Đền Bạch Mã

Thứ ba - 06/12/2022 04:21 0
                                                     
       1.  Ngôi đền Bạch Mã này tọa lạc trên khuôn viên rộng 4.894m2, nơi có phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, thờ vị thần Phan Đà đã được nhiều triều đại sắc phong như đôi câu đối ca ngợi:  Sơn thanh thủy tú chung linh, hoàn vũ điện an ngung cảnh phúc/ Địa chuyển thiên toàn vĩ liệt, lịch triều bao biểu bí long chương (山青水秀鍾靈,寰宇奠安顒景福/ 地轉天旋偉烈, 歴朝褒表賁蘢章): Nước biếc non xanh, tạo hóa ban cho toàn cảnh phúc/ Trời xoay đất chuyển, các triều trao tặng kín sắc phong. 
       Phan Đà sinh vào đầu thế kỷ XV, trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du, nay là thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Tuổi trẻ Phan Đà là cậu bé thông minh, tuấn tú, giỏi cả văn lẫn võ. Năm 1424 nghĩa quân Lam Sơn tiến về Nghệ An mở rộng địa bàn chống giặc Minh. Phan Đà cưỡi bạch mã gia nhập nghĩa quân và lập nhiều chiến công hiển hách. Trong một lần bị phục kích bất ngờ ở tả ngạn sông Lam, ông bị thương nặng, được bạch mã mang về, gần đến quê nhà thì trút hơi thở cuối cùng tại xóm Công Trung (nay là xóm 4 xã Thanh Long). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, xét công lao của Phan Đà, nhà vua cấp tiền của, giao cho quân dân sở tại xây ngôi đền bề thế xếp vào hạng quốc tế, sắc phong “Đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”, ban cho 18 mẫu ruộng, 18 lính túc trực thường xuyên để lo việc cúng tế. Năm Quang Thuận thứ 6 (1465), vua Lê Thánh Tông gia phong “Đô thiên đại đế Long vương trợ thuận, bảo quốc hộ dân, thượng đẳng tối linh tôn thần”. Các triều đại sau tiếp tục gia phong nhiều mỹ từ cao quý khác. 
        Đến nay, tuy đã qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp nhưng đền cơ bản vẫn giữ được những giá trị ban đầu. Đền gồm có Tam quan, Nghi môn, Tam điện (hạ, trung thượng điện), Tả vu, Hữu vu. Trước cổng đền có 2 con voi lớn đang quỳ đợi chủ, bên cạnh là 2 quản tượng ngồi trên phiến đá với vẻ mặt trầm tư cung kính. Sau lưng voi là Tam quan rộng rãi. Liên kết giữa cửa chính và 2 cửa phụ là những mảng tường lớn đắp nổi hình voi, hổ, ngựa trang nghiêm. Ở các cột lớn nổi bật hình rồng, nghê sinh động.
        Nét đẹp đặc sắc của kiến trúc ngôi đền là Tam điện. Hạ điện xây theo kiểu chồng diêm 8 mái, lợp ngói mũi hài, 2 tầng đều được đắp vuốt 4 đầu đao, bờ thượng đắp lưỡng long chầu nguyệt. Trung điện nối liền Hạ điện bằng 3 gian, 4 vì kèo, lợp ngói mũi hài. Chính giữa bờ thượng là bức đại tự đề 2 chữ tối linh (最靈): đền linh thiêng nhất. Gian giữa  đặt 2 bàn thờ, 1 hương án & các đồ tế khí sơn son thếp vàng thờ các vị thần bản xã. Hai bên các bàn thờ có 2 tượng rùa đội hạc, phía sau là 2 giá bát bảo…Nơi thờ chính của đền là Thượng điện gồm 3 gian, 4 vì. Gian chính giữa đặt bàn thờ. Bàn thờ trong cùng đặt long ngai, bài vị thần chủ: Đô thiên đại đế Long vương trợ thuận, bảo quốc hộ dân an tế phổ huống nông nhuận hành hạp dực bảo trung hưng, lịch triều phong tặng thượng thượng thượng đẳng phúc thần.
 2. Từ thời Lê đến thời Nguyễn, lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức rất trang nghiêm với quy mô lớn. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Phan Đà (13. 6 Âm lịch), các triều vua nước ta lại đứng ra tổ chức và giao cho quan sở tại chuẩn bị các lễ vật để làm lễ tế thần. Lễ hội Đền Bạch Mã gồm có 2 phần. Phần lễ có: lễ khai quang, lễ rước kiệu, rước sắc, lễ cáo yết, lễ tế thần, lễ bái tạ. Phần hội có các trò chơi dân gian như vật cù, kéo co, chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ thẻ, đấu võ; …sinh hoạt văn nghệ như hát ca trù, hát bội, dân ca ví dặm… Từ sau cách mạng tháng Tám cho đến năm 1994, do điều kiện lịch sử, lễ hội được dân làng tổ chức đơn giản, không rước kiệu, nhưng riêng trò vật cù diễn lại tích của tướng Phan Đà vẫn được tổ chức quy mô. 
      Sau khi đền được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa – Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1994, nhân dân trong xã khôi phục lại lễ hội với đầy đủ các nghi lễ như trước đây. Tuy nhiên, do ngày hội vào đúng dịp nắng nóng cao điểm của miền Trung nên địa phương đã chuyển đổi thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 8 đến ngày 12 tháng Hai Âm lịch, cũng là dịp tiết Xuân đẹp trời, mùa vụ rảnh rỗi, lại là mùa vạn vật sinh sôi. Rạng sáng ngày 8 là lễ Khai quang tẩy uế với nước làm lễ mộc dục được lấy ở hợp lưu sông Rộ (tên chữ là Võ Giang 武江) và sông Lam (tên chữ là Lam Giang 藍江 hay Thanh Long Giang 青 龍 江) cùng các loại lá thơm. Sau đó, Ban lễ nghi đến phần mộ thần tại xóm 4, xã Thanh Long để khai quang, làm lễ. 
      Theo tục xưa truyền lại, sau khi ngài Phan Đà qua đời, mộ ngài luôn được dân làng chăm lo hương khói. Việc tổ chức thỉnh mời thần là một nghi lễ quan trọng trong diễn trình của lễ hội, mặc dù không phải lúc nào cũng được tổ chức quy mô, song ít nhất các thủ tục tế lễ, lễ vật thì không được thiếu. Chủ tế thỉnh ngài về dự hội, phù hộ cho thời tiết hanh thông để nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự lễ hội được thuận tiện và gặp nhiều may mắn. Tiếp đó, Ban lễ nghi đến Phủ Ngoại ở thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt làm lễ tạ ơn song thân của ngài.
      Chiều ngày 9, nhân dân rước bài vị Phan Đà từ đền Bạch Mã về Phủ Ngoại làm lễ tế thân, rước song thân của thần cùng về dự hội. Lễ rước vừa để tôn vinh công trạng thần, vừa tạ ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ thần và cũng để phô trương thanh thế của làng. Ngày 10, dân làng thực hiện lễ Đại tế và lễ tạ, cảm ơn thần linh, thân phụ, thân mẫu đã phù hộ cho lễ hội diễn ra tốt đẹp.
 Sau lễ là đến hội đền diễn ra vào ngày 11 & 12. Hội có trò chơi đặc sắc là vật cù, được xem như một tục hèm nhằm tái hiện hành trạng, công tích của tướng Phan Đà trong việc tuyển quân, còn mang tính biểu tượng sâu xa về phong tục thờ Mặt trời của dân cư nông nghiệp trồng lúa nước.
        Tương truyền, vào thế kỷ XV, Phan Đà gia nhập nghĩa quân Lê Lợi, được  giao cai quản vùng đất Thổ Du (tức huyện Thanh Chương) và tuyển mộ dân đinh, trai tráng của địa phương để sung quân đánh giặc. Ông đã nghĩ ra hình thức tuyển binh đơn giản mà hiệu quả là tổ chức thi vật cù để lựa chọn những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có tố chất tham gia chiến đấu. Đây cũng là hình thức rèn luyện sức khỏe cho tân binh. Quả cù được làm từ củ chuối hột loại lớn, được đẽo thành hình tròn cỡ 30cm và trọng lượng khoảng 5 – 7kg, đẽo xong, luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng kỹ cho dẻo, không bị nứt vỡ khi chơi. Những người tham gia hội vật cù được tuyển chọn từ các làng xã. Trước đây, hội đền Bạch Mã tổ chức cả 3 hình thức cù gôn, cù đẩy và cù nước. Ngày nay hội thường tổ chức vật cù gôn: ở hai đầu sân, mỗi bên đào một hố sâu rộng 50cm x 50cm, phía trên cắm 1 lá cờ hội, gọi là gôn. Mỗi trận diễn ra khoảng 15 phút, mỗi đội có 7 người tham gia tranh cù, vật cù để làm sao đưa được quả cù vào gôn đối phương mà không được ôm, vật đối phương. Mỗi trận cù thực sự là một cuộc đấu trí, đấu sức và phô diễn sự khéo léo, tinh thần đồng đội của hai đội. Theo quan niệm dân gian, đội cù của làng xã nào giành giải thì làng xã ấy năm đó trẻ già khoẻ mạnh, mùa màng bội thu.
       Gần đây, lễ hội đền Bạch Mã vẫn tổ chức đều đặn hàng năm. Những dịp đột xuất lễ hội diễn ra trong 5 ngày như đã nói trên, nhưng thông thường chỉ diễn ra trong 2 ngày mừng chín & mùng mười tháng 2 Âm lịch. Ngoài các trò chơi dân gian còn có các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như bóng đá, bóng chuyền, bình thơ, xướng, họa thơ, biểu diễn văn nghệ quần chúng; một số năm còn có hội thi người đẹp lễ hội, người đẹp thanh lịch, có gian trưng bày tranh ảnh về chủ đề “các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn Nghệ An” và về “chủ quyền biển đảo Trường Sa”, lại có gian trưng bày, giới thiệu những đặc sản nổi tiếng của Thanh Chương, hấp dẫn, thu hút người xem. Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 
       Đền Bạch Mã tiếp tục được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm, đông đảo các tổ chức, cá nhân cung tiến tiền của để tu bổ, phục hồi. Lễ hội đền Bạch Mã là dịp để huyện Thanh Chương nói chung, xã Võ Liệt nói riêng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào về quê hương xứ sở cho thế hệ trẻ, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cho mọi tầng lớp nhân dân. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Bạch Mã đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2969/QĐ - BVHTTDL ngày 27. 8. 2019.       
Tài liệu tham khảo:
(1). BCH Đảng bộ xã Võ Liệt: Lịch sử  truyền thống cách mạng của đảng bộ & nhân dân xã Võ Liệt, Nxb Lao Động 2015. 
(2). Bùi Dương Lịch: Thanh Chương huyện chí (Bùi Văn Chất dịch,) Nxb Nghệ An, 2008.  
(3). Nhiều tác giả: Thanh Chương đất & người Ban liên lạc đồng hương Thanh Chương ở TP Vinh xb. Vinh. 2005.
(4). Ninh Viết Giao: Thần tích xã Võ Liệt in trong Tục thờ thần & thần tích Nghệ An Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An. Vinh, 2000.










 




 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây