Ca trù và tộc giáo phường đại hàng ở huyện Đông Thành

Thứ sáu - 30/06/2023 05:21 0

Trong nghệ thuật ca trù, từ soạn giả (người soạn lời bài hát), ca nương, kép đàn (nghệ sĩ biểu diễn) cho đến người thưởng thức (quan viên) thường là những bậc trí thức, những người tài hoa về văn chương và âm luật. Do đó, ca trù mang đậm tính chất bác học, được ví là nhạc “thính phòng” và được sử dụng trong cung đình, được giới quý tộc, văn nhân, tài tử yêu thích. Trong cung đình, nghệ thuật ca trù được sử dụng trong nhiều nghi lễ quan trọng của triều đình tế Nam giao, tiết Nguyên đán, lễ mừng thọ vua, sắc phong Hoàng hậu, sắc phong Thái tử, đón tiếp ngoại giao… Ngoài dân gian, ca trù cũng rất được yêu chuộng và gắn bó với rất nhiều hoạt động của đời sống nhân dân như tế tự ở đình đền, lễ mừng thọ, mừng nhà mới, mừng đậu đạt, mừng sinh con trai, khao vọng, lễ hội, ca quán… Có thể nói, trong các loại hình nghệ thuật cổ thì không gian diễn xướng của ca trù có phổ rộng nhất, lịch sử lâu đời nhất, được ghi chép nhiều nhất. 

Ca trù còn có rất nhiều tên gọi. Tuỳ từng địa phương, từng thời điểm mà hát ca trù còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu, hay hát nhà tơ, hát nhà trò, hát nói… Tuy nhiên dù có ở dạng tên gọi nào thì sự tồn tại của ca trù luôn gắn liền với các đào nương “không có đào nương bất thành ca trù, khi nói đến ca trù không thể không nói tới đào nương”. Để trở thành một đào nương hay còn gọi là ca nương cũng không phải là chuyện dễ, phải hội tụ được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, gõ phách), tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì... Người hội tụ được những yếu tố đó rồi thì phải khổ luyện từ 4-5 năm và sau đó phải làm lễ mở xiêm áo, được sự công nhận của các bậc tiền bối trong giáo phường thì mới chính thức ra nghề.

Ngoài đào nương, còn có kép đàn là người gảy đàn đệm nhạc trong khi hát. Kép đàn thường là đàn ông, không tham gia hát như đào mà chỉ hát những điệu đặc biệt như điệu Hà nam, Hát giai, hay “đào luồn kép vói” (đào hát giọng thấp, kép hát giọng cao). Bên cạnh đào nương và kép đàn còn có nhân vật quan trọng nữa là người cầm chầu (điều khiển) canh hát ca trù còn gọi là quan viên. Người này thường là một thính giả sành sỏi về âm luật ca trù. Quan viên giữ trách nhiệm chấm câu, khen thưởng hoặc trách phạt người hát. Chẳng hạn khi ca nương hát những câu hay thì quan viên gõ vào trống để thưởng, nếu ca nương hát sai hoặc phạm lỗi thì quan viên sẽ gõ vào tang trống để khiển trách. Nếu ca nương phạm lỗi lớn như phạm húy thì quan viên gõ liên hồi vào tang trống để dừng canh hát. 

Các đào nương, kép đàn được tập hợp trong tổ chức gọi là giáo phường. Các giáo phường được tổ chức quy củ, chặt chẽ, ngoài chức năng quản lý, giáo phường còn đào tạo các đào nương, kép đàn trên địa bàn hoạt động. Mỗi giáo phường sẽ có những quy tắc, phương pháp cũng như phong cách biểu diễn khác nhau. Giáo phường hoạt động dưới sự quản lý của Ty giáo phường. Ty giáo phường phân chia việc giữ các cửa đình trong huyện cho các giáo phường. Theo đó, các giáo phường này được phép toàn quyền biểu diễn tại đình làng này, hoặc được phép mời giáo phường khác đến hát giúp trong những ngày tiệc của làng và hưởng quyền lợi. Ngược lại, giáo phường cũng phải có một số trách nhiệm đóng góp vào các nghi thức hát xướng tế lễ của làng, theo mức độ quy định giữa làng xã sở tại với giáo phường.

Người trong giáo phường đều phải tuân thủ các phong tục và luân lý trong làng, trong họ. Họ không được phép làm những điều bất chính, nếu vi phạm sẽ bị các bậc cao niên và người quản giáp luận tội và bắt phạt, thậm chí bị đuổi ra khỏi giáo phường và thông báo cho các giáo phường khác biết không giáo phường nào nhận vào nữa.

Đối với các giáo phường, tất cả các công việc như lễ tế tổ hàng năm, các lệ kiêng tên tổ ca trù, việc thờ thầy, chia tiền hát, lễ mở xiêm áo để công nhận một cô đào bắt đầu vào nghề,… đều mang tính chất tự nguyện, được tổ chức và tuân thủ nghiêm ngặt theo lề lối của ngành giáo phường. Chính cách tổ chức giáo phường như thế tạo nên những nét đẹp nhân văn của giáo phường, khiến cho đào, kép ngày xưa được cộng đồng làng xã trân trọng và kính nể. Ca trù còn lại được đến ngày nay chính là nhờ các đào kép xưa đã từng sống trong các giáo phường như thế truyền lại.

Ngày 1/10/2009, tại kỳ họp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), ca trù đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là Di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. 

Xứ Nghệ được xem là cái nôi của ca trù bởi được thừa hưởng từ kho tàng ca dao, dân ca xứ Nghệ phong phú, trong đó là các điệu hò, ví, giặm. Xứ Nghệ còn nổi tiếng là mảnh đất nho học với đông đảo thầy đồ hay chữ, các nhà thơ dân gian nhiều thời đại. Đặc điểm đó khiến ca trù xứ Nghệ có nét khác với ca trù đất Bắc đó là lối hát nói - một điệu hát quan trọng của ca trù vừa mang phong thái bác học, hào hoa lại vừa mang tính phóng túng, mạnh mẽ của cốt cách người xứ Nghệ.

Sử sách ghi chép, từ thế kỷ XVI, XVII, Nghệ An có 4 giáo phường ca trù đại hàng cùng hàng trăm giáo phường ca trù tiểu hàng. Trong số đó, Tộc giáo phường ca trù đại hàng Đông Thành (nay là làng Yên Xuân, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu) được cho là nổi tiếng và lâu đời, có một thời vàng son, rực rỡ nhất ở xứ Nghệ. 

Theo gia phả dòng họ và các tài liệu khác như sắc phong, văn tế, thần tích,… còn lưu lại tại di tích Nhà thờ họ Trần cho biết ông Trần Đức Chính, húy Mập là thủy tổ của dòng họ, đồng thời cũng chính là tổ sư của Tộc giáo phường đại hàng Đông Thành. Dưới thời chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), ông làm chức Giáo phường Ty chính trong phủ chúa rồi kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Quế ở xã Nguyễn Xá, huyện Đông Thành. Đến đời thứ 2, ông Trần Đức Lương (1615 - 1663, con trai ông Trần Đức Chính) kế nghiệp làm Quản giáp ca trù và kết duyên cùng bà Phan Thị Vệ ở làng Yên Xuân, xã Đào Hoa, huyện Đông Thành (nay là làng Yên Xuân, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu). Sau đó ông bà chọn quê vợ làm nơi sinh cơ lập nghiệp và  từ đây nảy sinh một dòng họ giáo phường lừng lẫy gần năm thế kỷ và có sức ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn thuộc phủ Diễn Châu cũ (cả huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu).  

Đại hàng Đông Thành là Tộc giáo phường có nguồn gốc “trâm anh thế phiệt”. Các thế hệ đầu tiên của dòng họ chủ yếu hoạt động ca trù ở kinh thành Thăng Long. Thời nhà Lê Trung Hưng thịnh vượng, ca trù được các bậc vua chúa và quan lại ưa chuộng, trở thành một phần của nhã nhạc cung đình nên hầu hết các ca nương, kép đàn của dòng họ sống và biểu diễn trong cung vua phủ chúa. Đàn ông thì được phong quan tước, đàn bà thì làm vợ vua chúa, cung tần mỹ nữ trong vương phủ hoặc phu nhân, mệnh phụ các quan đại thần triều đình, như: Thủy tổ Trần Đức Chính làm giáo phường Ty của triều đình; Trần Đức Lương làm Quản giáp được phong Tham đốc, Kim Vinh hầu; Trần Quang Ánh được phong Năng Thọ hầu; Trần Thị Khoan lấy chúa Trịnh; Trần Thị Nghiêm, Trần Thị Ban, Trần Thị Nhuyễn,… là những ca nương làm cung tần mỹ nữ trong phủ chúa; Trần Thị Tề lấy chồng là Khánh Trung hầu; Trần Thị Tửu lấy chồng là Thiêm Tổng tri Bảo Lâm hầu; Trần Thị Sắc lấy chồng là Chánh đội trưởng;… Chỉ trong 4 đời, dòng họ Trần đã có 16 người con gái và 11 bà vợ làm ca nương, 9 người con trai làm quản giáp ca trù.

Khi nhà Lê suy tàn, triều đình thay đổi, con cháu dần chuyển về quê sinh sống, truyền dạy nghề cho nhiều người trong họ và một số người ngoài họ cũng để xin học ca trù, gia nhập giáo phường. Dần dần hình thành nên Tộc giáo phường đại hàng nức tiếng khắp xứ Nghệ. Từ gốc ban đầu ở làng Yên Xuân, dòng họ đã phát triển ra nhiều chi phái tỏa đi khắp nơi, đặc biệt tập trung ở các vùng trung tâm của phủ, huyện: Một chi di cư đến làng Hướng Dương (nay xã Diễn Phong) cạnh thành Trài (huyện lỵ của huyện Đông Thành cuối nhà Lê, đầu thời Nguyễn), rồi di cư tiếp ra Kẻ Lứ, Cẩm Bào, Đông Câu (ở phía Bắc thành Trài); một chi ở lại làng Yên Xuân gần với thành phỉ Diễn (tức thành Diễn Châu). Và được phân bổ ở 6 nơi chính: Làng Yên Xuân (nay thuộc xã Diễn Phúc), làng Yên Lý Ngoại (nay là xã Diễn Yên), làng Đông Câu (nay là xã Diễn Hải), làng Cẩm Trường (nay thuộc xã Diễn Trường), làng Nguyễn Xá (nay là xã Khánh Thành), làng Kim Lũy (nay là xã Diễn Kim). Mặc dù các chi phái sống ở các địa phương khác nhau nhưng luôn luôn giữ mối liên hệ khăng khít và cùng dưới sự điều hành chung của ông Trùm giáo phường (người đứng đầu giáo phường). 

Tộc Giáo phường đại hàng Đông Thành được tổ chức chặt chẽ, có khoán ước rõ ràng. Ai vi phạm các điều lệ sẽ bị xử phạt, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì bị đuổi khỏi giáo phường. Đứng đầu giáo phường là ông Trùm phường, chịu trách nhiệm quản lý chung toàn bộ hoạt động của giáo phường. Thành phần quan trọng của giáo phường là gánh hát với kép đàn và ca nương, đứng đầu gánh hát là ông Kép. Ngày thường, các gánh hát hoạt động độc lập, ở đâu mời thì đến hát và tiền thu được gánh hát sử dụng. Đến ngày hội lớn, ông Trùm phường triệu tập các ông Kép gánh hát lại và điều hành chung, gánh nào hát ngày nào, đợt nào, hát ở đâu,… đều do ông Trùm phường cắt cử.

Khi có người xin gia nhập giáo phường hoặc đào nương, kép đàn làm lễ mở xiêm áo (còn gọi là lễ trình nghề) thì phải báo cáo với ông Trùm phường. Ông Trùm phường lại thông báo đến ông Kép, sau đó mở một cuộc sát hạch, nếu đủ tiêu chuẩn mới được chứng nhận cho gia nhập giáo phường.

Quỹ của giáo phường được lấy từ hai nguồn: một là từ ruộng tế điền, ruộng này chia cho con cháu cày cấy rồi lấy hoa lợi phục vụ việc cúng tế; hai là trích từ tiền đi hát của các thành viên giáo phường. Mỗi thành viên trong giáo phường đều có nghĩa vụ và trách nhiệm trích một phần thu được từ việc đi hát để làm công quỹ của giáo phường.

Giáo phường đại hàng Đông Thành được độc quyền hát ở những nơi danh tiếng trong vùng như: đền Cờn, đền Cuông, đình Cháy,… Khi nhà nước tổ chức những sự kiện lớn thì chỉ giáo phường đại hàng mới được mời đến hát. Giáo phường đại hàng có quyền điều động các giáo phương tiểu hàng đến tham gia các sự kiện.

Từ năm 1945, ca trù dần bị tàn lụi và rơi vào lãng quên thì Tộc giáo phường đại hàng Đông Thành tan rã từ đó. Đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XIX, ca trù được xã hội nhìn nhận, đánh giá lại và dần dần hồi sinh thì các thế hệ con cháu họ Trần càng tự hào hơn về công lao của tổ tiên, phấn khởi khi nghiệp tổ được phục hưng, một số người quay về với đàn phách để nối nghiệp. Với tâm huyết giữ lại hồn cốt văn hóa của cha ông, những năm qua, chính quyền xã Diễn Phúc cũng như các nghệ nhân cao tuổi đã phục hồi các lễ hội truyền thống, tạo không gian diễn xướng nên giáo phường Đông Thành vẫn phát triển mạnh mẽ. Để tiếp tục phát huy nghệ thuật ca trù, địa phương tiếp tục đưa chương trình nghệ thuật này vào các buổi giao lưu nghệ thuật quần chúng ở xã, huyện và tham dự các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia để thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn và phát huy.

Tộc giáo phường đại hàng Đông Thành trong gần năm thế kỷ phát triển liên tục đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và danh vọng, đồng thời sản sinh và đào tạo ra hàng trăm ca nương, kép đàn danh tiếng để cung đàn, nhịp phách vang vọng mãi muôn đời. Với bề dày lịch sử, cùng với nhiều bằng cấp, sắc phong của các triều đại Tộc giáo phường đại hàng Đông Thành đã khẳng định vị thế của ca trù xứ Nghệ trên bản đồ phân bố ca trù Việt Nam. 

Quá trình tồn tại hàng trăm năm đã khiến ca trù thấm sâu vào từng thớ thịt, vào tâm hồn của mỗi người dân Nghệ An, vì thế dù hiện nay có rất nhiều loại hình âm nhạc đương đại nhưng thưởng thức ca trù tại đình làng, dịp lễ tết vẫn luôn được người dân xứ Nghệ quan tâm. Ca trù trở thành niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa người dân trên cái nôi ca trù Diễn Châu nói riêng và người xứ Nghệ nói chung.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây