Thực trạng và nguyên nhân sạt lở bờ - sông Lam những năm gần đây

Thứ năm - 07/09/2023 05:21 0
Là con sông lớn nhất ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Sông Cả bắt nguồn từ đỉnh núi Pulaileng, cao nguyên xiengkhuang, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Trên lãnh thổ Việt Nam, nó chảy qua địa phận các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương,Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An và các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh trước khi đổ ra Biển Đông. Theo kết quả điều tra của Đoàn quy hoạch NN&TL Nghệ An thì dòng chính của sông Cả có tổng chiều dài 531 km, diện tích lưu vực 27.200 km2. 




(Ảnh tác giả cung cấp: Chụp tại xã Cẩm Sơn - Anh Sơn)

Sông Cả nhập vào Việt nam tại điểm đầu là Bản Keng Đu, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; dọc theo tuyến chảy đã hợp lưu nhiều nhánh sông lớn khác như: Dòng sông Nậm mô; sông Huổi Nguyên; sông Choăng; sông Hiếu; sông La.... Chiều dài dòng chảy chính trên đất Việt Nam là 361 km, diện tích lưu vực thuộc Việt Nam là 17.730 km2; độ dốc trung bình là 18,3%, có hơn 100 ghềnh thác. Tổng lượng nước 21,90 km3, tương đương lưu lượng trung bình năm 688m3/s và modun dòng chảy năm 25,3 l/s.km2. 
Sông Cả hay Ngàn Cả là tên gọi cũ của con sông Lam. Từ “Cả” ở đây có hàm nghĩa là “lớn”, vừa có hàm nghĩa là “mẹ”. Còn các tên: Sông Lam; Thanh Long Giang; Lam Giang ; Lam Thủy thì có lẽ mang hàm nghĩa nhằm diễn tả màu nước trong xanh của sông. Quả thật về mùa kiệt nước sông rất trong, in bóng trời mây tạo nên màu xanh lam. Nhưng mùa lũ, nước sông dâng mạnh, dòng chảy mở rộng và cực xiết gây nên không ít thảm họa. Thực trạng sạt lở bờ sông Lam những năm gần đây đang ở mức báo động.
Điển hình các đoạn sông qua vùng Khe Bố, bề rộng trung bình mùa kiệt  là 150 – 200 m, nhưng mùa lũ có nơi lên đến 2.000 m, lòng sông cắt sâu vào địa hình. Đoạn từ Đô Lương đến Yên Thượng, chiều rộng trung bình mùa kiệt là 200 – 250 m; nhưng mùa lũ bề rộng của sông có nơi từ 2.500 – 4.000 m. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là quy luật biến thiên dòng chảy đã bị xáo trộn do biến đổi khí hậu; dẫn đến việc bố trí lịch sản xuất mùa vụ nông nghiệp gặp khó khăn và có thể bị mất trắng do lũ.
Cửa sông Cả tại vị trí Cửa Hội - huyện Nghi Lộc Nghệ An giáp ranh với huyện Nghi Xuân của Hà Tĩnh có hướng vuông góc với bờ biển, bình quân rộng 1.500 m, lòng sông sâu từ 14 - 30 m. Mùa gió bão, những trận cuồng phong tạo nhiều cơn sóng dữ đập mạnh vào bờ; tuy nhiên, cơ bản tại đây đã được xây dựng những Bức Kè vật lý kiên cố bảo vệ đê và ven bờ có đai rừng ngập mặn, chủ yếu là rừng Đước đã phát huy tác dụng phòng hộ, cắt xé múi sóng ở cả phần mặt và phần chân sóng nhờ vậy giảm đáng kể sức công phá của sóng dữ. 
Tài liệu điều tra của Đoàn quy hoạch NN&TL Nghệ An năm 2020 do Th.s Chu Quang Thành chủ trì cho thấy: Tính đến thời điểm năm 2019 đã xẩy ra sạt lở bờ sông Cả tại 153 vị trí trên địa bàn 68 phường, xã, thị trấn thuộc các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò với tổng chiều dài là 186,489 km. Đã xói lở mất 561 ha đất, ảnh hưởng 249 ngôi nhà của dân, làm hư hỏng 134 công trình hạ tầng.
Mới đây, tháng 8/2023 dọc bờ sông Lam đoạn xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn; đoạn xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn....đã xẩy ra sạt lở nghiêm trọng, làm mất đi hàng chục ha đất, đe dọa hàng trăm ngôi nhà, công trình của người dân và một số đoạn quốc lộ 7A trước nguy cơ bị cuốn trôi. 

 
(Ảnh tác giả cung cấp - chụp tại xã Cẩm Sơn - Anh Sơn)

Kết quả khảo sát của Đoàn QH NN&TL Nghệ An cho thấy: có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến sạt lở bờ sông Lam trên đoạn Nghệ An là:
-Thứ nhất: nhóm nguyên nhân do yếu tố Địa hình, địa chất gồm. Các yếu tố vật liệu bờ, hình thái bờ có tác động lớn đến sự xói mòn đất và sạt lở của bờ sông Lam.
-Thứ hai: nhóm nguyên nhân do các yếu tố khí tượng thủy văn. Nhóm này tác động đến lưu lượng và lưu tốc dòng chảy, tạo sự sai khác về hướng chảy sau hợp lưu, tạo xoáy ngầm và hiện tượng hàm ếch. 
-Thứ ba: là nhóm nguyên nhân do tác động của con người. Thông qua việc đào bới, san lấp để xây dựng các công trình như xây nhà ở, làm đường giao thông, khai thác cát sỏi, xây dựng các thủy điện, khai thác rừng đầu nguồn đến cạn kiệt......
Trong 03 nhóm nguyên nhân nói trên, thì nhóm thứ 3 có tác động tiêu cực lớn nhất. Nó vừa tác động trực tiếp lên bờ sông, vừa tác động gián tiếp lên các yếu tố thuộc hai nhóm kia một cách hữu hình hoặc vô hình; làm thay đổi quy luật dòng chảy và sức công phá của lũ. 
Chuyên gia thủy lợi - Th.s Nguyễn Như Huy nhận định: Thực trạng khai thác rừng ồ ạt, thiếu khoa học, phá rừng đầu nguồn để làm nương rẫy đến cạn kiệt trong mấy thập kỷ trước, đã làm gia tăng biến đổi khí hậu, tăng mức xói mòn, rửa trôi đất, gây hiện tượng bồi lấp cục bộ, phân dòng cực đoan. Một số công trình xây dựng tự phát ven bờ vô tình tạo “Bức Kè” chỉnh trị dòng chảy không hợp lý, gây thiệt hại khi lũ lớn. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở một số nơi gây sụt lún, sạt lở bờ sông Lam.
Thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng Thủy Điện là một nguyên nhân quan trọng gây mất rừng và gây hiện tượng khí hậu cực đoan. Tuy nhiên theo dõi cập nhật diễn biến rừng của lưu vực thủy điện Bản Vẽ(Tương Dương), lưu vực thủy điện Hủa Na(Quế Phong) thấy độ che phủ tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Hệ thống nhà máy Thủy Điện được xây dựng trên lưu vực sông Cả tại Nghệ An hàng năm cung cấp nguồn điện năng rất lớn, góp ích cho công cuộc hiện đại hóa, điện khí hóa đất nước. Đồng thời Hồ thủy điện còn là Hồ thủy lợi điều tiết lũ, chống hạn cho hạ lưu; giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên cho ngành trồng trọt, ngành nước sinh hoạt và nhiều ngành công nghiệp khác./.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây