Cuộc biểu tình ở Ngã ba Bến Thủy - điểm mốc quan trọng mở đầu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Thứ năm - 07/09/2023 05:21 0
 Thành phố Vinh - Bến Thuỷ lúc đó là tỉnh lỵ đồng thời cũng chính là trung tâm văn hoá, chính trị của tỉnh. Do có vị trí chiến lược quan trọng như vậy. Ngày 11 tháng 3 năm 1914 vua Duy Tân (1906-1916) đã ra đạo dụ thành lập thị xã Bến Thủy, tháng 4 năm 1914 Khâm sứ Trung Kỳ phê duyệt đạo dụ của vua Duy Tân và ngày 18 tháng 2 năm 1916 toàn quyền Đông Dương Pondume ra Nghị định thành lập thị xã Bến Thủy. Thị xã Bến Thủy có nguồn ngân sách riêng và trực tiếp nằm dưới sự quản lý của Công sứ Nghệ An. Sau khi thị xã Bến Thủy được thành lập, hàng loạt nhà máy đã mọc lên: nhà máy cá hộp, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi... Đáng chú ý nhất là công ty vô danh Rừng và Diêm (gọi tắt là Si Pha) được hình thành từ cơ sở buôn bán của Giăng đuy puy bao gồm các nhà máy: cưa Xi ri, Lao Xiên, Điện, Diêm. Các công xưởng ra đời đã thu hút hàng nghìn công nhân mà phần đông là nông dân các vùng lân cận bị phá sản, không có ruộng vườn phải vào đây để bán rẻ sức lao động. Đời sống của người thợ hết sức bấp bênh, làm việc theo thời hạn nhất định, theo mùa vì vậy mối quan hệ của họ với nông thôn đang còn gắn bó hết sức chặt chẽ. Do bị áp bức nặng nề, phong trào đấu tranh của công nhân Vinh- Bến Thuỷ đã liên kết được với phong trào nông dân các làng xung quanh ngay từ khi chưa có Đảng cộng sản. Dưới sự chỉ đạo của các tổ chức tiền thân, phong trào ngày càng phát triển mạnh bề rộng cũng như bề sâu, đi dần đến đấu tranh tự giác. Đặc biệt sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thuỷ, các chi bộ trong các nhà máy, phong trào đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thuỷ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 
Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ, tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thuỷ đã tiến hành phát động quần tổ chức biểu tình nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930. Kế hoạch cuộc biểu tình đã được vạch ra trong cuộc họp tỉnh bộ lâm thời Vinh- Bến Thuỷ tại nhà đồng chí Nguyễn Phúc làng Yên Dũng Hạ do đồng chí Nguyễn Phong Sắc (Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ) chủ trì. 


Rạng ngày 1/5, hơn 1.200 nông dân các làng Ân Hậu, Tân Hợp, Đức Hậu (huyện Nghi Lộc), Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng Thượng (phủ Hưng Nguyên)... kéo về phía nhà máy Trường Thi trong hàng ngũ chỉnh tề, thu hút nhiều người đi chợ tham gia Đến ngã ba Quán Lau, tri phủ Hưng Nguyên Phạm Hữu Văn dẫn lính chặn đường hiểu dụ. Đoàn biểu tình vẫn hiên ngang vượt qua. Đến nhà máy Trường Thi, bọn địch đóng cổng không cho công nhân tham gia. Một số công nhân vượt tường ra ngoài gia nhập đoàn. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: tăng tiền lương, ngày làm 8 giờ, giảm các loại sưu thuế, ủng hộ Xô Nga... và đọc to bài “Quốc tế ca”. Tại Chợ Bò, gần 100 lính khố xanh và mật thám chặn đường không cho đoàn kéo xuống ngã ba(trước cổng nhà máy Diêm), nơi đây đang tập trung một số lớn công nhân đang chờ đoàn biểu tình. Tên giám binh Le Petit và mật thám Rober đã bố trí 40 lính chờ sẵn. Trong nhà máy Diêm, 20 lính do quan một chỉ huy cùng chủ nhà máy Ca la bi đang sẵn sàng súng đạn đón đoàn biểu tình. Đoàn ngườì tay không tiến thẳng vào hàng rào lính đang giương súng đạn chặn ngang đường nối từ nhà máy Diêm sang nhà máy Điện. Tên giám binh hốt hoảng ra lệnh bắn vào đoàn người, nhưng chỉ có vài phát súng rời rạc bay lên trời. Đoàn người tay không giằng co với linh. Đồng chí Nguyễn Đôn Nhoãn đã đập gãy súng của tên giám binh và bị chúng bắn chết tại chỗ. Đoàn biểu tình sục sôi căm thù, đồng chí Trần Cảnh Bình(tự vệ của làng Lộc đa) đã trèo lên cột điện trước cổng nhà máy Diêm giương cao cờ đỏ búa liềm, kêu gọi công nhân ra ứng cứu. Bọn lính từ tầng hai nhà máy Diêm bắn xối xả vào cột đèn. Đồng chí Trần Cảnh Bình cùng lá cờ đỏ rơi xuống trong tiếng thét căm hờn của đoàn biểu tình. Công nhân trong nhà máy Diêm tràn ra áp sát cổng, đạp phá hàng rào ra ứng cứu. Bọn địch bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm 6 người chết, 18 người bị thương và bắt hơn 100 người về Sở Mật thám. Cuộc biểu tình ngày 1/5 tại ngã ba Bến Thuỷ là điểm mốc quan trọng mở đầu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, là hình ảnh xúc động của tình đoàn kết công nông là tấm gương bất khuất muôn đời sống mãi. Báo “Người Lao khổ” cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ ngày 2/5/1930 đã đánh giá: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. Tên thực dân Biller đã phải thừa nhận: cuộc biểu tình chấm dứt bằng đổ máu này đã kích động mạnh mẽ và sâu sắc dư luận quần chúng. Công nông thức tỉnh và do đó phong trào lại rộng hơn, mạnh hơn. 
Gần 80 năm trôi qua, khu vực ngã ba Bến Thuỷ không còn như xưa, những gương mặt của các chiến sỹ Xô Viết năm xưa mãi mãi không phai mờ trong ký của bao thế hệ. Và truyền thống kiên cường bất khuất đó được kế tục trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nhiều đơn vị và cá nhân được tặng Danh hiệu Anh hùng như: Đội phà Bến Thuỷ, nhà máy Điện Vinh, Cảng Bến Thuỷ. Để tưởng nhớ tới cha ông một thời oanh liệt 1930-1931. Nơi đây đã xây dựng một tượng đài Công Nông Binh hùng vĩ, một trong những điểm du lịch của quần thể Lâm Viên núi Quyết. Hàng năm trong các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, các thế hệ trẻ đều đến đây để ôn lại truyền thống lịch sử trên mảnh đất này. Xuất phát từ giá trị trên, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hoá đã ra quyết định số 1288-VH/QĐ công nhận Ngã ba Bến Thuỷ là một di tích Lịch sử Văn hoá để bảo tồn lâu dài và phát huy tác dụng.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây