Khuôn viên nhà ở truyền thống người Nghệ: Những giá trị văn hóa

Thứ hai - 14/08/2023 05:21 0

Mặc dù tuân thủ theo những nguyên tắc bất thành văn, nhưng cấu trúc ngôi nhà truyền thống của người Nghệ được xây dựng tùy thuộc vào từng địa bàn cư trú, vào địa hình, khí hậu, phương thức sản xuất của từng vùng. Do đó có rất nhiều loại, gồm: Nhà tre có 2 kiểu nhà là: nhà cột chôn và nhà cột kê; nhà gỗ có 3 kiểu nhà: nhà kèo, nhà chữ đinh, nhà xóc nách; Nhà ngói (nhà xây tường, khung gỗ, lợp mái) nhà tứ trụ, nhà tiền trụ hậu lẫm, nhà ba lòng, nhà hạ chạn (còn gọi là nhà cánh chạn),…
Tuy nhiên, lựa chọn kiểu nhà còn phụ thuộc nhiều vào khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Vì vậy, nhà ở của người giầu, người nghèo khác nhau nhiều về quy mô, khuôn viên và bố trí đồ đạc trong nhà. Tuy nhiên thường cùng chung một mootip về khuôn viên với gồm có các thành phần sau: nhà chính, nhà phụ, vườn cây, ao cá, chỗ chăn nuôi gia cầm gia súc, sân phơi, hàng rào, cổng,… Người Nghệ bố cục khuôn viên gia đình theo một chuỗi khép kín về dòng năng lượng, về cách thức làm ăn hay về dòng trao đổi vật chất. Nghĩa là họ biết khai thác về mặt sinh thái để ổn định cuộc sống gia đình, hài hòa với môi trường, tạo điều kiện cân bằng để giữ thế ổn định chung. Trong khuôn viên đó, người xưa đã tự tạo cho mình một cuộc sống “tự cung, tự cấp. 


Ảnh nguồn internet
Ngôi nhà chính
Ngôi nhà chính dù là nhà bình dân hay nhà của người giàu có thì đây đều là không gian được dùng vào những việc quan trọng như thờ phụng, tiếp khách, sinh hoạt, ngủ và cất chứa tài sản. Cách bố trí không gian bên trong nhà dù ba, năm hay bảy gian thì dường như đều có chung một sơ đồ là bố trí theo chiều dọc. 
Dù là nhà tre, nhà gỗ hay nhà ngói thì nhà có 3 gian (hay năm gian, bảy gian,….) bao giờ gian giữa cũng là không gian quan trọng nhất, có kích thước rộng hơn, thường được sử dụng làm chỗ thờ cúng tổ tiên, đón khách. Vì là gian quan trọng nhất nên được bài trí hết sức công phu so với các gian bên cạnh. Có nhiều nhà gian chính được trang trí với các mô típ hoa văn trên các cột, vì kèo bằng gỗ hết sức khéo léo và tinh vi, đó là những mảng trạm khắc được thu nhận từ thiên nhiên vào trong ngôi nhà truyền thống. Diện tích của gian giữa cũng được ước lệ làm hai phần: nửa bên phải phía trước đặt bàn ghế (bằng gỗ hoặc bằng tre) có ấm nước, điếu cày,… để tiếp đón khách hoặc để sử dụng hàng ngày; nửa phía sau là bàn thờ có bài trí lư hương, cọc nến, đèn dầu, mâm chè, bầu rượu,… tùy vào điều kiện của từng gia đình mà sắm bài vị chu tất, xung quanh được trang hoàng bằng các hoành phi câu đối. Dù hoàn cảnh của chủ nhà có khiêm nhường thì bàn thờ cũng luôn được đặt vào nơi trang trọng nhất.
Vì gian giữa có vị trí quan trọng gắn liền với trách nhiệm của người đàn ông nên dân gian thường gọi là gian bảy, phụ nữ ít khi được sinh hoạt, bàn luận ở đây. Những nghi thức quan trọng gắn với đời sống tâm linh như cúng giỗ, phúng viếng người thân khi họ qua đời, thắp hương ngày lễ tết… thường được thực hiện ở vị trí trang trọng này. Để tạo ranh giới tượng trưng giữa đời thực của người đang sống với nơi thờ phụng người đã khuất, người ta thường treo một tấm mành, hoặc tấm vải trước bàn thờ. 
Gian trong của ngôi nhà được làm bên gian giữa và ngăn với gian giữa bằng vách nứa hoặc vách gỗ có trổ cửa thông nhau. Diện tích sử dụng gian trong ước lệ được chia đôi, phía trước kê chõng tre dành chỗ nghỉ ngơi cho con cái, nửa phía sau làm chỗ ngủ cho vợ chồng hoặc chỗ đặt sập, chum, vại,… đựng lương thực hoặc cất giữ quần áo. Ngoài ra, không gian phía trên của ngôi nhà thường có chạn lát gỗ hoặc phên nứa làm kho giữ trữ lương thực, đồ dùng,... (kiểu cấu tạo này phổ biến ở những vùng ven sông, biển nơi thường xảy ra lũ lụt và nước dâng cao).
Nhà phụ (hay còn gọi là nhà ngang)
Nhà phụ (nhà ngang) là công trình kiến trúc phụ (mặc dù nhiều khi nhà ngang có kích thước lớn hơn), có phần mái hồi tiếp giáp với hồi nhà lớn, và được đặt vuông góc với nhà lớn, hình chữ L. Không gian phía trong nhà ngang được tận dụng một cách tối đa để sắp xếp các loại đồ dùng, vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Gian bên trái của nhà ngang thường được sử dụng làm nhà bếp và nơi cất, đặt các dụng cụ của nhà bếp như xoong nồi, bát đĩa, chạn bếp, thùng đựng gạo,… Gian giữa của nhà ngang thường sử dụng làm nơi sinh hoạt của người phụ nữ hoặc nơi học tập, nghỉ ngơi của con cái. Gian cuối cùng là nơi chứa các nông phẩm như: lúa, ngô, khoai, đậu,… hoặc sử dụng để làm một số nghề phụ như đan lát, dệt vải,… 
Ngoài ra, ở phía đầu hồi ngôi nhà chính hoặc xung quanh ngôi nhà phụ còn có thêm phần mái (có nơi gọi là chái, hồi nhà) dùng làm nơi chứa các các dụng cụ sản xuất, những đồ đạc lặt vặt khác hoặc dự trữ củi đốt. Phần hồi của ngôi nhà truyền thống của người Nghệ An thường là nơi để cất, đặt các vật dụng, nông cụ phục vụ sản xuất như cối giã gạo, cày, bừa, cuốc,… Vào những ngày mùa màng đó cũng là nơi để ngô, lúa, khoai mới thu hoạch về chưa kịp phơi khô.


Ảnh nguồn internet

Khuôn viên nhà ở
Ngôi nhà truyền thống của người Kinh thường có khuôn viên rộng, tuy nhiên cũng tùy thuộc vào diện tích đất và điều kiện kinh tế của từng gia đình, bao gồm: vườn, sân, hàng rào bao quanh. 
Cách bố trí không gian vườn được sắp xếp: xung quanh vườn trồng các loại tre, hóp, dâm bụt, có nhà xây tường bao quanh… làm hàng rào vừa có tác dụng giới hạn diện tích của gia đình vừa ngăn sự xâm nhập từ bên ngoài. Trong vườn chủ nhà sẽ phân chia từng khu vực để trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm,…
Sân được bố trí phía trước ngôi nhà, trước có cổng và cửa cổng, phổ biến được làm bằng tre (đặc biệt cấm kị việc làm cổng nhà chạy thẳng vào gian giữa nhà, hay còn gọi là gian bảy, vì họ quan niệm làm như thế sẽ khiến gia chủ bại sản, gia đình lục đục), trước sân có bể cạn đựng nước mưa, sau nhà ngang có giếng nước. Riêng các công trình phụ, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng phía sau nhà, hoặc một góc vườn (tuy nhiên cũng có những nơi công trình phụ được xây phía trước, gần cổng ra vào như ở một số xã tại huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc,…).
Nhìn chung, cách bố trí không gian nhà ở dân gian của người Nghệ dù miền xuôi hay miền ngược, dù miền đồng bằng hay miền núi trung du.... đều không cầu kỳ, phức tạp, đảm bảo được sự hợp lý, thoải mái cho con người đồng thời phát huy được nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử với tổ tiên, với những người đã khuất. Tuy nhiên ẩn chứa trong vẻ mộc mạc, giản dị của ngôi nhà là cả những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời, là nơi ghi dấu trong tâm thức con người những kỷ niệm vui buồn, nơi diễn ra quá trình luân hồi sinh - lão - bệnh - tử của một kiếp người. Những ngôi nhà như vậy đã góp phần làm nên nét đặc sắc văn hoá làng xã, tập quán của người Nghệ.
Ngày nay, nhà ở của người Nghệ dù đã có nhiều thay đổi trong lối kiến trúc nhưng khuôn viên của ngôi nhà thì hầu hết người dân vẫn giữ được những nét cổ truyền. Ngoài những vùng thành thị sầm uất, vì đất đai chật hẹp, khan hiếm và đắt đỏ nên khuôn viên ngôi nhà rất hẹp, hầu hết chỉ có khoảng sân nhỏ phía trước, hoặc không có, còn ở những vùng khác, đặc biệt là những vùng đồng bằng, nông thôn, người Nghệ vẫn còn bố trí khuôn viên ngôi nhà như trước đây: Phía trước ngôi nhà là khoảng sân, được lát gạch hoặc tráng xi măng; khu vườn được bố trí phía sau hoặc kế bên ngôi nhà dùng để trồng các loại rau, cây ăn quả phục vụ nhu cầu gia đình; trước đây, hàng rào bao quanh ngôi nhà được làm bằng tre hoặc trồng các loại cây dại được cắt tỉa gọn gàng, nhưng ngay nay hàng rào được xây bằng đá hoặc bằng gạch,… Một số gia đình, đặc biệt phổ biến ở nông thôn vẫn còn duy trì việc xây dựng thêm ngôi nhà ngang cạnh nhà chính, với những công năng giống như ngôi nhà ngang trước đây.
Trải qua nhiều thời gian, nhiều thế kỷ, với bao thăng trầm lịch sử cho đến ngày nay, mặc dù cuộc sống hiện đại khiến cấu trúc ngôi nhà của người Nghệ đã ít nhiều thay đổi, song cốt cách, tinh thần của người Nghệ gửi vào kiến trúc những ngôi nhà truyền thống vẫn không có gì thay đổi, đó là văn hóa quý báu của Nghệ An, là những giọt mật chắt lọc ra từ khối óc thông minh, đôi mắt tinh đời, những bàn tay tài giỏi, khéo léo của nhiều thế hệ truyền lại. Đó cũng chính là tâm hồn, là một góc đi về của mỗi con người, là cội nguồn dân tộc, là sức sống lâu bền mãnh liệt của người xứ Nghệ.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây