Thép đã tôi trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Thứ tư - 04/10/2023 05:21 0

Đại tướng là người nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đầu tiên trong QĐND, người Đảng viên kết nạp trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).
Đại tướng Chu Văn Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913 tại xã Yên Lưu tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên nay là xã Hưng Hoà, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Quê ông những năm cuối thập kỷ 20 nửa cuối thế kỷ trước là một vùng đồng chua, nước mặn, địa hình bị chia cắt bởi hói đồng, kênh rạch, đường sá đi lại khó khăn, Ruộng đất ba phần nằm trong tay địa chủ, nhân dân chủ yếu đi làm thuê, đời sống cay cực vì lao dịch nặng nề, thuế sưu chồng chất, trai tráng trong làng phần lớn không biết chữ. Hàng trăm người phải vào làm thuê trong các nhà máy ở Vinh. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, ở làng họ bị địa chủ ức hiếp bóc lột không còn đường sống, vào nhà máy họ lại bị bọn chủ cúp lương, hành hạ đủ kiểu. Tức nước vỡ bờ! ý chí phản kháng  của họ ngày càng như nước triều dâng. Vì thế, những người Cộng sản thế hệ tiền bối Tân Việt, Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đã chọn Yên Lưu làm nơi xây dựng cơ sở. Không phải ngẫu nhiên mà Chi bộ cộng sản “ Đông Dương cộng sản Đảng vùng nông thôn Đông Bắc Vinh - Bến Thuỷ” gọi tắt là “Chi bộ Lộc Đa, Yên Dũng, Đức Thịnh” -  một trong năm chi bộ cộng sản đầu tiên của Nghệ An và cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên duy nhất ở Hưng Nguyên lại ra đời từ đây. Trong hào khí cách mạng đó, trong âm vang những bài ca cách mạng  “Bài ca dân cày”, “Nhen lửa”, “Đánh đuổi dế quốc sài lang”, “Ủng hộ Nga Xô Viết”… Anh thanh niên Chu Huy Văn Điều và nhóm trai làng đi làm phu khuôn vác ở các nhà máy ở Vinh, Bến Thuỷ càng thấy náo nức trong lòng, khát  khao được góp sức trai đánh đổ thực dân phong kiến theo con đường Nga - Xô Viết.
Yên Lưu quê ông có ruộng lúa xen cây lác, cói, nước lợ nên theo tuần trăng mỗi tháng hai lần vào giữa và cuối tháng thuỷ triều dâng cao, con Rươi dưới đất chui lên, nhân dân mang theo rổ, rá, cuốc đi bắt rươi đông vui như hội. Vì thế, khi được Bí thư Chi bộ Hoàng Trọng Trì giao nhiệm vụ  đi vận động nhân dân tổ chức một cuộc mít tinh, tuần hành, Chu Văn Điều đã chọn đêm Rươi lên để che mắt địch. Đêm 29 rạng 30 - 10 - 1929 (ÂL), chưa đến giờ Ngọ nhưng dân làng Yên Lưu đã “đi bắt Rươi”. Chỉ có khác những lần đi bắt Rươi trước lần này theo sự chỉ dẫn của Chu Văn Điều dân làng tụ tập về Chùa Phu để nghe diễn thuyết về cách mạng. Sau đó dân làng chia làm hai đoàn, một đoàn do Chu Văn Điều chỉ huy kéo về làng Yên Ấp (làng Mốc), một đoàn do Chu Văn Mười chỉ huy kéo về Yên Lạc (xóm Giếng). Vừa đi đoàn người vừa hô vang những câu khẩu hiệu “Đánh duổi đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”, “Thực hành thổ địa cách mạng”, “Ủng hộ Nga- Xô Viết”, “Công nông kết đoàn giành lợi quyền” …
Phiên chợ Trụ sáng hôm sau mọi người hả hê bàn tán sôi nổi về cuộc mít tinh đêm qua. Bọn hào lý đã lo sợ lại càng thêm lo sợ.
Được đồng chí Hoàng Trọng Trì dẫn dắt, Chu Văn Điều tập hợp số bạn cùng trang lứa vào “Hội trai làng”. Hội Trai làng ngày vào Vinh, Bến Thuỷ làm thuê chắp nối liên lạc, mang tài liệu truyền đơn đi phân phát cho các nhà máy Diêm, nhà máy xe Lửa và các xã phụ cận, đêm ngấm ngầm sửa soạn gậy, gộc, giáo, mác để bảo vệ quần chúng đấu tranh với hào lý địa phương. Thắng lợi của cuộc mít tinh, tuần hành đêm bắt Rươi của Yên Lưu đã cổ vũ cho phong trào quần chúng ở Hưng Nguyên. Sau đêm đó, có đêm nhiều xã ở Hưng Nguyên đã nổ ra mít tinh, tuần hành. Tri phủ Hưng Nguyên vô cùng hoảng loạn, hào lý các địa phương phải khép mình nhượng bộ. Ngày 19/4/1930, hơn 400 công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ đứng lên đòi  tăng lương, bớt giờ làm, không được đánh đập, nhục mạ công nhân. Trong vai phu khuôn vác Chu Văn Điều và các bạn trong  Hội trai làng Yên Lưu đã có mặt trong đội ngũ.

Đại tướng Chu Huy Mân, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, thăm và làm việc tại Cộng hòa dân chủ Đức, tháng 6-1983; Ảnh nguồn http://baoquankhu4.com.vn/
 
  Theo sự chỉ đạo của tổ chức Đảng ở Yên Lưu, Chu Văn Điều và các bạn trong Hội trai làng đã vận động nhân dân Yên Lưu tham gia cuộc mít tinh nhân ngày Quốc tế Lao động của công nhân Vinh - Bến Thuỷ. 4 giờ sáng ngày 1/5/1930, hàng trăm người dân Yên Lưu đã có mặt ở Km4 đường Vinh - Cửa Hội để kéo về Vinh. Tri phủ Hưng Nguyên, chánh tổng  Yên Trường đã trực tiếp chỉ huy lính xả sung điên cuồng vào đoàn biểu tình tay không, hàng chục người đã ngã xuống. Lo cấp cứu người bị thương, lo chôn cất người chết, lần đầu tiên trong đời cách mạng máu đào của nhân dân, của đồng chí, đồng đội thấm đỏ người Chu Văn Điều.
Ngày 10/9/1930, chi bộ Yên Lưu đã kết nạp Chu Văn Điều vào Đảng. Khi giơ tay lên thề trước cờ Đảng tự nhiên Ông oà khóc nức nở. Sau này ông tâm sự: khi nhìn màu đỏ lá cờ, ông nhớ đến những dòng máu đào mà nhân dân quê ông đã đổ xuống trong ngày 1/5/1930. Món nợ này mình phải trả sao đây?
Nhiệm vụ đầu tiên mà chi bộ giao cho Chu Văn Điều là tổ chức cho nhân dân Yên Lưu tham gia cuộc mít tinh của nhân dân cả huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930. Dẫu còn rất trẻ (chưa đầy 18 tuổi) nhưng qua các lần thử thách, Chu Văn Điều đã được nhân dân Yên Lưu tin cậy. Vì thế khi Ông và các bạn trong Hội Trai làng: Trần Huy Trí, Trần Huyên, Trần Lữ, Dương Cu, Đinh Chu … đến vận động, mọi người đều hăng hái tham gia. 4 giờ sáng ngày 12/9/1930 tiếng trống, tiếng mõ tiếng tù và vang dậy đất Yên Lưu. Hơn 500 người dân ca già, trẻ, trai gái đã có mặt ở dăm Mụ Nuôi (Yên Dũng) để kéo về Bến Thuỷ. Kẻ thù đã dùng cả máy bay ném bom xả súng đàn áp giã man cuộc biểu tình này. Hàng  chục người  đã ngã xuống. Để ổn định tình hình tư tưởng, ngay chiều đó theo sự phân công của chi bộ, Chu Văn Điều đã tập hợp quần chúng trong xã về đền Quan Thánh để phát động căm thù, động viên mọi người kéo về Đền Cả để làm lễ truy điệu đồng chí, đồng bào Hưng Nguyên đã hy sinh sáng nay.
Từ trong máu lửa, các Xô viết công nông ra đời. Nông hội Đỏ Yên Lưu đã bầu ông Trần Tích làm xã bộ, Chu Văn Điều và Trần Vương làm chỉ huy Xích vệ (Tự vệ đỏ). Để củng cố lòng tin của quần chúng, Tự vệ đỏ Yên Lưu do Chu Văn Điều chỉ huy đã tổ chức bao vây nhà phó đoan Đinh Toàn, lý trưởng Đinh Tuyền, bắt chúng phải tự bãi chức, nạp sổ sách, triện đồng lại cho Nông hội. Đập nát nhà địa chủ cường hào Võ Quý Sơ, bắt Võ Quý Sơ và thầy kiện gian manh Hồ Huyên ra đình làng để nhân dân đấu tố, hỏi tội. Cuối năm 1930, chính quyền cũ ở Yên Lưu hoàn toàn tan rã. Chính quyền Xô viết Công nông đầu tiên trong lịch sử được thành lập. Lực lượng Tự vệ đỏ  do Chu Văn Điều chỉ huy, đã có quân số  trên 50 cán binh thay nhau chốt chặn các ngả đường vào làng để thị uy và giữ vững trị an làng xóm.
Trước sự lớn mạnh của phong trào Xô - viết Nghệ An, thực dân Pháp đã huy động lực lượng ở các tỉnh khác về đàn áp dữ dội. Chúng thiết lập chế độ Bang tá ở các cấp xã, tổng, phủ, tỉnh. Bang tá có quyền bắt tra xét, đánh, giết những ai nghi là Cộng sản, hàng loạt đảng viên bị bắt, bị giết giã man. Nhiều tổ chức bị vỡ. Chi bộ Yên Lưu, chính quyền Xô viết Yên Lưu cũng bị dìm trong biển máu. Các đồng chí Dương Cu, Trần Huy Trí, Trần Tĩnh bị bắt đi đày ở Buôn Mê Thuột.

Đồng chí Chu Huy Mân Chính ủy Quân khu 4 (người đầu tiên bên trái) trong dịp đón Bác về thăm Liên khu 4 -1961); Ảnh tác giả cung cấp
 
  Tháng 6/1931, bang tá Võ Quý Công bày trò “quy thuận”, chúng bắt một lúc hơn 50 người trong đó có Chu Văn Điều đến bắt kí vào giấy cam kết “quy thuận”. Ai không kí, chúng treo ngược lên xà nhà cho lính thay nhau đánh đập, nhiều người không chịu nổi đòn tra tấn phải kí vào giấy. Sau hai ngày đánh đập giã man, chúng vẫn không làm sao “quy thuận” được Chu Huy Mân. Sự kiên trung của Chu Văn Điều đã khích lệ động viên mọi người kiên nhẫn vượt qua thử thách.
Trước sư truy lùng ráo riết của kẻ thù, tháng 7/1931 Chu Văn Điều nhận nhiệm vụ đón hai đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ Trung kỳ là Nguyễn Lợi (Quyết), Chu Văn Biên và cơ quan ấn loát của Xứ uỷ về Yên Lưu. Bằng sự khôn khéo thay đổi địa điểm lúc ở Chùa Mốc, lúc ở Long triều, lúc ở đền Quán Thánh …lấy dân làm tường thành bảo vệ, tiếp tế, giữa lòng địch các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ vẫn an toàn. Hàng loạt tài liệu, truyền đơn của Đảng vẫn được in từ đây để gửi đến các địa Phương củng cố Đảng, củng cố lòng tin nhân dân. Là Đảng viên chưa bị lộ bám trụ lại với quê hương, cuối năm 1932, Chu Văn Điều đã phục hồi được chi bộ Đảng Yên Lưu. Đại hội chi bộ tháng 11/1932, đồng chí được bầu làm Bí thư  kiêm chỉ huy trưởng Tự vệ đỏ. Trước sự trả thù quyết liệt của kẻ thù, với chủ trương “đơn tuyến, đồng lòng”, Bí thư chi bộ Yên Lưu Chu Văn Điều đã vừa bảo toàn đựơc lực lượng vừa phát triển thêm đảng viên mới, nắm dân, giữ vững liên lạc với phủ uỷ Hưng Nguyên. Nhờ thế, phong trào ở Yên Lưu bên ngoài thì “tạm  lắng” bên trong thì “sục sôi”.
 Bước sang năm 1933, tình hình có nhiều chuyển biến thuận lợi, nhiều đồng chí qua ba năm giam cầm đã được trả tự do. Chớp thời cơ, Bí thư Chu Văn Điều đề ra chủ trương: chuyển phương thức đấu tranh từ bí mật sang bán công khai, bán hợp pháp, đấu tranh đòi lại ruộng đất tu lý (ruộng đất của dân hào lý tạm tịch thu vì thiếu sưu thuế), giảm các khoản thuế khoá vô lý. Đảng viên trẻ Trần Lữ gan dạ, lý luận sắc sảo, biết chữ được chi bộ cử làm trưởng ban dấu tranh hợp pháp. Biện pháp đấu tranh của chi bộ khá linh hoạt, khi thì tụ tập dân lại vây nhà địa chủ, hào lý khi thì gửi đơn kiện lên Chánh Tổng, Tri phủ tỉnh thậm chí cả triều đình Huế. Vừa công khai đấu tranh, Tự vệ Đỏ còn tìm các cơ hội khống chế, đe doạ bọn cường hào gian ác. Chi bộ còn cử người chưa bị lộ ra tranh chức lý trưởng. Nhờ thế phong trào ở Yên Lưu lại lên.
Tháng 10/1935, Bí thư chi bộ Yên Lưu, Chu Văn Điều được Tỉnh uỷ mời về báo cáo kinh nghiệm vận động quần chúng đấu tranh hợp pháp, tại hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng ở Kỳ Trân (Nghi Lộc) .Những bài học bám dân, bám cốt cán trong thanh niên để xây dựng Đảng của Chi bộ Yên Lưu đã được Tỉnh uỷ nhân rộng trong toàn tỉnh.
Sau khi Mặt trận bình dân Pháp giành thắng lợi ở Pari, ngày 29/9/1936, Tỉnh uỷ Nghệ An mở hội nghị “Đông Dương Đại Hội” tại Quảng Trí (Vinh). Chu Văn Điều là đại biểu chính thức. Sau Đại hội Ông được Thường vụ Tỉnh uỷ giao hai nhiệm vụ: Một là tổ chức vận động đông đảo nhân dân Yên Lưu, Yên Dũng, Lộc đa đi đón Gô – đa (một phái viên của Mặt trận bình dân Pháp sang thị sát tình hình ở Việt Nam). Hai là chắp nối liên lạc để Tỉnh uỷ phục hồi lại các chi bộ Đảng trong nhà máy Xe lửa Trường Thi và nhà máy Diêm (Vinh). Bằng sự khéo léo và tín nhiệm của mình, chi bô Yên Lưu đã vận động được hàng ngàn người dân Yên Lưu, Yên Dũng, Lộc Đa kéo về Vinh đón Gô – loa. Nhờ lực lượng này áp đảo mà bọn chủ các nhà máy phải mở cửa để công nhân tiếp xúc với Gô- loa vạch trần bộ mặt thật của bọn thực dân phong kiến đàn áp, bóc lột,  nhục mạ công nhân. Cũng thông qua mít tinh đón Gô- loa, Chu Văn Điều chắp nối liên lạc được với một số nòng cốt công nhân trong hai nhà máy, chuyển tài liệu, báo Đảng, truyền đơn, Nghị quyết của Tỉnh uỷ vào, phát triển thêm Đảng viên mới. Nhờ thế đầu năm 1937, chi bộ Đảng ở hai nhà máy Xe lửa Trường Thi và nhà máy Diêm đựơc phục hồi.
Tranh thủ sự ảnh hưởng của mặt trận bình dân Pháp, Bí thư chi bộ Yên Lưu Chu Văn Điều đã tổ chức công khai ra mắt các phường hội, mỗi phường hội thường có 1- 2  Đảng viên sinh hoạt. nổi bật nhất là Hội Bình dân chợ Trụ, đã thu hút được chị em phu nữ tiểu thương ở Vinh, Bến Thuỷ, Nghi Lộc, Nghi Xuân tham gia rất đông. Dẫu rất khéo léo ngụy trang bí mật nhưng Chu Văn Điều vẫn bị lọt vào tầm ngắm của mật thám Pháp. Tháng 2/1937, Khi Ông đang tổ chức cho một tốp thanh niên Yên Lưu sang đá bóng ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thì bọn hương kiểm cho lính ập đến bắt giải về phủ Hưng Nguyên. Do khéo léo trong đấu tranh nên chỉ sau một tuần giam giữ, đánh đập chúng phải thả Chu Huy Mân.
Tháng 7 /1937, trước tình hình khủng bổ trắng của kẻ thù ngày càng quyết liệt để bảo toàn nòng cốt, theo sự chỉ đạo của Phủ uỷ Hưng Nguyên. Chu Văn Điều tạm lánh sang Nghi Xuân với danh nghĩa đi dạy học cho hai con của Điều chủ tiến bộ Dương Thông. Những người dân chài ở hai bên bờ sông Lam đã trở thành chiến sỹ giao thông chuyển tin tức từ Yên Lưu sang cho ông và chuyển ý kiến chỉ đạo của ông về cho các đồng chí mình. Thời gian lưu lại gia đình Điều chủ Dương Thông, tuy không dài nhưng Chu Văn Điều đã giác ngộ được nhiểu thanh niên tiến bộ ở Nghi Xuân. Một trong những hạt giống đỏ đó là Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh (Phó Chủ tịch uỷ ban kháng chiến Nghi Xuân 1945- 1946). Chưa được vài tháng tri phủ Hưng Nguyên lại cho lính sang Nghi Xuân vây bắt giải Chu Văn Điều về phủ, không đủ chứng cứ chúng lại phải đưa Ông về Yên Lưu quản thúc.
Ngày 4/10/1938, đúng phiên Chợ Trụ, khi nhân dân đến chợ đã đông tri phủ Hưng Nguyên và đề lại, lãnh binh kéo hơn 20 quân lính Xanh đến lùng bắt Cộng sản, ngang nhiên đánh đập nhiều người trọng thương. Chu Văn Điều bình tĩnh bố trí cho Tự vệ đỏ chốt chặn các cửa chợ rồi xông vào. Thấy ông đến chúng xông vào đánh tới tấp, Chu Văn Điều nhìn thẳng vào mặt tri phủ thét lớn:
- Muốn đánh thì cứ đánh nhưng sau phải để tôi nói. 
Chúng đánh ông một lúc thì Tri phủ bảo dừng tay để ông nói. Bằng lý lẽ xác đáng, ví dụ cụ thể Chu Văn Điều vạch trần bộ mặt hào lý Yên Lưu, Yên Dũng, Lộc Đa. Bọn hào lý đến một lúc một đông, cuộc cãi vã lúc đầu chỉ một bên là Ông và một bên là tri phủ sau đó một bên là hàng chục, hàng trăm người dân, một bên là tri phủ và hào lý địa phương. Thấy vòng vây dân chúng khép chặt dần, tri phủ Hưng Nguyên vội đánh bài chuồn để lại bọn hào lý ngơ ngác cho dân mắng chửi. Phát huy thắng lợi này, Chu Văn Điều quyết định vân động nhân dân đấu tranh đòi chia lại ruộng tu lý. Khi bọn hào lý cho dân đến thu hoạch nhân dân ùa đến ra yêu sách: người làm ( hào lý) chỉ đựơc một phần còn hai phần phải trả lại cho dân để cứu đói. Bọn hào lý huy động tay chân mang gậy gộc đến cũng là lúc lực lượng Tự vệ Đỏ xuất hiện, trong tay cũng lăm lăm đao, kiếm, gậy gộc. Thế cùng bọn hào lý chịu thua. Nhờ thắng lợi này mà hàng chục hộ dân thoát qua trận đói năm đó. 
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Chính quyền của Mặt trận bình dân Pháp đổ, Đa-le-di-ê lên nắm quyền thẳng tay đàn áp cách mạng Đông Dương. Ở điểm Đỏ Hưng Nguyên chúng bất chấp luật lệ, nghi ngờ ai là bắt khảo tra, ép cung, bí mật thủ tiêu. Ngày 10/9/1939 Chu Văn Điều bị bắt lên nhà lao Vinh, lại bị những trận đòn tới tấp nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng, đấu lý với bọn cai ngục là mình bi bắt oan. Sau 20 ngày giam giữ, đánh đập, khảo tra chúng lại thả Ông về Yên Lưu. Biết chúng đang biến mình thành mồi nhử để “cất vó”, Chu Văn Điều cẩn thận hơn trong công việc vì thế tổ chức Đảng ở Yên Lưu vẫn được bảo tồn. Mặc dầu mật vụ bí mật vây quanh nhưng không tìm ra được sơ hở nào của Chu Huy Mân, ngày 5/3/1940 (âl) chúng bí mật bắt Chu Văn Điều về nhà lao Vinh rồi bí mật chuyển Ông về nhà tù Đak lay (Kon Tum).
Trong nhà tù, Chu Văn Điều và các đồng chí của mình đã biến nhà tù thành trường học. Roi vọt của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của các ông mà ngược lại càng tôi luyện các ông trở thành những người Cán bộ Cách mạng kiên trung. Mùa xuân năm 1943, được sự bố trí của tổ chức, Chu Văn Điều và một số đồng chí ở Quảng Nam tổ chức vượt ngục thành công. Không thể trở lại quê hương, Chu Văn Điều đổi tên là Chu Huy Mân sát cánh cùng các đồng chí ở Quảng Nam xây dựng lực lượng, phát động quần chúng. Ông được bầu vào Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam và là một trong 4 cán bộ chủ chốt của Quảng Nam lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lại chính quyền về tay nhân dân ngày 24/8/1945.
Cách mạng tháng tám thành công, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã bầu đồng chí Chu Huy Mân làm Phó bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chính trị uỷ viên Tỉnh đội Quảng Nam.
Giữa tháng 9/1945 đồng chí Chu Văn Mân được Đảng giao nhiệm vụ làm Chủ tịch uỷ ban kháng chiến khu C (bốn tỉnh Bắc Trung Bộ Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) kiêm Chính trị uỷ viên Mặt trận đường 9- Xa vặn- nạ khệt. Ngày 15 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập các Chiến khu trong cả nuớc giải tán các Uỷ ban kháng chiến khu, Chu Văn Điều được điều động về Bộ Tư lệnh Chiến khu 4.




Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây