Di tích nhà thờ họ Trần Hưng - nơi lưu giữ nhiều sắc phong, hiện vật, tài liệu quý

Thứ sáu - 29/09/2023 05:21 0

Theo gia phả họ Trần Hưng và các tài liệu sắc phong lưu tại nhà thờ họ: Vào đầu thế kỷ thứ XVI, thủy tổ của dòng họ là ông Trần Hưng Chi từ xã Tuần Lễ, tổng An Ấp, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, dời sang xóm Thuần Dũng, thôn Điền Lao, tổng Bích Triều, huyện Thanh Chương để sinh cơ khai nghiệp. Lúc bấy giờ, vùng đất thôn Điền Lao còn nhiều rừng núi hoang vu, ít người ở. Ông Trần Hưng Chi kết bạn với ông Nguyễn Đàm cùng nhau, khai hoang mở đất. Sau đó ông Nguyễn Đàm bị trọng bệnh, không có người thân chăm sóc, ông Trần Hưng Chi đã tận tình thuốc thang chăm bạn. Cảm động và biết ơn người bạn đã tận tình chăm sóc mình khi ốm đau, ông Nguyễn Đàm trả ơn ông Trần Hưng Chi bằng một sào đất vườn của mình trong xóm Thuần Dũng. Nhờ có mảnh đất này mà ông Trần Hưng Chi dựng nhà, lấy vợ, sinh con, tiếp tục khai hoang ruộng đất và sinh cơ lập ấp. 
Trải qua hơn 500 năm dòng họ Trần Hưng đến nay có 17 đời, trong đó nhiều người có công với dân với nước, đặc biệt dưới đời Lê Trung Hưng như: Nhuận quận công Trần Hưng Học, Thái Bảo - Trung Quân công Trần Hưng Nhượng, Mậu Thành hầu Trần Văn Cảnh…
Di tích nhà thờ họ Trần Hưng đại tôn ngoài hệ thống sân, vườn, tường rào bao quanh thì Nhà Bái đường có kiến trúc thời Nguyễn với diện tích 47,1 m2 (8,3m x 5,55 m) độ cao từ nền đến đỉnh là 4,3 m, gồm 3 gian, nền láng xi măng.
Thềm nhà Bãi đường rộng 0,50 m, hai đầu xây hai trụ quyết cao 1,85 m, cạnh 0,24m x 0,24m, gồm đế, thân và đỉnh trụ. Đế trụ xây theo kiểu giật cấp cao 0,38m x 0,38 m x 0,38 m. Thân trụ tạo gờ, kẻ chỉ. Đỉnh trụ đắp hình đấu vuông, phía trên đỡ đầu bẩy hiên.
Hai đầu nhà xây tường lửng, tường dày 0,12m, cao 1,2m, phía trước và phía sau để trống; Bờ nóc, bờ giải được xây gạch chỉ, vôi vữa tạo thành những đường gân chắc chắn vừa để bảo vệ ngói khi gió bão, vừa để trang trí những họa tiết hoa văn như: hoa văn hình học, hoa lá, vân mây trên bờ nóc; hai đầu kìm đắp hai đầu rồng cách điệu.
Bãi đường có 4 mái: 2 mái trước sau và 2 mái hồi, mái lợp ngói vảy, được rải đều bằng hệ thống rui, hoành.v.v.; nâng đỡ mái nhà là hệ thống khung nhà làm bằng gỗ mít, gồm có 4 bộ vì kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền”. Các cấu kiện gỗ trong hệ thống khung nhà liên kết với nhau bằng các mộng và các đấu tạo nên sự vững chắc của khung nhà; các mảng chạm được tạc rất tinh xảo. Ở hai xà thượng của hai vì gian giữa nhà bãi đường khắc chữ Hán với nội dung:
Phiên âm: “Minh Mệnh thập ngũ niên Giáp Ngọ kinh thủy
                       Bảo Đại Canh Ngọ ngũ niên trùng doanh”
Tạm dịch: “Khởi dựng vào năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834)
                            Trùng tu vào năm Canh Ngọ niên hiệu Bảo Đại (1930)”
Nhà Hậu đường: được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), có diện tích 20m2, gồm có 2 gian dọc, 2 hồi; 4 mái; nâng đỡ mái nhà là hệ thống khung nhà làm bằng gỗ lim, gồm có 3 bộ vì thiết kế theo kiểu “giao duyên, kẻ suốt”.
Trên ván ấm của vì thứ hai nhà Hậu đường được khắc dòng lạc khoản bằng chữ Hán như sau:
Phiên âm: “Khải Định nhị niên Qúy Đông trùng tu
                  Trần Hưng Đông chí từ đường”
Tạm dịch: “Trùng tu vào cuối mùa Đông niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917)
                  Nhà thờ họ Trần Hưng tiết Đông chí”
Trong cao trào cách mạng năm 1930-1931, nhà thờ là một trong những nơi sinh hoạt bí mật của chi bộ Đảng Bích Triều, nơi in ấn truyền đơn, cất dấu tài liệu bí mật để chuẩn bị cho các cuộc biểu tình, đấu tranh chống chế độ phong kiến và thực dân. 
Năm 1947-1954, nhà thờ cũng là nơi đội dân quân du kích xã Xuân Triều họp bàn về kế sách đánh thực dân Pháp; Từ năm 1956-1968, nhà thờ là nơi dừng chân của các đơn vị bộ đội tập kết; Năm 1965, nhà thờ là nơi làm việc của đội chiến dịch “Ba sẵn sàng” huyện Thanh Chương, với nhiệm vụ “sản xuất và bảo vệ sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu” do BCH Trung ương Đoàn phát động; Năm 1972, tại Bãi đường của di tích là nơi sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội Đoàn 559, làm nhiệm vụ mở đường mòn Hồ Chí Minh.
Hiện nay, ngoài những ngày sóc, vọng, lễ tết thì vào ngày lễ tế tổ còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như trao quà khuyến học, tuyên dương những người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng họ tộc… Các hoạt động này vừa là hình thức để báo công lên tổ tiên vừa là hành động “ôn cố tri tân”, “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời như một lời khẳng định của con cháu về việc giữ gìn và viết tiếp những trang sử vẻ vang của dòng họ.
Nhà thờ họ Trần Hưng đại tôn là công trình kiến trúc thời Nguyễn còn lưu giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc gốc. Bộ khung nhà bãi đường của nhà thờ Trần Hưng đại tôn được làm bằng gỗ lim, bộ vì được làm biến thể để tăng diện tích sử dụng, các kết cấu nối mộng sàm khít, chắc chắn phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hóa xứ Nghệ. 
Giá trị khoa học thẩm mỹ còn được thể hiện qua các đề tài, các mảng chạm khắc tiêu biểu trên các cấu kiện gỗ ở Bãi đường như “chim phượng cách điệu”, “dây leo hóa rồng”, “tùng, trúc, cúc, mai cách điệu”… được các nghệ nhân xưa chạm trổ một các tinh xảo, sống động, vừa giảm bớt sự khô cứng của cấu kiện, vừa thể hiện niềm khát vọng vươn lên, cầu mong sự no đủ, sung túc…
Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được những hiện vật cổ bằng gỗ như: Long ngai, bài vị, hương án, khám thờ, kiếm gỗ, hộp - ống đựng sắc và các đồ tế khí có giá trị khác… Đặc biệt là 03 sắc triều Nguyễn: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong cho Trần Văn Cảnh là “Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công”. Đây là những cổ vật quý, có giá trị, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính nghệ thuật thẩm mỹ sâu sắc bởi trên đó khắc họa các đề tài truyền thống như “tứ linh, tứ quý” thể hiện trình độ tay nghề của các nghệ nhân xưa cũng như phong cách từng triều đại. Mỗi cổ vật như một tác phẩm nghệ thuật sống động, tô điểm thêm không gian tôn nghiêm của di tích.


















Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây