Thám hiểm Nghệ An năm 1896 - 1897 (Kỳ cuối)

Thứ ba - 03/01/2023 04:21 0

Trong lúc này, có một điều không kém phần thú vị đó là một chủng tộc mới, người Mẹo, tại một góc nhỏ của bản Mường đang chờ đợi chuyến viếng thăm của chúng tôi ở trong rừng núi. Có lẽ thật quá đáng khi chúng tôi nhận tin này với vẻ mặt giả vờ bình thản.
Chúng tôi trải qua hai ngày săn bắn ở khu vực xung quanh bản làng, không có những con thú vật lớn ở đây, nhưng ngược lại thú săn rất nhiều, điều đó giúp chúng tôi có cơ hội làm phong phú thêm bộ sưu tập về lịch sử tự nhiên của mình. Hai ngày sau, chúng tôi đến gặp trưởng bản để nhắc ông ta về lời hứa cung cấp người mang vác cho chúng tôi lên đường. Ông ta trả lời: “ngày mai các ông sẽ có người mang vác”. Tôi nghiêm nghị nhắc nhở trưởng bản rằng: “ông đã hứa với tôi là ngay trong ngày hôm nay sẽ có người mang vác cho tôi”. Trưởng bản khúm núm, thề rằng sẽ giữ đúng lời hứa mới này. Chúng tôi buộc phải chờ đợi thêm. 


Đoàn thám hiểm dừng nghỉ trên đất Lào (Ảnh của tác giả in trong sách)

Sáng hôm sau, có 6 cu li đến chỗ chúng tôi, chúng tôi không thể nào nghĩ đến việc khởi hành trong điều kiện như thế này và tôi đã bực tức đe dọa trưởng bản, việc này nhanh chóng đến tai cả bản làng. Tôi làm cho ông ta hiểu rằng ông ta là một trưởng bản, nếu như ông biết cách chỉ huy thì điều đó đã không xảy ra và tôi đưa ra cho ông ta một ví dụ đó là tôi cho lính lùng sục hết tất cả những túp lều trong bản làng. Chúng tôi đã phát hiện ra 4 người đàn ông tráng kiện trên một chiếc thuyền độc mộc và chúng tôi cũng có thể vận chuyển được gần mười thùng hàng của chúng tôi.
Vừa lúc đó, tên Đội nhận được lệnh của Công sứ tỉnh triệu hồi về trạm Xiêng - Khoảng, tôi ra lệnh để lại cho chúng tôi một chiếc thuyền kay và 3 người, đồng thời viết thư cho Công sứ để xin lỗi Ngài về việc tự ý giữ lại người của đoàn hộ tống. Trong thư tôi còn nói thêm rằng tôi hy vọng chính tôi sẽ tìm được những tên cu li cần thiết cho chuyến thám hiểm mà không phải dùng bạo lực đối với bản làng. Vì vậy, chúng tôi quyết định bỏ lại những hành lý nặng nề nhất của mình và chỉ giữ lại những gì thật sự cần thiết, dự định đi thành hàng nhỏ đến Xiêng - Khoảng bằng đường núi.
Đoàn người xuất phát, tôi triệu tập trưởng bản đến và nói với ông ta rằng bốn tên lính vẫn còn ở chỗ chúng tôi, tất cả chúng tôi đều được trang bị vũ khí và nếu như ông ta khăng khăng không thiện chí tạo điều kiện cho chúng tôi rời đi thì chúng tôi buộc sẽ phải hành động bằng vũ lực. Tôi ra lệnh cho người An Nam canh chừng người ngay ở lối vào bản làng và cấm họ ra khỏi làng. Như vậy về lâu về dài chúng tôi sẽ thành công trong việc tuyển người mang vác mà chúng tôi thật sự cần. Chúng tôi buộc phải trưng dụng tất cả mọi thứ mà không đồng ý thanh toán bất kỳ một khoản nào, kể từ đó mối quan hệ của chúng tôi với người ở bản Ta Đo trở nên căng thẳng hơn. Phụ nữ trong bản chạy trốn khi chúng tôi đến gần. Chúng tôi phải giữ tình trạng bao vây như vậy trong bốn ngày trước khi có thể rời đi. Vậy là chúng tôi đã có một tuần dài tận hưởng những thú vui ở Ta Đô, điểm dừng chân này cho phép chúng tôi bổ sung thêm những đánh giá nhận xét của chúng tôi về cuộc sống bên trong của người Mường.


Những người Khơ Mú trong đoàn khuân vác cho đoàn thám hiểm (Ảnh của tác giả)

Nhu cầu đời sống của người Mường rất ít ỏi nên cuộc sống của họ sẽ dễ chịu nếu như người Âu không đến đây để bắt họ phải làm việc. Những ngôi nhà của người Mường được miêu tả là cao, ở giữa nhà có một bếp lửa được đặt trên một tấm ván, không có lỗ thông khói, khói đọng lại trên mái nhà và làm đen những cây đà của túp lều tranh. Chính vì vậy mà chúng tôi có thể so sánh một ngôi nhà của người Mường như điếu tẩu của một trong những người thích hút thuốc nhất của chúng ta. Người Mường dành cả cuộc đời mình bên bếp lửa, họ ngồi xổm, họ sưởi ấm lòng bàn tay trên ngọn lửa cháy từ từ với mùi cay của khói; họ nói chuyện nhiều và làm việc ít. Đó là cuộc sống lay lắt của những người hạ Lào; họ thích sống nội tâm, yên tĩnh và tự do. 
Cuộc sống thờ ơ như thế chẳng phải là đỉnh cao hạnh phúc của con người hay sao? Một người văn minh đỏ mặt thừa nhận điều này, bởi vì nó sẽ làm tan biến những giấc mơ về sự tiện nghi và cuộc sống dễ dàng mà anh ta không ngừng theo đuổi bằng cách làm phức tạp hóa thêm vấn đề và làm cho cuộc sống của mình trở nên khó khăn hơn.
Tôi luôn tự hỏi rằng, khi tôi đi qua những đất nước ít được biết đến này, đất nước nào trong số hai đất nước, của nhà thám hiểm hay của những người mà đất nước đó muốn phục tùng luật pháp của nền văn minh của mình, là vô nhân đạo nhất? Từ xa xưa, những người Mường nghèo nàn sống biệt lập trong những bản làng của họ, là nạn nhân của các nền văn minh lân cận. Người Xiêm miệt mài săn bắt nô lệ trên những ngọn núi ở Trung kỳ. Liệu chúng ta có phải là những nhà nhân đạo khi mà chúng ta nhanh chóng yêu cầu họ phải lao động bởi vì chúng ta sẽ không từ chối sự giàu có từ những người thuộc địa này. 
 Tôi không thấy có sự khác biệt nào giữa hành động của những người có tấm lòng nhân đạo vĩ đại của chúng ta với của những người thợ săn nô lệ trước đây; có thể chúng ta thể hiện nhiều hình thức hơn, nhiều sự giả tạo hơn. Về khía cạnh này, thì đây không chỉ đơn giản là sự tiến bộ của con người?.
May mắn đã đến với chúng tôi vào ngày 26 tháng 2. Người ta đến nói với chúng tôi rằng, quân lính, trưởng bản và toàn bộ nhà chức trách được yêu cầu để lùng sục và tập hợp được 14 tên cu li, đến tối, số lượng người tăng lên được 17 người, chắc chắn nhờ có những người cu li trước đây đã trở lại.
Người Mường thấy chúng tôi hài lòng nên họ bắt đầu trở nên hòa nhập hơn và trưởng bản đã dám giới thiệu với tôi cô con gái bé nhỏ của ông ta, con bé bị thương nhẹ ở cằm. Tôi băng bó sát trùng vết thương để tránh viêm nhiễm, ở đây tôi chỉ làm được như thế. Người Mường nhìn tôi làm cho con bé một cách chăm chú. Băng bó vết thương xong, tôi cảm thấy rằng chúng tôi đã có sự tin tưởng lẫn nhau và mọi thứ đã trở lại bình thường, rằng sự chờ đợi quá lâu và sự thiếu kiên nhẫn đã có lúc làm chúng tôi rối loạn.
Một trong những cậu bé người An Nam nói được một ít tiếng Lào, nói với tôi rằng “Pim”, chính là tên của cậu bé, là kết quả của cuộc hôn nhân loạn luân giữa trưởng bản với em gái của ông.
Những người An Nam được cộng đồng và gia đình tôn trọng thì họ có thể che dấu được sự ghê tởm dẫn đến sự phạm luật này.
Sự loạn luân này dường như thường xuyên xuất hiện ở xứ sở của người Mường. Hôn nhân của những người con cùng cha khác mẹ và ngược lại là một phong tục rất phổ biến. Chính thuốc phiện là một trong những nguyên nhân gây ra sự thoái hóa của chủng tộc này.
Buổi tối, những đứa con của trưởng bản đến chơi đùa xung quanh chúng tôi. Một trong những bé gái trong nhà thậm chí mạnh dạn bắt tay người bạn của tôi, Jean de Neufville. Những cậu bé nói với chúng tôi rằng cô bé đó là em gái của “Pim”, nhưng là một cuộc hôn nhân khác với người sinh ra “Pim”. Con bé trả lời tên là “Apan”. Rất tiếc tôi không thể dịch hai cái tên này ra được, chắc chắn hai cái tên này không phải là không có nghĩa.
Ngày 27 tháng 2
Khởi hành để đi đến Lào - Ban Moukhou(1)
Cuối cùng giờ khởi hành đã đến và chúng tôi có thể thực hiện việc đi đến vùng đất của người Mẹo. Những người mang vác của chúng tôi đã tập trung ngay từ sáng sớm và trưởng bản nói với chúng tôi rằng ông ta dự định sẽ đi cùng với chúng tôi để giám sát đoàn người mang vác. Rất vui mừng vì sự quan tâm của lý trưởng, chúng tôi chấp nhận sự hợp tác của ông.
Chúng tôi hơi khó chịu khi nhìn thấy sự hiện diện của 4 phụ nữ trong đoàn mang vác của chúng tôi. Chúng tôi muốn quan sát họ, khi có một chàng trai trong đoàn nói rất lớn với chúng tôi: “Con gái Mường, làm cu li giỏi, mang vác khỏe”. Để minh chứng cho lời nói của mình, anh ta định trao một trong những gánh hàng nặng nhất cho một cô gái tội nghiệp. Tôi đã phải can ngăn việc này và chuyển gánh nặng đó cho một trong số chàng trai. Chàng trai này dường như nhận thấy trò đùa của mình kém phần lịch sự và nhìn ánh mắt đầy trách móc của cô gái. Người châu Á ít ga lăng, so với họ, chúng ta vượt trội về mặt này.
Khoảng 8 giờ, cả đoàn lên đường, từ từ leo lên các sườn núi bao trùm cả vùng Ta Đo. Tôi sử dụng lệnh hành quân trong tất cả những cuộc thám hiểm của mình, ngoại trừ có những thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
Jean de Neufville và tôi cùng với 2 tên lính dùng chiếc thuyền Kay đi đầu, tiếp theo là những chàng trai có trang bị súng. Chúng tôi cũng thành lập một đội tiên phong khá hùng mạnh để chống lại cuộc tấn công và để giám sát những tên cu li mà các tên lính bảo đảm rằng họ đã đi được một nửa đoàn. Paul Cabot và 2 tên lính (miliciens) là những người đi cuối cùng của đoàn, chịu trách nhiệm giám sát những người đi tụt lại sau cùng. Mỗi giờ chúng tôi dừng lại để chờ những người đi chậm, cả đoàn tập hợp lại và chúng tôi lại đi tiếp. 
Chúng tôi thường xuyên tập hợp đoàn người di chuyển lại để tránh trường hợp kéo dài thời gian và trong trường hợp gặp phải sự tấn công của dân chúng thì lực lượng của đoàn hộ tống luôn ở trong tay và sẵn sàng giúp đỡ.
 Đừng quên rằng 6 đến 7 người được trang bị súng trường tạo nên một lực lượng đáng kể ở đó và có khả năng đi qua những vùng đất khó khăn nhất, miễn là không để bị đột kích riêng rẽ, điều đó dĩ nhiên sẽ xảy ra đối với những vùng bị che khuất nếu trưởng đoàn không thường xuyên quan sát cẩn thận đến tận người cuối cùng. 
Ngày hôm đó, trong 8 giờ đi bộ, chúng tôi lên đến độ cao 1.600m. Những con đường khó đi nhưng đẹp như tranh vẽ; chúng tôi đi theo một lối hẹp trong rừng rậm được phát quang bởi con dao phạt. Người Mường đã áp dụng cách để phục vụ cho tất cả những người mang vác tải hàng trên núi. Chúng tôi dùng 2 dây leo của cây quấn quanh trọng tải hàng hóa tạo thành một sợi dây ở thắt lưng, một sợi thứ ba quấn qua trán của người mang vác để giữ chặt trọng lượng thật vuông vắn trên vai và trên lưng. Họ lom khom đi bộ, thường xuyên sử dụng gậy để tránh bị té ngã. Một người Mường cũng có thể gánh từ 25 đến 30 kg suốt cả ngày. 
Dừng lại ăn trưa, một sự việc diễn ra đã phá vỡ sự đơn điệu của chuyến đi. Những âm thanh từ xa của chiếc chuông gỗ vọng lại bên tai của chúng tôi và chúng tôi sớm nhìn thấy con đường mà trên con đường đó, chúng tôi sẽ đi theo đoàn người Mẹo đang dắt theo những con bò có yên được bện bằng roi mây, chở muối. Trưởng bản đề nghị chúng tôi trưng dụng 2 trong số những người này để đỡ đần cho nhiều người của chúng tôi đã bị mệt. Người Mẹo chỉ tuân lệnh sau nhiều lần đề nghị, sự hiện diện của người Âu đã mang lại tầm quan trọng cho người Mường.
Chính ở độ cao 1.500 mét, ngọn núi tạo nên một hình hài thật sự để bảo vệ vương quốc của người Mẹo, hình dáng của nó rất đặc biệt cho đến khi rừng bị tàn phá bởi hỏa hoạn: đó là những cây cao lấn át một vài cây quý hiếm nhưng cũng cao, thường là những cây gỗ cứng, minh chứng cho khả năng chịu đựng của nó sau hỏa hoạn.
Gần đó là những phần đất đã được khai hoang, cây cối bị hủy diệt bằng cách đốt cháy, cắt cây cách mặt đất 1 mét, việc đó sẽ tự thiêu hủy dần dần mớ bòng bong của thân cây. Để có được một ít lương thực, họ đã tàn phá vẻ đẹp lâu đời và sự trù phú đáng kể của rừng. Cây cối trong rừng bị tàn phá, người Mẹo gieo lúa hoặc cây anh túc (thuốc phiện) trong tro, sau khi đất cằn cỗi, người Mẹo sẽ đi khai phá một vài nơi khác trong rừng.
Không có gì đẹp hơn những cánh đồng hoa anh túc ở trên sườn núi; những bông hoa màu hồng tạo thành một tấm thảm và hướng về phía những làn khói đen của người Dao đang từ từ biến thành tro nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng của nó. Trong lúc quan sát những khung cảnh mới thì chúng tôi tìm ra một con đường dẫn đến bản Ban Moukhou.
Đã đến lúc những người mang vác đáng thương của chúng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi bắt đầu sợ hãi khi nhìn thấy họ ngã xuống hoặc từ chối tiến lên phía trước, trong trường hợp này chúng tôi buộc phải ngủ trong rừng hoặc bỏ bớt hành lý, giải pháp bỏ bớt hành lý là giải pháp rất tồi tệ vì nó cổ vũ cho những người mang vác khác bắt chước đồng đội của mình và chính vì thế mà chúng tôi phải đi phổ biến với đoàn rằng người nào có thể ở lại vùng này là một sự liều lĩnh rất nghiêm trọng.
Bây giờ là 4 giờ 45 phút, ngày sắp tàn và mặt trời nhuộm vàng cả bản làng.
Trên sườn núi, Ban Moukhou hiện ra trước mắt chúng tôi thật kỳ lạ và hoàn toàn mới mẻ. Không được bố trí một cách nghệ thuật và không được xây dựng đẹp đẽ, nhưng bản Mẹo đầu tiên thật sự đã để lại trong lòng chúng tôi một ấn tượng  khó phai. Tôi sẽ không quên việc chúng tôi đi đến những túp lều nằm ở giữa bản được làm bằng những tấm ván không được đẽo vuông vức, được lợp bằng rơm rạ lấy ở rừng rú. Không có một bóng người ở trên đường, không có một hoạt động nào của con người, nhưng có một bầy chó lớn, bù xù gần giống với bầy chó ở phương Bắc vừa lao vào chúng tôi vừa sủa điên cuồng. Tôi cúi xuống như để nhặt một viên đá, cả bầy chó đột nhiên mỗi con chạy mỗi nơi vì sợ, vừa trở về túp lều của chúng vừa sủa ăng ẳng và càng sủa lớn hơn.


Người Mẹo (Ảnh của tác giả in trong sách)

Chúng tôi cũng đã đến tận một trong những túp lều nằm cuối bản, trưởng bản yêu cầu những người trong đoàn dừng lại trước mặt túp lều đó. Sau đó, 1 người, 2 người, 10 người và cuối cùng là 20 người, cả đàn ông lẫn phụ nữ xuất hiện, cả một đám đông tò mò, lếch thếch vây quanh chúng tôi, nói chuyện ầm ĩ, khoa chân múa tay. Đó là kiểu người được mô tả bởi hoàng tử Henri d’Orléans trong cuốn vòng quanh Bắc kỳ (Autour du Tonkin). Người Mẹo hẳn là không phủ nhận nguồn gốc của họ là người Trung Quốc, mặc dù có sự khác biệt về trang phục, nhất là trang phục phụ nữ.
Đàn ông mặc áo và quần(2) với những cái ghệt nhỏ che cổ chân(3), tương tự như dải băng của những thợ săn ở núi An pơ. Họ đội khăn trên đầu, đeo vòng bạc ở cổ có khắc một hoặc hai ký tự Trung Quốc trên trang sức và thường những ký tự này họ đeo về phía trước. Phụ nữ khoác lên mình một trang phục đặc biệt hơn, một chiếc váy xếp ly lớn nhưng ngắn che từ thắt lưng đến trên đầu gối, bắp chân để trần hoặc được quấn dải băng như những người đàn ông thường quấn. Chiếc áo khoác ngắn che phần trên của cơ thể, họ thường ăn mặc rất lịch sự ngay cả khi làm việc nhà, đầu được trang trí bởi một chiếc khăn xếp bằng vải sẩm rất rộng, đôi khi là bằng ca rô. Họ búi tóc lên cao có vẻ như để làm duyên làm dáng. Tất cả những người này đều bẩn thỉu hôi hám, khuôn mặt màu vàng của họ bị nhuộm đen bởi bụi bặm.
Chủng tộc Mẹo thường thu hút sự chú ý của những nhà dân tộc học của chúng tôi; chắc chắn rằng nguồn gốc của họ là người Trung Quốc. Người Mẹo là những người du cư, đừng ngạc nhiên khi gặp họ ở rất xa, ở phía Nam, ở Đông Dương. Những ký tự bằng chữ Trung Quốc trên chiếc vòng cổ của họ cho biết rằng bộ tộc này ít ra cũng có liên quan với Đức Chúa trời. Chúng tôi chưa rõ về ý nghĩa của những ký tự khắc trên những chiếc vòng cổ này là gì. Nó có thể là thương hiệu của một nhà buôn hay tên một dòng họ? Ý kiến của tôi vẫn thiên về khả năng thứ nhất. Bởi vì chúng tôi thấy ở Trấn Ninh người Mẹo đồng ý bán những đồ trang sức này và chúng tôi tin rằng một trong số những chiếc vòng cổ của họ chỉ mang ý nghĩa đơn giản là vật tượng trưng cho tài sản.
Theo nhận xét của chúng tôi, chủng tộc người ở Ban Mokhou đúng như những gì mà hoàng tử Henri d’Orléans đã gặp. Với sự giúp đỡ của một số người dân trong bản, tôi có thể ghi chép một từ ngữ, ngoại trừ một dấu hơi khác, từ ngữ mà tôi ghi chép được giống như từ ngữ mà hoàng tử Henri d’Orléans thu thập được trong chuyến du ngoạn của ông ở hai bên bờ sông Đà (Rivière Noire).
Người Mẹo quan sát những vị tân khách của chúng tôi, những chàng trai, lý trưởng và những người Mường mang vác dựng lều tạm trú. Khi mọi việc hoàn tất, chúng tôi đưa cho lý trưởng một vài đồng bạc để phân phát cho người của ông ta và chúng tôi để cho họ đi, chắc chắn họ sẽ hài lòng dọn dẹp sạch sẽ khi những người Âu đi khỏi nơi này.
Trước đây chúng tôi lo lắng về việc chúng tôi đề nghị với trưởng bản Mẹo, không có gì khó khăn, ông ta đã hứa sẽ cung cấp cho chúng tôi số lượng người mang vác cho ngày mai.
Một nghiên cứu nghiêm túc về tất cả những gì xung quanh chúng ta là một điều cần thiết. Sau một vài giờ đi bộ, cách Ta Đo một vài ki lô mét, chúng tôi đã gặp một chủng tộc người hoàn toàn khác với những chủng tộc mà chúng tôi đã nhìn thấy từ trước đến nay.
Đi một vòng quanh bản giúp chúng tôi định hình được đôi chút đời sống sâu kín của người Mẹo. Những túp lều của họ, như chúng tôi đã miêu tả ở đoạn trên được dựng bằng những tấm ván đẽo không vuông vức, được lợp bằng rơm của cây lúa, lá của cây ngô hoặc bằng cỏ hoang, những túp lều này không cao, cũng như những túp lều của người Mường, nhưng chỉ một tầng, sàn nhà được làm bằng đất nện: ở giữa nhà có một bếp lửa, trên bếp lửa có đặt một cái lò đất, chính ở đó là để luộc bắp ngô và nấu ăn.
Một góc đặc biệt có vách ngăn dành cho người bố và người mẹ trong gia đình, trong khi đó những đứa trẻ ngủ chung với nhau trong một căn phòng duy nhất của túp lều.
Người Mẹo phải chung thủy một vợ một chồng và có những phong tục khá gia trưởng. Do thiếu nước nên đã dẫn đến bệnh ghẻ và bẩn thỉu hoành hành khắp cả vùng. Có nhiều nguồn nước sạch trên núi nhưng dân chúng dựng làng khá xa với nguồn nước. 
Dân chúng ở đây hẳn đã nhận ra rằng nguồn nước trên những đỉnh núi cao quá lạnh là nguyên nhân của bệnh bướu cổ và buộc phải đi lấy nước ở xa. Họ cũng chỉ tiêu thụ nước đã hâm nóng, sạch và ít độc hại.
Vật nuôi quen thuộc của người Mẹo là chó và lợn. Đặc biệt, chúng dường như giữ vai trò về sự sạch sẽ của đường sá và nhà cửa. Ban đêm, lợn được nhốt trong chuồng làm bằng cọc gỗ để tránh hổ. Chuồng lợn thường ở cách nhà vài mét, cùng với nhà để lúa và ngô của chủ nhà. Người ta thả những con vật vào buổi sáng, vậy là chúng vào nhà và giành giật những mẫu đồ ăn thừa của gia đình để lại. Lợn của người Mẹo rất giống với lợn có nòi giống của Trung Quốc, má của chúng xệ xuống và phúng phính, mắt híp, đó là những đặc điểm rất đặc trưng của loại lợn này. Chỉ ở vùng Mẹo chúng tôi mới quan sát thấy có lợn màu nâu. 
Người Mẹo chủ yếu trồng ba loại cây sau: cây anh túc, cây lúa ở trên núi và cây ngô. Cây anh túc là một trong những loài cây mang lại sản lượng cao cho tộc người miền núi này, loại cây này chiết xuất thành thuốc phiện, than ôi bán rất chạy cho dân chúng ở vùng thung lũng. Người Mường, người Lào, một vài người Khát bị cám dỗ bởi loại thuốc độc này. Họ đổi thuốc phiện để lấy một lượng lớn muối, gạo trắng và động vật có ích. Đó cũng là cách để người Mẹo có được một đàn bò và một vài con trâu. Nhưng việc buôn bán, trao đổi thuốc phiện càng tăng thì đời sống của người dân vùng thung lũng càng khốn khó. Nếu như thế lực của chúng ta không đến đây để ngăn cản thì sẽ không còn một người dân nào khỏe mạnh trên cao nguyên Xiêng Khoảng. 
Lúa trồng ở trên núi với ngô là lương thực hàng ngày của người Mẹo.
Từ ngô, người dân cũng làm ra một loại rượu mạnh, chính xác hơn là một loại thức uống lên men có mùi vị rất khó chịu và họ đã lạm dụng thứ thức uống này vào tất cả các dịp.
Vào cái đêm mà chúng tôi đến Ban Moukhou, chính chúng tôi cũng là nạn nhân của sự tò mò không đúng cách của người Mẹo và sự bợm rượu của những vị chủ nhà.
Cũng giống như người Trung Quốc, người Mẹo rất tò mò, họ không thể rời xa khu vực xung quanh túp lều của chúng tôi, họ phải nhìn ngó khắp nơi, xem xét kỹ lưỡng mọi thứ của chúng tôi, họ xuýt lên những tiếng ô, a trong ngôn ngữ của họ với âm điệu lớn và không đều.
Nhà vạn vật học tội nghiệp của chúng tôi, Paul Cabot là đau khổ nhất: da của những chú chim và công việc mà anh ấy say mê dường như rất lạ lẫm đối với dân chúng ở đây, họ tụ lại thành đám đông để xem những gì tên điên rồ này làm. Lúc đó, chúng tôi chỉ cho những người đứng đầu đám đông những khẩu súng ca bin bắn liên thanh (Winchesters) của chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ tốt để làm cho họ biết rằng vũ khí có thể tạo nên sức mạnh cho con người. Cuối cùng, màn đêm buông xuống, người làm bếp đến nói với chúng tôi theo kiểu truyền thống “Yen a moyen”, chữ đó được dịch ra là “Ngài Bá tước đã được phục vụ”. Đó là một cách nói thể hiện sự trịnh trọng ở những miền quê vùng núi và chúng tôi nhìn thấy những món ăn chất lượng đã dọn ra.
Sau khi được rào chắn kỹ lưỡng để tránh những kẻ tò mò, chúng tôi vui vẻ ngồi vào bàn ăn. Nhờ vậy mà chúng tôi được yên tĩnh. Chỉ độ chừng mười người thản nhiên vừa hút thuốc bên bếp lửa vừa trò chuyện với chủ nhà, thi thoảng, một trong số họ đi quanh chúng tôi, nhưng người này không dám lại gần, bởi vì chúng tôi làm một cử chỉ tế nhị để chỉ cho anh ta biết rằng ở chỗ chúng tôi chẳng có gì. Bữa cơm tối kết thúc, những chiếc giường ở lều tạm trú đang chờ đợi chúng tôi, nhưng sự khốn khổ của chúng tôi bắt đầu chính nơi đó.
Chúng tôi nhận ra một vài người là khách mời của chúng tôi. Họ dùng những con vật ngoại lai và một loại đặc sản ở nhà để đãi bạn và chúng tôi uống rượu mạnh được nấu từ ngô trong sự im lặng. 
Kể từ khi chúng tôi duỗi người được 15 phút thì nghe những tiếng cười lớn, tiếng nói chuyện ồn ào, tinh thần của những vị khách mời vui vẻ và rượu mạnh của gia chủ chuyền mỗi lúc mỗi nhanh từ tay người này sang tay người khác, từ miệng người này sang miệng người khác, làm cho cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi. Thật vô ích khi chúng tôi đe dọa hoặc tìm cách bắt những vị khách hung tàn này im lặng, những người say rượu không nghe thấy gì nữa. Vào 2 giờ sáng, họ tự quyết định trở về nhà trong tình trạng lảo đảo và thật buồn cười, những chú gà trống trong nhà cất tiếng gáy lớn để chào đón ngày mới, hết một đêm thức trắng do những người say rượu dành cho chúng tôi. (Từ đây đoàn thám hiểm tiếp tục cuộc hành trình của mình trên đất Lào - BT).
(Phạm Xuân Cần sưu tầm, xác minh và giới thiệu
Phạm Thanh Biên dịch)

Chú thích:
1. Nguyên văn: Khởi hành đi đến Meo - Ban Moukhou. Ý tác giả là đến xứ sở của người Mẹo (Mông), tức sang Lào.
2. Nguyên văn "Le keshao" (cái áo) và "le keskouan" (cái quần) (BT).
3. Ý tác giả muốn nói chiếc xà cạp (BT).

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây