Vài nét về đặc trưng văn hóa dòng họ ở Nghệ An và một số dòng họ tiêu biểu

Thứ ba - 14/11/2023 04:21 0
1. Mở đầu
 
Dòng họ, chữ Hán là Tông tộc, là biểu thị mối quan hệ gia đình và liên gia đình dựa trên cơ sở cùng chung huyết thống. Theo nhà dân tộc học Trần Từ, tổ chức “Họ” không phải là cái “đại gia đình phụ quyền” của các tư tưởng cổ điển mà “Họ” có thể được xem là một dạng đặc biệt của “gia đình mở rộng”, mà tác dụng chính đối với các thành phần của nó (tức là các gia đình nhỏ hợp thành) là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên quan hệ huyết thống(1). 
Dòng họ là một yếu tố trong đơn vị làng. Nhiều dòng họ thì thành làng, không có họ thì không có làng, đó là một điều hiển nhiên. Đã từ lâu, chúng ta có thành ngữ “trong họ ngoài làng” để chỉ mối quan hệ họ - làng trong sự tồn tại lâu dài của làng xã Việt Nam truyền thống. Nếu như nói rằng Tổ quốc, đất nước là cội nguồn của những thành viên của một cộng đồng dân tộc nói chung, thì dòng họ (hay họ tộc) là nguồn gốc trực tiếp của những thành viên có cùng một huyết thống. Do vậy, mỗi dòng họ ngoài việc tạo nên và lưu truyền lại nét đẹp văn hoá của dòng họ mình còn có nhiệm vụ trao truyền lại các giá trị văn hoá dân tộc, văn hóa các vùng miền, văn hoá làng xã cho thế hệ sau. Văn hoá của các họ tộc vì thế là một bộ phận của văn hoá dân tộc có chiều sâu và rộng, riêng và chung hài hoà, phong phú, đa dạng.
Văn hoá dòng họ là những giá trị thiêng liêng sâu thẳm trong tâm khảm của các thế hệ. Ở Nghệ An, vùng đất từng là miền biên viễn trong lịch sử, nơi thiên nhiên và khí hậu khắc nghiệt đã rèn luyện, hun đúc nên sự kiên trung, khí phách gan cường của người dân và tính cố kết chặt chẽ của dòng họ, xóm làng. Bài viết này bước đầu tìm hiểu về một số đặc trưng của văn hoá dòng họ Nghệ An trong tổng thể những đặc trưng chung của văn hoá dòng họ Việt Nam và một số dòng họ tiêu biểu ở Nghệ An.
2. Nội dung
2.1. Vài nét về đặc trưng văn hoá dòng họ ở Nghệ An
Cũng như những nét chung của văn hoá dòng họ Việt Nam, các dòng họ xứ Nghệ là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp tạo nên đặc trưng văn hoá các dòng họ. Dựa trên cách thức tiếp cận khác nhau, có thể đưa ra những nhận định khác nhau về đặc trưng văn hoá dòng họ xứ Nghệ. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu các yếu tổ nổi bật trong văn hoá dòng họ của Nghệ An như tinh thần hướng về cội nguồn, coi trọng tôn ti trật tự, sự giáo dục nhân cách của các thành viên trong dòng họ, dòng chảy truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước cách mạng của dòng họ….
Thứ nhất, tinh thần hướng về cội nguồn, coi trọng tôn ti trong quan hệ gia tộc. 
Quan hệ huyết thống là quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian, đây chính là cơ sở của tính tôn ti, trật tự trong dòng họ. Người Việt có hệ thống tôn ti trực tiếp rất chi li. Mỗi người chịu sự chi phối của 2 hệ thống tông tộc: Cửu tộc và Tam tộc. 
Cửu tộc là 9 thế hệ nối tiếp nhau: Lấy một người làm chuẩn thì trên là Cha (Phụ), trên Cha là Ông (Tổ), trên Ông là Cố (Tằng tổ), trên Cố là Can Cố (Cao tổ). Dưới là Con (Tử), dưới Con là Cháu (Tôn), dưới Cháu là Chắt (Tằng tôn), dưới Chắt là Chút (Huyền tôn).
Tam tộc tức là họ hàng thân thích: họ đằng cha, họ đằng mẹ, họ đằng vợ.
Hệ thống tôn ti gián tiếp (con chú con bác, anh em họ) cũng được quy định rất nghiêm ngặt; các cụ thường dạy con cháu: Xanh đầu con nhà bác, bạc đầu con nhà chú; Bé bằng củ khoai, cứ vai mà gọi. 
Cùng với việc coi trọng tôn ti trật tự, tinh thần hướng về cội nguồn, thành kính tổ tiên được coi là nét văn hoá tiêu biểu của mỗi gia đình, dòng họ. Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một vòng bất vong bản, âu cũng là nghĩa của người”(2). 
Chính bởi tinh thần này, người Việt Nam coi trọng dòng họ, tộc trưởng, nhà thờ họ, gia phả, ruộng kị, giỗ họ, giỗ tổ, mừng thọ... Đặc biệt, ở Nghệ An, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng. Người Nghệ, ngày giỗ họ là sự kiện trọng với mỗi cá nhân, gia đình, dòng tộc. Dù là hạng cùng đinh cũng không bao giờ quên ngày giỗ họ. Các phần mộ, các nghi lễ phụng thờ được ghi chép và lưu truyền cẩn thận cho con cháu. Điều ước của họ Trần làng Diệu Ốc, thuộc xã Giai Lạc (nay thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) có ghi đầy đủ về phần mộ tổ tiên, một trích đoạn như sau:
“… Mộ ông bà thủy tổ hiệu ông Chân Thường, bà Chân Thường táng tại xứ Cồn Chu, địa phận Diệu Ốc, một khoảnh độ 1 mẫu 5 sào và mộc hạng; đông nam bắc theo đồng ruộng làm giới cận; đoài địa mạch…
Mộ ông bà tiên tổ Huyền Linh, cộng táng ở xứ Làng. Lốt đáng 3 mẫu 8 sào vào mộc hạng….
Mộ tiên tổ khảo Phú quận công, ông bà hợp táng tại xứ Cửa Bàu, địa phận Đức Lân, 5 sào và mộ hạng…”(3).
Việc tế tự cũng được quy định rõ trong các điều tiếp theo:
“26. Tế điền hương hỏa giao viên giám thủ quản nhận cho người lĩnh canh nạp thời vụ để cung tế tự. Trưởng tộc và Họ không được can thiệp mãi chấp chiếm.
27. Các tiết thuế thì kỵ lạp trong nhà thờ đều có phân thủ chia có các phần.
28. Hễ đầu năm làm lễ kỳ yên khao nương nương và xuân tế. 
29. Hễ đầu năm kỳ tháng ba, chọn ngày làm lễ ca xướng tế thất vị gọi bằng lễ Phi tiên.
30. Hằng năm kỳ tháng chạp lễ các miếu trong xã, mỗi miếu 1 bộ áo mũ, trích ở ruộng trước Phủ Thờ 5 sào, ở xứ Trang Lâm 5 sào, đặt làm ruộng đồ mã và lễ đốt mã ngày 7 tháng 7”(4).
Để thực hiện nghi lễ, tộc ước cũng qui định: “Phụng chỉ đặt 2 viên gia lễ, huấn lễ để giúp lễ ở từ đường giao dân phụng tự, cử người tri lễ ở trong làng phụng tự làm chức ấy. Có trích thủ 8 sào ruộng hương hỏa đặt làm ruộng gia lễ” và “Trạch một viên cán sự người trong Họ làm chức chưởng sự chuyên biện các việc tế tự. Lấy ruộng hương hỏa ba sào làm ruộng chưởng sự”(5). Những điều này đảm bảo việc tế tự trang trọng, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên dòng họ.
Cho đến tận bây giờ, đối với mỗi người dân xứ Nghệ, mỗi lần họp họ, tế họ vẫn là những ngày linh thiêng. Rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, dù đi làm xa, mỗi người dân Nghệ An đều mong muốn trở về để được là người của họ, để tri ân tổ tiên, để gắn kết dòng tộc. 
Thứ hai, văn hóa dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách của mỗi cá nhân trong gia đình dòng tộc, trước hết là trong cung cách đối xử với những người cùng máu mủ. Đối với gia đình, gia tộc thì phải lấy chữ “Hiếu” làm đầu. Nhiều bản hương ước của các làng xã cũng đã ghi lại những mối quan hệ này: “Con bất hiếu, bất đễ, cha mẹ răn mãi không nghe thì giao cho các bậc huynh trưởng trong gia tộc xử lý, giải quyết sao cho êm thấm, giải quyết không được mới trình làng. Làng cũng lấy khuyên răn hòa giải làm đầu; răn đe hòa giải không được thì chiếu theo hương của làng để phạt (Xuân Úc, Tam Khôi, Đồng Xuân, Quỳnh Đôi, v.v... ở Quỳnh Lưu)” hoặc hương ước làng Xuân Phúc (Nam Đàn) ghi: “Trong gia đình người vợ phải giữ tính nết hiền lành, lấy chữ trinh thuận và tư đức công dung ngôn hạnh làm đầu; người nào chua ngoa, cậy thế nhà mình có của, chửi mắng cha mẹ chồng, anh em nhà chồng rồi lăng mạ đến cả tổ tiên nhà chồng; cha mẹ chủ bác và các bậc tôn trưởng trong họ răn đe mãi không được. Nếu như chồng và nhà chồng muốn ly dị thì làng cũng thuận tình”(6). Không những thế, trách nhiệm dạy bảo những người trong gia đình, dòng tộc cũng được qui định rõ: “Hương ước làng Yên Lưu cũng có điều: “Cha không biết dạy con, anh không biết dạy em, chồng không biết dạy vợ thì phạt 10 quan nếu là viên chức, 6 quan nếu là dân thường, phạt roi 5 chục””(7).
Các dòng họ đều mong muốn lưu truyền cho con cháu những công đức, gương sáng của tiền nhân và trao truyền cho các thế hệ sau những giá trị của dòng họ như một quy tắc sống cho con cháu. Họ Nguyễn Văn ở Đô Lương treo giữa từ đường bức đại tự với hai chữ “Trung Tín”. Giai phả họ Nguyễn Trọng ở Anh Sơn được mở đầu bằng hai chữ Hiếu Đễ:
Chữ Hiếu Đễ cho tròn một tiết
Thời suy ra trăm việc đều nên(8)
Lời di huấn của Nguyễn Xí để lại cho con cháu thế hệ sau cũng cho thấy rõ điều này: “Nay các ngươi trông thấy nhà đẹp, ruộng tốt, giàu có thì phải nghĩ đến nỗi vất vả, chặt gai phát bụi của ta. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ thì phải nghĩ đến thời ta phải gian khổ, nằm tuyết gối đồng. Ta thấy đời Đường (Trung Quốc) Lý Tĩnh là một bậc danh tướng nhưng có hai con là Kính và Nghiệp phạm tội làm phản, các người cần lấy đó làm gương để tránh. Đời Tống (Trung Quốc) có Tào Bân cũng là danh tướng nhưng có 2 con là Xán và Vĩ đã bước lên đài tướng lĩnh. Các ngươi nên so sánh với họ. Các ngươi con cháu phải cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiền cháu thảo của Ta. Hoặc giả trái lại nếu ai gây đầu mọi tranh giành nhau thì các người phải làm biểu tấu lên triều đình về tội bất hiếu. Các ngươi hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy của Ta (không được quên)...”(9). Như vậy, con đường trung nghĩa của tổ tông, gia phong dòng họ chính là điều Nguyễn Xí dặn dò con cháu phải ghi khắc muôn đời. Những lời răn dạy của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự sâu sắc. Nó nhắc nhở con cháu không được quên quá khứ, hậu thế được hưởng vinh hoa phú quý chính là nhờ những công lao, gian khổ của ông cha. Vì thế phải tận trung, tận hiếu với nước, một lòng báo đáp quốc gia, xã hội. Ông đã qua đời hàng trăm năm nhưng con cháu của ông vẫn còn giữ gìn nề nếp gia phong của một dòng họ danh tiếng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lịch sử. 
Ý thức dòng họ cũng được thể hiện sâu sắc thông qua tinh thần đùm bọc, thương yêu. Người trong một họ có trách nhiệm cưu mang, hỗ trợ nhau (“sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “cha nó lú thì có chú nó khôn”). Quan hệ gia tộc là chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân trong gia tộc, để mỗi người luôn cảm thấy được nương tựa, chở che, thậm chí là nhờ cậy theo nghĩa “một người làm quan cả họ được nhờ”. 
Thứ ba, truyền thống dòng họ được xem là cội nguồn sức mạnh, là động lực, đồng thời cũng là nghĩa vụ linh thiêng để mỗi thành viên giữ gìn, phát huy. Đây còn được xem như sợi dây ràng buộc để mỗi cá nhân tự ý thức về truyền thống của gia đình, gia tộc, dòng họ mình. Đó là sự đề cao vấn đề danh dự gia đình, gia tộc, là sự khuyến khích con cháu noi gương tổ tiên về truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, truyền thống thượng võ, truyền thống cố kết gia tộc… Với việc đề cao truyền thống của gia tộc, mỗi thành viên trong gia tộc có bổn phận và nghĩa vụ phải cố gắng để xứng đáng với truyền thống dòng tộc và làm rạng danh cho gia tộc, xóm làng. 
Ở Nghệ An, nhiều dòng họ có truyền thống nổi bật về đấu tranh cách mạng. Truyền thống đó được tiếp nối như một dòng chảy xuyên suốt của dòng họ, đến mức “con cái anh em trong một gia đình đều làm nhiệm vụ cứu nước và đều bị địch khủng bố, như gia đình của cụ Sơn tức nhà nho Nguyễn Thức Tự ở Nghi Lộc, thầy học của Phan Bội Châu. Nhân dân đã ca ngợi gia đình này: 
Ai về Nghi Lộc Nghệ An, 
Hỏi thăm con cháu cụ Sơn thế nào? 
Hỏi Canh, hoạt động bên Tàu 
Hỏi Đường, tây đã chém đầu năm nao? 
Dần dà hỏi đến Thức Bao
Côn Lôn tin bặt lần sau vượt vời. 
Cha con sau trước bốn người 
Hiến thân cho nước, cho nòi Việt Nam"(10).
Có dòng họ, truyền thống hiếu học trở thành nét đặc trưng tiêu biểu để mỗi cá nhân luôn gắng mình dùi mài kinh sử, ngày đêm đèn sách. Một dòng họ “như họ Đặng ở Lương Điền, truyền thống học tập đặc sắc đến nỗi học giả Đặng Thai Mai phải nhớ mãi câu dặn dò của bà cụ nội: “Cứ nhặt lấy chữ nghĩa của các cụ (tức là của cha chú) rơi vãi trên nền nhà là đã đủ thông minh giỏi giang rồi””(11). Với tinh thần hiếu học, những dòng họ ở Nghệ An, dù nghèo khó đến đâu cũng vẫn khuyến khích con em dòng tộc theo đòi bút nghiên đèn sách. Nhiều dòng họ ở xứ Nghệ có quỹ khuyến học, có những biện pháp thúc đẩy học hành. Truyền thống hiếu học đã thấm vào máu của các gia đình, dòng họ ở Nghệ An. Làng Quỳnh Đôi ở Quỳnh Lưu có tới 29 dòng họ có người đậu từ Tú tài cho đến Tiến sĩ(12).
Dòng họ Dương ở Quỳnh Đôi, con cháu nối đời xây dựng nề nếp gia phong và truyền thống dòng họ. Con trai thì nuôi chí theo đường Nho học, khoa bảng. Con gái, con dâu “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong gia phả dòng họ có ghi: “Hoàn cảnh nghèo túng, điều kiện chiến tranh có hạn chế việc học tập, song do được tổ tiên, ông cha xác định “Học vấn, khoa bảng là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp”, “Tiến vi quan, thoái vi sư” (tiến thì làm quan giúp nước, về thì làm thầy dạy học giúp dân và con cháu), nên đã rèn luyện cho con cháu họ Dương tinh thần chịu thương, chịu khó, miệt mài, bền bỉ học tập. Nhiều người gia cảnh nghèo túng nhưng học tập vẫn thành đạt. Dương Thời Nghi (đời 7), cha chết, mẹ tái giá, nhờ chú bác giúp đỡ vẫn đạt đến thi Hội trúng Tam trường. Nhiều người đã trải qua nhiều năm lận đận trên bước đường lều chõng, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi thi cử khoa danh. Một số người 2 lần thi đỗ Tú tài, Dương Đăng Hiển, Dương Đăng Cử, Tiến sĩ Dương Thúc Hạp phải trải qua 3 lần đỗ Tú tài (Tú đụp). Riêng Dương Quỳ (Dương Huệ) (đời 12) 6 khoa đều đỗ Tú tài. Cả đời người của ông trải qua 30 năm học tập thi cử mà vẫn không nản chí. Trong thi Hội cũng có người đã trải qua 2, 3, 4 kỳ trúng Tam trường (như Phó bảng triều Nguyễn) Dương Lễ, Dương Công Chưởng, Dương Trí Triết”(13). 
Có thể nói, dòng họ là nơi hội tụ và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống đậm nét. Giá trị văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở tình nghĩa sâu nặng giữa những người cùng huyết thống, gắn bó mật thiết với nhau “anh em vì tổ vì tiên, không ai vì tiền vì gạo”. Điều đó tạo nên tính cố kết chặt chẽ của dòng họ, cũng là nền tảng cho tình yêu xóm làng, quê hương, đất nước. 
2.2. Một số dòng họ tiêu biểu
Nghệ An có nhiều dòng họ nổi tiếng: Họ Hồ, họ Dương ở Quỳnh Lưu, họ Ngô, họ Cao ở Diễn Châu, họ Phan ở Yên Thành, họ Nguyễn Cảnh, họ Thái ở Đô Lương, họ Nguyễn Đình ở Nghi Lộc, họ Nguyễn Trọng ở Nam Đàn, họ Nguyễn Sỹ, họ Đặng ở Thanh Chương… Cống hiến của những dòng họ đó đã góp phần to lớn tạo nên diện mạo văn hoá dòng họ xứ Nghệ. Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin đề cập khái quát về một vài dòng họ sau đây:
* Họ Hồ làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)
Họ Hồ ở Quỳnh Đôi là một trong ba dòng họ khai cơ vùng đất này. Trong cuốn Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi cho biết: “Từ năm Giáp Dần (1314), Hồ Kha, một quan chức nhà Trần đã từ Đường Khê (trại Tiên Sinh) phía Tây huyện Quỳnh Lưu (nay là xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn) về xem phong cảnh Thổ Đôi, một vùng nước mặn bồi tụ đang trong quá trình ngọt hóa, có phong cảnh đẹp song đang còn hoang vu. Thấy địa thế có thể lập ấp, Hồ Kha cho con là Hồ Hồng ở lại khai khẩn”(14). Vùng Thổ Đôi lúc này chỉ là những gò đất nổi lên giữa một giải nước triều lên xuống. Mãi đến năm 1378, Hồ Hồng, Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh mới lập nên trang Thổ Đôi. Làng Quỳnh Đôi không chỉ là một làng khoa bảng của xứ Nghệ, mà còn nổi tiếng khắp nước, đã đi vào câu ca “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (ở Bắc Hà có làng Hành Thiện, ở Nghệ An có làng Quỳnh Đôi).  
Con cháu ở dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi có chí hướng học hành, làm rạng danh khoa bảng. Theo thống kê trong sách Khoa bảng Nghệ An, tính từ người mở đầu là Hồ Ước Lễ đời Lê Nhân Tông cho đến khi kết thúc nền khoa cử Nho học năm 1919, họ Hồ có 01 Thái học sinh, 02 Hoàng giáp, 03 Tiến sĩ, 04 Thiên hạ sĩ vọng, 51 Hội thí Tam trường và Phó bảng, 110 Giám sinh, Hương cống và Cử nhân, 282 Sinh đồ và Tú tài. Họ Hồ có nhiều gia đình cha con, ông cháu, anh em đều đậu. Gia đình Hồ Phi Tích có 7 con trai đều đậu Hương cống và Hội thí tam trường, tính từ Hồ Hiến (ông nội của Hồ Phi Tích) cho đến Hồ Phi Thống có 8 đời đậu liên tiếp. Gia đình Hồ Sĩ Vũ và Hồ Sĩ Danh 9 người đều đậu, trong đó 5 anh em Hồ Sĩ Đĩnh thì một người đậu Hoàng Giáp, một Phó bảng, hai Giám sinh và một Sinh đồ. Gia đình Hồ Bá Ôn có 5 đời đậu liên tiếp. Hồ Sĩ Trinh, ông cháu đậu. Hồ Trọng Đĩnh, cha con đậu. Hồ Sĩ Lâm, anh em đậu. Hồ Quý Châu, ba anh em đậu. Hồ Tam Kiểm, cha con đậu. Hồ Phi Tự, cha con đậu v.v...(15). Tất cả đã xây dựng nên một dòng họ Hồ nổi danh khắp xứ Nghệ “Hà Tĩnh họ Phan, Nghệ An họ Hồ”.  
Có thể kể đến một số nhân vật tiêu biểu của dòng họ như Hồ Sĩ Dương, ông đỗ giải nguyên ở khoa Tân Mão năm 1651 tại trường thi hương Nghệ An. Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn 1652, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau đó, ông đỗ thứ hai khoa Đông các - khoa thi đặc biệt chọn người có tài văn học bổ sung vào Đông các viện. Tháng 3/1673, ông làm chánh sứ đi Trung Quốc, ứng thí và trở thành “lưỡng quốc Đông các”(16). Ông từng giữ chức Tham tụng kiêm Đông các đại học sĩ, được phong Đặc tiến kim tử, Vinh lộc đại phu… Ông cũng có công lao to lớn trong lập ấp khai cơ 5 làng khác trong huyện. Bên cạnh đó, Hồ Phi Tích (1665 - 1734), Hồ Sĩ Tân (1691 - 1760), Hồ Sĩ Đống (1738 - 1785)… không chỉ là những vị đỗ đạt cao mà còn là những vị quan thanh liêm, chính trực. Đó cũng chính là minh chứng cho dòng chảy truyền thống của dòng họ Hồ làng Quỳnh Đôi xứ Nghệ.
Họ Hồ - Dòng họ khoa bảng bậc nhất ở xứ Nghệ
* Họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần (Nam Đàn)
Dòng họ Nguyễn Trọng, tự hào “Tam thế ngũ hoàng hoa”(17) (3 đời, 5 lần đi sứ). Nếu như xứ Nghệ là nơi sản sinh ra câu ca dao “sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa” thì dòng họ Nguyễn Trọng cũng như một số dòng họ khoa bảng nổi tiếng tại xứ Nghệ đã xây dựng nên một hiện tượng khoa bảng “ông đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”. 
Nguyễn Trọng Thường (1681-1735), 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Hữu thị lang, tước Quận công. 
Nguyễn Trọng Đương (1724-1786) con Nguyễn Trọng Thường, 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý. 
Nguyễn Trọng Đường (1746-1786) cháu nội của Nguyễn Trọng Thường, gọi Nguyễn Trọng Đương là chú, 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu thảo, vâng mệnh làm Phó sứ sang nhà Thanh, khi trở về được thăng Thị chế rồi Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá, đời Gia Long, ông được vời ra giữ chức Đốc học Sơn Nam. 
Như vậy dòng họ Nguyễn Trọng, đặc biệt có ba thế hệ liên liên tiếp đều đỗ đại khoa, làm quan triều đình và đặc biệt đều là sứ thần được cử đi sứ phương Bắc. Đến thời Minh Mệnh, con của Nguyễn Trọng Đương là Nguyễn Trọng Võ lại được của đi sứ hai lần(18). Tên tuổi và sự nghiệp của họ không chỉ được sử sách, bia đá lưu danh mà còn được hậu thế luôn tưởng nhớ, tôn vinh. Kế thừa và phát huy truyền thống của dòng họ Nguyễn Trọng trong lịch sử, các thế hệ con cháu sau này trên khắp mọi miền đất nước đều cố gắng nỗ lực noi gương tổ tiên tiếp tục truyền thống hiếu học, giữ gìn gia đạo, truyền thống yêu nước,… Dòng họ đã đóng góp nhiều tài năng cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây đựng đất nước sau này.
Họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với tượng đồng 3 vị tiến sĩ được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội
* Họ Ngô ở làng Lý Trai (Diễn Châu)
      Dòng họ Ngô ở làng Lý Trai được biết đến với những đại khoa danh tiếng, không chỉ làm rạng danh dòng họ mà còn góp một số lượng đáng kể vào danh sách các nhà khoa bảng Nghệ An. Trong bốn đời liên tiếp, dòng họ đã sản sinh ra 5 vị Tiến sĩ bao gồm: Ngô Trí Tri (đậu Tam giáp Tiến sĩ năm 1592), Ngô Trí Hoà (con của Ngô Trí Tri, đậu Nhị giáp Tiến sĩ, cùng khoa với cha), Ngô Sĩ Vinh (con của Ngô Trí Hoà, đậu Tiến sĩ năm 1646), Ngô Công Trạc (cháu nội của Ngô Sĩ Vinh, đậu Hội nguyên, Đình nguyên Tiến sĩ năm 1694), Ngô Hưng Giáo (Em của Ngô Công Trạc, đậu Tam giáp Tiến sĩ năm 1694). Ngô Trí Tri đỗ Tiến sĩ cùng khoa với con trai là Ngô Trí Hòa và học trò là Trịnh Cảnh Thụy trong một khoa thi chỉ lấy đỗ 3 người được vua Lê Thế Tông thưởng bảng vàng “Phụ tử đồng khoa” và ban 10 chữ vào cờ vinh quy: “Khoa danh thiên hạ hữu. Phụ tử thế gian vô” (Đậu đại khoa trong nước có nhiều người nhưng cha con đậu cùng khoa thì chưa thấy bao giờ). Khi cháu nội là Ngô Sĩ Vinh đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1646), vua Lê Chân Tông lại tặng thưởng bảng vàng “Tam đại Tiến sĩ”, hiện còn ở nhà thờ Ngô Trí Hòa tại Diễn Kỷ - Diễn Châu. Đây là hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” lịch sử giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam. Ngô Trí Hoà và Ngô Sỹ Vinh cũng được vua cử làm Chánh sứ, “phụng Bắc sứ”. Tiếp nối vinh quang của dòng họ và gia đình, năm 33 tuổi, Ngô Công Trạc - cháu 5 đời của Ngô Trí Tri đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694). Có thể nói, dòng họ Ngô làng Lý Trai là một trong những dòng họ tiêu biểu cho truyền thống cần học, hiếu học của người xứ Nghệ.
* Họ Nguyễn Đình ở Thượng Xá (Nghi Lộc)
Nguyễn Đình là một trong những dòng họ “danh gia vọng tộc” của xứ Nghệ. Dòng họ đã sản sinh nhiều bậc hiền tài, góp phần làm rạng danh quê hương, xứ sở, tiêu biểu như: Thái bảo Đình Quận công Nguyễn Hội, Thái phó Nghiêm Quận công Nguyễn Biện, Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, Thái úy Tổng Đô đốc Thượng tướng quân Nguyễn Sư Hồi, Phò mã Đô úy Nghiêm võ vệ Nguyễn Bá Sương, Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài... Đặc biệt trong đó, Nguyễn Xí là khai quốc công thần của nhà Lê Sơ - người có công lao to lớn đối trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt dưới vương triều Lê sơ.
Bên cạnh công lao to lớn trong xây dựng vương triều, dòng họ Nguyễn Đình ở Thượng Xá còn có đóng góp trong việc khai hoang, mở mang ruộng đất, lập làng, phát triển kinh tế. Sự nghiệp khai hoang của dòng họ Nguyễn Đình ở vùng đất Nghi Lộc và các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu đã nối tiếp từ đời này sang đời khác. Riêng ở vùng ven biển huyện Nghi Lộc, Cửa Lò cũng có các vị khai cơ tiêu biểu như: Nguyễn Hội, Nguyễn Sư Hồi, Nguyễn Kế Sài, Nguyễn Trọng Đạt và đặc biệt là Cương Quốc công Nguyễn Xí.
Không chỉ nổi tiếng trong võ cử, dòng họ Nguyễn Đình cũng có nhiều khoa cử, ghi danh mình vào danh sách khoa bảng thời Hán học. Sách Cương Quốc công Nguyễn Xí, Tộc phả - Di Huấn ghi rõ: Hai anh em Nguyễn Bá Ký và Nguyễn Bá Kỳ đều đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Địch đậu Thám hoa khoa Tân Sửu (1481) dưới triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Ích Giai, đậu Tiến sĩ khoa Giáp thìn (1484) triều vua Lê Thánh Tông,  Nguyễn Đình Quan đậu tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493) triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Đức Lương trạng nguyên khoa Giáp Tuất (1514) triều Lê Tương Dực, Nguyễn Lễ Khang, Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1535), Nguyễn Thiến, đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1532) triều Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Hoành Từ (còn gọi Nguyễn Đình Trung, đậu Tiến sĩ chế khoa Đinh Sửu (1577) triều Lê Thế Tông, Nguyễn Đình Khuê đậu Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1568)... và còn rất nhiều cử nhân, tú tài khác nữa đã ghi tên tuổi của mình vào truyền thống của dòng họ(19).
Dòng họ Ngô ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là dòng họ khoa bảng, 5 đời đều có người đỗ tiến sỹ
* Họ Đặng ở Lương Điền, Thanh Chương
Trên mảnh đất Thanh Chương, dòng họ Đặng ở Lương Điền là dòng họ nổi tiếng về truyền thống yêu nước, cách mạng và truyền thống văn hoá đáng tự hào. Những người con họ Đặng ở Lương Điền, dù trong gian nguy thử thách vẫn không chùn chân, nản chí. Dẫu tù ngục, lưu đày cũng không làm lu mờ khát vọng cứu nước, cứu dân. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, con theo cha, em theo anh, cháu theo chú, hoạt động trong nước, hoạt động ở nước ngoài, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ tấm lòng kiên trung, son sắt vào con đường vì dân, vì nước. Cụ Đặng Thai Giai, bỏ quan trường trở về quê hương bản quán hoạt động yêu nước, tham gia phong trào Cần Vương. Từ khi ông cáo quan về quê nhà thì ngôi nhà của ông đã trở thành nơi gặp gỡ đàm đạo bí mật của nghĩa quân Cần Vương cùng các sĩ phu yêu nước trong đó có cụ Phan Bội Châu nhằm tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Hồi ký của Đặng Thai Mai chép: “Ngôi nhà quê làng Lương Điền là chỗ đi lại của nhiều nhà chí sỹ như Phan Bội Châu, Ngư Hải, Tùng Nham, cùng với nhiều thanh niên, học sinh bàn bạc công việc mở hội cày, hội buôn, chọn học sinh đi du học”(20). Tiếp đến, Đặng Nguyên Cẩn vừa ra làm quan vừa tham gia phong trào yêu nước, dù bị bắt, bị tù đày, nhưng vẫn giữ vững khí tiết. Đặng Thúc Hứa thì nhìn thấy hoạt động trong nước không có hiệu quả, ông rời quê hương, xa gia đình, ra nước ngoài hoạt động và trọn đời hoạt động ở nước ngoài với mục đích cao cả là đem được tự do cho dân. Đặng Thúc Hứa đã đi từ chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng của giai cấp tư sản qua các tân thư, sang chủ nghĩa cộng sản theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, tư tưởng Mác - LêNin. Không chỉ có các nam nhân, ngay cả những người con gái họ Đặng trước cảnh nước mất nhà tan cũng gác lại những hạnh phúc đời thường, tham gia hoạt động cách mạng, thậm chí bôn ba hoạt động nơi nước ngoài, tiêu biểu như bà Đặng Quỳnh Anh.
Tiếp nối truyền thống đó, Đặng Thai Mai từ phong trào yêu nước Tân Việt đã chuyển sang chủ nghĩa Cộng sản, cùng Đặng Xuân Thanh, Đặng Thai Xương, Đặng Thai Cảnh, Đặng Thai Thụ, Đặng Thị Hợp, Đặng Thị Quỳnh, Đặng Thai Thực, Đặng Thai Sum... người thì hoạt động cách mạng trong nước, người thì bôn ba ra nước ngoài nhưng đều hướng tới khát vọng chung là độc lập cho dân tộc, giải phóng cho nhân dân. 
Trên phương diện văn hoá, họ Đặng ở Lương Điền được biết đến là dòng họ “Sống bằng sách và sống với sách”. Dù hoàn cảnh khó khăn vẫn vươn lên để học, bởi học vấn với họ là lẽ sống cao đẹp, tiêu biểu là Giáo sư Đặng Thai Mai với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực: nhà cách mạng, nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, nhà văn hóa. Ông thực sự là một người con họ Đặng tài năng và đức độ. Tiếp nối truyền thống của dòng họ, Đặng Thai Hoàng, Đặng Bích Hà, Đặng Thanh Lê… với những cống hiến trên lĩnh vực văn hoá, đã  góp phần làm rạng danh họ Đặng ở Lương Điền.
3. Kết luận
Văn hóa dòng họ không chỉ là bộ phận tạo nên hình thức quan hệ khăng khít, chặt chẽ “trong họ - ngoài làng” mà hơn thế nữa, dòng họ và văn hóa dòng họ còn có ý nghĩa mở rộng để tạo nên văn hoá mỗi vùng miền, văn hoá dân tộc. Trên phương diện đó, có thể nói văn hoá dòng họ xứ Nghệ đã góp phần tạo nên bản sắc văn hoá xứ Nghệ: lối sống nghĩa tình, thuỷ chung với dòng họ, làng xóm, quê hương, tinh thần chuộng nghĩa, trọn Hiếu với gia tộc - trọn Trung với dân tộc, ham học, hiếu học đến cần học và khổ học.
Từ ý thức chung hướng về tổ tiên, dòng họ, người dân xứ Nghệ cũng như người dân Việt Nam, ý thức chung về một gốc tổ Hùng Vương, về sự cùng chung một dòng máu, một cội nguồn. Từ sự giáo dục trong gia đình, dòng tộc, mỗi người dân nơi đây luôn lấy Hiếu Đễ làm đầu. Sự giáo dục đó cùng với hoàn cảnh sống đầy nắng gió khắc nghiệt đã tạo nên tính cách can trường, chấp nhận khó khăn và sẵn sàng đối diện với gian khổ bằng ý chí và quyết tâm của những nỗ lực vươn lên không mệt mỏi. Nét tính cách đó cũng đã tạo nên dòng chảy cách mạng kiên trung, tinh thần yêu nước, vì độc lập tự do cho dân tộc của các thế hệ người dân xứ Nghệ.
Cũng từ gia phong dòng họ, từ sự giáo dục ngay từ thơ bé của gia đình, người dân nơi đây luôn chịu khó học hành để thành đạt trên con đường khoa cử và lưu danh trong sử sách. Ham học, hiếu học đã đi vào từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân xứ Nghệ và trở thành nét văn hoá tiêu biểu của vùng đất này.
Xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng, nổi tiếng với nhiều dòng họ khoa bảng, dòng họ văn hiến, dòng họ có truyền thống đấu tranh cách mạng... Những dòng họ chúng tôi đã kể và chưa có thể kể hết trong khuôn khổ bài viết này, chính là những dòng họ đã sản sinh và trao truyền những giá trị văn hóa tiêu biểu, sản sinh và nuôi dưỡng những bậc hiền tài cho quê hương, đất nước. Văn hoá xứ Nghệ, và rộng hơn là văn hoá Việt Nam, có đóng góp không nhỏ từ văn hoá dòng họ.

Chú thích
  1. Trần Từ (1984), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.41.
2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, 2006, tr.23.
3. Ninh Viết Giao (Tổng tập), Hương ước Nghệ An, Nxb Khoa học xã hội, 2015, tr.135-136.
4. Ninh Viết Giao (Tổng tập), Hương ước Nghệ An, Nxb Khoa học xã hội, 2015, tr.138-139.
5. Ninh Viết Giao (Tổng tập), Hương ước Nghệ An, Nxb Khoa học xã hội, 2015, tr.139.
6. Ninh Viết Giao (Tổng tập), Hương ước Nghệ An, Nxb Khoa học xã hội, 2015, tr.46-47.
7. Ninh Viết Giao (Tổng tập), Hương ước Nghệ An, Nxb Khoa học xã hội, 2015, tr.48.
8. Nguyễn Thanh Tùng, Vấn đề dòng họ ở xứ Nghệ nhìn từ góc nhìn văn hoá, Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hoá các dòng họ ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1997, tr.107.
9. Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, Tộc phả - Di huấn - Phụ lục, Nxb Nghệ An, 2013, tr.47- 48.
10. Chương Thâu, Sự đóng góp của văn hoá các dòng họ xứ Nghệ vào văn hoá Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hoá các dòng họ ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1997, tr.120.
11. Chương Thâu, Sự đóng góp của văn hoá các dòng họ xứ Nghệ vào văn hoá Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hoá các dòng họ ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1997, tr.123.
12. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, NXB Nghệ An, 2005, tr.37.
13. Gia phả dòng họ Dương ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, tài liệu lưu tại nhà thờ dòng họ.
14. Hồ Sỹ Giàng, Từ Thổ Đôi Trang đến xã Quỳnh Đôi, Nxb Nghệ Tĩnh, 1988, tr.15.
15. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, NXB Nghệ An, 2005, tr.153-154.
16. Phan Hữu Thịnh, Làng Quỳnh xưa học hành và khoa cử, NXB Nghệ An, 2010, tr. 92.
17. Bức hoành phi “Tam thế ngũ hoàng hoa” (ba đời, năm lần mặc áo sứ giả) ở nhà thờ họ Nguyễn Trọng tương truyền do Hoàng đế nhà Thanh tặng.
18. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, NXB Nghệ An, 2005, tr.162.
19. Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, Tộc phả - Di huấn - Phụ lục, Nxb Nghệ An, 2013, tr.127.
20. Đặng Thai Mai hồi ký, Nxb Văn học, 1985, tr.124.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, 2006.
2. Ninh Viết Giao (Tổng tập), Hương ước Nghệ An, Nxb Khoa học Xã hội, 2015.
3. Hồ Sỹ Giàng, Từ Thổ Đôi Trang đến xã Quỳnh Đôi, Nxb Nghệ Tĩnh, 1988.
4. Gia phả dòng họ Dương ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, tài liệu lưu tại nhà thờ dòng họ.
5. Đặng Thai Mai hồi ký, Nxb văn học, 1985.
6. Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, Tộc phả - Di huấn - Phụ lục, Nxb Nghệ 7. Nguyễn Thanh Tùng, Vấn đề dòng họ ở xứ Nghệ nhìn từ góc nhìn văn hoá, Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hoá các dòng họ ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1997.
8. Trần Từ (1984), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
9. Chương Thâu, Sự đóng góp của văn hoá các dòng họ xứ Nghệ vào văn hoá Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hoá các dòng họ ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1997.
10. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, NXB Nghệ An, 2005.
11. Phan Hữu Thịnh, Làng Quỳnh xưa học hành và khoa cử, Nxb Nghệ An, 2010.




Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây