mâm cỗ bồng, bát hương, cọc nến, hương án, bát hương sứ, bộ chấp kích, kiệu long đình… là những hiện vật gốc không chỉ có giá trị về mặt thời gian mà qua đó còn thể hiện được tài năng, sức sáng tạo, sự gửi gắm về mặt tinh thần, khát vọng vươn tới chân thiện mỹ của cha ông xưa. Tuy nhiên hiện tại, do thời gian và công tác bảo quản một số sắc phong tại di tích đền Bản Thổ đang bị xuống cấp, rách nát nghiêm trọng; Một số kiệu lọng của đền đã bị hư hỏng, mối mọt.v.v.  
Với những giá trị về lịch sử - văn hoá, về nhân vật thờ, công trình kiến trúc cổ kính, linh thiêng, đền Bản Thổ, xã Quỳnh Trang được UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 6379/QĐ-UBND ngày 28/12/2017. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Trang, vừa nhắc nhở mọi người ý thức chung trong việc bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa của dân tộc, tri ân tưởng nhớ các vị thần để tiếp tục đầu tư, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích xứng tầm với giá trị lịch sử - văn hóa tâm linh của di tích.
Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của đền Bản Thổ thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên có chủ trương phối hợp với các viện nghiên cứu tiến hành công việc số hóa tài liệu các sắc phong; Phát huy và bảo tồn những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng lành mạnh tại đền; Từng bước khôi phục các lễ hội trong đó tiêu biểu là lễ hội rước kiệu đã có từ trước năm 1945; Phối hợp với các trường học trên địa bàn có những buổi giáo dục ngoại khóa về truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân có công với dân với nước; Đồng thời tổ chức tế lễ, ngày kỵ các năm chẵn của các bậc tiền nhân được thờ ở đền.
Chú thích
1. Lý Tế Xuyên (1972), Việt Điện U linh, bản dịch nhà xuất bản Văn học trang 52-52.
2. Viện Sử học (1960), Bản dịch nhà xuất bản Văn sử địa.
3. Ninh Viết Giao, 2009, Địa chí văn hóa huyện Quỳnh Lưu, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin trang 209.
4. Theo ý kiến của PGS Ninh Viết Giao tại Hội thảo Uy Minh vương Lý Nhật Quang (2002).
5. Ngô Sỹ Liên (1972), Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 223.
Tài liệu tham khảo
1. Lý lịch Di tích đền Bản Thổ xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
2. Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã Quỳnh Trang (2015); Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Trang, Nxb Nghệ An.
3. Uy Minh vương Lý Nhật Quang với Nghệ An (2010), Nxb Nghệ An.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây