Giới thiệu một số Di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ ba - 15/08/2023 05:21 0

Di chỉ khảo cổ học Hang Thẩm Ồm (xã Châu Thuận huyện Qùy Châu)
Thẩm Ồm là di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho giai đoạn sơ kỳ đá cũ ở Nghệ An. Hang Thẩm Ồm là một trong những quần thể hang động lớn, đẹp thuộc xã Châu Thuận huyện Qùy Châu. Hang thẩm Ồm được E.Xô-ranh (E.Saurin) phát hiện vào năm 1940. Hang Thẩm Ồm nằm ở bên suối bản Thắm (một phụ lưu của sông Hiếu). Hang có hai cửa: cửa phía Đông Bắc và cửa phía Tây. Cửa phía Đông Bắc nhìn ra thung lũng suối bản Thắm; cửa phía Tây mở ra một vùng đất khá bằng phẳng…Năm 1973, 1975, Hang Thẩm Ồm đã được các nhà khảo cổ thám sát, đến năm 1977, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật lòng hang và tìm thấy răng của người cổ; răng, xương của động vật. Qua nghiên cứu răng, phát hiện được ở hang Thẩm Ồm cách đây khoảng hai mươi vạn năm đã có người cổ sinh sống. 


Hóa thạch động vật ở hang Thẩm Ồm - Nguồn Viện Khảo cổ học

Di chỉ khảo cổ Hang Thẩm Hoi (xã Bồng Khê huyện Con Cuông)
Hang Thẩm Hoi (còn gọi là Hang Ốc), là tên gọi do người dân bản địa (người Thái) đặt. Thẩm là hang, Hoi là ốc. Hang Thẩm Hoi nằm trong quần thể dãy núi đá vôi, chạy dài theo bờ sông Lam theo hướng Đông Nam, thuộc xã Bồng Khê huyện Con Cuông. Hang Thẩm Hoi có chiều dài 27,74 mét, rộng 21,35 mét, cao 5,50 mét. Đường dẫn vào hang thoai thoải men theo sườn núi; lòng hang rộng; cửa hang cao, cách chân núi 15,35 mét. Đứng trên cửa hang hướng con mắt ra xa là một màu xanh bạt ngàn của cỏ cây, hoa lá, nơi hội tụ của nhiều loại động thực vật. Năm 1967, di chỉ khảo cổ hang Thẩm Hoi được phát hiện và đến tháng 3 năm 1972 các nhà khảo cổ tiến hành khai quật. Kết quả các nhà khảo cổ đã thu được rất nhiều hiện vật như đá cuội được ghè đẽo một mặt, xương, vỏ nhuyễn thể, di cốt người v.v…Qua nghiên cứu, tìm hiểu các hiện vật đó, các nhà khảo cổ xác định Di chỉ khảo cổ hang Thẩm Hoi thuộc vào nền văn hóa hòa bình, có niên đại cách ngày nay 10.875 năm ± 175 năm và 10.125 năm ± 125 năm. 

Quang cảnh di tích Làng Vạc và cuộc khai quật năm 1990 (nguồn: PGS.TS Bùi Văn Liêm)

Di tích khảo cổ học làng Vạc (xã Nghĩa Hòa - thị xã Thái Hòa)
Làng Vạc là tên gọi của một ngôi làng nhỏ thuộc xã Nghĩa Hoà (thị xã Thái Hòa), cách thị xã Thái Hòa 6 km, cách thành phố Vinh 90 km về phía Tây Bắc. Khu di chỉ văn hoá khảo cổ Làng Vạc nằm trên quả đồi thuộc bờ đông của sông Hiếu, diện tích rộng khoảng 4km2. Đồng bào Thái ở đây gọi khu di chỉ này là “núi Mồ” - nghĩa địa của những người giàu. Di chỉ khảo cổ làng Vạc được phát hiện vào đầu năm 1972. Qua nhiều lần khai quật, nghiên cứu (năm 1973, 1980 và 1990) của các nhà khảo cổ (có chuyên gia người nước ngoài), đã phát hiện được hơn 1.000 hiện vật bằng đồng, trong đó đáng chú ý nhất là trống đồng có niên đại khoảng 2.100 năm, và các vòng tay, dao găm có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Ngoài ra còn có bao tay, vòng cổ tay, hoa tai; nhiều mộ táng của nền văn hóa Đông Sơn ở vùng sông Cả… Các hiện vật này hiện nay được lưu giữ tại bảo tàng Nghệ An. Di chỉ làng Vạc còn gắn với truyền thuyết, nói về chiếc vạc đồng 8 quai. Tương truyền, ngày xưa, xưa lắm, Thái Hoà là một thung sâu, xanh tươi màu mỡ, bốn bề có núi bao bọc, mặt đất uốn lượn tạo ra nhiều con khe, con suối. Có 3 con suối lớn gặp nhau ở chân núi Đại Vạn (xã Nghĩa Hoà ngày nay). Bỗng một năm mưa lớn chưa từng thấy, nước ngập nhà, ngập cửa, ba con suối lớn đổi dòng nhập thành con sông lớn. Sông mỗi ngày một sâu, nước chảy hiền hoà, dưới sông đầy tôm, cá, rùa... Từ đó, cuộc sống của cư dân làng bản ngày một ấm no, phát triển thêm một số nghề như chài lưới, làm gốm, đúc đồng. Dân làng biết ơn dòng sông Cả nên làm lễ tạ ơn và xin thần sông đặt tên sông là Hiếu. Các già làng họp lại để tổ chức làm lễ tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân làng làm ăn khấm khá. Một đêm nọ, thần linh báo mộng cho trưởng làng tập trung dân làng bên đầm làng, ngài sẽ trao báu vật của trời đất để làng tổ chức lễ hội. Sáng ra, khi dân làng đã tụ hội đông đủ, bỗng thấy giữa đầm nổi lên chiếc vạc đồng to như một gian nhà, trong vạc to lại có 10 Vạc nhỏ đựng đầy bát, đĩa, âu... Dân làng tưng bừng mở lễ hội, tổ chức suốt trong ba ngày ba đêm. Những ngày ấy trời thật đẹp, nắng tràn trên thung lũng, lóng lánh dưới dòng sông Hiếu. Sau ba ngày mở tiệc, dân làng làm lễ tạ ơn và trả báu vật lại cho thần linh. Con trai, con gái rước vạc về đầm, đang sụp lạy thì vạc đồng từ từ trôi ra giữa đầm rồi chìm xuống. Từ đó, để nhớ thần linh, tạ ơn trời đất, làng đặt tên đầm là đầm Vạc, rồi làng cũng được gọi tên là làng Vạc. Hằng năm, cứ đến ngày đã định, dân làng lại tổ chức lễ hội để nhớ thần sông, thần núi đã mang lại cuộc sống ấm no cho bản làng. Năm… Khu di chỉ làng Vạc được công nhận là khu di chỉ khảo cổ học cấp Quốc gia theo quyết định 61/31/9/1999. Hiện nay, tại khu di tích khảo cổ học làng Vạc, thị xã Thái Hòa đã xây dựng đền thờ vua Hùng nhằm đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân địa phương.


Quặng sắt được người dân tìm thấy trong làng Nho Lâm

Di chỉ Đồng Mõm (làng Nho Lâm xã Diễn Thọ huyện Diễn Châu)
 Đồng Mõm là một cánh đồng rộng khoảng 4 mẫu nằm sát cạnh di tích Rú Ta thuộc làng Nho Lâm xã Diễn Thọ. Từ những năm 1970 - 1975 trong quá trình lao động, sản xuất nhân dân ở đây đã thu nhặt được một số công cụ và vũ khí bằng đồng, bằng sắt. Đến năm 1975, di tích khảo cổ Đồng Mõm được phát hiện và trong 4 lần chính thức khai quật vào năm 1976, 1978, 1992 và 2003 của các nhà khảo cổ, thuộc khoa sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Khảo cổ học hợp tác với các nhà khảo cổ học Nhật Bản. Kết quả các cuộc khai quật cho thấy tầng văn hoá cư trú ở đây phần lớn đã bị phá hoại nghiêm trọng, hiện còn rất mỏng chỉ khoảng 15 - 20cm là loại đất màu đen sẩm. Trong tầng văn hoá đã phát hiện được 6 lò luyện sắt, là những vùng đất bị nung đỏ có đường kính khoảng 30cm, cao 20 - 25cm, tường lò trét bằng đất sét trộn với trấu hoặc rơm khô, kè thêm đá cuội. Lò có 2 cửa, một cửa đưa gió vào, một cửa thải xỉ ra. Đồ gốm ở Đồng Mõm có loại trắng mốc như gốm Đương Cồ ở lưu vực sông Hồng song không nhiều, chủ yếu là gốm màu vàng nhạt và gốm đỏ sẩm, hoa văn trang trí chủ yếu là văn thừng thô và văn chải thành hình các ô vuông và hình ô trám, văn khắc vạch đơn giản ở cổ hiện vật. Về loại hình có vò, nồi, bát, chỏ phần lớn có đáy bằng, một số đồ gốm có chân đế choãi khoảng 45 độ. Đồ đồng có các loại giáo đồng, dao găm, rìu xoè cân trên thân có trang trí hoa văn, lục lạc, chuông nhỏ, sanh đồng,v.v.. Đáng chú ý có một mảnh đồng trên đó trang trí hai hàng văn răng cưa đối xứng nhau giống như hoa văn trên trống đồng, thạp đồng. Về giáo đồng vừa có loại lưỡi gần hình tam giác trên có lỗ thủng vừa có loại giáo lưỡi hình lá mía họng tròn. Ở đây còn phát hiện được vài lưỡi cày đồng thuộc loại vai vuông lưỡi cong tròn, trên thân có sống nổi song song với vai là loại lưỡi cày thường gặp trong di tích Làng Vạc. Đồ sắt ở đây có kiếm sắt còn dính với bao gỗ; lưỡi thường bị rỉ, gãy; mặt cắt ngang hình tam giác. Ở đây cũng phát hiện được một mũi tên bằng xương hình tam giác dẹt, chuôi bị gẵy. Ngoài các di vật trên ở đây trong các mộ còn phát hiện được một số khá lớn xương răng sừng động vật như lợn, trâu, bò, hươu, nai cùng một số vỏ nhuyển thể như ốc, sò, ngao, hàu,v.v.
 Ngoài ra, trong các lần khai quật, còn phát hiện được tổng cộng 11 ngôi mộ, trong đó có 8 mộ huyệt đất, 1 mộ nồi và 2 mộ vò. Mộ huyệt đất thường có hình chữ nhật, nằm theo hướng tây nam - đông bắc, đầu về hướng tây nam, có kích thước không giống nhau, có mộ dài 1,8m, rộng 0,8m, có mộ chỉ dài 1,1m, rộng 0,6m, mộ lớn nhất dài 2,3m, rộng 1m. Tử thi được chôn theo từ thế nằm ngữa chân tay thẳng hoặc nằm nghiêng chân co. Theo những người khai quật thì ở Di chỉ Đồng Mõm loại hình mộ quan tài thân cây khoét rỗng, những mộ này thường chôn sâu, trung bình khoảng 1,5 - 2,5m. Đáng chú ý ở đây có một mộ vò gồm 3 vò úp vào nhau, vò giữa dị đục thủng đáy, vò kích thước tương đối lớn, miệng rộng 40 - 47cm, cao 40 - 60cm nên mộ vò dài tới 1,2m. Loại mộ vò gồm 3 vò rất ít gặp trên đất nước ta. Đồ tuỳ táng trong mộ không được phong phú, chủ yếu là đồ gốm như nồi, vò, bát, chỏ, chỉ có một vài giáo đồng, sanh đồng, rìu đồng và giáo sắt.
Từ kết quả nghiên cứu các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng lớp cư dân Đồng Mõm thuộc giai đoạn muộn loại hình Làng Vạc văn hoá Đông Sơn, có niên đại vào khoảng 1 đến 2 thế kỷ đầu Công nguyên, thuộc thời đại đồ sắt.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây