Phan Bội Châu với công việc báo chí

Thứ sáu - 30/06/2023 05:21 0

Phan Bội Châu (1867-1940) húy là Phan Văn San, sinh tại quê mẹ, thôn Sa Nam, làng Đông Liệt, tổng Đồng Xuân (nay là xã Nam Thái). Khi Phan lên ba thì bố mẹ dời nhà về quê nội là làng Đan Nhiễm, tổng Xuân Liễu, nay là xã Nam Hòa, cùng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chi họ này đã mấy đời, cho đến lúc ấy cũng vẫn chỉ có San là trai, tục gọi là độc đinh. Theo phong tục địa phương, những người con như Phan, đáng ra phải luôn ở nhà, lo việc hương khói phụng thờ tổ tiên (ngoài việc đi làm quan). Nhưng hoàn cảnh của Phan, mẹ mất sớm, qua thời gian đi học, đi dạy để nuôi cha và các em, Phan nổi tiếng là hay chữ nhưng lận đận vô cùng trong thi cử. Ấy là do vì Phan, phần thì thường thiếu cẩn trọng đối với trường quy, phần thì lo làm bài giúp bạn. Vả, Phan luôn luôn lo nghĩ đến cách làm sao mà đuổi được người Tây để cho dân mình khỏi khổ, khỏi nhục vì mất nước mà từ buổi thiếu niên Phan đã từng viết những lời kêu gọi bạn bè, dân chúng đứng lên chống sự xâm lược của người Pháp như bài “Bình Tây chu Bắc” (1883), “Song Tuất lục” (1886), cũng như cùng nhiều thiếu niên trong vùng lập đội Thiếu sinh quân nhằm để chống lại giặc Pháp (1885). Gan góc nhất là cùng một số bạn mưu đánh úp thành Nghệ An (1901)(2). Mãi đến năm 1900 (khoa Canh Tý), Phan mới đỗ thi Hương, nhưng là Giải nguyên trường Nghệ, nức tiếng trong thiên hạ. Không lâu sau ngày Phan đăng khoa ấy thì thân phụ của ông qua đời. Bấy giờ Phan dốc toàn tâm, toàn trí cho công việc hoạt động cách mạng. Đầu năm 1905, Phan Bội Châu nhận trách nhiệm trước hội Duy Tân 维 新, xuất dương sang Nhật, nhằm cầu viện ở họ để mưu góp phần đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc mà công cụ Phan phải dùng đến đầu tiên là ngôn ngữ, trước hết là để tuyên truyền cho việc kêu gọi, tổ chức Đông Du 東 悠 (Sau khi Duy Tân tan rã thì Phan tuyên truyền cho hội Quang Phục). Và bài viết này chỉ nói đôi nét về chất thông tấn (通讯, information), báo chí (報 誌, presse) trong công việc trước tác của ông. 
Khi còn ở trong nước thì về chủ trương của hội Duy Tân cũng như trách nhiệm mà Phan cáng đáng đều phải giữ bí mật. Chỉ khi bản thân và các cộng sự là Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính vượt qua được biên giới (sau dịp tết Nguyên đán, đầu năm 1905) rồi, thì Phan mới có điều kiện để suy tính đến công việc tuyên truyền và cũng liền nhận ra cái rào cản về ngôn ngữ. Mà đấy cũng là bởi hoàn cảnh của đất nước, địa phương và của hầu hết lớp người như Phan.
Việt Nam ta, sau thời thịnh đạt do toàn dân tộc đánh đuổi được ách thống trị của giặc Minh cho đến hết triều Lê (1428-1527) thì đất nước bị chia cắt bởi họa phân tranh quá lâu dài. Hết Lê trung hưng, thực quyền là trong tay họ Trịnh - Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn (sinh ra giới hạn sông Gianh), tức Đàng trong - Đàng ngoài. Triều Tây Sơn tiêu biểu là Quang Trung sáng lên như một ánh chớp (đã lập nên kỳ công chói lọi trong lịch sử dân tộc là đánh tan cuộc xâm lược “hùng hổ” của 29 vạn quân xâm lược Thanh (1789), thống nhất được đất nước nhưng rồi vụt tắt bởi bị Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) có tư bản Pháp hỗ trợ phục thù, đánh bại. Triều Nguyễn thay quyền trị vì đất nước nhưng nặng tư tưởng báo thù; lo xây dựng lâu đài, lăng tẩm; bế quan tỏa cảng, khiến sức dân suy kiệt. Khi bị tư bản Pháp tấn công bằng quân sự (chính thức từ 1858) thì triều đình lại vì không biết tôn trọng sức chiến đấu oanh liệt của nhân dân mà đã hèn nhát đi từ hòa ước này đến hòa ước nọ, để đến 1884 thì toàn lãnh thổ Việt Nam mất vào tay giặc. Điều đáng nói là nền học vấn của dân tộc trải hàng trăm năm, kế sau triều Tây Sơn, đã không được mở mang. Vua quan nhà Nguyễn mãi duy trì lối học cử tử(3). Ấy là, người học trò chỉ biết dùi mài chữ Hán, viết bằng bút lông, để nếu không thi đỗ làm quan thì làm thầy học, thầy thuốc, thầy địa lý, thấp nhất là biết cúng giỗ, tế tự ở nhà thờ, đền miếu để có ngôi thứ nơi đình trung. Bởi thế, khi toàn cõi bờ mất vào tay xâm lược Pháp, trên đất nước Việt Nam, mọi người đã đi học (trừ một số rất ít nhờ điều kiện này, thế lực nọ mà được đưa ra nước ngoài, hoặc được người Pháp nuôi dưỡng từ lâu, cốt để phục vụ cho ý đồ xâm lược và cai trị của họ ở buổi ban đầu mới chinh phục) đều chỉ biết có chữ Hán và chữ Nôm. Nôm là một thứ Quốc âm, từ chữ Hán mà được Việt hóa, khiến kẻ không biết chữ mà nghe người khác đọc lên, cũng hiểu được. Như vậy, một ai muốn đọc được chữ Nôm thì phải thạo chữ Hán(4), nên họ vẫn bị hạn chế rất nhiều trong sự biểu đạt ngôn từ. Vì vậy, đến một lúc, cư dân Việt phải có thêm một thứ chữ viết 言语 (la langue) khác, phổ thông hơn để thay thế. Đó là Quốc ngữ 國 语.
Việc ấy phải trải một quá trình dài lâu và không mấy dễ dàng. Có thể công đầu là do sự nỗ lực của một số giáo sĩ phương Tây, gọi là các vị thừa sai, đi truyền đạo Thiên chúa. Họ đem mẫu tự La-tinh ứng dụng vào Việt ngữ (越 语, Langue Vietnamienne) để có thứ chữ Quốc ngữ sơ khai(5), rồi trải hàng mấy thế kỷ do người nước mình sàng lọc, nhuận sắc mà có được thứ tiếng Việt phổ thông trong sáng, giàu thanh điệu ngày nay.
Tuy nhiên, đến lúc Phan Bội Châu lên đường Đông Du thì báo chí tiếng Việt, tức viết bằng chữ Quốc ngữ vẫn chưa phải là thứ công cụ phổ biến để dùng cho việc truyên truyền trên mọi miền của Việt Nam. Mà tại Trung kỳ, nhất là Nghệ An thì thứ phương tiện ấy lại xuất hiện muộn hơn nhiều so với trong Nam, ngoài Bắc. Cũng trong tác phẩm nói trên, Đặng Thai Mai trình bày: “Phan Bội Châu khi viết tiếng Việt vẫn dùng bút lông và viết bằng chữ khối vuông mà không dùng bút sắt, không viết theo lối chữ phiên âm bằng chữ La-tinh”(6).
Ta biết, không lâu sau khi chiếm xong Nam kỳ (1862), chính quyền Pháp cho ra tờ “Bản tin làng xã” (Bulletin des villages), tiếng Pháp, chủ yếu để cho người của họ biết về vùng đất ấy. Đến 1865 thì Nam kỳ có tờ tuần báo, bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên, là “Gia Định báo” (in cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ), đánh dấu sự lên ngôi của tiếng Việt.
Ở ngoài Bắc, năm 1884 có tờ tạp chí sớm nhất bằng tiếng Pháp “Tương lai của Bắc kỳ” (L’Avenir du Tonkin).
Còn Trung kỳ, phải hai năm sau (1886), mới có chung với Bắc kỳ tờ tạp chí là “Niên giám ủy thác, nghiên cứu về trồng trọt, kỹ nghệ và thương mại Trung và Bắc kỳ” (Le Bulletin du commis l‘étude agricole, industriels et commercials de l’Annam et du Tonkin).
Các loại báo chí ấy chỉ nhằm mục đích đơn thuần là giúp các nhà tư bản Pháp biết về đất đai, thị trường ở từng miền để định kế hoạch khai thác thuộc địa trên xứ sở này mà thông thương buôn bán, làm giàu cho chính quốc. Còn báo chí nhằm mục đích thông tin rộng rãi và phổ cập cho nhiều giới bạn đọc (trong khuôn khổ của chủ nghĩa thực dân) ở Trung kỳ như “Đông Dương tạp chí” thì mãi đến năm 1913 mới được xuất bản.
Điểm qua về tình hình báo chí thuở bấy giờ ở các vùng miền như vậy để ta hiểu lúc Phan Bội Châu lên đường Đông Du thì ông bị hạn chế như thế nào bởi cách học của lớp người như ông và bởi thời thế.
Vì, để chuẩn bị cho việc bỏ chữ Hán trong các nhà trường(7) thì ở một tỉnh như Nghệ An cũng phải sau năm 1900 mới có các lớp học Quốc ngữ và chữ Pháp. Và như đã nói, với Phan Bội Châu, cho đến khi ra hải ngoại (1905), ngôn ngữ của ông vẫn chỉ có Hán tự và chữ Nôm. Theo xuất dương với ông vào năm đó là Tăng Bạt Hổ có biết ít nhiều tiếng Quảng Đông, còn Đặng Tử Kính, là học trò của Phan thì vốn chữ nghĩa cũng chỉ có hai thứ ấy (và tất nhiên là không bằng được thầy của mình). Nhược điểm cũng là sự thiệt thòi của họ lúc bấy giờ đã được Phan thổ lộ khi ông nhờ người lưu học sinh từ Nhật (quê ở Hồ Nam, Trung Hoa) dẫn đường để sang Hoành Tân (Yokohama), rằng: “Lại khổ một nỗi, tiếng Nhật đã không biết, tiếng Hoa cũng mới bập bẹ, nói chuyện bằng bút, bằng tay, thật là phiền phức, đấy là một việc đáng xấu hổ của nhà ngoại giao”(8). May mà người Nhật, phần đông họ biết cả chữ Hán nên các lời lẽ trao đổi giữa họ với Phan lúc bấy giờ chủ yếu là bằng bút đàm. Bởi vậy, từ đó về sau, dù phải nay đây mai đó, hết các thành phố lớn ở ven biển Nam Trung Hoa và Nhật Bản, có lúc phải sang Xiêm cũng nhằm đeo đuổi mục đích cứu dân, cứu nước nhưng Phan không quên việc học để nói được tiếng Hoa. Điều đó thể hiện khi Phan đã từ Xiêm trở lại đất này rồi bị chính quyền địa phương của phái Viên Thế Khải ở đấy bắt giam từ đầu 1913 đến cuối 1916. Sau lúc ra khỏi nhà tù, Phan có dịp đến Quỳ Châu (Trung Hoa) đi thăm đền Thục Tiên Chúa (thờ Lưu Bị) và miếu Vũ Hầu (thờ Gia Cát Lượng) tại Bạch Đế Thành… Bấy giờ, “Khi (Phan) vừa đến chân núi, gặp Nam quân đi tuần tiễu, hỏi tôi từ đâu đến. Tôi nói tiếng Trung Hoa tất nhiên không bằng người ở đó… Đến khi có giấy của người quen là viên Sư trưởng họ Hà đưa đến, họ mới thôi nghi ngờ”(9).
Đó là nói, còn về viết, ta không nên chỉ nghĩ riêng vì thứ rào cản ở đàm thoại mà xem nhẹ năng lực báo chí cũng như giá trị thông tấn (qua Trung văn) trong các tài liệu tuyên truyền cách mạng của Phan Bội Châu, kể từ khi ông xa Tổ quốc.
Thời gian đầu mới vượt biên giới, khi đi qua một số đô thị rồi đến Hương Cảng (khoảng tháng 2 - 1905), Phan đã tìm cách làm quen với mấy cơ quan báo chí ở đấy. Mà không phải tòa báo nào họ cũng niềm nở đón tiếp ông. Về sau, Phan viết trong “Niên biểu” rằng: “Tôi đến Thương báo là cơ quan của đảng Bảo hoàng, yêu cầu yết kiến. Người chủ nhiệm là Từ Cần, hắn không tiếp”… “Đến Trung Quốc nhật báo, người chủ bút là ông Phùng Tự do liền mời tôi vào, bút đàm khá lâu, đối với công việc đảng ta, ông biểu đồng tình…”(10).
Cuối mùa Thu 1905, khi các ông Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính lại trở về nước lo việc tài chính thì Phan và một số người nữa ở lại Nhật, hoạt động trong cảnh cơ hàn. Lương Lập Nham nhịn đói đi tìm việc. Khi tưởng như vô vọng thì tình cờ bước vào trụ sở “Dân báo” là cơ quan của một đảng cách mạng Trung Hoa, chủ bút là Chương Thái Viêm, quản lý là Trương Kế (về sau họ là những yếu nhân trong chính phủ Bắc Kinh). Lương trình bày về sự thể của anh em mình, họ có ý thương, cho làm thư ký hạng ba trong báo quán và bảo trở về Hoành Tân, dẫn mấy người nữa đến, báo quán sẽ dung nạp cho. Khi Lương trở về, mới bước chân vào nhà, liền mách: “Bác ạ, cháu đi ăn mày có công hiệu rồi!”. Và đây là lời Phan: “Anh (Lập Nham) để em là Nghị Khanh ở lại với tôi, rồi cùng hai người làng đi đến Đông Kinh, làm việc kiếm ăn ở báo quán và học tiếng Nhật”(11).

"Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu" - tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc đăng Báo Le Paria số 36-37, tháng 9 và tháng 10 năm 1925

Công việc thông tấn còn nhiều duyên nợ với đời hoạt động của Phan Bội Châu. Mà từ đây ta nói về công việc viết và biên tập báo của ông.
Cũng vào khoảng cuối 1905, khi được Lương Khải Siêu khuyên nên gặp Ân Thừa Hiến, du học sinh Trung Quốc tại Nhật thì Phan đi tìm Ân. Và Ân đã giới thiệu Phan “với những người học sinh có chí đến từ Vân Nam như: Dương Chấn Hồng, Triệu Thân…”. Sự kiện ấy cũng khiến cho Phan nhớ lâu, để rồi có lúc ông nói lại: “Sau này tôi cũng được dự vào làm biên tập viên của tờ “Vân Nam tạp chí” là tạo nhân từ đó” (12).
Phan còn làm công việc ấy ở một số tờ báo khác. Như vào tháng 2-1922, Ông tiếp được thư mời của Lâm Lạng Sinh, Tổng lý tạp chí “Quân sự Hàng Châu” rồi nhận làm biên tập viên của tạp chí ấy. Với tờ báo đó, Phan không chỉ là biên tập viên mà còn là một cây bút chịu trách nhiệm thuộc nhiều lĩnh vực. Về sau ông thổ lộ: “Những cột “Thời bình”, “Xã luận”, “Tiểu thuyết”… trong tạp chí này đều do tôi viết cả”(13). Tuy mục đích cầm bút của Phan lúc ấy cũng là cốt để lấy tiền nuôi một số thanh niên sau khi bị Nhật trục xuất thì đang xin học tại các trường võ bị ở Trung Hoa…
Cũng khi đang làm công tác biên tập ở “Tạp chí quân sự Hàng Châu”, Phan nhận được tin từ một tờ báo ở Thượng Hải đăng bức điện nói về tiếng tạc đạn của Phạm Hồng Thái nhằm giết viên Toàn quyền Đông Dương là Méc-lanh (Martial Merlin) khi ông ta sang công cán ở Sa Điện (Quảng Châu) vào ngày 19-6-1924. Méc-lanh đến để trực tiếp chỉ thị cho chính quyền thuộc tô giới Pháp tại đấy trục xuất những người yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở bên đó. Tiếng bom đã nổ ngay trên bàn tiệc, trước mặt Méc-lanh. Phạm Hồng Thái, người tự chế lấy bom và gây ra tiếng nổ ấy đã tự hy sinh trên dòng sông Châu Giang thuộc tô giới Sa Điện. Bấy giờ, Phan liền viết các tài liệu:
- Tuyên ngôn của Dân đảng Việt Nam về vụ án tạc đạn phát sinh ở Sa Điện;
- Truyện Liệt sĩ Phạn Hồng Thái; 
- Văn tế truy điệu Phạm liệt sĩ. 
Thế là các báo Trung Hoa và châu Âu đều hết sức khen ngợi về hành động của Phạm Hồng Thái…”(14).
Trong đời hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã dành nhiều thời gian cho báo chí. Và, từ lúc Phan cất bước xuất dương cho mãi về sau, báo chí các loại thông tấn trên các đại lục Á , Âu… cũng đã dành ra rất nhiều trang, bài để viết về sự hoạt động của ông.
Thực dân dân Pháp đã bắt cóc nhà chí sĩ Phan Bội Châu tại Thượng Hải rồi cho tàu chiến vượt biển chở ông về nước để kết tội. Biết quãng đời tự do để hoạt động cách mạng của mình đến đó là hết, trên tàu địch và giữa trùng khơi, Phan vẫn viết bài rồi thả xuống nước với lòng mong muốn, may chi, nhờ sóng biển dạt vào đất liền để những ai, ở đâu đó sớm biết rõ tình cảnh của mình và hành động hèn nhát của kẻ địch. Trong hoàn cảnh ấy, mục đích của bài đó là nhằm thông báo về sự việc, không hạn định được số câu và một thể loại nào cho thật chuẩn xác nên Phan đã chọn lối viết “Cổ phong” 古风(15). Mở đầu: “Bôn trì nhị thập niên/ Kết quả cận nhất tử”. Ai tai ! vong quốc nhân/ Tính mệnh đặng lũ nghĩ…  Sử dư hữu quốc giả/ Hà chí nhục như thị…” 奔 馳 二 十 年, 结 果 近 一 死; 哀 哉 忘 国 人, 姓  命 等 蠦 蟻...使 予 有 國 者, 何 至  辱 如 是. “Chạy vạy hai mươi năm, kết quả một cái chết/ Thương thay người mất nước, tính mạng như kiến mối… Nếu tôi mà có nước, sao đến nhục thế này…”(16).
Và, cùng với Phan Bội Châu là có 25 triệu đồng bào Việt Nam và bạn bè của ông ở Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan…, thực dân Pháp không dễ gì đụng đến sinh mạng của nhà chí sĩ. Con người đã khiến cho kẻ thù ngoại xâm suốt một phần tư thế kỷ “phải luôn bận lòng lo lắng” ấy vẫn sống với quốc dân đồng bào, dù là ở trong cảnh bị câu thúc tại Kinh thành Huế, cũng là nơi Chính quyền thực dân đặt tòa Khâm sứ Trung kỳ. Thời gian còn lại của đời mình (1925-1940), sống trong hoàn cảnh ấy, Phan Bội Châu, bấy giờ được tôn xưng là Ông già Bến Ngự (nơi chính quyền thực dân giam lỏng ông) vẫn nặng lòng với báo chí tiến bộ. Ông rất mừng khi bấy giờ, do đòi hỏi của dân chúng và sự quan tâm của các trí thức yêu nước, thực dân Pháp phải để cho Trung kỳ có một tờ báo tiếng Việt. Để chuẩn bị cho báo ra đời, Chủ bút của báo là nhà ái quốc Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (từ nhà tù Côn Đảo trở về) đã khiêm tốn xin ý kiến của nhiều thức giả trong việc đặt tên cho nó và đón nhận được rất nhiều lời đề nghị. Khi đã nhòn nhòn ý kiến, Chủ bút Huỳnh đến trình bày với cụ Phan rằng, tên đề của báo là: “Dân Thanh ” 民 聲. Cụ vuốt râu, gật đầu, cười, cho là được, nhưng nói thêm, “Dân Thanh” thì ta đề rõ ra là “Tiếng dân” có hơn không?”. Thế là trong tờ trình mà Tòa Khâm đệ ra Phủ Toàn quyền Đông Dương để xin cấp ghép, tên gọi của tờ Tuần báo tiếng Việt đầu tiên của Trung kỳ ấy được ghi là “Tiếng Dân”. Và “Tiếng Dân” ra số đầu tiên vào ngày 10-8-1927. Từ đó, tờ “Tiếng Dân” này cũng luôn luôn đăng các tin tức về những nỗ lực tự thân trong cuộc sống bị câu thúc của “Ông già Bến Ngự” cũng như những lời thăm hỏi của đồng bào mọi miền đối với nhà ái quốc sinh ra từ đất Nghệ, đã từng tạo nên phong trào Đông Du lẫy lừng trong lịch sử dân tộc và cuối đời thì về với bến Ngự, sông Hương. Cả cuộc đời ông cộng lại thành: “Phan Bội Châu, con người được sinh ra như một thiên định, đã một thời tên tuổi mình lẫn lộn với lịch sử dân tộc”(17). Sinh thời, trách nhiệm mà quốc dân đặt ra cho Phan là sẵn sàng tuyên chiến với kẻ thù dân tộc cả bằng bút mực, cả bằng súng gươm, mà ở đây, về phương diện ngôn luận ta chỉ điểm qua ở phần viết báo và biên tập báo của ông. Chứ về nội dung tuyên truyền cách mạng nhằm giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp thì nội dung ấy, ít nhiều, đều có ở tất cả các tài liệu mà Phan đã viết ra. Trong tác phẩm “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam”, nhà sử học Tôn Quang Phiệt đã dành một mục riêng, đặt tên là: “Các tài liệu tuyên truyền trong buổi thịnh thời của hội Duy Tân”. Trong đó gồm 13 đầu sách thì 8 ấn phẩm đề rõ tên tác giả là Phan Bội Châu(18). Mà các cuốn sách ấy đều mang nội dung là kêu gọi lòng yêu nước, ý thức hợp quần để đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Ví như cuốn “Hải ngoại huyết thư” 海 外 血 書, là bức thư viết bằng máu từ nước ngoài gửi về cho quốc dân đồng bào cũng như các bài viết, các tác phẩm khác của Phan đều ở dạng báo chí. Chúng có ý nghĩa cao về phương diện thông tấn. Để đánh giá về tác dụng tuyên truyền qua báo chí của nhà chí sĩ, ta có thể mượn ý sau đây trong bài Văn tế của “Hùynh Thúc Kháng điếu Phan Bội Châu (1940)”(19). Với giọng ấm nồng tiếng Quảng, ông Huỳnh viết: “Miệng dõng quốc vạch trời kêu dật một, giữa tầng không mù cuốn mây tan; Tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt giấy mây tuôn, sấm nổ”. Ấy cũng là sự xác nhận của chủ bút tờ “Tiếng Dân” về năng lực, tính chất thông tấn trong những lời kêu gọi “dậy sóng” đối với quốc dân, đồng bào của nhà cách mạng, nhà văn Phan Bội Châu.q 

Chú thích
(1). Sách đã dẫn (Sđd), Nhà xuất bản (Nxb) Văn hóa Hà Nội (HN) 1958, Trang  (Tr) 27-28.
(2). Các hoạt động chống Pháp của Phan vốn có từ lúc ông còn là một thiếu niên sống ở quê nhà như vậy. Xin xem sách “Phan Bội Châu niên biểu” Nxb Văn-Sử-Địa, HN 1957, các Tr. từ 25 đến 29.
(3). “Cử tử” 擧 子 là lối học nhằm thi đỗ để được bổ làm quan.
(4). Chữ Nôm xuất hiện ở nước ta từ cuối thời Trần. Mỗi chữ Nôm thường được cấu thành bởi hai chữ Hán. Trong đó, một chữ chỉ nghĩa, một chữ chỉ cái âm tương tự với tiếng mà người dùng muốn thể hiện. Ví như, ngay chữ “Nôm”, là nói “Nôm” thì gồm chữ gốc Hán là “khẩu” (tức miệng nói), với chữ “Nam” 南 là từ có âm gần với “Nôm” hợp lại mà thành. Chữ “Trời” lấy chữ gốc Hán là Thiên 天, rồi trời thì cao cho nên nó được chồng lên chữ “Thượng” 上 mà thành. Như thế, chữ Nôm vẫn ở dạng  hình vuông.
(5). Các vị thừa sai ấy rất cần một thứ phương tiện là tiếng địa phương mà họ nghe và hiểu được để dùng nó trong việc thuyết giảng kinh Thánh của đạo Thiên chúa khi mà trên xứ sở này chỉ có chữ Hán và chữ Nôm. Họ lấy các chữ cái trong tiếng Latinh và tiếng Bồ Đào Nha ghép với năm thanh trong tiếng Việt để thành ra một thứ chữ mới, phiên âm được tiếng của họ và khi nói ra thì người nước mình cũng có thể biểu được. Như “Sinoa” là “Xứ Hóa” (Thuận Hóa); “Cacciam” (Kẻ Chàm) tức Thanh Chiêm (Quảng Nam); “Quamguya” là Quảng Nghĩa… Ấy là cái nền đầu tiên của chữ Quốc ngữ. Đến năm 1651 thì cuốn “Từ điển Việt-Bồ-Latinh” ra đời. Người có công đầu trong việc truyền bá ngôn ngữ Latinh đến Việt Nam là Alexandre De Rhode (1593-1660). Ông đến đàng Trong vào cuối 1624. Từ 1627 đến 1630 Rhode ra đàng Ngoài, sau lại trở vào và đến 1645, ông bị chúa Nguyễn trục xuất, trở về phương Tây. Sau đấy là các vị thừa sai khác như Bu-zô-mi, Pi-na, Bô-ri… tiếp tục công việc của A.D.Rhode. Vì nhiều vị thừa sai đến từ phương Tây thuở bấy giờ cùng với việc truyền đạo Thiên chúa, họ cũng có mục đích thăm dò để giúp chủ nghĩa tư bản Pháp biết rõ ngọn nguồn, lạch sông mà xâm lăng đất nước ta như Giám mục Bá-đa-lộc (Pierre Pignau De Béhâine) đã góp phần cầu viện để vua Pháp cho giúp chúa Nguyễn Ánh trong việc đánh bại triều Tây Sơn (Giao ước ký ngày 28-11-1787). Ấy, cũng là cách mà các vị thừa sai của đạo Thiên chúa phương Tây mở đường để về sau  Pháp xâm chiếm Việt Nam...
(6).  “Văn thơ Phan Bội Châu”, Sđd. Tr.51.
(7). Nền giáo dục cử tử chỉ lo về khoa bảng như tại Trung kỳ, thi Hương bị bãi bỏ từ năm 1918. Khoa thi Hội cuối cùng của cả nước là vào năm 1919. Khoảng từ 1904-1905, ở Vinh mới có trường Pháp-Việt, bậc Sơ đẳng (Enseignement élémentaire). Năm 1920, Vinh bắt đầu có trường Trung học Phổ thông (Enseignement secondaire, hệ 4 năm).
(8). “Niên biểu”, Sđd, Tr. 52-53. Mấy chữ “Tiếng Hoa cũng mới bập bẹ” có lẽ là nói về Tăng Bạt Hổ. Vì ở sách “Ngục trung thư” của Phan Bội Châu (Phùng Triển dịch, Quang Trung thư xã Hà Nội ấn hành năm 1946), Tr. 22 viết: “Tăng Bạt Hổ trước kia đã từng giúp việc trong quân của Lưu Vĩnh Phúc (Cờ đen), đi khắp vùng Quảng Đông, Quảng Tây, sang tới Đài Loan, hơi biết tiếng Quảng”…
(9). “Niên biểu”, Sđd, Tr. 78.
(10). “Niên biểu”, Sđd, Tr. 1.
(11). “Niên biểu”, Sđd, Tr. 64.
(12). “Niên biểu” Sđd, Tr.66.
(13). “Niên biểu”, Sđd, Tr.193.
(14).  “Niên biểu: Sđd, Tr, 199.
(15). Cổ phong vốn là tên một thiên trong Kinh Thi (Trung Quốc). Về thể cổ phong là loại văn.
(16). Lời dịch của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt, xem “Niên biểu” Sđd, Tr. 203-206.
(17). Đặng Thai Mai, sách “Văn thơ Phan Bội Châu”, Nxb Văn hóa, HN, 1958, Tr.64.
(18). Sđd, Nxb Văn hóa, HN, 1958, Tr. 50-59.
(19). Cả chữ “Văn tế”, tên bài và nội dung câu trích trên kia, chúng tôi ghi đúng nguyên văn trong “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam”. của Tôn Quang Phiệt, Sđd , Tr.246.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây