Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch

Thứ ba - 15/08/2023 05:21 0
  Thuở nhỏ Bùi Dương Lịch học với cha ở nhà và luôn thể hiện là người sáng dạ học đến đâu thấu hiểu đến đó. Năm 1774 mới 17 tuổi ông đậu hương cống  rồi ra Thăng Long vừa dạy học, vừa luyện văn ở trường Quốc Tử giám và không lâu trở thành  người hay chữ ở chốn Kinh kỳ. Sau đó hai năm được bổ làm Huấn đạo phủ Lý Nhân nhưng vì có tang cha nên ông xin không nhận chức.
Những năm sau đó  tình hình chính trị ở Đàng ngoài có nhiều biến động. Sau nạn kiêu binh (1782) rồi đến năm 1786 quân Tây Sơn kéo ra tiêu diệt phe chúa Trịnh. Đến khi quân Tây Sơn rút về Nam, triều đình nhà Hậu Lê bèn xuống chiếu cầu người tài giỏi, Bùi Dương Lịch nhân đó được tiến cử và được vua Lê Chiêu Thống cho làm Nội hàn viện cung phụng sứ ngoại lang (đây là một chức quan nhỏ ở gần vua, để vua tiện hỏi han,trao đổi). Ngoài ra, ông còn có thêm  nhiệm vụ đến nhà riêng của Điền quận công Lê Duy Lựu (em ruột vua) để giảng giải kinh sách. 

 
Nhà thờ Hoàng giáp Bùi Dương Lịch được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1998

Tháng 7 năm 1787, ông đậu Hoàng giáp nhưng chưa được nhận quan chức gì thì tháng 10 năm 1788, Lê Chiêu Thống rước quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy sang xâm lược nước ta và tết Kỷ Dậu (1789) vua Tây Sơn là Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà đánh tan đạo quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống cũng chạy sang Trung Quốc. Bùi Dương Lịch đưa mẹ về ẩn náu tại quê nhà. Năm 1780 ông được vua Quang Trung gọi vào Phú Xuân nhưng ông đã lấy cớ phải nuôi mẹ già để từ chối .Tuy nhiên đến năm 1791 lại một lần nữa vua Quang Trung mời ông ra giúp việc biên soạn và dịch thuật ở viện Sùng Chính dưới sự điều hành của Viện trưởng  La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và ông đã làm việc tại đây một thời gian.
Công việc đang tiến hành thuận lợi thì đến tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung mất và đến năm 1802 thì triều Tây Sơn kết thúc. Vua Gia Long lên ngôi lại cho người mời ông ra làm việc. Khẩn khoản chối từ không được năm 1805 ông phải nhận chức Đốc học Nghệ An rồi đến năm 1812 lại được điều làm Phó Đốc học Quốc Tử giảm. Nhưng cũng chỉ được hơn một năm đến năm 1813 ông lại xin về sống với nghề dạy học và soạn sách. Ông mất tại quê nhà năm Mậu Tý (1828) hưởng thọ 71 tuổi.
Bùi Dương Lịch là một nhà giáo và là một danh sĩ trải qua ba triều đại khác nhau. Tuy nhiên vốn xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo lại chịu ơn sâu của nhà Hậu Lê (có lúc ông đã được Lê Chiêu Thống hứa gả công chúa cho), ôm ấp tư tưởng Nho giáo nên không ưa nhà Tây  Sơn cũng như nhà Nguyễn, muốn giữ tấm lòng cô trung với triều đại Hậu Lê. Tuy nhiên vì hoàn cảnh ông phải làm quan cho hai triều đại sau khiến ông mang tiếng là người: ”thay thầy đổi chủ”.   Nhưng điều để lại cho đời sau là những tác phẩm của ông. Ông đã biên soạn khá nhiều sách, sau đây là một số cuốn mà những người viết tiểu sử ông hay nhắc đến:
* Bùi gia huấn hài: (Sách dạy trẻ của nhà họ Bùi) gồm 2000 câu, mỗi câu 4 chữ. Đây là những trích lục cách ngôn Khổng giáo và kiến thức đương thời dùng để dạy học trò.
* Yên Hội thôn chỉ: là địa phương chí làng quê của tác giả nhiều tư liệu về địa giới, nhân vật, sản vật, nghề nghiệp, đền chùa, phú dịch, tục  lệ,.. phần cuối có phụ lục: “Bùi gia phả” là phả dòng họ tác giả.
*. Ốc lậu thoại: Tập thơ văn hơn 50 bài, phần lớn là các bài đề vịnh phong cảnh thiên nhiên vùng Nghệ Tĩnh.
*. Lê quý dật sử:  ghi chép các sự kiện về cuối đời Lê theo biên niên sử từ năm 1758 đến năm 1793.
Bên cạnh đó ông còn có các sách: Tồn Trai thi tập, Bùi Tồn Trai văn tập  gồm những câu đối, thơ ca văn tế, các bài hướng dẫn cho học sinh ôn luyện. Ta sẽ nói kỹ hơn về mấy cuốn sau:
* Nghệ An phong thổ ký:  (viết chung với một số người) giới thiệu  một số thắng cảnh, di tích nổi tiếng của Nghệ An gồm:  6 núi, 3 sông, 2  khe, 1 cảng , 4 thành cổ, 1 đầm, 1 bãi cát, 15 đền miếu, 1 bến đò. 
* Nghệ  An chí:  gồm hai quyền Giáp và Ất. Nội dung gồm 3 phần:
-  Địa chí có biên giới, núi (19 đơn vị)
- Thủy chí có 12 sông, 13 suối, 3 khe, 2 hồ, I1 cửa biển thuộc quyển  Giáp
-  Nhân chí có 54 văn nhân, võ nhân thuộc quyển Ất. 
 Có thể coi   Nghệ An phong thổ ký và Nghệ An chí  là tiền thân của cuốn sách nổi
tiếng Nghệ An ký.


* Nghệ An ký: Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Văn Giáp đánh giá: “Nay so với loại sách địa phương chí nói về tỉnh Nghệ An thì thấy chỉ có sách “Nghệ An kỳ” của Bùi Dương Lịch là tốt hơn cả”. Sách gồm 2 quyển:
   a) Quyển một có hai chương “Thiên chí” và “Địa chí”.
- Thiên chí :  nói về giới phận cõi trời của đất Nghệ Tĩnh nói riêng và  Việt Nam nói chung, có hai mục: Thiên dã (cõi đất theo thiên văn) và  Thiên chí (khí hậu).
 Cõi trời là khu vực không gian phân biệt bằng các sao ổn định  cũng gọi là “phận dã”. Đất Việt ở vào “Phận dã” sao Khiên ngưu và Sao Vũ nữ (là 2 trong 7 sao của chòm Huyền vũ nằm trong nhị thập bất tú).  Những đất Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, và  Nhật Nam đều cùng cõi với Việt   (Giao Chỉ là tên quận đặt từ Hán, nay  thuộc đất các tỉnh Bắc bộ và một phần phía Nam Quảng Đông, Quảng  Tây. Cửu Chân gồm Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh, Nhật Nam là từ đèo  Ngang đến Quảng Nam),
Khí hậu Nghệ An ổn hòa. Tuy đã vào tiết tháng 10 vẫn ấm áp; khí  âm, khí dương điều hòa thích hợp. Hàng năm từ tháng 3 trở đi có gió  Nam thổi mạnh. Mùa thu và mùa đông không có sương tuyết nhưng có  nhiều mưa lụt, có tháng đến mấy lần. Trong tháng 8, tháng 9 trời hay  mưa dầm và có gió Đông Bắc.
- Địa chí : nói về địa lý, hình thể có 5 mục: cương vực, điều lý  (mạch đất), núi non (58 đơn vị kể cả gò, đảo), sông (31 đơn vị kể cả khe,  suối, hồ, đầm) và cửa biển (12 đơn vị).
Về cương vực: Phía Nam giáp Quảng Bình, phía Bắc giáp Thanh  Hóa, phía Tây giáp Ai Lao (Lào), phía Đông giáp biển. Thời tác giả viết  “Nghệ An kỳ” thì Nghệ An có 9 phủ, 25 huyện, 2 châu. Bùi Dương Lịch   có ý coi Nghệ An (tức Nghệ Tĩnh) (1)  là trung tâm của nước Việt Thường  ngày xưa.
Về núi: Tác giả chú ý giới thiệu các dãy núi nổi tiếng của Nghệ  An, ví dụ Giăng Màn nằm trên đất hai phủ Ngọc Ma và Lâm An, cao lấn trời, trông hệt như tấm màn giăng ra vậy. Giữa khoảng rừng núi xanh rì  buông xuống một giải trắng dài vài trăm trượng gọi là suối Vũ Môn,  tương truyền là chỗ cá hóa rồng.
  Núi Kim Nhan ở  Anh Sơn, núi đá cao ngất trời, dáng rất   nhọn như cây bút.
Núi Mồng Gà ở xã Quỳ Lăng, huyện Đông Thành  goi là Phi Liêm (giống như tấm rèm bay).  Núi Thiên Nhẫn ở Thanh Chương có 99 ngọn, ngọn núi nào cũng có dáng hoạt động như muôn ngựa rong ruổi khí thế hùng vĩ.
Núi Hồng Lĩnh ở hai huyện Thiên Lộc và Nghi Xuân có 99 ngọn.
Núi Hai Vai ở Đông Thành, vua Thánh Tông đi nam tuần ngoài bể nhìn thấy núi như búi tóc người tiên, bèn đặt tên Kế Sơn (búi tóc). Chúa Trịnh Sâm thì gọi Di Lặc sơn – lấy tên một vị Phật vị lai.
Về sông ngòi có những sông nổi tiếng:
 Sông Lam xưa gọi là sông Thanh Long ở giữa hai phủ Đức Quang  và Anh Đô, Đông Hà Hoàng ở giữa hai huyện Thiên Lộc và Thạch Hà. 
Sông Giăng ở Thanh Chương, sông Phố ở Hương Sơn vv.
Có những suối nổi tiếng:
Suối Bò Đái ở Thanh Chương, suối Hiên Hiên ở Thạch Hà, suối  An Quốc ở Hưng Nguyên. Khe nước nóng ở Hương Sơn. Khe Nước  Lạnh ở núi Ung, Quỳnh Lưu, làm địa giới hai tỉnh Thanh Hóa Nghệ An, khe từ  trong núi chảy ra, hơi lạnh xông vào người.
  Tác giả phê phán những câu sấm truyền trong dân gian: “Xét  những câu sấm truyền tụng ở Nghệ An như: Thủy đáo Lam thành (nước  đến Lam Thành), Đụn Sơn phân giải (núi Đụn chia đôi), Song Ngư thủy  thiểu (đảo Song Ngư nước cạn) và còn nhiều câu nữa... Nhưng đạo trời  cao xa, không phải là điều hạn định được bởi các nhà thuật số. Vả lại họ  thường đặt ra nhiều điều bí ẩn, rất không nên tin nhảm”.
 Có những hồ, đầm nổi tiếng như:   Hồ Nón ở Nộn Liễu, Nam Đàn , Hồ Mai ở La Sơn, Hồ nước biển ở  Chân Lộc (tức Nghi Lộc), Ao mặn Hương Sơn, Đầm Đồ Lâm ở Hưng Nguyên, Đầm Qua ở thôn Diệu Ốc, Đông Thành; Đầm Hồ Lô ở Thiên Lộc.
 Có các cửa biển quan trọng như:   Cửa Hội giáp hai huyện Nghi Xuân và Chân Phúc, cửa Sót giữa   Thiên Giới và Thạch Hà, Cửa Cờn ở Quỳnh Lưu, Cửa Quèn ở Quỳnh
Lưu, Cửa Vạn Phần ở Đông Thành, Cửa Cương Gián ở Nghi Xuân –Thiên Lộc v.v.
b)  “Nghệ An ký” quyền II chép về người.
  -  Khi chất: Người Nghệ An chất phác, đôn hậu, tính tình từ tốn,  chậm chạp, không sắc sảo, cho nên làm gì cũng giữ gìn cẩn thận, bền vững, ít  xao động bởi những lợi hại trước mắt. Người phương Bắc khen người  Nghệ An thuần giản mà hiếu học. Văn chương người Nghệ An phần  nhiều mạnh, cứng cỏi, ít bóng bẩy, hoa lệ, Binh lính Nghệ An ngày xưa  gọi là thắng binh, khéo dùng thì trở nên vô địch trong thiên hạ.
  -  Sinh lý (đời sống nhân dân): Xứ này tuy đất xấu, dân nghèo  nhưng họ đều vui vẻ công việc, sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân thân thượng và biết lễ nghĩa, liêm sỉ. Phong tục thuần hậu chưa từng bị gián đoạn bao giờ.
  -  Cổ để (để vương thời xưa)  Việt Thường Thị là vua đầu tiên của nước ta.
  Mai Hắc Đế, vua họ Mai, tên là Thúc Loan, người xã Hương Lãm, huyện Nam Đường (Nam Đàn). Nay trên núi Hùng Lĩnh huyện Nam  Đường vẫn còn đền thờ.
- Văn nhân: 150 nho sĩ có tên tuổi như: Trạng nguyên Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc ở Đông Thành, tiến sĩ Nguyễn Hộc ở Thạch Hà, tiến sĩ  Phan Viên ở Thạch Hà, tiến sĩ Phạm Ngữ ở Nghi Xuân, tiến sĩ Nguyễn  Tôn Tây ở Thiên Lộc, tiến sĩ Thái Tất Tiên ở Hưng Nguyên, tiến sĩ  Nguyễn Thiên Chương ở Thanh Chương v.v…
 - Võ tướng: 31 người nổi tiếng như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Xí...
Nhìn chung “Nghệ An ký” là một cuốn địa chí có giá trị cao, khảo cứu  công phu, chính xác. Tuy nhiên, hạn chế của tác phẩm là “tác giả có  thiên hướng đi sâu vào mặt văn chương và lịch sử mà sao nhãng mặt  quan trọng là kinh tế và sinh hoạt của quần chúng”  (2) , 
 Bùi Dương Lịch đã giành sự nghiệp trước tác của mình chủ yếu để viết về quê hương. Hơn nữa phong cách làm việc của ông là rất cẩn thận, cố gắng đạt mức chính xác cao. Theo đánh giá của những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu về sau thì tư liệu mà ông để lại qua các tác phẩm là khá chắc chắn và đáng tin cậy . Ông xứng đáng có một địa vị  vinh quang trong khoa học, là người khai mở cho  ngành Nghệ Tĩnh học.
       
Chú thích:
(1). Hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh xưa gọi là Nghệ An. Về sau, đến năm 1831 vua Minh Mạng mới chia Nghệ An ra làm hai tỉnh  như hiện nay.
(2). Lời giới thiệu bản dịch sách  Nghệ An ký.
(3). Như Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp, Ninh Viết Giao….. 

Tài liệu tham khảo:
-Từ điển nhân vật Xứ Nghệ - Ninh Viết Giao,NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2008.
- Các nhà Folklore Xứ Nghệ - Phan Bá Hàm, NXB Nghệ An – 2009.
 

 






Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây