Khai thác hệ thống đền, chùa phục vụ du lịch tâm linh ở Nghệ An: Thực trạng và định hướng phát triển

Thứ tư - 11/01/2023 04:21 0

1. Đặt vấn đề 
Có thể coi du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người. Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch văn hóa hiện đang được khai thác khá mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 
Ở Việt Nam, trong các loại hình du lịch tâm linh, du lịch tâm linh tôn giáo, nhất là hành hương cầu Phật, Thánh nói riêng, được du khách quan tâm nhiều hơn cả. Thực tế, đã có một số tỉnh, thành đã đạt được nhiều thành tựu khi biết dựa vào lợi thế của địa phương để khai thác loại hình du lịch này. Chẳng hạn, TP. Hà Nội với các quần thể chùa Hương, chùa Thầy…; tỉnh Bắc Ninh với các chùa Tứ Pháp, tỉnh Hải Dương với khu Côn Sơn, tỉnh Quảng Ninh với khu Yên Tử, tỉnh Nam Định với khu Đền Trần - Tháp Phổ Minh, tỉnh Hà Nam với chùa Tam Chúc, tỉnh Ninh Bình với quần thể chùa Bái Đính, tỉnh Thừa Thiên Huế với hệ thống chùa, đền dày đặc… Đã có một số hội thảo liên quan đến vấn đề du lịch tâm linh ở trung ương và một số địa phương.
Trong các địa chỉ du lịch tâm linh ở nước ta, Nghệ An đang trở thành điểm đến chỉ được nhiều du khách quan tâm trong thời gian gần đây. Loại hình du lịch văn hóa - tâm linh đã được tỉnh đẩy mạnh triển khai và đang từng bước tạo ra những hiệu quả nhất định. Tại Nghệ An, có nhiều ngôi chùa và đền nổi tiếng linh thiêng mang đậm giá trị lịch sử, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và là điểm tham quan hấp dẫn. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị vốn có của nó vẫn còn những hạn chế và tồn tại chưa thể giải quyết được. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn nhằm nâng tầm giá trị của đời sống tâm linh địa phương cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch của tỉnh. Thông qua bài viết này, chúng tôi tập trung làm nổi bật điều này cũng như đưa ra một số gợi ý hữu ích.
2. Thực trạng khai thác du lịch tâm linh qua hệ thống đền, chùa tại Nghệ An 
Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch tâm linh, nhất là du lịch tâm linh qua hệ thống đền, chùa. Tỉnh có nhiều công trình Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian được xây dựng từ rất sớm gắn với sự xuất hiện của Phật giáo, Đạo giáo ngoại nhập cùng với tín ngưỡng dân gian bản địa trên vùng đất này cũng như những công trình mới được xây dựng gần đây. Mỗi một cơ sở thờ tự đó đều mang những giá trị nhất định, trở thành những di sản văn hóa đặc sắc và là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng.
2.1. Trong các điểm du lịch tâm linh Phật giáo ở Nghệ An, trước hết phải kể đến các chùa ở thành phố Vinh.
Chùa Diệc (Diệc cổ Tùng lâm): Năm 1742, chùa được dựng lên tại Vinh (nay thuộc Phường Quang Trung). Địa danh“Chùa Diệc”- ngôi chùa lớn nhất ở Vinh và là một trong những ngôi chùa lớn nhất vùng xứ Nghệ, trở thành niềm yêu mến của người dân TP. Vinh từ lâu. Cách đây gần 10 năm, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 642/QĐ-UBND-NC 25/2/2013 về phục hồi chùa Diệc. Từ ngày đó, ngôi cổ tự ngày càng hưng vượng, các Phật tử gần xa dần dần quy tụ tu học Phật pháp ngày càng đông. Đầu năm 2015, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể và chi tiết. Hiện nay, chùa đang gấp rút được xây dựng. Nơi đây sẽ là công trình văn hóa tâm linh loại 1 của TP.Vinh trong tương lai gần. 
Chùa Cần Linh: thường được gọi là chùa Sư Nữ, tọa lạc ở phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, từ lâu được coi là Trung tâm Phật giáo tỉnh Nghệ An. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thế kỉ IX có tên là Linh Vân tự, nghĩa là chùa mây thiêng. Chùa được trùng tu vào thời Hậu Lê. Còn tên Cần Linh bắt đầu có từ thời vua Tự Đức nhà Nguyễn ban phong khi vua đến thăm chùa. Những giá trị hiện vật lịch sử văn hóa, cùng với ý nghĩa và giá trị về tâm linh, là trung tâm Phật giáo của Tỉnh, năm 1992, Chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia. Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở ban ngành tạo điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ để nhà chùa thực hiện trùng tu, mở rộng diện tích chùa.
Tiếp đó là một số ngôi chùa ở các địa phương khác, như Nam Đàn, Yên Thành, Cửa Lò…
Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên động Thăng Thiên thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh, huyên Nam Đàn, Nghệ An, ở độ cao 450m so với mực nước biển. Chùa nằm trên khuôn viên khoảng 6000m2 trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Chùa Đại Tuệ tương truyền có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thế kỷ XV, ngôi chùa này được Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ - người có công giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ, ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, non nước điệp trùng, trời mây tụ khí lành. Chùa Đại Tuệ (mới) được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận 4 kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam. Chùa Đại Tuệ và núi Đại Huệ có thể xem như một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ xưa nay. 
Chùa Chí Linh (chùa Gám): Tọa lạc tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chùa Gám (Chí Linh Tự) là một công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng được xây dựng từ đời Trần, cùng với danh sơn Rú Gám sẽ là điểm đến của một khu du lịch sinh thái tâm linh tầm cỡ khu vực Bắc Trung bộ. Chùa Gám (trong tổ hợp với đền) là Di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Gám nằm trong quần thể Khu du lịch tâm linh sinh thái rú (núi) Gám, một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo độc đáo của huyện Yên Thành. Chùa được xây dựng vào thời Trần thuộc phái Trúc Lâm, thờ Phật Thích Ca và các vị Bồ tát (còn đền Gám là nơi thờ các vị thiên thần, nhân thần có công bảo quốc hộ dân), đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2007; năm 2018 được đón nhận bằng Di tích Lịch sử Văn hóa đền - chùa Gám là Di tích có giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao tặng. 

Chùa Đại Tuệ, Nam Đàn, Nghệ An

Một số ngôi chùa mặc dù không tọa lạc ở những thắng cảnh nổi tiếng, nhưng nhờ tính linh thiêng vốn có nên chùa cũng thu hút được một lượng du khách không nhỏ đến viếng thăm, cầu an. Có một số ngôi chùa được nâng cấp, trùng tu gần đây với những công trình kiến trúc độc đáo, thiết kế ấn tượng cũng đã bắt đầu để lại những ấn tượng mạnh trong lòng du khách. Trong số 65 cơ sở thờ tự Đạo Phật trong toàn tỉnh được công nhận hợp pháp (64 chùa, 1 niệm Phật đường) có 13 chùa là Di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt phải kể đến như các chùa: Cổ Am (Diễn Châu), Bà Bụt (Đô Lương), Phổ Nghiêm (Nghi Lộc), Chung Linh (Thanh Chương)…
Cùng với các cơ sở thờ tự của Phật giáo là các ngôi chùa nổi tiếng nói trên, Phật giáo Nghệ An còn diễn ra rất nhiều hoạt động mang tính sự kiện. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, các hoạt động từ thiện xã hội, thuyết giảng Phật pháp, các khóa tu học Phật thường được các chùa Diệc cổ Tùng lâm,… tổ chức định kỳ hằng năm cũng thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham gia. Ngoài ra, nhiều sự kiện Phật giáo lớn cũng được tổ chức tại Nghệ An như 2 Hội thảo Khoa học toàn quốc: “Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: Quá khứ, hiện tại và tương lai” (tháng 8/2012), “Bác Hồ với Phật giáo” (tháng 5/2022) do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức…, nên đây cũng là những lợi thế lớn để du lịch tâm linh Phật giáo khai thác phát triển.
Tính đến thời điểm này, du lịch tâm linh Phật giáo Nghệ An đang bắt đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, trở thành những điểm du lịch không thể thiếu được trong chuyến hành trình của khách du lịch khi đến với xứ Nghệ. Các điểm đến tâm linh Phật giáo ở Nghệ An đã thực sự trở thành những nơi ngoạn cảnh của du khách bốn phương, giúp du khách đạt được sự thư giãn thực sự, có được những trải nghiệm thú vị chứ không chỉ thuần túy là lễ Phật, cầu Thánh. 
2.2. Trong các điểm du lịch tâm linh ở Nghệ An, bên cạnh các ngôi chùa kể trên, phải kể đến nhiều ngôi đền nổi tiếng.
Trước hết 3 trong số 4 ngôi đền đẹp, quý, linh thiêng nổi tiếng ở xứ Nghệ: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”:


Đền Cờn và Lễ hội đền Cờn thu hút đông đảo khách thập phương tham dự

- Đền Cờn là một ngôi đền nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra sông Hoàng Mai, TX Hoàng Mai. Tại đây, còn có Đền Ông chín Cờn. Đền Cờn thờ Tứ vị thánh nương, tương truyền, các bà thường hiển linh về giúp, nên được dân trong vùng lập miếu thờ. Thời Trần, vua Trần Anh Tông và vua Lê Thánh Tông trên đường đi đánh giặc phương Nam đến thắp hương. Do Tứ vị thánh Nương hiển linh phù trợ đánh thắng giặc nên nhà vua phong làm Đại kiền quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, ban cấp tiền bạc xây dựng đền bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển.
- Đền Quả Sơn là nơi thờ Lý Nhật Quang và các vị thần. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được các nhà sử học đề cao, được xếp là một trong 9 vị danh nhân của đất nước Đại Việt. Đền được khởi dựng từ thời Lý, sau đó được tu bổ, tôn tạo nhiều lần dưới các triều đại phong kiến Trần, Lê, Nguyễn. Năm 1991, đền được xếp hạng Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp quốc gia. Ngoài đền chính ở Tràng Sơn còn có các đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Lưu Sơn (Đô Lương) và ở một số địa phương thuộc các huyện Nam Đàn, Thanh Chương. Phần mộ của ông hiện ở rú Cấm xã Tràng Sơn. 
- Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt (xây dựng năm 1428) thờ Phan Đà, một vị tướng trẻ mưu lược và dũng cảm có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV. Khi ra trận, Phan Đà thường mặc áo giáp trụ trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “Thần Bạch Mã”. Đền được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1994.
Tiếp đến là các đền tuy không được xếp vào nhóm trên nhưng cũng có từ lâu và nổi tiếng về sự linh thiêng: Đền Hồng Sơn (TP Vinh), Đền Vạn Lộc (TX Cửa Lò), Đền thờ Nguyễn Xí (huyện Nghi Lộc), Đền Cuông (Diễn Châu), Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), Đền thờ Mai Hắc Đế (Nam Đàn), Đền Đức Hoàng (Yên Thành)… Vùng miền Tây Nghệ An có Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương), Đền Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn), Đền Chín Gian (Quế Phong)...
Ngoài 2 nhóm kể trên, phải kể đến một số đền tuy mới xây dựng, nhưng sớm trở thành điểm đến tâm linh của du khách, như Đền Quang Trung, Đền Chung Sơn, Đền Truông Bồn…
 3. Những gợi mở trong phát triển du lịch tâm linh thông qua hệ thống đền chùa tại Nghệ An
Trước những nỗ lực của tỉnh trong việc khai thác, phát triển du lịch tâm linh Phật giáo như đã trình bày ở trên, không thể phủ nhận những mặt tích cực cũng như những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, những việc làm đó vẫn là chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách khi đến với Nghệ An cũng như chưa thể khai thác hết các giá trị, tiềm năng sẵn có của hệ thống đền, chùa. Muốn đạt được hiệu quả khai thác cao nhất, du lịch Nghệ An cần có những giải pháp thiết thực hơn. 
Trước hết, ngành du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh để có sự thống nhất, đồng lòng trong việc xem các cơ sở thờ tự đền, chùa cũng như các hoạt động liên quan đến Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian là một nguồn tài nguyên du lịch có giá trị. Từ đó mới có thể phát huy tốt nhất những tiềm năng trên địa bàn tỉnh bằng các biện pháp khai thác cụ thể. 
Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, du lịch tâm linh Nghệ An mang tính mùa vụ rõ nét với việc du khách tập trung quá tải vào một số dịp lễ hội, lễ, Tết trong năm. Do đó cần phải giảm thiểu tính mùa vụ bằng cách đa dạng hóa các hoạt động trong mùa thấp điểm để thu hút du khách, đồng thời nỗ lực phát triển nguồn lực để có thể tạo ra sức chứa đủ lớn trong mùa cao điểm. 
Về khách du lịch tâm linh nói chung, đối tượng du khách tham gia vào các tuyến du lịch tâm linh có sự phân hóa theo hoạt động và đặc điểm tôn giáo của họ. Nếu đoàn khách có cùng niềm tin tôn giáo và có mục đích thực hành nghi lễ tôn giáo thì tuyến du lịch tâm linh có bản chất là tuyến du lịch chuyên đề, vì thế trong một hành trình du lịch tâm linh có thể xuất hiện nhiều điểm tham quan du lịch có tính chất văn hóa tâm linh khá tương đồng. Đây chính là một đặc điểm để Nghệ An có thể phát triển loại hình du lịch tâm linh đền chùa, hướng tới đối tượng du khách thuộc thể loại này.
Như chúng ta đã biết, hiện nay ở Nghệ An đã hình thành một số tuyến du lịch với điểm đến là các di sản lịch sử văn hóa đã đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách như: Khu Di tích Kim Liên, Truông Bồn, Cửa Lò… Riêng với du lịch tâm linh Phật giáo, Đạo giáo (và mở rộng ra: Thiên Chúa giáo…), Nghệ An hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch dựa trên các tuyến chuyên biệt như thế. Để tăng hiệu quả của việc khai thác, Nghệ An có thể liên kết phát triển du lịch tâm linh với các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng lân cận trong vùng như Hà Tĩnh (chùa Phong Phạn, chùa Thanh Lương ở huyện Nghi Xuân; đền Chiêu Trưng ở huyện Lộc Hà) trên cơ sở hợp tác, liên kết, xây dựng tour du lịch kết nối các điểm đến tâm linh Phật giáo, hình thành nên chương trình du lịch tâm linh miền Trung. Và để đáp ứng cho đối tượng du khách đi theo tuyến du lịch chuyên đề này, Nghệ An cũng như các địa phương liên kết cần phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh, tạo thêm cơ hội cho đồng bào có đạo có nhiều trải nghiệm hơn nữa khi tham gia tuyến du lịch chuyên đề của mình. Đó có thể là việc tổ chức các khóa tu, các hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga, hội thảo như một số địa phương đã triển khai… 
Nếu đoàn khách tham gia vào hoạt động du lịch tâm linh chỉ dừng lại ở mức độ tham quan và tìm hiểu và không có nhu cầu thực hành nghi lễ tôn giáo thì tuyến du lịch tâm linh rõ ràng có thể kết hợp nhiều điểm tham quan du lịch tâm linh có tính chất khác nhau. Với Nghệ An, đây là đối tượng du khách chiếm số lượng đông hơn cả. Họ tìm đến các điểm tâm linh Phật giáo chủ yếu là để tham quan, vãn cảnh kết hợp với chuyến đi ở các điểm tham quan khác. Do đó, thời gian lưu lại ngắn, chi tiêu ở các điểm du lịch tâm linh chưa nhiều. Để khai thác hiệu quả du lịch tâm linh ở các đối tượng du khách này, cần phải thực sự nâng tầm các điểm đến bằng cách đa dạng hóa dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch trong khuôn khổ cho phép để khai thác có hiệu quả nhưng phải hạn chế tình trạng bị thương mại hóa. Như thế, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu thị trường, xây dựng những sản phẩm du lịch tâm linh mới để kéo dài thời gian lưu lại của khách cũng như đưa các điểm du lịch tâm linh đền, chùa đó trở thành điểm tham quan chính trong chuyến đi của du khách. Đó có thể là việc đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến tâm linh như biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc một cách thường xuyên hơn, viết thư pháp theo yêu cầu của khách, đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm, tăng cường các khu ẩm thực để đáp ứng nhu cầu du khách…
Bên cạnh các vấn đề trên, thực tế hiện nay, ngoài Lễ hội Làng Sen do tỉnh phụ trách; Lễ hội Vu Lan, Phật đản… của một số chùa; cũng như một số lễ hội của một số đền khác được tổ chức hàng năm thu hút được một số lượng lớn Phật tử, người có tín ngưỡng và du khách, thì nhìn chung, nhiều điểm đến của đền, chùa chưa có hoạt động gì nổi bật nhằm tạo nên điểm nhấn, tiếng vang cho du lịch tâm linh Nghệ An. Do đó, cần tổ chức các hoạt động tầm cỡ có tính sự kiện tại một vài cơ sở tôn giáo để xây dựng thành thương hiệu riêng của du lịch tâm linh Nghệ An. 
Nghệ An có nhiều thắng cảnh đẹp. Bên cạnh các ngôi chùa cổ và các ngôi chùa được xây dựng, trùng tu gần đây đã trở thành những điểm du lịch thu hút du khách thì Nghệ An có thể xây dựng thêm một số ngôi chùa tại các thắng cảnh khác để tạo thêm những điểm du lịch mới. Để có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, cần phải tạo ra những nét độc đáo trong việc thiết kế cảnh quan cũng như kiến trúc của các ngôi chùa, hoặc tạo ra những kỷ lục nào đó để thu hút du khách. Tuy nhiên, thiết kế đó phải đảm bảo tính văn hóa và không đi lệch với những chủ trương, chính sách trong phát triển du lịch bền vững. Có như vậy, Nghệ An mới có thể vừa tạo ra những hiệu quả kinh tế nhất định, vừa trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng không thể bỏ qua của du khách. 
Đồng thời với việc đưa ra các giải pháp thu hút khách du lịch đến với các điểm du lịch tâm linh đền, chùa ở Nghệ An, vấn đề văn hóa trong môi trường du lịch tâm linh cũng cần phải đặc biệt lưu ý. Gần đây, những biểu hiện chưa đẹp ở các điểm du lịch tâm linh vẫn còn tồn tại như hiện tượng du khách ăn mặc hở hang khi vào chùa lễ Phật, hiện tượng thắp nhang tràn lan ở một số ngôi đền, chùa,… Vì vậy, muốn xây dựng hệ thống đền, chùa Nghệ An trở thành điểm đến với những hình ảnh đẹp, văn minh, ấn tượng, hấp dẫn trong lòng du khách, các vấn đề còn tồn tại này phải được giải quyết một cách triệt để. Cần có trang phục khoác ngoài cho những du khách ăn mặc chưa chỉn chu, hướng dẫn du khách thực hành các nghi lễ tôn giáo một cách có văn hóa,… 
Một trong những nội dung của phát triển du lịch bền vững nói chung đó là phát triển du lịch đồng thời nâng cao mức sống của cộng đồng cư dân địa phương dựa trên nguồn lực du lịch. Nghệ An muốn phát triển du lịch tâm linh đền, chùa hiệu quả, cũng rất cần bàn đến nội dung này. Trên thực tế việc khai thác, phát triển ấy còn chưa thực sự gắn kết với cuộc sống của người dân địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Nghệ An chưa thực sự được nâng cao từ thế mạnh của du lịch tâm linh. Do đó, để thực hiện tốt vấn đề này, chính quyền địa phương cần tạo cơ hội hơn nữa cho người dân địa phương bắt tay vào làm du lịch tâm linh, ví dụ như cho phép họ kinh doanh hàng lưu niệm, kinh doanh ẩm thực, giữ xe… phục vụ đối tượng du khách tham gia loại hình du lịch này. Nếu Nghệ An giải quyết tốt các vấn đề trên, du lịch tâm linh tỉnh nhà sẽ phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như sẽ trở thành một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng trong cả nước.
4. Kết luận
Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói mang lại những hiệu quả kinh tế không thể phủ nhận. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều cố gắng tận dụng những lợi thế của mình để phát huy hiệu quả trong khai thác du lịch. Du lịch tâm linh Nghệ An chính là một trong những thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Và hiện Nghệ An cũng đang nỗ lực thu hút du khách đến với nguồn tài nguyên ấy. Có thế mạnh nhưng phải làm sao để có thể vừa khai thác được hiệu quả vừa không làm phương hại đến nguồn tài nguyên, hạn chế tối đa những tiêu cực, những mặt trái trong tác động của du lịch đến văn hóa tâm linh, đồng thời nâng cao được mức sống của cư dân địa phương…, đó phải là mục tiêu cần hướng đến của du lịch Nghệ An. 
Đến với du lịch tâm linh Nghệ An, ngoài những trải nghiệm thú vị bởi những di tích văn hóa lịch sử, nơi đây còn có nhiều công trình đền chùa có giá trị có thể phục vụ nhu cầu tâm linh của khách du lịch. Tất cả đã tô thêm những gam màu tâm linh (bên cạnh các di tích lịch sử, cách mạng) đầy màu sắc để bức tranh Nghệ An thêm phần ấn tượng, đa dạng, đặc sắc.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây