Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn của Dân tộc Thổ làng Lung

Thứ tư - 03/01/2024 04:21 0
Làng Lung
Nghĩa Đàn là huyện trung du miền núi phía Bắc tỉnh Nghệ An, có tổng dân số hơn 146.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 44.000 người (chiếm 30,13%), riêng dân tộc Thổ có hơn 26.660 người (chiếm 18,21%). Đồng bào dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn sinh sống chủ yếu tại các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Thọ, Nghĩa Mai và Nghĩa Lợi. Riêng làng Lung xã Nghĩa Lợi có 347 hộ, 1448 khẩu trong đó đồng bào Thổ chiếm 98%. 
Làng Lung là tên gọi chung để chỉ 3 xóm của xã Nghĩa Lợi gồm: Lung Thượng, Lung Bình và Lung Hạ; là ngôi làng cổ của đồng bào dân tộc Thổ có tuổi đời hàng trăm năm, giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa. Lung trong trong tiếng Thổ nghĩa là thung lũng, làng có 3 mặt tựa núi, nhiều thung lũng, bình nguyên bằng phẳng, đất đai phì nhiêu màu mỡ, nhiều mạch nước, mó nước, khe suối trong xanh tuôn trào “xưa kia ông bà tổ tiên chọn mảnh đất này để sinh cơ, lập nghiệp cũng vì nằm dưới các dãy núi, nơi có nhiều thung lũng - tiếng Mường gọi là Lung và cả bình nguyên bằng phẳng, đất đai phì nhiêu màu mỡ, nhiều mạch nước, mó nước, khe suối xanh tuôn trào” (trích lời ông Lê Hùng Lâm - cán bộ về hưu sống làng Lung). Nơi đây thời kỳ Pháp thuộc có tên là Mậu Nghĩa, Yên Thọ. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền sáp nhập lại đặt tên là xã Mai Thọ. Làng Lung là trung tâm của xã, cũng là nơi đông dân cư nhất với 63 hộ chia thành 3 xóm: Lung Bình, Lung Thượng, Lung Hạ. Mặc dù gần 100% là đồng bào dân tộc Thổ nhưng làng Lung lại là nơi kết nạp Đảng viên đầu tiên của xã vào năm 1947. Sau đó, cũng chính làng Lung là nơi chứng kiến chi bộ đầu tiên của xã được thành lập. Hợp tác xã Long Bình đóng ở làng Lung cũng là một trong ba hợp tác xã tiên tiến của huyện Nghĩa Đàn thời kỳ đó. Làng Lung nổi tiếng một thời về đội ngũ cán bộ trưởng thành hoạt động trong các lĩnh vực chính trị - xã hội mà không làng xã nào trong huyện Nghĩa Đàn xưa nay có được. Nhiều người con làng Lung từng là Huyện ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn và có đến 3 người là đại biểu Quốc hội gồm các ông: Hoàng Công Tựu (khóa III), Lê Vũ Phong (khóa IV) và Lê Thanh Kỷ (khóa VIII), cho đến bây giờ, chưa bản làng dân tộc thiểu số nào ở miền Tây xứ Nghệ lại có được thành tích này. Làng Lung còn là nơi in dấu cho tình hữu nghị Việt - Lào. Xưa kia đồng bào làng Lung đã nhường nhà để bộ đội Pa Thét Lào ở, đóng đồn trú ẩn trong giai đoạn chống phỉ Vàng Pao và làng vinh dự được đón tiếp cán bộ cấp cao của nước Cộng hòa DCND Lào về thăm.
Làng Lung cũng là ngôi làng cổ của đồng bào người Thổ có quy hoạch độc đáo bậc nhất miền Tây xứ Nghệ. Theo chia sẻ của ông Lê Hùng Lâm - cán bộ về hưu tại làng Lung thì lúc bấy giờ, mặc dù làng Lung luôn đi đầu trong các phong trào của huyện, nhưng người dân lại sinh sống cách nhau bởi các cánh rừng già, đường sá còn ít, chật chội và ngoằn ngoèo. Sự chia cách về không gian gây ra nhiều cản trở, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - văn hóa của người dân. Không bằng lòng với thực tại, năm 1965, chính quyền địa phương đã vận động người dân hiến đất để quy hoạch khu dân cư tập trung về một địa điểm. Hệ thống đường giao thông hình bàn cờ làng Lung có từ đó; mỗi ô bàn cờ lớn có chiều dài 100m và rộng 60m, trong mỗi ô lớn lại có những ô nhỏ dài 50m và rộng 30. Các cụ xưa kia quy hoạch bài bản nên nhà cửa cứ sắp xếp bố trí vào mỗi ô rất ngăn nắp, đường sá đi lại rộng rãi…
Để phát huy giá trị của làng Lung, những năm qua Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Lợi đã tập trung xây dựng làng Lung Thượng thành xóm đồng bào kiểu mẫu. Dọc các tuyến đường, với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, các con đường bê tông rộng 7-8 m đã hình thành. Hai bên đường nhân dân trồng các loại hoa điểm tô thêm nét thanh bình cho làng xóm và làng Lung Thượng luôn giữ vững danh hiệu làng Văn hóa từ năm 2007 đến nay.
Nghệ thuật biểu diễn
Đồng bào Thổ làng Lung, trong quá trình lịch sử hình thành tộc người, cộng cư và tiếp biến văn hóa với cộng đồng người Thái, người Kinh vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc riêng có của mình và trong nét văn hóa đặc sắc riêng có đó phải kể đến nghệ thuật biểu diễn. Nghệ thuật biểu diễn là một yếu tố quan trọng trong đời sống văn hóa của hầu hết các cộng đồng dân tộc thiểu số. Nó vừa là sự thể hiện của đời sống văn hóa tinh thần, vừa liên quan đến đời sống văn hóa sản xuất và văn hóa xã hội. Nghệ thuật biểu diễn gắn với lịch sử phát triển của các cộng đồng qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Và sự thể hiện của nghệ thuật biểu diễn ở các cộng đồng cũng có sự khác nhau. Với người Thổ, cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng, là nơi họ gửi gắm những tâm tư tình cảm, vì vậy cồng chiêng gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của đồng bào Thổ. Mỗi bản nhạc cồng chiêng được đánh lên là biểu hiện cho một sự kiện quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng khác nhau.
Cồng một để báo tin buồn;
Cồng hai săn được con chồn con nai;
Cồng ba mừng thọ mừng làng, mừng mùa lúa mới về nhà thơm ngon;
Cồng tư ba xã sum vầy, cả làng già trẻ, gái trai tưng bừng.
Cồng một dùng trong việc hiếu, tang ma; cồng hai dùng để báo tin cho cả làng trong việc săn bắn được thú rừng, đem về chia đều khẩu phần cho mọi người trong bản. Trong quy mô gia đình, dòng họ liên quan đến vấn đề mừng thọ, mừng mùa lúa mới thì người Thổ sẽ đánh cồng ba; và cuối cùng là “cồng tư, ba xã sum vầy, cả làng, già trẻ gái trai tưng bừng”, tức là cồng tư là nơi hội tụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng bản. 
Tiết mục mời rượu trong ống muồng của đồng bào dân tộc Thổ, làng Lung

Ở làng Lung cứ mỗi tháng một lần, câu lạc bộ cồng chiêng của đồng bào người Thổ lại tổ chức sinh hoạt cồng chiêng, kết hợp với lời ca tiếng hát mượt mà đằm thắm được các bà, các mẹ chắt chiu gìn giữ từ bao thế hệ lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác với những làn điệu dân ca, dân vũ, hát ru, đối đáp, đồng dao,...  Hát ru là một trong những lối hát phổ biến, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ đều hát ru. Hát ru không chỉ đưa bé thơ vào giấc ngủ nồng say mà qua lời ru thiết tha nồng ấm của mẹ cha, ông bà, của chị của anh, giúp trẻ thơ làm quen và đến thế giới tự nhiên với những con vật gần gũi thân quen: Ơ....ớ....ơ.../ Ờ...ơ...là.../ Con cá cụt cụt/ Con cá cụt đuôi.../ Chê con nhái nòng nọc/ Con vó ngựa lòng khòng/ Con ong cận cận/ Khen con ong tần tảo/ Nghe con quạ chồng chiêm/ Nghe con quạ chăm con/ Cõng con bay lên trời/ Nơi con nai xuống dốc/ Phát cái rẫy, cái nương/ Ở bên này đầu truông/ Quả chuối đang chín vàng/ Quả chàng ràng chín đỏ/ Chặt một cành dâu da/ Chặt ba cành lá bứa... Lời ru bên cánh võng gai đưa trẻ thơ vào giấc ngủ nồng say, đưa con trẻ lạc vào thế giới thần tiên với những câu chuyện cổ tích, dựng đất dựng mường: Ngủ cho bố đi ruộng/ Ngủ cho mẹ ra đồng...;  Hát đồng dao cũng được nhiều người nhớ và thuộc, không những thế họ còn là chủ nhân sáng tạo nên những bài hát đồng dao này. Đồng dao không chỉ phổ biến dành cho trẻ em mà thể loại hát này được cả người lớn hát rất say mê:... Muốn uống nước giếng/ Lên ngọn sông đào/ Muốn uống nước rào/ Lên ngọn vông đồng/ Phượng vĩ đỏ bông/ Ve sầu ca hát/ Trèo lên cây quýt/ Bắt con bọ nâu/ Đôi chim chào mào/ Chuyền cành nhảy nhót/ Hoa chuối mật ngọt/ Gọi đàn chim sâu/ Đôi chim bồ câu/ Cù nhau trong ngõ/ Là chậm đó ho. 

Các thành viên CLB nghệ thuật biểu diễn làng Lung

Trong các làn điệu dân ca của người Thổ, loại hình hát đối đáp trở nên phổ biến và bao giờ cũng được hát giữa một người nam với một người nữ hoặc một bên là nam và bên kia là nữ. Họ hát giữa người trong làng với nhau và thường hát giữa người làng Lung Thượng và làng Lung Hạ với nhiều nội dung như: Hát ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước; hát kể công ơn của anh hùng dân tộc, tri ân tổ tiên; hát mời trầu, hát ướm hỏi; hát đố, hát giã cốm; hát thề ước; hát cách xa; hát trách;... diễn tả nhiều cung bậc tình cảm của nam nữ, lứa đôi: Thương nhau không kể xa gần/ Khe sâu cũng lội, thác ghềnh cũng qua./ Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bộn rễ xanh cây hãy về... hay: Chẳng xuống đồng sâu/ Không lên đồng cạn/ Em về rủ bạn/ Ra cánh đồng ngoài/ Đến chỗ cây xoài/ Tìm bông nếp tím/ Đừng ham bông chín/ Chớ chọn bông non/ Đợi đêm trăng tròn/ Rang giòn bỏ cối/ Chày năm chày bốn/ Em giã toang toang/ Tiếng chày vang sang/ Lúng Nghênh, lung ngái/ Tiếng ngàn vọng lại/ Đến tận chín mường/ Trai gái thấu tường/ Rủ nhau tìm bạn/ Trăng lên xế lặn/ Tiếng chày vẫn vang/ Tụp tụp, toàng toàng/ Chày càng rộn nhịp/ Duyên ưa phận đẹp/ Nhớ đến trăng tròn.v.v.
Hát dân ca thường có âm nhạc và nhạc cụ: kèn, đàn bầu, đàn môi, trống cái, trống con, sáo... phụ họa. Hát đối đáp một nam, một nữ họ dùng đàn môi, sáo để trao gửi tình cảm với bạn tình. Hát đối đáp nam nữ tập thể thường sử dụng các loại âm nhạc như trống và chiêng. Dàn trống chiêng gồm có 1 trống cái và 2 - 3 chiếc cồng/chiêng, do 1 người diễn tấu bằng 2 tay, đánh theo nhịp. Cùng với trống cái, trống con làm bằng chất liệu da, người Thổ còn có nhạc cụ trống đất. Làm trống đất bằng cách khoét một lỗ tròn vừa phải xuống đất, miệng nhỏ và phía dưới rộng hơn, sâu chừng 30 - 40cm, đường kính tùy ý. Lấy mo cau hoặc bẹ tre, luồng đậy kín mặt lỗ, ghim chặt, dựng một đoạn dây rừng căng vuông góc từ mặt mo kéo lên trên, hai đầu ghim chặt, lỗ này cách lỗ bên khoảng 0,5 - 1m, lấy 2 que cây dài khoảng 30 - 45cm, chống dây lên cho căng. Mỗi đầu đoạn cây tiếp xúc với điểm phá ngoài lỗ, dùng thanh tre và gõ vào khoảng giữa của dây sẽ phát ra âm thanh trầm đục theo nhịp nhanh hay chậm tùy thuộc vào người gõ trống. Trống đất được sử dụng trong ngày hội, hát đối đáp nam nữ, loại trống này cũng thường được trẻ chăn trâu, chăn bò tự chế tác và hát với nhau những bài hát đồng dao ngoài rừng, bên suối. Ngoài những nhạc cụ trên, người Thổ còn có đàn tính tang. Đàn tính tang làm bằng một ống tre có 2 dây bằng cật tre căng ngang, khi sử dụng dùng một hoặc hai thanh tre gõ lên những dây này tạo nên những âm thanh đệm cho sinh hoạt văn nghệ dân gian và được mọi người sử dụng thành thạo. Cùng với nhạc cụ bằng tre, người Thổ còn dùng các ống nứa khô, một tay cầm ống nứa, một tay cầm que gõ theo nhịp, tạo nên những âm thanh rất đặc trưng của núi rừng như tiếng thác reo, suối chảy, tiếng lá khô xào xạc, vượn hót, chim kêu…
Xung quanh diễn xướng cồng chiêng người Thổ nơi đây còn phát triển thêm các điệu múa phụ họa gắn với huyền thoại, truyền thuyết, truyện kể, truyện thơ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ... tái hiện, mô tả lại những hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân như giã gạo, cày cấy, gặt trỉa trên nương, gắn với các trò chơi dân gian như nhảy sạp, ném còn, tập tính tập tang, đu đu điềng điềng.v.v. 
Trong diễn xướng cồng chiêng người Thổ, không thể thiếu kèn xô na. Kèn xô na là một bộ phận cấu thành linh hồn dẫn dắt nhịp điệu cồng chiêng. Tất cả cồng chiêng, đặc biệt là cồng ba, cồng tư đều không thể thiếu kèn xô na, nếu cồng chiêng của người Thổ không còn kèn xô na thì cũng như cồng chiêng người Thái, chính kèn xô na là yếu tố linh hồn, một bộ phận không thể tách rời trong văn hóa cồng chiêng của người Thổ. Kèn xô na dài chừng 25 cm, gồm ba bộ phận chính, có thể tháo rời, ấy là miệng kèn, thân kèn và loa kèn. Một chi tiết rất quan trọng của miệng kèn và cả chiếc kèn, đó là lưỡi dăm. Có thể nói lưỡi dăm chính là hồn vía của cây kèn, chỉ nhỏ ước chừng cỡ ba hạt lúa xếp dọc, nhưng thiếu nó hoặc làm không đúng kỹ thuật thì cây kèn dù có đẹp mấy, người thổi có dài hơi đến mấy, kèn cũng không “kêu” lên được. Phần giữa của chiếc kèn là thân kèn, thân kèn được làm bằng gỗ khoét rỗng, đường kính chỗ to nhất của thân kèn khoảng 3cm. Trên thân kèn nhất thiết phải có 7 lỗ để luyến láy thanh âm, khoảng cách giữa các lỗ phải tuân thủ những bí kíp gia truyền, có thế kèn thổi lên mới đúng “tông” trầm bổng. Phần cuối của chiếc kèn là loa kèn, loa kèn được làm bằng gỗ hoặc đồng đường kính khoảng 10 cm.
Ông Lương Bá Viện - Phó GĐ Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thông huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: “chúng tôi sống trong lòng người Thổ thì chúng tôi còn phân biệt được người Thổ canh tác ở khu vực bằng phẳng bên hai bờ sông Hiếu thì phần lớn tiếng kèn nó êm dịu, đi vào lòng người và tiết tấu giai điệu mềm mại hơn; còn vùng làng Lung canh tác nông nghiệp khô trên nương rẫy thì giai điệu, tiết tấu nó nhanh hơn, nó mời gọi, thôi thúc hơn… Và không gian lao động nào nó quy định tiết tấu đó; cho nên chúng ta thấy rằng chiếc kèn xô na cũng là một bộ phận cấu thành trong âm nhạc người Thổ để cùng với cồng chiêng, cứ một không gian khác nhau thì âm vang cồng chiêng, xô na lại có những âm thanh, tiết tấu khác nhau”. Có thể nói diễn xướng cồng chiêng và kèn xô na góp phần làm nên nét đặc trưng riêng trong văn hóa người Thổ nơi đây.
Trong quá trình giao lưu văn hóa, người Thổ vừa biết tiếp nhận những giá trị văn hóa của người người Kinh, người Thái, đồng thời họ vừa sáng tạo, bảo lưu và phát huy được nhiều giá trị văn hóa cổ truyền mà trong đó  nghệ thuật biểu diễn dân ca như một giá trị truyền khẩu đặc sắc, góp phần làm nên sắc thái văn hóa riêng của mình trong bức tranh văn hóa đồng bào Thổ đặc sắc, đa sắc màu miền Tây xứ Nghệ.
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn dân tộc Thổ làng Lung
Nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong đó có nghệ thuật biểu diễn, trong những năm qua, các cấp chính quyền huyện Nghĩa Đàn đã ban hành nhiều chủ trương, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa cho đồng bào Thổ. 
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 40 câu lạc bộ biểu diễn cồng chiêng cấp xã và 6 câu lạc bộ cồng chiêng cấp huyện. Câu lạc bộ có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, dân tộc, biểu diễn các tác phẩm dân ca dân tộc Thổ, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc; Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân, hạn chế tình trạng mai một, mất bản sắc văn hóa đẩy mạnh phong trào hát dân ca, diễn xướng cồng chiêng, trong các tầng lớp nhân dân; Trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp nối những giá trị truyền thống của dân tộc bằng các hình thức: mỗi tháng một lần câu lạc bộ văn hóa dân gian làng Lung đều tổ chức sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tại đây các bạn trẻ được tham gia, giới thiệu về nguồn gốc làng bản, được các nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng, dạy nghệ thuật biểu diễn hát múa các làn điệu dân ca Thổ của dân tộc mình. Qua đó giúp các em hiểu và cảm thấy tự hào hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình; ý thức hơn trong việc gìn giữ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Ngày nay, trước sự biến đổi xã hội và tác động của kinh tế thị trường, nghệ thuật biểu diễn của dân tộc Thổ đang đối diện với nhiều thách thức to lớn. Nền tảng xã hội truyền thống đã thay đổi nên môi trường cho thực hành nghệ thuật biểu diễn cũng thay đổi theo. Vậy nên, thực hành nghệ thuật biểu diễn hiện tại chủ yếu là người già, còn giới trẻ đang không mặn mà với những yếu tố văn hóa truyền thống này. Nhiều người đang hi vọng vào sự phát triển du lịch sẽ tạo ra những cơ hội để bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn của người Thổ tại làng Lung. Nhưng để làm được điều đó thì cần phải có sự nhận thức đúng đắn cũng như các mô hình phát triển phù hợp. Một khi nghệ thuật biểu diễn được bảo tồn và phát huy thì nó cũng trở thành một nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Đó cũng là mong muốn của người dân và chính quyền địa phương nơi đây. 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây